Nguyên viện trưởng nghiên cứu chiến lược nói về 'sân chơi TPP'

09:19 | 09/10/2015

2,767 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - “Để tham gia ký kết Hiệp định thương mại Việt – Mỹ thì chúng ta đã phải nhiều lần “nhấc lên đặt xuống” rồi mất tới 7 – 8 năm tham gia đàm phán mới ký kết thành công. Đàm phán TPP lần này đã vượt những kỳ vọng của chúng ta”, Thiếu tướng Lê Văn Cương nói.

Vừa qua, tại thành phố Atlanta (Mỹ), vòng đàm phán cuối cùng của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương – gọi tắt là TPP giữa đại diện thương mại của 12 nước thành viên đã đạt được thỏa thuận cuối cùng. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng dẫn đầu tham gia hội nghị.

Sau khi thông tin trên được công bố, nó đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế cũng như trong nước.

Báo điện tử PetroTimes đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an để nhận định những bước đi tiếp theo của Việt Nam trong việc đón đầu những lợi thế khi tham gia hiệp định quan trọng này vào thời gian tới.

nguyen vien truong nghien cuu chien luoc noi ve san choi tpp
Hình ảnh đại diện thương mại 12 nước thành viên đàm phán TPP kết thúc vòng đàm phán cuối tại Atlanta, Mỹ hôm 4/10. (Ảnh: TTXVN).

P.V: Ông đánh giá như thế nào về sự kiện mang tính lịch sử trên khi mà phải qua tới hơn 5 năm nỗ lực đàm phán thì Việt Nam và 11 nước đối tác trong Hiệp định TPP mới chính thức đạt được một thỏa thuận?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đứng dưới góc độ của một nhà nghiên cứu chiến lược, tôi đánh giá đây là một bước đi cực kỳ sáng suốt của lãnh đạo Việt Nam.

Bởi, ngay từ năm 2009 Việt Nam mới nhận lời mời tham gia đàm phán và đến đầu năm 2010 thì chính thức tham gia đàm phán. Trong vòng hơn 5 năm tham gia đàm phán một cách kiên trì, tích cực và không ngừng thì cuối cùng, một thỏa thuận mang tính chất lịch sử giữa đại diện thương mại của 12 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam đã hình thành.

Điều này sẽ dọn đường cho một cơ chế hợp tác thương mại và đầu tư ở tất cả các mặt từ Kinh tế, Chính trị, An ninh cũng sẽ được hình thành.

Trước đó, để tham gia ký kết Hiệp định thương mại Việt – Mỹ thì chúng ta đã phải nhiều lần “nhấc lên đặt xuống” rồi mất tới 7 – 8 năm tham gia đàm phán mới ký kết thành công. Tham gia đàm phán TPP lần này đã vượt kỳ vọng về thời gian đàm phán.

P.V: Có ý kiến cho rằng với vị trí hiện tại của Việt Nam, khi gia nhập Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới này sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ bên cạnh các ưu đãi về thuế quan. Vấn đề này nên được tiếp cận như thế nào thưa ông?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Lợi ích của việc tham gia TPP đối với Việt Nam trên lĩnh vực kinh tế thương mại là khá rõ ràng.

TPP là một sân chơi của cơ chế thị trường có quan hệ bình đẳng về lợi ích.

nguyen vien truong nghien cuu chien luoc noi ve san choi tpp

Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an.

Xét về điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay, chúng ta cũng nên nhìn nhận một cách khách quan nhất. Nền kinh tế của chúng ta về cơ bản là thấp kém hơn nhiều so với các nước thành viên khác trong TPP.

Đơn cử như trong lĩnh vực nông nghiệp. Chúng ta có thể nói là đã “thua ngay trên sân nhà” khi mà giá thịt gà ở Việt Nam luôn cao hơn 30% so với giá thịt gà ở các nước khác.

Nền công nghiệp của ta hiện vẫn chưa phát triển cân đối nếu không muốn nói là què quặt. Những tiến bộ về công nghệ, thông tin lấy gần 80% là của Trung Quốc.

Sau gần 30 năm đổi mới, ta mới chỉ nội địa hóa được khoảng 10% các thiết bị của ngành công nghiệp ôtô.

P.V: Vậy theo ông, các bước chuẩn bị của chúng ta trong vòng 5 năm qua đã hiệu quả chưa và Việt Nam cần thực hiện những bước đi như thế nào trong thời gian tới nhằm biến những lợi thế của mình - với tư cách là thành viên TPP để tạo cú hích cho nền kinh tế - xã hội?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Chúng ta đã mất 5 năm để đàm phán TPP nhưng, xem ra các bước chuẩn bị cho việc gia nhập sân chơi mới đầy triển vọng này vẫn còn khá nhiều điểm bất cập.

Đặc biệt, trong bối cảnh quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam với Mỹ, Nhật – hai cường quốc hàng đầu thế giới đã và đang có những bước tiến vượt bậc.

Tham gia TPP, Việt Nam sẽ phải tuân thủ theo những điều khoản công bằng mà các nước thành viên khác cũng ký kết để tạo ra một cộng đồng thương mại chiếm tới 40% GDP của thế giới.

Một lĩnh vực cực kỳ quan trọng là sản xuất ôtô thì giá bán tại Việt Nam luôn cao ngất ngưởng. Trong khi với một chiếc ôtô Kia của Hàn Quốc chỉ bán với giá 3.000 – 4.000 USD/chiếc.

Tại một cuộc hội thảo do Bộ Khoa học & Công nghệ cùng với Bộ Công nghiệp nặng đồng chủ trì từ năm 1992 tại Hà Nội, tôi và một số đại biểu kiến nghị xây dựng lò luyện thép đặc biệt để sản xuất được vòng bi ổ trục ôtô. Từ đó làm chủ công nghệ thép cắt gọt nhưng đến nay vẫn không có ai làm cả.

Các dẫn chứng trên cho thấy rằng, thách thức mà Việt Nam sẽ phải đương đầu là không hề nhỏ. Nhất là ở các lĩnh vực như công nghiệp, cơ khí.

Đổi mới thể chế, cơ chế quản lý kinh tế theo hướng chuyên môn hóa và hiệu quả hơn sẽ là chìa khóa để trong vòng 18 tháng nữa, khi Quốc hội phê chuẩn thì Việt Nam mới tận dụng tốt vai trò thành viên của TPP.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Thảo Phượng - Nhật Minh