3 chữ “P” của giáo dục để đảm bảo quyền được học của học sinh

07:17 | 12/03/2022

59 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh 3 chữ “P” của giáo dục là: Phát triển xã hội - Phục vụ xã hội - Phúc lợi xã hội và quan điểm “trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải có đủ giáo viên để đảm bảo quyền được học của học sinh”.

Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về việc tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngày 11/3.

3 chữ “P” của giáo dục để đảm bảo quyền được học của học sinh
Toàn cảnh hội nghị

Tại Hội nghị, đề xuất, kiến nghị của địa phương tập trung vào các vấn đề liên quan đến đội ngũ giáo viên; cơ sở vật chất phục vụ, trang thiết bị dạy học thực hiện chương trình mới; lựa chọn sách giáo khoa; biên soạn, in ấn tài liệu Giáo dục địa phương… đã được đại diện lãnh đạo các cục, vụ liên quan của Bộ GD&ĐT trao đổi, giải đáp.

Nhấn mạnh 3 chữ “P” của giáo dục là: Phát triển xã hội - Phục vụ xã hội - Phúc lợi xã hội và quan điểm “trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải có đủ giáo viên để đảm bảo quyền được học của học sinh”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý các địa phương cần quan tâm để bảo đảm đủ đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là giáo viên dạy Ngoại ngữ, Tin học ở lớp 3, Âm nhạc, Mĩ thuật ở lớp 10 từ năm học 2022-2023. Vận dụng các giải pháp có thể để đáp ứng yêu cầu này, từ tuyển dụng, hợp đồng, thỉnh giảng, biệt phái…

Cũng liên quan đến đội ngũ giáo viên, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, địa phương cần có cơ chế điều tiết giáo viên dạy liên trường; xây dựng chế độ chính sách cho giáo viên dạy liên trường; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thầy cô, bảo đảm có đủ đội ngũ để đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh. Về phía GD&ĐT sẽ chỉ đạo các trường sư phạm tổ chức các mã ngành, đào tạo giáo viên dạy các môn học đáp ứng nhu cầu thực tế.

Về lựa chọn sách giáo khoa, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ yêu cầu thực hiện minh bạch, khách quan, công bằng; bảo đảm công bằng trong tiếp cận các bộ sách; tôn trọng ý kiến chuyên môn từ cơ sở để chọn được bộ sách phù hợp với điều kiện địa phương, nhà trường. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phát huy tinh thần trách nhiệm để lựa chọn sách giáo khoa theo đúng tinh thần Thông tư 25 của Bộ GD&ĐT.

Việc hoàn thiện tài liệu giáo dục địa phương và tổ chức dạy học nội dung giáo dục địa phương; xây dựng phương án tổ chức dạy học tại cơ sở giáo dục, nhất là các tổ hợp môn học lựa chọn ở lớp 10 và công bố công khai; bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ triển khai chương trình mới, trong đó có phòng máy tính để dạy học môn Tin học… cũng được Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý địa phương.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, đây là lần tiến hành đổi mới rất sâu sắc, rất toàn diện, chuyển đổi về cả cách tiếp cận, định hướng và triết lý. Đổi mới diễn ra với tốc độ rất nhanh, phạm vi tiến hành rộng. Kỳ vọng của Đảng, nhân dân rất cao. Nhưng lại được tiến hành trong bối cảnh nguồn lực tài chính, con người khó khăn, thiếu thốn, trong bối cảnh ngành Giáo dục chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, dẫn tới nguồn nhân lực biến động, thay đổi nhiều…

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị lãnh đạo địa phương quan tâm, vận dụng tối đa và tổng hợp các biện pháp, từ có chỉ tiêu tuyển thêm, dùng ngân sách địa phương cho hợp đồng, đến bố trí dạy liên trường... Trong các giải pháp bước đầu để giải quyết thiếu giáo viên, tiếp tục củng cố dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình, sử dụng bài giảng điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số… là giải pháp được Bộ trưởng lưu ý các địa phương thực hiện.

Với vấn đề cơ sở vật chất, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị các địa phương dùng các biện pháp tổng lực để xử lý vấn đề này. Riêng về việc mua sắm thiết bị dạy học, Bộ trưởng giao các đơn vị chuyên môn của Bộ tham mưu làm việc với Bộ Tài chính để lên một khung giá thiết bị trong danh mục trang thiết bị mà Bộ quy định. Đây là việc cần làm sớm nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong mua sắm thiết bị dạy học, phục vụ đổi mới giáo dục phổ thông.

Trao đổi về vấn đề có tính thời sự hiện nay là phòng chống dịch Covid-19 và đưa học sinh quay trở lại học trực tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị các địa phương kiên trì mục tiêu đưa học sinh quay trở lại trường sớm nhất có thể. Để làm được việc này, cần theo sát diễn biến dịch để có biện pháp kịp thời. Ở những nơi dịch bùng phát mạnh học sinh chuyển sang học trực tuyến, nhưng dịch giảm tới đâu lại huy động học sinh quay trở lại trường tới đó. Ngành Giáo dục các địa phương cần phối hợp với ngành Y tế để thực hiện trên tinh thần bình tĩnh, thực tiễn, thích ứng an toàn. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy tiến độ nhanh nhất tiêm vắc xin cho trẻ từ 5-11 tuổi.

Phú Văn

Nhiều tỉnh thành tạm dừng học trực tiếp vì số lượng F0 tăng caoNhiều tỉnh thành tạm dừng học trực tiếp vì số lượng F0 tăng cao
Đảm bảo an toàn hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dụcĐảm bảo an toàn hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục
"Đưa học sinh quay trở lại trường là tất yếu, không thể khác"