Lo ngại từ sự cố mất điện lớn chưa từng có ở Ấn Độ

08:24 | 08/08/2012

1,050 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Sự cố mất điện lớn nhất trong lịch sử loài người xảy ra ở Ấn Độ vừa qua không chỉ báo động về tình trạng cơ sở vật chất mà còn hé lộ một bức tranh an ninh năng lượng u ám của nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á.

Đâu là nguyên nhân?

Ba trên năm hệ thống đường dây của Ấn Độ bị hỏng vào ngày 31/7 đã khiến hơn phân nửa số dân của đất nước 1,2 tỉ nhân khẩu, sống tại 20/29 bang, bao gồm cả thủ đô New Dehli phải chịu cảnh mất điện, sống trong bóng tối và đảo lộn mọi sinh hoạt trong 2 ngày liên tiếp. Hệ thống giao thông công cộng tắc nghẽn, đường phố náo loạn. Ít nhất 300 chuyến tàu đã bị hủy. Bệnh viện, các dịch vụ khẩn cấp và hoạt động kinh doanh trên khắp miền Bắc và miền Đông nước này cũng bị ảnh hưởng nặng nề và gần như tê liệt. Hơn 260 thợ mỏ đã bị mắc kẹt dưới lòng đất ở miền Đông Ấn Độ khi thang máy điện ngừng hoạt động, nhưng may mắn đã được giải cứu nhờ thang máy sử dụng nguồn điện dự phòng.

Cảnh cắt điện luân phiên không xa lạ với người dân Ấn Độ, đặc biệt là vào mùa hè, nhưng mất điện trên diện rộng và nghiêm trọng như vừa qua thì trong cả hơn thập kỷ qua, đây mới chỉ là lần đầu. Cả thế giới nhìn vào mà thấy lo ngại bởi Ấn Độ - nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á đang được hy vọng sẽ là một trong những động lực kéo nền kinh tế thế giới ra khỏi khủng hoảng như những năm 2008-2009. Còn các tổ chức xếp hạng tín dụng như Moody’s thì nhìn quốc gia Nam Á bằng con mắt e dè hơn và đang “dọa” sẽ xem xét lại xếp hạng tín nhiệm nếu New Dehli không giải quyết tốt tình trạng mất điện. Trong một thế giới phẳng, dù đã từng có những bước phát triển thần kỳ như thế nào, nếu an ninh năng lượng không được đảm bảo, quốc gia ấy sẽ “chẳng chóng thì trầy” rơi vào suy thoái.

Hàng loạt chuyến tàu bị đình trệ vì mất điện

Cũng có những thông tin trên các báo chính thống của Ấn Độ như tờ Times of India cho rằng, tin tặc đã tấn công hệ thống an ninh mạng quản lý lưới điện và cũng lại có những suy đoán từ các chuyên gia an ninh của Mỹ cho rằng, sự cố gây ra bởi sự thiếu chú ý của những người điều khiển bộ phận ngắt mạch trong lưới điện quốc gia. Còn ông Sushil Kumar Shinde - người vừa bị “thổi bay” chức Bộ trưởng Điện lực Quốc gia Ấn Độ sau khi để xảy ra thảm họa mất điện kinh hoàng này lại đổ lỗi cho việc sử dụng điện quá mức cho phép, khiến hệ thống lưới điện miền Bắc bị quá tải. Điều này nghe có vẻ cũng có lý bởi với 1,2 tỉ dân, Ấn Độ là nước đông dân và sử dụng điện nhiều thứ hai trên thế giới. Hơn nữa, vào mùa hè, nhu cầu làm mát cũng như việc sử dụng các máy móc trong nông nghiệp cũng tăng cao, vượt quá khả năng cung cấp của hệ thống.

Nhưng nói gì thì nói, không gì phủ nhận được thực tế là Ấn Độ bị thiếu điện trầm trọng từ nhiều năm qua. Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Ấn Độ thường xuyên phải cắt điện luân phiên trong ngày và trong năm 2011 đã có 289 triệu người (tương đương với 25% dân số Ấn Độ) không có điện. Vào giờ cao điểm, nước này thường xuyên chịu cảnh thiếu điện đến 13,5% và liên tục để mất mục tiêu tăng sản lượng điện từ năm 1951. Và trong khi nước láng giềng Trung Quốc  sản xuất 4,604 nghìn tỉ kWh điện vào năm 2011 thì con số đó ở Ấn Độ lại cực kỳ khiêm tốn: 723,8kWh. Đây là một thực trạng đáng buồn với nền kinh tế lớn thứ 3 châu lục.

