10 tỷ USD của Formosa không là gì so với sinh kế của hàng chục triệu dân!

15:57 | 26/04/2016

15,210 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Minh Phong đến từ Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - Xã hội Hà Nội về phát ngôn “gây sốc” của đại diện Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh hôm 25/4.

Formosa tự tạo ra tình huống đầy vô lý

Những ngày này, dư luận còn đang sôi sục trước thực trạng cá chết hàng loạt tại khu vực ven biển Miền Trung, khiến cho đời sống của hàng chục triệu ngư dân rơi vào bế tắc, sinh kế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Khi mà các cơ quan chức năng còn chưa đưa ra kết luận chính thức về nguyên nhân vụ việc, người dân vẫn đang phấp phỏng ngóng chờ thì hôm qua (25/4), ông Chu Xuân Phàm - Giám đốc đối ngoại của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (gọi tắt là công ty Formosa) lại tiếp tục gây bão với phát ngôn đầy thách thức.

10 ty usd cua formosa khong la gi so voi sinh ke cua hang chuc trieu dan
Phát ngôn của ông Chu Xuân Phàm (áo đen) – Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh khi trả lời báo chí đang gây phẫn nộ trong dư luận (Ảnh: IT).

Theo đó, trả lời báo chí về thắc mắc của ngư dân khi cá tôm cạnh khu vực biển mà công ty Formosa xả thải thì cá tôm hay các sinh vật biển khác không thể sống nổi. Trong khi trước khi có dự án xây nhà máy gang thép về đây thì cá tôm vẫn sống bình thường.

Đại diện đối ngoại của công ty này cho rằng, phải biết chấp nhận và chọn hoặc tôm cá, hoặc là chọn nhà máy gang thép hiện đại. Phát ngôn này ngay lập tức hứng chịu sự phẫn nộ từ dư luận cũng như giới chuyên gia.

Khẳng định quan điểm không thể chấp nhận nổi cách lập luận của công ty Formosa, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Cho dù chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân của tình trạng cá tôm chết hàng loạt tại các tỉnh Miền Trung, nhưng phát ngôn của đại diện công ty Formosa rõ ràng là sai. Thể hiện sự thiếu trách nhiệm và vi phạm luật”.

Vị chuyên gia kinh tế dẫn giải, họ (công ty Formosa) đã vi phạm pháp luật của Việt Nam. Bởi lẽ, khi đặt chân đến đầu tư vào lãnh thổ Việt Nam thì họ phải chấp hành nghiêm các quy định, cam kết về đảm bảo độ an toàn về phát thải.

Đồng thời, khi được Bộ Tài nguyên Môi trường cấp giấy phép phát thải ra môi trường thì phải xử lý chặt chẽ và có báo cáo cho chính quyền Việt Nam. Nhưng hiện tại, Formosa lại tự tạo ra tình huống hết sức vô lý.

10 ty usd cua formosa khong la gi so voi sinh ke cua hang chuc trieu dan
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong (Ảnh: IT).

“Rõ ràng, nếu được lựa chọn giữa tôm cá với nhà máy gang thép thì tôi khẳng định 100% người dân sẽ phản đối. Họ nói như vậy có ý rằng nếu không có họ thì người dân Việt Nam sẽ không thể sống được và phải biết hy sinh tôm cá để có gang thép. Nếu tư duy như vậy thì thực sự, họ đã quá coi thường lợi ích và sinh kế của người dân Việt Nam.

Con số 10 tỷ USD tổng vốn đầu tư của Formosa nếu đem so với sinh kế của hàng chục triệu ngư dân sống dọc 28 tỉnh thành ven biển Việt Nam là quá khập khiễng. Không thể chấp nhận được phát ngôn đầy thách thức này”, TS. Phong nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Phong cũng nêu bật vấn đề bảo vệ môi trường là yêu cầu có tính quốc tế. Các điều khoản trong công ước của Hội nghị thế giới về khí hậu năm 2015 (COP 21) cũng đã khẳng định chiến lược phát triển bền vững là nghĩa vụ của doanh nghiệp.

Việc phát triển kinh tế bao giờ cũng phải song hành với cam kết bảo vệ môi trường. Formosa đã vi phạm điều này nhưng vẫn phát biểu như vậy thì đúng là khệnh khạng và thiếu chuẩn cả về kinh tế lẫn văn hóa. Một hành vi không thể chấp nhận.

Lỗ hổng lớn về quản lý môi trường

Nói đi cũng phải nói lại, nếu ta tổ chức giám sát chặt chẽ họ ngay từ khi họ vào đầu tư tại Việt Nam và có cơ chế thanh kiểm tra thường xuyên hoạt động xả thải của họ thì hệ quả có lẽ sẽ khác. TS. Nguyễn Minh Phong cũng thẳng thắn chỉ ra những lỗ hổng “khổng lồ” và sự trùng hợp “khó lý giải” trong cơ chế quản lý môi trường.

10 ty usd cua formosa khong la gi so voi sinh ke cua hang chuc trieu dan
Hình ảnh cá tôm chết hàng loạt ở Hà Tĩnh khiến cho bao ngư dân rơi vào cảnh bần cùng (Ảnh: IT).

Ông đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta lại để cho họ tự quản lý vấn đề xả thải. Sở Tài nguyên môi trường Hà Tĩnh cứ định kỳ hàng tháng đến đây lấy mẫu xét nghiệm nước thải. Tại sao tháng 2, tháng 3 vẫn lấy mẫu bình thường mà tháng 4 khi xảy ra cá tôm chết hàng loạt thì lại không tổ chức lấy mẫu. Liệu có sự trùng hợp ngẫu nhiên đến kỳ lạ như vậy không?

Một năm doanh nghiệp này mới phải làm báo cáo về môi trường gửi đến Bộ Tài nguyên Môi trường một lần. Không có đơn vị, lưu trữ thông số để ta có thể giám sát và bắt lỗi khi cần thiết. Vấn đề trách nhiệm phối hợp và quy trình tiếp nhận của chúng ta cũng đang bộc lộ điểm yếu nguy hiểm.

Hiện tượng cá tôm chết hàng loạt đã xuất hiện cách nay 3 tuần, nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra được lý do tại sao. Điều này phản ánh rất khách quan rằng năng lực kiểm tra còn yếu kém”.

Hiện hàng chục triệu ngư dân ven biển Miền Trung đang ngóng đợi kết luận cuối cùng của các ngành chức năng, nhưng cũng cần phải nói lên vấn đề trách nhiệm quản lý của những cơ quan này đối với quy trình xả thải của Formosa cũng cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc.

Nhật Minh – Thảo Phượng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc