Du học sinh và trải nghiệm Tết cổ truyền Việt Nam

07:18 | 10/02/2013

734 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Có rất nhiều du học sinh hiện đang sinh sống và học tập ở Việt Nam. Trong số đó những bạn đã lên kế hoạch tham gia và cùng trải nghiệm Tết cổ truyền của người Việt.

Cái Tết đầu tiên

Morn Samnang đến từ Campuchia, là sinh viên lớp ĐT8-K53 trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngay từ năm đầu tiên Đại học, cậu đã có cơ hội ăn Tết cổ truyền của Việt Nam.

“Ở Campuchia ăn Tết trong các ngày từ 13 - 16/4” – Samnang nói. Học xa nên mỗi khi muốn về quê, cậu phải ngồi máy bay từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó tiếp tục đi xe về nước. Sở dĩ phải mất công đi vòng vèo như vậy, là bởi “đi từ Hà Nội sang vé đắt hơn rất nhiều”.

Những ngày cuối năm, bạn bè rục rịch đồ đạc về quê. Cả trường vắng tanh, chỉ còn khu kí túc xá của sinh viên Lào và Campuchia là có người ở lại. Samnang và các bạn rất háo hức không biết Tết cổ truyền Việt Nam khác biệt thế nào.

Trước Tết vài ngày các bạn rủ nhau đi chơi và sắm sửa. Do được dặn trước nên mọi người đã tích trữ nhiều đồ ăn. Nhưng cũng không có món nào đặc biệt hơn ngày thường là mấy. “Giao thừa cả lũ kéo nhau đi xem bắn pháo hoa ở Hồ Gươm. Cảm giác được đứng giữa đám đông và hòa mình vào không khí Tết khiến Việt Nam bỗng trở nên thân thuộc” – Samnang nhớ lại.

Morn Samnang (bên trái) và Lean Kimleang (bên phải)


Tết ở Campuchia có nhiều thứ rất khác biệt. Ngoài sum họp gia đình, bạn bè gặp gỡ, trong 3 ngày Tết, cha mẹ thường làm những món ăn mang lên chùa vào buổi sáng để các sư ăn. Trong Tết lời bài hát “Totuol Tevata Chhnam Thmey” vang lên, mang ý nghĩa đón chào cô tiên năm mới.

Tết xong có một người bạn cùng lớp mang tặng chiếc bánh chưng. Samnang ăn, thấy ngon và lạ miệng: “Bánh chưng bên Việt Nam cũng có nét giống bánh Onsom ở Campuchia”. Có hai loại, một loại làm từ gạo nếp, nhân chuối chín, dừa với đỗ xanh, “loại thứ hai cũng giống bánh chưng, nhưng có thêm dừa trong nhân bánh” – Samnang cho biết. Cả hai loại đều được gói bằng lá chuối khuôn theo hình tam giác.

Lohse - sinh viên người Đức đang theo học tiếng Việt tại Khoa Quốc tế của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn Hà Nội, sang Việt Nam đã lâu và đây là lần thứ hai cô ở lại dịp Tết. Năm trước Lohse được một người bạn ở Hà Nội mời về nhà chơi. Lohse bảo: “Người Việt Nam ăn Tết rất cầu kì và kĩ lưỡng. Nhưng cũng giống bên Đức là cả gia đình sẽ về sum họp là sum họp. Mình rất thích”.

Những điều ấn tượng nhất

Lean Kimleang cũng đến từ Campuchia. Tính cả năm nay là sẽ có hai năm Lean ăn Tết cổ truyền trên đất Việt.  Lean bảo cậu ấn tượng nhất với tiền mừng tuổi đầu năm. Cả cậu và Samnang đều được nhận những phong bao lì xì từ bạn bè cùng lớp. Lean rất vui và giữ chúng làm kỉ niệm mãi tận sau này.

Lohse thì nói, cô rất thích bánh chưng, nước chấm bún chả và món măng khô ngày Tết nữa. Điều mà Lohse ấn tượng nhất là việc đi chúc Tết ở Việt Nam. Mọi người đến nhà nhau, cùng ăn uống và chúc mừng nhau những điều tốt đẹp nhất.

Lohse hào hứng kể về Tết cổ truyển Việt Nam

Hỏi về dự định cho Tết tới đây, Lohse vẫn tỏ ra rất háo hức khi những ngày đầu năm sắp đến. “Ăn Tết ở Việt Nam làm mình hiểu rõ hơn về văn hóa của đất nước các bạn. Mình dự định sẽ chuẩn bị một chút quà nho nhỏ, cùng với những phong bao lì xì may mắn cho những người bạn thân quen”.

Còn Lean và Samnang đang rục rịch kế hoạch đi mua sắm đồ ăn cho ngày Tết. “Người Việt Nam rất nhiệt tình và hiếu khách” – Samnang bảo. Năm ngoái cậu được một người bạn ở Hải Dương mời về nhà chơi Tết. Samnang được thết đãi món xôi và gà luộc (mà cậu vẫn gọi là gà xôi) rất ngon miệng. Mấy ngày Tết nhờ đó vui vẻ hơn nhiều.

Bởi vậy Samnang cũng rất háo hức Tết sẽ đi thăm bạn bè trong phạm vi có thể.

Lương Lý – Huyền Trang

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc