Điểm nhấn trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Putin

15:34 | 08/06/2012

780 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa có chuyến công du 3 ngày tới Trung Quốc (57/6). Chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần này nhằm thắt chặt quan hệ đồng minh có vai trò then chốt trong chiến lược kinh tế và ngoại giao của Nga. Hai bên bàn thảo những vấn đề nổi cộm trên trường quốc tế. Tuy nhiên, về hợp tác kinh tế năng lượng giữa hai quốc gia có thể được coi là điểm nhấn trong chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng thống Nga Putin.

TT Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào

Ổn định thị trường

Ông Georgy Kunadze – chuyên gia về vấn đề Trung Quốc tại Học viện Khoa học Nga, đồng thời từng là một nhà ngoại giao cho biết: với chuyến thăm Bắc Kinh lần này, “ai cũng hiểu là chiều hướng trong chính sách của Nga có sự thay đổi tại điểm nào”.

Vấn đề kinh tế là một trong những khía cạnh được chú trọng rất lớn trong chuyến thăm kéo dài 3 ngày của Tổng thống Nga, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng khi mà nước Nga đang tìm kiếm các thị trường mới, còn Trung Quốc đang muốn có các nguồn tài nguyên giá rẻ.

Hai nước dự kiến ký 17 văn kiện hợp tác kinh tế và ngoại giao để hỗ trợ tăng trưởng thương mại. Năm ngoái, kim ngạch thương mại hai nước đạt hơn 80 tỷ USD. Trong số các hợp đồng sẽ được ký kết trong chuyến thăm lần này nổi bật là dự án hợp tác phát triển máy bay đường dài giữa hãng Ilyushin của Nga và Comac của Trung Quốc.

Phát biểu trước chuyến thăm, Tổng thống Putin cho biết, ông muốn thúc đẩy mạnh mẽ thương mại song phương với mục tiêu là kim ngạch thương mại vượt xa ngưỡng 84 tỷ USD đạt được trong năm ngoái.

Tháp tùng ông Putin lần này là 6 bộ trưởng, lãnh đạo tập đoàn dầu khí nhà nước Gazprom cùng một số người đứng đầu các công ty năng lượng khác của Nga. Theo đó, họ sẽ tiến hành bàn thảo về những điều khoản trong bản hợp đồng mua bán khi đốt có trữ lượng lên tới 70 tỷ m3 giữa Nga và Trung Quốc.

Quan hệ chính trị Bắc Kinh – Moscow đang ngày càng được củng cố bởi sự gia tăng đáng kể trong quan hệ thương mại, đặc biệt là trong lĩnh vực nguyên liệu thô và tài nguyên thiên nhiên. Năm 2010, tăng trưởng thương mại đạt 41%, tương đương 55,45 tỷ USD và năm 2011 con số này là gần 84 tỷ USD và sẽ tăng lên tới 200 tỷ USD vào năm 2020.

Tháo gỡ giá cả

Theo nhiều chuyên gia, bất đồng giá cả khiến hai nước chưa thể tìm được tiếng nói chung, giống như cuộc đàm phán hồi tháng 10/2011 khi đó ông Putin cò là thủ tướng Nga. Chuyến công du của ông Putin khi đó được đánh giá là rất quan trọng bởi nó bao gồm những cuộc đàm phán then chốt về thỏa thuận mua bán khí đốt trị giá 1.000 tỷ USD giữa hai nước.

Mục đích chính của chuyến công du của ông Putin lần này là bàn thảo những điều khoảng trong bản hợp đồng xuất khẩu khí đốt tự nhiên có giá trị 1.000 tỷ USD mà Nga và Trung Quốc đều muốn ký kết. Theo đó, khí đốt tự nhiên được khai thác từ Siberia sẽ được chuyển đến phía Bắc Trung Quốc.

Tuần qua, hãng năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga đã có các buổi hội đàm với phía Trung Quốc. Nội dung cuộc hội đàm này được cho là nhằm giải quyết các bất đồng liên quan tới giá khí đốt giữa đôi bên. Tuy vấn đề năng lượng được đặc biệt chú trọng, nhưng hợp đồng mua bán khí đốt cung cấp cho Trung Quốc 70 tỷ m3 gas/một năm có thể chưa được ký kết vào lần này, vì vẫn chưa thống nhất được về giá cả.

Trên thực tế, Trung Quốc đang đặt mục tiêu tăng gấp ba mức tiêu thụ khí tự nhiên để thay thế việc sử dụng than. Bắc Kinh cũng đã chấp thuận việc phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga trong những năm tới.

Ông Lin Boqiang, giáo sư Năng lượng và Kinh tế tại Đại học Hạ Môn cho biết: “Đến cuối thập kỷ này, nguồn cung khí đốt từ Nga sẽ chiếm 30% tổng số nhu cầu của Trung Quốc. Tất nhiên, nó cũng gây ra những tác động, cụ thể là sự suy giảm nguồn cung cho châu Âu vốn phụ thuộc vào Nga”.

Ngoài ra, hãng tin của Nga cho biết hai nước đang chuẩn bị khởi động một dự án hàng không nhằm phát triển một loại máy bay chở khách tầm xa, dựa trên phương pháp sản xuất của Nga và đầu tư của Trung Quốc. Kế hoạch này có thể gây thách thức với các hãng khổng lồ của châu Âu và Mỹ là Airbus và Boeing.

Củng cố liên minh đối trọng

Vào ngày 6/6, ông Putin đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Bắc Kinh (SCO) – tổ chức bao gồm các đối tác thuộc SNG ở Trung Á và các quốc gia quan sát như Iran. Việc ông Putin tham dự hội nghị SCO mà không tham dự hội nghị NATO ở Chicago vừa qua cũng được cho là có ẩn ý, đặc biệt là trong bối cảnh Nga đang bất đồng với Mỹ và NATO về hệ thống lá chắn tên lửa châu Âu (NMD)

Với đồng minh chiến lược Trung Quốc, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuần này tuyên bố rằng Nga và Trung Quốc đang có mối quan hệ mẫu mực về chính sách đối ngoại. Ông nói: “Chúng tôi coi sự hợp tác trong chính sách đối ngoại trên mọi mức độ giữa Nga và Trung Quốc là một mô hình hợp tác thành công giữa các đối tác”,

Trong ngày đầu của chuyến thăm, Tổng thống Putin có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào để bàn thảo về những vấn đề mà hai nước đang quan tâm. Cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria cũng là một trong những vấn đề nổi bật trong khuôn khổ các buổi hội đàm. Nga và Trung Quốc đều phản đối những áp lực mà phương Tây sử dụng nhằm hạ bệ Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong bối cảnh đất nước hết sức rối ren. Đặc phái viên Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, ông Lí Bảo Đông mô tả Syria là một trong những vấn đề cấp thiết nhất trong các chương trình nghị sự của HĐBA LHQ.

Như vậy, trong chuyến công du châu Á đầu tiên của Tổng thống Nga Putin, sau các chuyến thăm châu Âu cho thấy vấn đề kinh tế, thương mại và đặc biệt là kinh tế năng lượng là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga trong “kỷ nguyên Putin”.

Nguyễn Nhâm

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc