Treo niêu mà... bảo vệ rừng!

06:46 | 21/07/2012

1,646 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Mặc dù Chính phủ đã có quy định rõ ràng về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nhưng do trục trặc trong khâu thu phí, mà dân nghèo tham gia bảo vệ rừng đã khổ lại càng túng thiếu…

Tỉnh Kon Tum có 656.820ha rừng, độ che phủ của rừng chiếm 67,8% diện tích tự nhiên thuộc hàng cao nhất nước, góp phần tích cực vào việc điều hòa dòng chảy cho 12 nhà máy thủy điện lớn nhỏ trên các con sông Pô Kô, Sê San... Thế nhưng, đến nay người dân và các chủ rừng trên địa bàn tỉnh hầu như vẫn chưa được thụ hưởng lợi ích gì từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR).

Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 380/QĐ-TTg về chính sách thí điểm chi trả DVMTR. Theo Bộ NN&PTNT, sau hơn 2 năm thực hiện thí điểm, dự tính số phí thu được khoảng 700 tỉ đồng, nhưng thực tế mới thu được 240 tỉ. Nghị định 99 tiếp tục có hiệu lực từ ngày 1/1/2011. Theo đó, khoản phí lớn thu được chủ yếu từ các nhà máy thủy điện với mức tính 20 đồng/kWh điện thương phẩm, khoản phí nhỏ từ các cơ sở cung cấp nước sinh hoạt và đơn vị kinh doanh du lịch. 20% phí thu được để quản lý, tổ chức hoạt động cho Quỹ Bảo vệ & Phát triển rừng (BV&PTR), 80% để trả công bảo vệ rừng cho cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn, bản.

Ông Trần Văn Đức, Phó giám đốc Quỹ BV&PTR tỉnh Kon Tum (Quỹ KT) cho biết: Theo quy định, năm 2011, Quỹ KT dự kiến thu được khoảng 120 tỉ đồng phí, trong đó thu từ các nhà máy thủy điện trực thuộc EVN 104 tỉ, từ các nhà máy bán điện cho EVN 16 tỉ. Thế nhưng, mãi cho tới nay, Quỹ KT chỉ mới thu vẻn vẹn được có hơn 2,7 tỉ đồng phí từ Nhà máy Thủy điện PleikRông và 10 tỉ đồng tạm ứng từ Quỹ BV&PTR Việt Nam (Quỹ VN). Còn lại cả trăm tỉ đồng vẫn còn nằm trên… giấy, trong các hợp đồng chi trả DVMTR nhưng đang khất nợ, dưới các hình thức: ủy thác cho Quỹ VN thu đối với các nhà máy thủy điện có lưu vực từ hai tỉnh trở lên; thu trực tiếp đối với các nhà máy có lưu vực nằm gọn trong phạm vi tỉnh Kon Tum, thu gián tiếp qua EVN đối với các nhà máy trực thuộc EVN. Trong đó, con nợ lớn nhất vẫn là EVN, dẫn đến các chủ rừng là tổ chức và cá nhân, cộng đồng dân cư nhiều tháng qua chưa có tiền lương, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người giữ rừng, khiến nhiều hoạt động quản lý và bảo vệ rừng bị ngưng trệ.

Khó khăn tương tự cũng diễn ra đối với hàng vạn hộ dân nghèo từng hy vọng sống được bằng khoản phí bảo vệ rừng lẽ ra đã được chi, dù chỉ ở mức vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng trên mỗi hécta rừng mà họ tham gia bảo vệ, tại phần lớn các tỉnh đã sớm thành lập Quỹ BV&PTR như Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu, Bình Thuận, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế…

Riêng Đắk Nông, tỉnh nhỏ có tới… 22 nhà máy thủy điện, Quỹ BV&PTR tỉnh dự kiến năm 2012 trực tiếp thu và truy thu phí BV&PTR riêng với 8 nhà máy và 2 hệ thống cấp nước chỉ khoảng 22 tỉ đồng. Còn một số nhà máy chưa gượng dậy nổi dưới gánh lãi nợ ngân hàng vẫn tiếp tục xin khất hạn nộp phí.        

Phụ lục hướng dẫn thực hiện giá bán điện ban hành kèm theo Thông tư số 42/2011 của Bộ Công Thương cho thấy: trong 21 thông số đầu vào để tính giá bán điện năm 2012 của EVN, có “một phần chi phí dịch vụ môi trường rừng trong năm 2011 là 522 tỉ đồng” .

Một cán bộ Văn phòng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho rằng, khoản nợ Quỹ BV&PTR VN của EVN đã phát sinh từ năm 2009, sau khi Chính phủ ban hành Quyết định 380/2008. Khoản nợ này tích lũy đến đầu năm 2012 vượt hơn con số 550 tỉ đồng. Với lý do khó khăn về vốn, EVN đã nhiều lần xin lùi thời hạn nộp tiền DVMTR nhưng Thủ tướng vẫn chỉ đạo kiên quyết buộc EVN phải trả.

Được biết, đến nay Quỹ BV&PTR VN vẫn chỉ mới thu được khoảng 150 tỉ đồng trên tổng số hơn 500 tỉ đồng phí phải thu để chi cho hoạt động của Quỹ BV&PTR các địa phương. 

Hoàng Thiên Nga

(Năng lượng Mới số 139, ra thứ Sáu ngày 20/7/2012)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc