Người "phải lòng" phong lan

14:00 | 17/02/2013

5,353 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Những dãy núi trùng điệp, những khu rừng nhiệt đới còn hoang sơ, đó chính là nơi sinh ra những cây phong lan rừng được ví như loài hoa tượng trưng cho sơn nữ với những nét e ấp, hoang dại và phóng khoáng. Phóng viên Petrotimes có dịp đến thăm vườn phong lan rừng phong phú và đẹp bậc nhất Việt Nam của ông Nguyễn Xuân Nhự, một cán bộ lão thành trong ngành Dầu khí để tìm hiểu câu chuyện về loài hoa đang trở thành một thú chơi công phu của người Việt mỗi độ xuân về.

Vườn lan quê lúa

Trong một chuyến khảo sát địa chất tại Rừng Quốc gia Cúc Phương vào năm 1973, chàng kỹ sư dầu khí trẻ Nguyễn Xuân Nhự đã lần đầu tiên “phải lòng” một loài hoa mà sau này càng tìm hiểu, chăm sóc, ông càng say mê đắm đuối.

Nhớ lại cái cảm giác “lần đầu tiên” ấy, ông thủng thẳng: “Đang đi trong rừng, tôi ngửi thấy một mùi thơm mát, ngọt ngào, tìm mãi thì phát hiện ra một cái cây có dáng khắc khổ, trông rất lạ nhưng lại có hoa đẹp, hương thơm quyến rũ đến mê hồn”. Được anh bạn kỹ sư lâm nghiệp đi cùng đoàn giới thiệu đây là hoa phong lan, loài hoa được ví như sơn nữ của núi rừng. Thế là suốt 3 ngày, ông Nhự cùng người bạn mò mẫm tìm được hơn chục giò phong lan với 6, 7 loài đem về trồng.

Trong khuôn viên khoảng 60m2 (ban công tầng 3 và tầng 4), vườn lan của ông Nhự được bọc thép kiên cố. Thấy ông Nhự tỉ mẩn cắt lá, anh bạn đi cùng tôi hỏi: “Sao bác không trồng lan công nghiệp ấy, dễ trồng, ít phải chăm bón, hoa thì to, đều lại nở liên tục cả năm nữa”.

Ông chỉ những giò lan đang đung đưa trong gió và nói: “Đất nước ta có khoảng 900 loài phong lan, mỗi loài lại có sắc, có hương khác nhau. Lan nổi tiếng là loài cây tự lập, có sức sống ngoan cường, nó tự hút khí trời, sương đêm để tồn tại, ra hoa và tỏa hương trong suốt vòng đời của mình.

Ông Nguyễn Xuân Nhự bên giò lan Hoàng Nhạn

Lan rừng thường sống trên tầng cây cao, dùng bộ rễ bám vào các cành cây, ẩn mình trong các tán lá một cách kín đáo e lệ. Tôi và nhiều bạn chơi thường ví phong lan như sơn nữ, bởi chất phong tình, sự hoang dại và sức sống mãnh liệt của nó. Một người bạn tôi từng nói, lan công nghiệp có vẻ đẹp “đĩ thõa” vì nó là loài biến đổi gen, bóng mượt như bằng nhựa, được nhân giống đại trà không có hương thơm. Thế là tôi chỉ chơi lan rừng, gần 40 năm gây dựng vườn lan được hơn 100 loài. Tôi dám khẳng định, tại Việt Nam, vườn lan như thế này chỉ đếm trên đầu ngón tay”.

Ông Nhự chỉ cho chúng tôi từng giò lan rừng cho biết, chúng đều là những kỷ niệm, những câu chuyện rất riêng của ông. Lần đó, ông Nhự lang thang trong rừng trên Cao Bằng suốt cả tuần lễ. Khi đặt chân đến đúng hầm trú ẩn của tướng Giáp, ông tình cờ thấy một khóm lan non đang ẩn mình trên cây gỗ nghiến cổ thụ. Nghĩ đây là duyên, ông Nhự cẩn thận tách từng sợi rễ bưng gốc phong lan đuôi cáo trắng về nhà. Giò lan lớn dần, mập mạp, có lá thuôn dài, sắc lẻm, hoa nở thành chùm lớn, xù ra trắng muốt như lông đuôi loài cáo và có hương thơm ngát như hoa hồng bạch. Ông Nhự rất tự hào vì đây là giống đuôi cáo trắng, loài phong lan quý hiếm bậc nhất hiện nay.

Ông chỉ một cây lan có bộ rễ dài thượt và mềm như tóc thiếu nữ bảo, đây là giống bạch câu. Nụ hoa trước khi nở nhìn giống hệt con chim bồ câu đang đậu trên cành. Đến lúc hoa nở, những cánh hoa trắng muốt bung ra thành hình con chim câu tung cánh bay lên trời cao. Giống hoa này đặc biệt là sớm nở, tối tàn nhưng đem đến hương thơm dịu mát mỗi lần nở hoa thành nhiều đợt trong suốt 2 tháng trời. Cây Bạch Câu của ông lấy được trên đảo Phú Quốc, được ông chăm bẵm hơn 10 năm nên rất hiểu tính của nó. Ông bật mí, đây là loài lan chịu rét kém, nên mùa đông phải che gió Bắc, nếu không lá lan sẽ bị khô, héo và rụng hết, kéo dài sẽ chết cả lan.

