1001 chiêu “chui lủi” của tội phạm trốn truy nã

11:43 | 06/09/2015

1,928 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bằng sự lọc lõi, những tên tội phạm có lệnh truy nã thường chọn những địa bàn xa xôi để lẩn tránh sự truy đuổi của cơ quan chức năng. Tuy nhiên gần đây, không ít đối tượng trốn nã đổi họ thay tên, giả danh người lương thiện tiếp tục gây án khiến cơ quan điều tra gặp không ít khó khăn. Để “dụ rắn ra khỏi hang” và tiến hành bắt giữ cũng như bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân đòi hỏi sự nhạy bén của những trinh sát…  

het thoi doi no thue bang luat rung

Hết thời đòi nợ thuê bằng “luật rừng”?

Theo dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ vừa được Bộ Công an và Bộ Tài chính công bố, Doanh nghiệp phải thông báo cho công an phường trước khi đi đòi nợ thuê. Ngoài ra, phải báo cáo cả danh sách người đi đòi nợ, các phương tiện dùng trong việc đi đòi nợ… Liệu rằng những quy định mới này có ngăn chặn được các kiểu biến tướng đòi nợ như “xã hội đen” đang diễn ra phức tạp trong thời gian vừa qua?

Đi đòi nợ thuê khi trốn truy nã

Hiện Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Bình Định đã di lý Nguyễn Thành Tân (25 tuổi, ngụ TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) từ Quảng Ngãi về địa phương để xử lý về hành vi Cố ý gây thương tích. Trước đó, rạng sáng 10-8, tại phường Trần Phú, TP Quảng Ngãi, Tân bị lực lượng công an 2 tỉnh phối hợp vây bắt khi Tân đang lẩn trốn tại nơi này.

Theo hồ sơ, ngày 29-1, trong lúc đòi nợ thuê tiền thua cá độ bóng đá, Tân đã cùng đồng bọn bắt giữ và dùng ly thủy tinh đập vào đầu anh Huỳnh Ngọc Trọng (ngụ huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) khiến anh Trọng bị thương nặng. Vụ việc xảy ra đến gần 3 tháng sau Công an huyện Tuy Phước đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Đồng phạm của Tân bị bắt, riêng Tân bỏ trốn nên công an ra quyết định truy nã trên toàn quốc.

1001 chieu chui lui cua toi pham tron truy na 1
Dù đang bị truy nã về hành vi cố ý gây thương tích nhưng Nguyễn Thành Tân vẫn hiên ngang “hành nghề” đòi nợ thuê

Đáng lưu ý, trong thời gian lẩn trốn, Tân tìm đến bạn tù ở TP Quảng Ngãi. Tại đây, Tân gia nhập băng nhóm của bạn tù và tiếp tục “hành nghề” đòi nợ thuê cho đến khi bị tóm theo lệnh truy nã.

Cũng trong tháng 8, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, Công an thị xã Hương Thủy đã quyết liệt truy bắt đối tượng Nguyễn Văn Nghĩa (20 tuổi, trú ở xã Tân Sơn, Quỳnh Lưu, Nghệ An) về tội trộm cắp tài sản. Gần đây, đối tượng này thường xuyên trộm cắp xe đắt tiền để bán với giá rẻ rồi dẫn bạn bè vào vũ trường đập phá.

Tại cơ quan điều tra, Nghĩa khai là, khoảng một tháng nay hắn cùng một đối tượng khác đã thực hiện trót lọt 15 vụ trộm xe SH tại tỉnh Gia Lai, Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng. Những xe lấy trộm được cả hai đều dễ dàng bán với giá cao vì có sẵn giấy tờ trong cốp hoặc xe được làm giả rất tinh vi. Một bộ hồ sơ giấy tờ xe làm giả có giá 3 triệu đồng.

Đại tá Võ Thành Kỳ, Trưởng Công an thị xã Hương Thủy cũng cho biết, cơ quan điều tra đang làm rõ hành vi sử dụng súng của Nghĩa để xử lý. Theo Đại tá Kỳ, trước đó đối tượng Nghĩa đang bị 3 lệnh truy nã về tội danh tương tự, trong đó 2 lệnh truy nã do Công an tỉnh Kon Tum ra quyết định và 1 quyết định truy nã của Công an tỉnh Gia Lai. Hiện, cơ quan điều tra đang sớm hoàn tất hồ sơ vụ án để đưa đối tượng ra xét xử trước pháp luật.

Tai mắt nhân dân

Không giống như những kẻ trốn nã khác, Nguyễn Văn Đức (Đức “Cổ Lễ”), trú tại xã Bình Minh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định là chọn cho mình một cách trốn nã là về ngay TP Hà Nội thay vì vượt biên hay những nơi thâm sơn cùng cốc để ẩn mình. Mãi đến cuối năm 2014, Phòng PC45 - Công an TP. Hà Nội mới bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Đức về hành vi tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Được biết thời điểm đó, Đức đang là đối tượng bị Công an quận 1, TP HCM truy nã về tội cố ý gây thương tích.

