Bàn Môn Điếm: Khu vực nguy hiểm nhất thế giới

16:17 | 08/06/2012

10,927 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 Cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên lúc trầm xuống lúc bùng lên như một điểm nóng quốc tế làm cho Bàn Môn Điếm (được coi là khu vực nguy hiểm nhất thế giới vào lúc này) lại bộn rộn trở lại.

Toàn cảnh khu vực Bàn Môn Điếm

Không được cười với những người lính gác. Không được chỉ trỏ lên những chiếc tháp canh và đặc biệt bạn phải quên ngay việc mặc những chiếc quần bò mầu xanh, nếu bạn muốn đến thăm làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Đó chính là những quy định hết sức nghiêm ngặt dành cho khách du lịch tới với khu vực lịch sử này.

Đây được coi là mảnh đất cuối cùng của thời kỳ chiến tranh lạnh còn tồn tại cho tới ngày nay. Tại đây cho dù đã im tiếng súng được nửa thế kỷ nhưng hai bên của làng đình chiến vẫn còn tồn tại những bốt gác nhìn xuống những con đường sạch sẽ quang đãng không chê vào đâu được của Bàn Môn Điếm. Đây là ngôi làng trung gian nằm giữa hai miền Triều Tiên. Một bên là những người lính Hàn Quốc ăn mặc dữ dằn đứng gác. Bên này những người lính Triều Tiên ăn mặc hiền lành hơn nhưng không kém phần nghiêm nghị đứng gìn giữ vạch biên giới chia đôi hai miền bán đảo Triều Tiên.

Tại đây nửa thế kỷ trước Hàn Quốc và CHDCND Triều tiên đã đặt bút ký một hiệp định hoà bình và hữu nghị chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên diễn ra từ năm 1950 đến năm 1953.

Đã hơn nửa thế kỉ nay, Bàn Môn Điếm đóng vai trò như một cánh cổng ngoại giao để trao đổi giữa hai miền đối lập. Tuy không còn tiếng súng nhưng rõ ràng tại làng đình chiến này không khí chiến tranh vẫn bao trùm lên hai miền. Cả đôi bên cùng đóng những cánh cổng của riêng mình nhằm ngăn chặn những cuộc đột nhập sang vùng lãnh thổ của nhau. Trong quá khứ, những nhà báo tò mò nhất cũng không thể được chứng kiến những cuộc trao đổi trực tiếp giữa đôi bên. Nhưng chính điều này lại tạo nên sức hấp dẫn lớn đối với du khách từ khắp mọi nơi trên thế giới. Hàng năm có tới 100.000 người đến đây để tận mắt nhìn thấy chiến tranh lạnh. Ở đây có “Cây cầu không đường về” đã được mô tả trong bộ phim trinh thám mới nhất về điệp viên James Bond.

Du khách đến thăm Bàn Môn Điếm

Bàn Môn Điếm là thị trấn của cây xanh, của những cây đèn đường lộng lẫy, những tòa nhà sơn xanh da trời của Liên hợp quốc và còn có cả 1 ngôi chùa mang phong cách Hàn Quốc lợp ngói, tuyến xe buýt đưa khách du lịch dừng lại ở những cửa hàng bán quà lưu niệm.

Nhưng trong khung cảnh êm đềm ấy, vẫn còn thấy những người lính Triều Tiên thay ca đổi gác hoặc làm công vụ ngoại giao. Tất cả họ khi cơ động đều đi trong tư thế nghiêm ngang qua đường biên giới. Cũng giống như vậy phía binh lính Hàn Quốc lúc nào cũng đứng nghiêm theo nghi lễ của môn võ tự vệ Taekwondo ở phía đối diện.

Khách du lịch đến từ hai miền, có thể chụp ảnh cho nhau, nhưng không được phép nói chuyện trao đổi, dù chỉ đứng cách vài bước chân. Chính sự cấm đoán này lại gây nên những tò mò không bao giờ dứt của du khách dù họ đã tới thăm Bàn Môn Điếm từ phía biên giới này hay phía bên kia. Đây cũng chính là lý do vì sao kể từ khi hai miền Triều Tiên tổ chức những đợt gặp gỡ giữa những thân nhân từ hàng nửa thế kỷ nay mới được gặp nhau, du khách tới Bàn Môn điếm cứ tăng dần hết đợt này đến đợt khác!

