Lao động nghèo và đám cưới trong mơ...

20:09 | 07/02/2013

777 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Thời buổi tiền lương eo hẹp, những người làm công việc tự do chật vật mưu sinh. Ăn không dám ăn ngon, đến yêu đương, lập gia đình cũng lâm vào “khủng hoảng”.

“Chẳng dám tương tư”

Trong chiếc lán dựng bằng gỗ tạm bợ bên đường Hồ Tùng Mậu, Hùng khom lưng, tay lấy que gẩy củi đun siêu nước. “Căn nhà” không có cửa, gió thông thống thổi qua. Vật liệu xây dựng nằm ngổn ngang, bừa bãi trong căn phòng ọp ẹp. Phía sau nhà, một “biển rác” mênh mông.

Đỗ Du Hùng sinh năm 1980, quê ở Đoan Hùng, Phú Thọ. Anh làm nghề vận chuyển vật liệu xây dựng. Cái lán anh đang ở do nhà chủ dựng nên, vừa là nơi chứa vật liệu, vừa tận dụng làm chỗ ăn ngủ cho anh và một người cùng làm khác.

Công việc vất vả và bụi bặm. Hùng thường thức dậy lúc 6 rưỡi sáng và kết thúc giờ làm việc khi trời đã tối. Lương tháng tính ra được khoảng 5 triệu đồng.

Anh Hùng đun bếp trong lán công nhân

Hàng ngày, nhà chủ sẽ thông báo địa điểm và số lượng vật liệu cần chuyển. Sau đó cả đội gần chục người kéo xe tay đến tận nơi cần giao hàng. Tối đến, những người khác chạy xe về nhà, chỉ còn Khánh và Hùng ở lại. Hai chiếc giường, một ngoài một trong chiếu chăn bừa bộn. Đêm trằn trọc ngủ không ngon giấc vì gió lạnh rít bên tai. Hai người không dám nằm chung cho đỡ rét vì còn phải canh chừng kẻ trộm. “Vừa ngủ vừa phải đề phòng, hễ có tiếng động lại giật mình thon thót” – Hùng chia sẻ.

5 triệu ở quê là to, nhưng so với đất Hà Nội này chẳng thấm vào đâu. Đủ thứ phải chi tiêu, anh chẳng bỏ ra được đồng nào tiết kiệm. Tháng nào tiêu lỡ tay, anh phải ứng lương và dè xẻn từng đồng.

Bố mẹ Hùng sinh được 4 người con, Hùng là con út. Các anh chị đều đã thành gia lập thất, chỉ riêng Hùng là vẫn “bơ vơ”. Thương bố mẹ già nua nhưng có lẽ “Tết sẽ biếu các cụ trăm lá dong gói bánh” – anh nói đùa.

Hỏi về chuyện tình yêu, Hùng chỉ nhìn bếp lửa bảo rằng: “Tôi thế này có ai mà muốn yêu, nói chi là lấy”.

Chỗ ngủ thông ra phía ngoài không bao giờ có cửa đóng

Anh thanh niên đen đúa, tay chân to bản và thô ráp nói tiếp: “Thật tình tôi cũng chẳng dám nghĩ đến ai, vì biết chắc họ chẳng thương mình được. Nhiều lúc bố mẹ cũng giục, nhưng tôi cũng chỉ biết ậm ừ”.

Đồng lương eo hẹp, nuôi thân đã khó khăn, gánh thêm cả một gia đình là điều không hề đơn giản. Cái ước vọng về tình yêu thương của một người đàn bà cứ mong manh như làn khói, khẽ bay ra từ căn phòng ọp ẹp.

“Nhắm mắt cưới liều”

Hiếu gặp Hương khi anh chuyển sang công ty chị làm việc. Nhà chị ở Hà Tây. Gia đình anh lại mãi tít trong Vinh. Ngày ấy, lương tháng chị vỏn vẹn 1,7 triệu đồng. Anh khá khẩm hơn, được 1,9 triệu.

Biết chị yêu anh, bố mẹ tìm đủ mọi cách can ngăn, hết khuyên răn lại chuyển sang dọa nạt. Một bữa, anh cầm tay chị bảo: “Lấy anh là khổ lắm, em có chịu được không?”. Chị quả quyết bảo rằng: “Sướng cùng hưởng mà khổ thì cùng chia”. Cuối cùng đất cũng phải chịu trời, nhưng hai người lại phải đối mặt với một mối lo khác là tiền bạc.

Anh Hiếu cùng con gái trong phòng trọ gia đình

Lương chỉ đủ để anh xoay xở một mình nơi đô thị, gia đình cũng chỉ giúp đỡ được phần nào. Anh làm hết việc nọ đến việc kia, từ làm may đến sửa điện, “có việc là làm, làm được làm luôn”, không kén chọn hay e ngại việc gì. Nghĩ đến khoảng thời gian khó khăn đó, anh Hiếu trầm ngâm nhìn xuống chiếu, khẽ buông một câu: “Nhiều lúc anh nghĩ có khi phải bỏ cuộc”. May thay, cái ngày hạnh phúc ấy tưởng chừng không thể diễn ra, nếu không có một người anh em kết nghĩa làm chủ xưởng may mang tiền ra lo hộ. Công ty còn cho mượn địa điểm để rước dâu về làm lễ.

Hai người hiện đang thuê trọ trong một căn phòng nhỏ ở thôn Nguyên Xá – Từ Liêm. “Lương tăng một thì giá cả tăng gấp ba, chẳng tích thêm được tí nào làm vốn" – chị Hương than thở. Anh hiện đã chuyển sang làm bảo vệ, chị vẫn làm ở công ty may. Gia đình đã có thêm một cô con gái nhỏ. Tổng thu nhập được khoảng 7 triệu đồng, tiền nhà trọ, gửi con ở nhà trẻ đã ngốn đi một nửa.

Để có tiền trả nợ, nuôi con, ban ngày chị làm ở công ty, đêm lại thuê cửa hàng sửa sang quần áo. Những lúc ở nhà anh cũng tỉ mẩn sữa đồ điện kiếm thêm tiền rau cháo.

Ngồi nghĩ lại đám cưới ngày xưa, cả hai cùng cười và không tin là có thể làm được. Người anh em kết nghĩa tốt bụng, đã nhất quyết không nhận lại tiền giúp anh chị tổ chức đám cưới khi xưa.

Nợ nần may mắn được bỏ qua, nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều vất vả. Ngậm ngùi anh bảo: “Tết này lại ăn tết xa quê. Hai vợ chồng mới về đám giỗ tháng trước. Mỗi lần đi về tết cũng dễ mất đến 2 triệu đồng. Đành để vợ tôi mang con về ngoại”.

Lương Lý – Thu Giang