Đào sâu vào vấn đề, chính tham nhũng lại là nguyên nhân góp phần lớn gây ra tình trạng thiếu điện ở Ấn Độ. Một báo cáo từ Herald Net đã chỉ ra rằng, “tổn thất trong truyền tải và phân phối điện ở một số bang đã lên tới 50% do hành vi trộm cắp và tham nhũng của người lao động trong ngành công nghiệp điện”. Tham nhũng đã khiến cho những hệ thống đường dây tải điện cũng như phân phối điện đã quá lỗi thời gặp khó khăn trong việc thay thế, cải tạo. Trong quá khứ, đã từng nổi lên những cáo buộc tham nhũng nghiêm trọng trong ngành điện lực Ấn Độ dẫn đến việc mua phải các thiết bị chuyển đổi điện áp cao, các thiết bị bảo vệ chất lượng kém. Đồng thời, các nhà chức trách cũng bị đổ lỗi cho việc sử dụng vội vàng các công nghệ chưa được chứng minh và chưa đáng tin cậy trên toàn mạng lưới điện quốc gia. Trong khi đó, theo tờ New York Times, khoảng cách giữa cung và cầu điện của Ấn Độ đã nhảy từ 7,7% vào tháng 3/2011 lên 10,2% vào tháng 3 năm nay. Điều đó cho thấy yêu cầu phải cải tạo cơ sở hạ tầng điện lực bức thiết như thế nào.

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng đã không theo kịp nhu cầu phát triển nhưng việc quản lý, phát triển các nguồn cung cấp năng lượng cũng gặp phải những vấn đề nan giải. Thực tế, những nhà máy điện than của Ấn Độ - nguồn cung cấp năng lượng chính cho Ấn Độ, vẫn còn đang dư công suất nhưng lại thiếu nguyên liệu bởi nguồn tài nguyên này - phần lớn đang dưới sự kiểm soát của chính phủ đã và đang bị thất thoát. Mới đây thôi, Ấn Độ đã bị rung chuyển bởi các vụ bê bối liên quan đến việc chính phủ liên minh của quốc gia Nam Á bị cáo buộc đã làm mất 210 tỉ USD doanh thu tiềm năng của đất nước khi bán các mỏ than cho một số tập đoàn công nghiệp. Ngoài ra, việc trợ cấp, kiểm soát giá cả và thiếu đầu tư vào các nguồn tài nguyên như than đá và khí đốt tự nhiên cũng làm ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành điện lực.

Bài toán khó giải

Những khuyến cáo phổ biến cho Ấn Độ để có thể cải thiện tình trạng thiếu điện tạm thời là tăng nhập khẩu xăng dầu, khí đốt, cải tạo cơ sở hạ tầng điện lực khẩn cấp để đáp ứng nhu cầu điện năng của các doanh nghiệp và dân số ngày một tăng. Nhưng về lâu dài, Ấn Độ cần hướng đến những mục tiêu năng lượng bền vững với những chiến lược cụ thể để đảm bảo an ninh năng lượng, làm nền tảng cho giấc mơ siêu cường của mình. Và người ta hi vọng rằng sự cố mất điện lớn chưa từng có trong lịch sử loài người sẽ châm ngòi cho một cải cách chính trị, chính sách và cơ cấu năng lượng của Ấn Độ. Trong đó, năng lượng hạt nhân có thể được nghĩ đến và năng lượng tái tạo chắc chắn sẽ được xem xét, đầu tư, đẩy mạnh phát triển thay vì cơ cấu năng lượng “nút cổ chai” như hiện nay với nguồn cung cấp từ than đá. Ngoài ra, chính phủ nên khuyến khích tư nhân hóa lĩnh vực sản xuất và cung cấp điện năng, ít nhất từ 50-75%. “Thực tế là bất cứ nơi nào có sự nhập cuộc của tư nhân, tình hình đã được cải thiện. Tư nhân sẽ nâng cao trách nhiệm, điều quan trọng mà các cơ sở nhà nước thiếu”, Harry Dhaul, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất điện độc lập của Ấn Độ tin tưởng.

Thực vậy, thay đổi chính sách trợ cấp, thiết lập giá thị trường với nhiên liệu và điện, cũng như cho phép tư nhân hóa lĩnh vực điện năng sẽ mang lại hiệu quả doanh thu, đầu tư hơn nhiều cho Ấn Độ. Và điều đó cũng cho phép Ấn Độ thu hút 400 tỉ USD đầu tư vào ngành điện với mục tiêu đến năm 2017, sẽ  bổ sung được gần 100GW điện vào lưới điện quốc gia như kế hoạch của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh vạch ra.

Linh Phương (tổng hợp)

(Năng lượng Mới số 144, ra thứ Ba ngày 7/8/2012)