Stephen Oertwig, quan chức quân đội Mỹ ở Hàn Quốc đã nhận xét: “Nơi này trông giống như công viên Disney, nhưng lại không phải. Đây là Disneyland có súng ống bảo vệ”. Phía sau khu du lịch là vùng phi quân sự hoá rộng 200 dặm, ngăn chia Nam và Bắc Triều Tiên. Phía Nam của vùng đệm này nằm dưới sự giám sát của Liên hợp Quốc.

Các quan chức Liên hợp quốc và Triều Tiên gặp nhau hàng tuần trong 1 căn phòng nằm đúng giữa đường biên giới. Một nửa chiếc bàn thảo luận nằm ở miền Bắc và nửa kia thuộc miền nam, còn micro nằm ngay đúng trên đường biên giới!!!

Binh lính Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đối diện nhau ở khu vực giới tuyến Bàn Môn Điếm

Những cuộc đàm phán đã được nối lại từ năm 2000 khi Triều Tiên thúc đẩy việc cải thiện mối quan hệ với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng thường diễn ra mà không tiến triển. Mark Margotta, sĩ quan quân đội Mỹ đã mô tả: “Họ đàm phán hàng tuần chỉ là để đàm phán hơn là tìm ra một giải pháp chính trị”. Trong các cuộc đàm phán ở đây có thể kể ra rất nhiều việc. Ví như việc bảo vệ cho công nhân xây dựng một tuyến đường sắt nối hai bên của khu phi quân sự, cam kết ngừng khiêu khích và thành lập một đường fax giữa Bắc và Nam Bàn Môn Điếm…

Trong cuộc đàm phán gần đây nhất, Bộ tư lệnh Liên hợp quốc đã phản đối việc Triều Tiên đặt súng máy hạng nặng ở vùng phi quân sự. Nhưng những cuộc nói chuyện vẫn không thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn. Và những cuộc tranh cãi chỉ càng làm tăng sự nổi tiếng của Bàn Môn Điếm trong mắt khách du lịch.

Jin Hye – kyung, giám đốc 1 công ty du lịch ở Bàn Môn Điếm nói: “Nhiều người đến đây vì họ muốn cảm nhận được một khung cảnh mà cuộc đời họ không thể tưởng tượng ra nổi ở vùng phi quân sự. Nếu ai đó nhìn thấy 1 người lính Triều Tiên, họ sẽ cảm thấy mình thật may mắn và toại nguyện”. Khách du lịch còn bị thu hút bởi hình ảnh của một toà nhà thuộc miền Bắc với hình trạm khắc những con chim bồ câu trắng hoà bình dưới mái nhà – Bảo tàng Hoà bình Nhân dân Triều Tiên, nơi đã diễn ra lễ kí kết hiệp định ngừng bắn cách đây đúng 50 năm.

Chuyến đi du ngoạn 1 ngày từ phía Hàn Quốc phần lớn hấp dẫn những người Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, sau khi được sự chấp nhận của chính phủ Hàn Quốc. Còn ở phía Bắc thì lại chủ yếu là người Nga. Tuy nhiên, cả điều này cũng gây tranh cãi. Nhiều du khách vì bị hấp dẫn nên đã quá chân bước qua vạch biên giới. Thế là: “Bước chân đi cấm kỳ trở lại”. Bạn bị phía này hoặc phía bên kia giữ, bị xét hỏi nhưng được đối xử rất tử tế cho tới khi danh tính của bạn được làm rõ bạn mới được trở về. Suy cho cùng tất cả những rắc rối này đều phải được diễn ra để cho không có những rắc rối lớn hơn có thể xẫy ra nữa mà thôi. Các quan chức của cả hai miền Triều Tiên đều có chung một một momg muốn nếu mai đây thông thương trở lại Bàn Môn Điếm nên được giữ nguyên với tất cả những quy định luật lệ riêng của nó như lúc này. Giữ nguyên để làm một nơi du lịch lịch sử cho thế hệ mai sau biết và trân trọng.

Minh Hạnh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc