Nhà văn nói gì về kết quả Đại hội Nhà văn

14:26 | 11/07/2015

4,467 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngay khi Đại hội Nhà văn lần thứ IX chưa kết thúc, PV báo Năng lượng Mới đã có một số cuộc phỏng vấn ngắn với một số nhà văn, nhà thơ. Và đây là những ý kiến rất tâm huyết, đầy trăn trở, lo lắng cho tương lai của Hội Nhà văn Việt Nam cũng như nền văn học nước nhà. Xin giới thiệu với bạn đọc.
“Bi kịch” chuyện bầu bán ở Đại hội Nhà văn IX “Bi kịch” chuyện bầu bán ở Đại hội Nhà văn IX
Choáng với kết quả bầu cử BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX Choáng với kết quả bầu cử BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX

1- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Nhà văn nói gì về kết quả Đại hội Nhà văn

Nhà thơ Quang Thiều và nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ

PV: Thưa nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, xin ông cho biết cảm xúc của ông sau khi công bố kết quả bầu cử BCH Hội nhà văn khóa IX?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi có thể nói ngắn gọn là vừa vui, vừa lo và vừa tiếc nuối.

ĐH đã làm việc rất nghiêm túc để bầu ra những người xứng đáng, nhưng số lượng BCH được bầu ra quá ít, lại chỉ tập trung ở một khu vực. Chúng ta cần có đại diện của các vùng, miền, như TP HCM là một thành phố lớn, cần có trong BCH, hay khu vực miền Trung, hay là giới tính nữ cũng cần có và các đại biểu dân tộc.

Đã 2 nhiệm kỳ gần đây không có đại biểu dân tộc nào trong BCH. Đại hội đã làm việc nghiêm túc, nhưng chưa nghĩ đến cái rộng hơn. Nếu có đầy đủ như vậy thì việc gánh vác hay chia sẻ công việc trong BCH sẽ tốt hơn. Bây giờ chỉ có 6 người, công việc thì chồng chất lên rất nhiều. Chồng chất nhiều công việc như vậy thì dù có nỗ lực bao nhiêu cũng sẽ luôn bị cản trở bởi khối lượng công việc. Chúng tôi đang tìm cách để các liên chi hội, các hội đồng cùng các ban khác để có chính sách theo điều lệ là bổ sung thêm BCH, để BCH có một đội ngũ tương đối, cùng với các cộng tác viên và các cơ quan cấp dưới đắc lực nhất để hoàn thành sứ mệnh.

Cho đến bây giờ, sứ mệnh văn học đặt ra mỗi lúc một khác hơn, đặc biệt hơn trong những biến động về chính trị, về xã hội và nhiều vấn đề khác.

PV: Thưa ông, điều gì sẽ xảy ra nếu như một số chi hội lớn, đang có ảnh hưởng sâu rộng tới nền văn học nước nhà như Chi hội nhà văn TP HCM, Chi hội nhà văn Hà Nội hoặc ở một khu vực miền Trung không có người tham gia BCH?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Đương nhiên là sẽ có những ảnh hưởng tới việc thực thi, triển khai các Nghị quyết của Đại hội một cách kỹ lưỡng, sâu sát đến tận từng hội viên. Do đó, BCH sẽ tìm một phương pháp, một cách hóa giải khác để làm sao cho tất cả các nghị quyết của BCH, các đường lối, chính sách, cũng như những dự án lớn trong năm tới của BCH có thể thực hiện được. Đó là vấn đề của từng cấp hội cơ sở và phải tìm một cách đặt trách nhiệm và quyền lực của mỗi cấp hội cao hơn nữa, để họ có thể giúp BCH thực hiện được những điều mà BCH đề ra.

2-Nhà văn Nguyễn Khắc Trường

Nhà văn nói gì về kết quả Đại hội Nhà văn
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường

PV: Thưa nhà văn Nguyễn Khắc Trường, qua kết quả bầu BCH Hội Nhà văn vừa được công bố, nhiều ý kiến cho rằng đây là một sự “thất bại" của Hội Nhà văn Việt Nam trong việc bầu ra một BCH. Ông có suy nghĩ gì về ý kiến đó?