1001 chieu chui lui cua toi pham tron truy na 2

Đức “Cổ Lễ”

Các trinh sát cho hay, Đức “Cổ Lễ” là một đối tượng giang hồ gốc Bắc di cư vào Nam làm ăn thuộc vào diện “cộm cán” chuyên hoạt động xã hội đen, bảo kê, đòi nợ thuê... tại một số nhà hàng, quán bar trên địa bàn TP HCM. Tháng 6-2014, trong lúc đang ăn tối cùng 3 người bạn tại nhà hàng Sen Đông Dương (phường Tân Định, quận 1, TP HCM), ông Th (42 tuổi, ngụ quận 1, chủ 1 quán bar tại trung tâm TP HCM) và anh Trần Dương T (30 tuổi, ngụ TP Hà Nội) đã bị Đức “Cổ Lễ” cùng 5 đối tượng cầm hung khí xông vào phòng ăn, rút súng ngắn gí vào đầu những người đi cùng ông Th rồi dùng mã tấu nhắm vào ông Th và anh T chém xối xả làm 2 người này gục tại chỗ.

Hậu quả là anh T bị chém 3 nhát đứt gân tay trái và ông Th bị chém 2 nhát ở vùng vai trái. Theo ông Th, đã có lần Đức “Cổ Lễ” quậy phá và đặt vấn đề bảo kê tại quán bar của ông. Sau khi gây án, Đức đã bỏ trốn. Trước ngày bị bắt, Đức vẫn ngông nghênh tại thủ đô và tìm đến nhiều khu vui chơi, giải trí để hành nghề.

Trao đổi xoay quanh những câu chuyện trên, Trung tá Lê Xuân Tố - Phó trưởng Công an huyện Mường Lát, Thanh Hóa - người đã có nhiều chiến công trong các vụ truy bắt tội phạm trốn nã cho biết: “Tội phạm trốn nã và tiếp tục gây án đa phần là những tên trùm ma túy. Chúng rất hung hãn, sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng chống trả lực lượng chức năng”.

Bên cạnh đó, do địa bàn các tỉnh miền núi có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Họ có tâm lý ngại va chạm, sợ bị trả thù nên không dám tố giác tội phạm. Hệ thống tàng thư căn cước của chính quyền địa phương cũng chưa được đầy đủ nên rất khó khăn cho việc tầm nã.

“Để việc bắt giữ tội phạm truy nã đạt kết quả, trên hết là phải dựa vào dân, phát huy thế trận lòng dân. Chúng tôi đã vận động người dân địa phương, đặc biệt là các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong dòng họ tuyên truyền để các đối tượng truy nã ra đầu thú. Bước đầu các giải pháp này đã phát huy hiệu quả”, Trung tá Lê Xuân Tố chia sẻ kinh nghiệm.

Trò chuyện với phóng viên Báo Năng Lượng Mới về những vụ việc đối tượng trốn nã nhưng vẫn tiếp tục gây án, chuyên gia nghiên cứu và điều tra tội phạm Phan Hùng Sơn phân tích, nhiều đối tượng sau khi gây án thường nhanh chóng tìm cách bỏ trốn chứ không đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

1001 chieu chui lui cua toi pham tron truy na
Nguyễn Văn Nghĩa - đối tượng có 3 lệnh truy nã

Chúng thường trốn đến vùng sâu, vùng xa, đồng thời sử dụng nhiều thủ đoạn để lẩn trốn, che giấu tung tích đối phó với sự phát hiện của cơ quan chức năng và quần chúng nhân dân như: Thay đổi tên tuổi, thay đổi đặc điểm nhận dạng, liên tục thay đổi nơi ở, thay đổi cách thức liên lạc, liên hệ với người thân, đồng bọn để đánh lạc hướng xác minh, truy bắt của lực lượng chức năng.

Tuy nhiên, cũng có khá nhiều trường hợp đối tượng không lẫn trốn mà vẫn quanh quẩn ở những địa bàn quen thuộc. Trong quá trình này, không ít đối tượng truy nã tiếp tục phạm tội. Nhiều đối tượng tụ tập, câu kết thành băng ổ nhóm tiếp tục các hoạt động phạm tội. Nguy hiểm hơn, nhiều đối tượng truy nã đã tìm mua các loại vũ khí để sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng, tìm cách tẩu thoát khi bị phát hiện, bắt giữ.

Trên thực tế, không phải kẻ trốn truy nã nào cũng có ý định ra đầu thú, nhất là khi chúng đã “cao chạy xa bay” và tạo được vỏ bọc an toàn. Trong khi, không phải gia đình nào có người phạm tội bỏ trốn cũng nhiệt tình cộng tác với công an vận động người thân quay về chịu án. Có những chuyên án, các trinh sát phải kiên trì giáp mặt với gia đình đối tượng hàng chục lần mà vẫn chưa thấy một “tín hiệu” hợp tác.

Do vậy, để công tác bắt giữ tội phạm có hiệu quả, đòi hỏi những trinh sát phải có sự nhạy bén và bản lĩnh cao để “dụ rắn ra khỏi hang” và tiến hành bắt giữ, đồng thời bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cán bộ, chiến sĩ cũng như người dân.

Quỳnh Nguyễn

Năng lượng Mới 454