Quản lý chuyển giá và trốn thuế!

10:41 | 11/12/2017

1,337 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lại một “tấm gương” lỗ triền miên trong các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) xuất hiện, đó là Grab. Hoạt động kinh doanh tại Việt Nam từ tháng 2-2014 với vốn pháp định 20 tỉ đồng nhưng liên tiếp các năm 2014, 2015 và 2016 đều báo cáo lỗ. Đến nay, Grab đã báo lỗ lũy kế là 938,2 tỉ đồng. 

Mặc dù lỗ “sạch sẽ” bằng mấy chục lần vốn pháp định nhưng trong mắt của người dùng, Grab vẫn không ngừng mở rộng thị trường, đổ nhiều tiền của vào lĩnh vực quảng cáo và tiếp thị.

Trong tình trạng này, đương nhiên một câu hỏi được đặt ra: Liệu Grab đang lỗ thật hay lỗ giả?

Hẳn nhiều người còn nhớ bài học báo lỗ liên tục 25 năm của Coca-Cola Việt Nam. Khi nhận xét về vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh nói: “Coca-Cola khai lỗ liên tục 25 năm ở Việt Nam nhưng mà lại đầu tư tăng sản lượng lên mấy trăm phần trăm. Một điều dễ hiểu là không có công ty nào lỗ liên tục mà nâng cao được sản lượng lên mấy trăm phần trăm cả. Đây là điều mà người bình thường không thể hiểu được”.

Đến lúc ấy, nhiều người mới ngã ngửa ra rằng, có một “công nghệ” chuyển giá để tránh và trốn thuế ở nước sở tại đã xuất hiện từ lâu trên thế giới.

quan ly chuyen gia va tron thue

Vậy, chuyển giá là gì?

Theo các chuyên gia, chuyển giá được hiểu là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên trong tập đoàn qua biên giới không theo giá thị trường nhằm tối thiểu hóa số thuế của các công ty đa quốc gia trên toàn cầu.

Bản chất của hoạt động chuyển giá là việc lựa chọn nơi ưu đãi nhất để nộp thuế của một doanh nghiệp mà không làm trái các quy định pháp luật hiện hành. Như vậy, chuyển giá là một hành vi do các chủ thể kinh doanh thực hiện nhằm thay đổi giá trị trao đổi hàng hóa, dịch vụ trong quan hệ với các bên liên kết. Hành vi ấy có đối tượng tác động chính là giá cả. Sở dĩ giá cả có thể xác định lại trong những giao dịch như thế xuất phát từ mấy lý do sau:

Một là, xuất phát từ quyền tự do định đoạt trong kinh doanh, các chủ thể hoàn toàn có quyền quyết định giá cả của một giao dịch. Do đó, họ hoàn toàn có quyền mua hay bán hàng hóa, dịch vụ với giá họ mong muốn.

Hai là, xuất phát từ mối quan hệ gắn bó chung về lợi ích giữa nhóm liên kết nên sự khác biệt về giá giao dịch được thực hiện giữa các chủ thể kinh doanh có cùng lợi ích mà không làm thay đổi lợi ích toàn cục.

Ba là, việc quyết định chính sách giá giao dịch giữa các thành viên trong nhóm liên kết không thay đổi tổng lợi ích chung nhưng có thể làm thay đổi tổng nghĩa vụ thuế của họ. Thông qua việc định giá, nghĩa vụ thuế được chuyển từ nơi bị điều tiết cao sang nơi bị điều tiết thấp hơn và ngược lại. Tồn tại sự khác nhau về chính sách thuế của các quốc gia là điều không tránh khỏi do chính sách kinh tế - xã hội của họ không thể đồng nhất, cũng như sự hiện hữu của các quy định ưu đãi thuế là điều tất yếu. Chênh lệch mức độ điều tiết thuế vì thế hoàn toàn có thể xảy ra.

Ở Việt Nam những năm qua, hàng loạt doanh nghiệp FDI thi nhau báo lỗ, như Coca-Cola, PepsiCo, BigC, Metro, Lotte... Tình trạng này đã diễn ra suốt một thời gian dài, khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn và lo ngại về tình trạng chuyển giá, trốn thuế tại các doanh nghiệp này. Và đương nhiên đến nay, Grab cũng sẽ ở trong vòng ngắm của các cơ quan chức năng.

Về bản chất, Grab là ứng dụng vận chuyển trên nền tảng điện thoại thông minh. Người sử dụng có thể dùng ứng dụng để đặt xe (taxi, ôtô, xe máy) đi từ điểm này đến điểm khác với giá cước biết trước và có được xe trong thời gian ngắn nhất. Grab hiện đang có mặt tại 6 nước Đông Nam Á: Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam với hàng chục triệu người dùng và hàng trăm ngàn tài xế.

Theo số liệu báo cáo của Grab, tổng doanh thu của doanh nghiệp này trong năm 2014, 2015 và 2016 là 1.755 tỉ đồng. Số thuế mà Grab đã kê khai và nộp là hơn 9,6 tỉ đồng. Cục Thuế TP HCM đã thanh tra việc chấp hành thuế của Grab trong 3 năm qua. Kết quả, doanh nghiệp này đã bị xử lý 2,961 tỉ đồng, trong đó tiền thuế bị truy thu là 2,286 tỉ đồng.

Một lãnh đạo của Cục Thuế TP HCM cho biết, đến nay, Grab đã nộp đủ.

Tuy nhiên, câu chuyện vẫn chưa kết thúc tại đây, bởi vì rằng, chưa có bất cứ kết luận nào của cơ quan chức năng khẳng định về sự minh bạch trong việc hạch toán lỗ của Grabcar hiện nay.

Công bố kết quả thanh tra tài chính của 9 tháng đầu năm nay, Thanh tra Tổng cục Thuế thông tin, toàn ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 217 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết. Nhờ đó truy thu, truy hoàn và phạt 575,75 tỉ đồng; giảm lỗ 2.635,91 tỉ đồng; giảm khấu trừ 15,5 tỉ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 1.811,17 tỉ đồng.

Nguyễn Long Vân