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường: Tôi cho là các đại biểu đã lựa chọn một cách kỹ lưỡng nghiêm túc, nghiêm khắc, chứ không phải cảm tính gì đâu. Vì chúng ta đã quá hiểu nhau, hiểu nhau đến mấy chục năm. Không phải ngẫu nhiên mà lại có kết quả BCH chỉ có 6 người như vậy. Những người được bầu vào BCH là những người đang làm việc một cách có trách nhiệm với công việc và với Hội Nhà văn. Với tôi, tôi thấy như vậy là được.

PV: Thưa nhà văn, ông có suy nghĩ gì khi lớp trẻ hiện nay không có mặt trong BCH?

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường: Có lẽ với số hội viên rất cao tuổi thì một đại biểu như Nguyễn Bình Phương cũng có thể được gọi là trẻ rồi. Nhưng tất nhiên là như vậy thì ít.

3-Nhà văn Nguyễn Văn Thọ

Nhà văn nói gì về kết quả Đại hội Nhà văn
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ

PV: Thưa nhà văn Nguyễn Văn Thọ, ông suy nghĩ như thế nào về việc số lượng BCH quá ít và thiếu vắng đại biểu của các trung tâm văn học lớn như Hà Nội, TP HCM, miền Trung?

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Có 2 điều cần quan tâm.

Thứ nhất, Đại hội đã bầu ra BCH thì đây là trách nhiệm của mỗi đại biểu đi dự. BCH Hội Nhà văn chỉ có 6 người và thiếu vắng hẳn lớp trẻ, điều này chứng tỏ các nhà văn chưa tin vào đội ngũ trẻ. Việc chúng ta lãnh đạo, hướng dẫn, giới thiệu các nhà văn trẻ còn thiếu và yếu nên các đại biểu chưa nhìn thấy được.

Thứ hai là tình trạng chung trong ĐH vẫn là sự quen biết nên tín nhiệm thôi chứ chưa có quảng bá, như vậy là thiếu sự đọc của nhau. Ở TP HCM hay miền Trung, tôi nhìn ra nhiều gương mặt có thể xứng đáng có mặt trong BCH, nhưng họ lại không được bầu, mà chỉ tin những người là các lãnh đạo của Hội Nhà văn. Theo tôi, đó không chỉ là thiếu sót của BCH cũ, mà còn thiếu sót ở ngay trong từng đại biểu. Chúng ta chưa tìm hiểu nhau để có thể bầu ra những người có tài, có tâm đối với Hội Nhà văn Việt Nam.

PV: Thư nhà văn, với một BCH có vẻ khập khiễng như thế này, liệu tương lai của Hội Nhà văn Việt Nam sẽ như thế nào?

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Về mặt sáng tác, chúng ta đều cùng nhận thấy rằng điều đó thuộc về cá nhân từng nhà văn, nhà thơ. Trong Đại hội này, tôi không trả lời câu hỏi này, nhưng tôi muốn nói rằng lẽ ra chúng ta phải bàn sâu về việc nhà văn lãnh đạo, giúp đỡ các nhà văn sáng tác mới như thế nào… Rất tiếc điều đó thì không bàn đến, chúng ta mất quá nhiều thời gian tập trung vào chuyện bầu cử. Đó là mặt còn yếu của ĐH lần này.

4-Nhà thơ Đỗ Trung Lai

Nhà văn nói gì về kết quả Đại hội Nhà văn
Nhà thơ Đỗ Trung Lai

PV: Thưa nhà thơ Đỗ Trung Lai? Ông có suy nghĩ gì về tương lai của Hội Nhà văn thời gian tới đây không?

Nhà thơ Đỗ Trung Lai: Tương lai xa thì tôi không đoán được, nhưng tương lai gần thì có vẻ như phân cực, phân tâm khi TP HCM, Hà Nội, và khu vực miền Trung không có đại biểu trong BCH. Có lẽ tính toàn quốc của Hội không được quan tâm nhiều nữa. Vai trò của Hội có lẽ đang suy giảm dần, không còn như ngày xưa, nên người ta không quan tâm đến chuyện tổ chức ĐH như thế nào. Nhiều người nói với tôi rằng người ta gặp nhau cho vui, chứ có bàn gì về chuyên môn đâu.

