2500 nhà vận động hành lang cho ngành dầu mỏ “đột kích” COP28

13:14 | 09/12/2023

5,420 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - 2.500 nhà vận động hành lang đăng ký tham dự COP28 - con số kỷ lục chưa từng có trong những COP trước đây, như theo lời của tổ chức Kick Big Polluters Out. Trong mắt những tổ chức đấu tranh vì khí hậu như họ, càng có nhiều nhà vận động hành lang, thì hiện diện của họ càng bị lấn át. Trong khi đó, đàm phán vì một hành tinh lành mạnh và bền vững hơn đã là một công cuộc rất khó khăn.
2500 nhà vận động hành lang cho ngành dầu mỏ “đột kích” COP28
2.500 nhà vận động hành lang cho dầu mỏ đăng ký tham dự COP28

Năm nay, số lượng nhà buôn dầu đặt chân đến Dubai cao gấp 4 lần so với những hội nghị về khí hậu trước đây của Liên Hợp Quốc. Đấy là những gì được tiết lộ trong bài nghiên cứu do Global Witness và các tổ chức phi chính phủ (NGO) thuộc liên minh Kick Big Polluters Out – liên minh chuyên về thu thập dữ liệu COP kể từ COP26 ở Glasgow.

Với 2.456 gương mặt uy tín, nhà cố vấn, giám đốc điều hành, chuyên gia tư vấn, nhà thương mại và vô vàn chuyên gia tài chính hoặc kỹ thuật khác… Các nhà vận động hành lang “đổ xô” đến COP28 với số lượng bùng nổ vượt trội so với đợt COP năm trước tại Sharm el-Sheikh. Đáng chú ý: Số lượng “gương mặt” tại COP27 thì lại cao hơn hẳn 25% so với lần tổ chức COP26 ở Glasgow! Thật vậy, nhà vận động thậm chí còn có số lượng đông hơn tổng thành viên của các phái đoàn đến từ 10 quốc gia dễ bị tổn thương nhất vì biến đổi khí hậu: Vỏn vẹn 1.609 người. Vậy mà quy mô của “đoàn rước” này vẫn còn thua xa những phái đoàn của ban tổ chức COP28 - Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) với 4.409 người, và ban tổ chức COP30 – Brazil với 3.081 người.

ExxonMobil, Eni, BP, TotalEnergies...

Hầu hết tất cả những nhà vận động hành lang này đều đến từ các nước phương Tây. Nếu họ được gửi giấy mời tham dự, thì điều này đồng nghĩa rằng họ là thành viên phái đoàn quốc gia. Thế nhưng, họ chỉ tham dự một cách kín đáo, dưới danh nghĩa hiệp hội thương mại, chứ hiếm khi thay mặt cho chính công ty của họ. Vào năm trước, ngay tại gian trưng bày của Hiệp hội Thương mại Khí thải Quốc tế (IETA) - hiệp hội đại diện cho nhiều “ống khói thải” lớn trong ngành dầu khí, là hình bóng của ông Patrick Pouyanné – Lãnh đạo của TotalEnergies kiêm một trong năm công ty dầu khí lớn trên toàn thế giới. Tên ông nằm trong danh sách đại diện cho một tổ chức NGO của Đức tại COP27. Thậm chí, cựu CEO của BP, ông Bernard Looney, cũng tham dự COP27 với tư cách là thành viên phái đoàn của Mauritania.

Còn trong năm nay, với 116 thẻ khách mời, tập đoàn TotalEnergies tiếp tục trở thành gã khổng lồ dầu mỏ với nhiều đại diện nhất tại một COP.

Thật vậy, Pháp đã đến tham dự sự kiện ở UAE cùng với nhiều đại diện của TotalEnergies và EDF. Ông Patrick Pouyanné không có trong phái đoàn. Mặt khác, phái đoàn của Ý có một nhóm đội ngũ đến từ Eni. Phái đoàn của Liên minh Châu Âu thì mang theo cả những nhân viên của BP, Eni và ExxonMobil.

Bức xúc trước tình trạng này, ông Joseph Sikulu - Giám đốc khu vực Thái Bình Dương của tổ chức phi chính phủ quốc tế 350.org, lên tiếng: “Chúng ta đến đây để đấu tranh sinh tồn, rồi chúng ta còn cơ hội nào nếu tiếng nói của mình bị bóp nghẹt vì ảnh hưởng của những kẻ gây ô nhiễm lớn? Tình trạng đầu độc các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hợp Quốc cần phải dừng lại.

Vào tháng 5/2023, 130 nghị sĩ Mỹ và Châu Âu đã gửi một bức thư đến Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Van der Leyen, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và chủ tịch Cơ quan Khí hậu Liên Hợp Quốc Simon Stiell, nhằm bày tỏ lòng phẫn nộ trước hiện diện đông đảo của các nhà vận động hành lang. Họ viết: “Khi các chủ thể của một ngành công nghiệp đầy ô nhiễm - những người muốn duy trì hiện trạng vì lợi ích tài chính, có số lượng tham gia đông hơn cả những phái đoàn của hầu hết các quốc gia khác, thì dĩ nhiên họ sẽ có khả năng làm cản trở các hành động vì khí hậu”.

Trong lá thư đó, họ cũng yêu cầu ông Sultan Al-Jaber, chủ tịch COP28, từ chức ban quản trị Công ty Dầu khí ADNOC của nhà nước UAE nhằm tránh có bất kỳ xung đột lợi ích nào. Vài ngày trước khi khai mạc, kết quả điều tra báo chí cho thấy có nhiều luồng ý kiến lo sợ rằng Tiến sĩ Al-Jaber đã lợi dụng vị trí người tổ chức hội nghị nhằm đảm bảo các hợp đồng dầu khí.

2500 nhà vận động hành lang cho ngành dầu mỏ “đột kích” COP28
Các đại biểu tham dự một phiên họp ở COP28

COP cho ngành năng lượng hóa thạch

Ở một phương diện xa hơn, COP28 đang bị chỉ trích gay gắt vì được tổ chức tại một quốc gia khai thác vàng đen. Chưa kể, UAE có kế hoạch theo đuổi nhiều dự án khai thác mới, đi ngược với lời khuyến nghị của các nhà khoa học từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAE).

Tuy nhiên, những tiếng nói khác, đặc biệt là của những tổ chức phi chính phủ, xem đây là cơ hội nhằm đưa chủ đề này làm trọng điểm của các cuộc tranh luận. Rõ ràng, COP này đã một hội nghị cho ngành năng lượng hóa thạch. Một số người cũng tin rằng, nói về việc thoát khỏi năng lượng hóa thạch mà thiếu nhân vật chính là điều rất khó. Còn về phía Global Witness và Kick Big Polluters Out, họ đang kêu gọi liệt kê những người tự nhận có mối liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp đến lợi ích dầu mỏ vào danh sách “những người không được chào đón” tại các diễn đàn như vậy.

Theo báo cáo công bố ngày 29/11 của Liên Hợp Quốc, lượng khí nhà kính phát thải (với 90% bắt nguồn từ tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch) đã chạm mức kỷ lục 57,4 tỷ tấn CO2 vào năm 2022, tăng 1,2% (0,6 GtCO2) so với năm 2021. Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) đã nêu rõ: Cần phải hạn chế 43% lượng nhiên liệu hóa thạch này vào năm 2030 nhằm có thể làm chậm hiện tượng nóng lên toàn cầu và những tác động thảm khốc của nó.

Ngọc Duyên

AFP