Trong vườn ươm nhỏ xinh này, chúng tôi được biết thêm nhiều loài phong lan hiếm mà ông Nhự sưu tập được như hương vani, khi trổ hoa sẽ tỏa hương có mùi vani suốt 2 tháng ròng, cây phong lan Hoàng gia Lào có hoa như hoa Chăm Pa nhưng to và màu vàng rực rỡ, cây lan này được ông cất công đến tận cung điện của Hoàng gia Lào xin giống về trồng… Thăm vườn lan của ông Nhự, chúng tôi hiểu được cái gì gọi là “kỳ hoa, dị thảo” với những cây phong lan quý hiếm trên khắp các vùng miền của Tổ quốc.

Vẻ đẹp của phong lan rừng

Chưa có một thống kê cụ thể về thú chơi phong lan rừng được bắt đầu từ khi nào, chỉ biết rằng, từ xa xưa, các vị túc nho, quan lại nước ta đã có thú sưu tầm phong lan rừng về trồng trong các vườn nhà. Lan rừng có những nét đặc sắc được lưu truyền như một giò lan nở hoa nhiều lần trong cả năm, hay những giò lan trị giá cả trăm triệu đồng.  

Nét đặc trưng của lan rừng là chỉ nở duy nhất một lần trong năm, nhanh tàn cũng là mặt hạn chế rất lớn khi so sánh với lan công nghiệp. Do vậy, các nghệ nhân trồng lan đã nghĩ ra cách gom nhiều loại lan cùng loài vào một giò lan để nở hoa nhiều lần và thời gian dài hơn. Cùng một loài lan nhưng nếu có xuất xứ ở các vùng, miền khác nhau, thời gian ra hoa sẽ khác nhau, có khi chênh lệch cả tháng. Có thể kể đến như vảy rồng ở miền Trung và Lào ra hoa vào tháng 3, Vảy Rồng ở miền Bắc ra hoa vào tháng 5. Đôi khi, hai khóm lan khác nhau cùng có xuất xứ địa lý đem ghép lại một giò thì thời gian cho hoa thường gần nhau hơn là các loài lan có xuất xứ địa lý xa nhau.

Giò lan Vanda Huyết Nhung

Lan Đai Châu (chuỗi ngọc) là một trong số các loài phong lan có đủ sắc hương và có giá trị hàng chục đến cả trăm triệu đồng. Bên cạnh hương thơm dịu mát thường nở vào đêm khuya, hình dáng đẹp, ấn tượng như một chuỗi ngọc trai trắng sáng, ấm áp, độ bền của hoa cũng kéo dài cả tháng trời.

Lan Đai Châu trở nên đắt giá do loài lan này nở hoa rất đúng hẹn. Mỗi ngọn lan có một thời điểm nhất định ra hoa trong năm và luôn giữ đúng thời điểm đó trong suốt cuộc đời. Chính đặc tính này làm cho giá trị của các ngọn lan Đai Châu rất khác nhau, có khi tới vài chục lần. Người sành chơi lan và tin vào điều may rủi, sẵn sàng bỏ ra vài chục đến cả trăm triệu đồng để có được ngọn đai châu nở đúng vào sáng mồng Một tết Nguyên đán. Còn gì may mắn bằng vào ngày đầu tiên của năm mới có được châu ngọc vào nhà, lại còn có cả hương, cả sắc nữa chứ. Bởi vậy, loài lan này ở miền Nam nước ta còn có cái tên là nghinh xuân. 

Ông Nhự bảo, chơi phong lan là một thú chơi tao nhã và kỳ công. Cây phong lan luôn có sự nhạy cảm, thích được vuốt ve, nhẹ nhàng. Tương tác với cây lan, người trồng mỗi ngày đều thực hiện “tam dưỡng”, gồm dưỡng tâm, dưỡng tính, dưỡng thần. Thời gian lâu dần, người trồng phong lan tạo thành một phong thái hòa nhã, trầm tĩnh, luôn cư xử nhẹ nhàng. Nhìn các nghệ nhân chăm sóc lan bằng những cử chỉ dịu dàng, êm ái, chúng tôi hình dung họ như những người tình đang độ say đắm chăm chút cho nhau.    

Phong trào chơi phong lan đang phát triển rộng khắp trên cả nước, các tỉnh, thành phố đều có các hội cây cảnh, các chi hội phong lan. Chính vì vậy nên tốc độ khai thác lan rừng đang ngày càng ồ ạt. Ước tính số lan đưa từ rừng về trồng chỉ có thể tồn tại được vài chục phần trăm, lan rừng ở nước ta đang trở nên khan hiếm, nguồn lan đang dần trở nên cạn kiệt. Đã đến lúc các hiệp hội cây cảnh, những người yêu phong lan cần đưa ra các cảnh báo và cùng chung tay thực hiện biện pháp phòng ngừa sự tuyệt chủng của loài hoa quý này.

Thành Công - Văn Dũng

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.