5-Nhà thơ Hữu Việt

Nhà văn nói gì về kết quả Đại hội Nhà văn
Nhà thơ Hữu Việt

PV: Thưa anh Hữu Việt, xin anh cho biết cảm xúc sau khi 2 ngày Đại hội nội bộ và buổi công khai hôm nay, cũng như suy nghĩ của anh về BCH Hội nhà văn nhiệm kì IX được công bố?

Nhà thơ Hữu Việt: Cảm xúc chung của 2 ngày Đại hội bộ là đây là một Đại hội rất dân chủ, mọi ý kiến đều được trình bày thẳng thắn và được lắng nghe. Tôi không có cảm giác bị sức ép hay áp đặt nào đó từ bất cứ phía nào. Đai hội lần này cũng khá văn minh, mọi người cư xử với nhau hòa nhã và đúng theo quy định của Đại hội đã đặt ra từ trước. Những chuyện tán phát tài liệu, nói xấu nhau hoặc những xung đột cá nhân đều không có (mặc dù có 1 trường hợp nhưng hết sức lạc lõng và tất cả các nhà văn mà tôi biết đều rất phản đối). Nhìn chung không khí Đại hội năm nay dân chủ và vui.

Còn xung quanh kết quả BCH, những người được bầu vào BCH đều rất xứng đáng và là những nhà văn tiêu biểu hiện nay. Nhưng những tiêu chí ban đầu được đặt ra để có thể có được BCH đáp ứng những kỳ vọng của anh em nhà văn thì chưa đạt được. Những tiêu chí đó là: độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, vùng miền… Tất cả các tiêu chí đều không đạt được. Đó là nỗi không thỏa mãn chung của tất cả anh em.

Vậy tại sao lại không đạt được?

Đó là câu hỏi mọi người đều đang thắc mắc. Cá nhân tôi cho rằng công tác tổ chức là cực kỳ phức tạp. Đặc biệt là các nhà văn là những người hết sức cảm tính. Nếu như họ có cảm giác một cái gì đó cũ kĩ, không hứa hẹn sự thay đổi thì sẽ có xu hướng chống lại. Năm nay, Đại hội đưa ra danh sách các nhà văn được thăm dò, tôi nghĩ là cách làm này không được chính xác. Bởi vì nhiệm vụ và quyền hạn của BCH cũ là giới thiệu với Đại hội một danh sách các nhà văn đáp ứng được những tiêu chí phát triển văn học và những đòi hỏi trong công việc của BCH trong thời gian tới. Nhưng cách làm lần này hơi máy móc. Dường như BCH (khóa VIII) chỉ làm một việc là thống kê một cách đơn giản là thăm dò ở các Đại hội cơ sở, rồi xếp danh sách từ cao xuống thấp. Trong khi đó, tiêu chí đặt ra đòi hỏi sự can đảm, quyết tâm, tinh thần trách nhiệm và trí tuệ thì mới đưa ra được những thành viên tiêu biểu nhất cho Đại hội lựa chọn. Ví dụ như có thành viên có thể không đạt số phiếu cao nhất, nhưng đáp ứng được tiêu chí của công việc sắp tới thì BCH phải có can đảm nhìn ra điều đó.

Theo tôi, đó chính là nguyên nhân mà BCH khóa này có số lượng quá ít, tập trung ở HN và số người trẻ quá ít, người trẻ nhất cũng gần 50 tuổi rồi.

PV: Thưa ông, có nhiều nhà văn băn khoăn là với BCH nhiệm kỳ mới như thế này, việc lãnh đạo, điều hành công tác Hội trong thời gian tới đây sẽ rất khó khăn?

Nhà thơ Hữu Việt: Lẽ dĩ nhiên là với một Hội có trên 1.000 Hội viên mà chỉ có 6 ủy viên BCH thì quá ít. Nhưng điều này đã có tiền lệ trong quá khứ khi chúng ta chỉ bầu ra được BCH có 6 người và sau đó bổ sung.

Theo tôi được biết thì BCH có thể bổ sung thêm số lượng thành viên không quá 10% số thành viên BCH. Rõ ràng đây là một thách thức rất lớn với BCH. Chúng ta phải tạo ra cơ chế làm việc với Hội đồng chuyên môn và các chân rết của BCH và phải trao cho họ quyền hạn nhất định để họ cùng tham gia điều hành với BCH. Tôi cho rằng đây là một bài toán khó đối với BCH mới.

Như Thổ

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc