Giới luật gia: Các báo có thể đồng loạt khởi kiện 24h ra tòa

16:53 | 04/06/2013

1,849 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau khi dư luận lên tiếng mạnh mẽ về việc trang web 24h ăn cắp thông tin, làm giàu trên công sức lao động của những người làm báo, giới luật gia cũng vào cuộc ủng hộ. Nhiều luật sư đã bày tỏ ý kiến về những việc làm "ngược" của 24h và khẳng định sẽ ủng hộ nếu các báo đồng loạt khởi kiện ra tòa.

>> 24h 'bắc nồi nấu cháo trên lưng người làm báo'

>>  'Đạo chích' 24h dưới góc nhìn của các Tổng biên tập

 

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc Hãng luật Giải Phóng:

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng

 

24h đã vi phạm nguyên tắc quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin điện tử, sử dụng dịch vụ Internet. Trong đó vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ là rõ nhất.

Nguyên tắc quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin điện tử có quy định, việc thiết lập trang thông tin điện tử, việc cung cấp, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin điện tử trên Internet phải tuân thủ các quy định của pháp luật về công nghệ thông tin, pháp luật về sở hữu trí tuệ, pháp luật về báo chí, pháp luật về xuất bản, pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, pháp luật về bản quyền, pháp luật về quảng cáo và các quy định quản lý thông tin điện tử khác.

Trong đó, 24h đã không đảm bảo tất cả các nguồn tin đăng trên 24h là hợp pháp. Để được cấp phép, 24h chỉ cần các văn bản chấp thuận của các tổ chức cung cấp tin, cụ thể là các tờ báo điện tử. Nhưng trên thực tế thì họ lấy tin vô tội vạ của tất cả các tờ báo.

Vì vậy, các cơ quan quản lý chuyên ngành cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra hoạt động của các trang mạng thông tin kiểu như 24h.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM:

Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Hành vi sao chép tác phẩm của người khác mà 24h đang làm là hành vi vi phạm pháp luật và cần phải bị xử lý triệt để.

Theo quy định tại Điều 23 của Nghị định số 47/2009/NĐ – CP ngày 13/5/2009 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan thì hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả hoặc tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị tịch thu phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm, buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm dưới hình thức điện tử trên mạng Internet.

Luật sư Huỳnh Văn Nông, Trưởng Văn phòng luật sư Sông Hậu, Đoàn luật sư TP HCM:

Luật sư Huỳnh Văn Nông.

 

 

Rõ ràng, báo điện tử bị sao chép và tác giả bị sử dụng trái phép có thể kiện 24h ra tòa án để đòi quyền lợi.

Nguyên tắc chung, đơn vị bị vi phạm có thể kiện đòi bên kia để bồi thường, nếu chứng minh được mức độ thiệt hại. Trong trường hợp không xác định được mức độ thiệt hại là bao nhiêu thì tòa án có thể áp dụng mức bồi thường theo chỉ định.

Không chỉ phải bồi thường mà trang web bị khởi kiện sẽ gây mất uy tín. Dẫn đến việc các nhà quảng cáo, các doanh nghiệp cũng sẽ không muốn quảng bá trên một website vi phạm.

Theo tôi biết, trong đạo đức nghề báo có những chuẩn mực nhất định về bảo vệ tác quyền. Tờ báo bị xâm hại tác quyền ngoài việc khởi kiện ra tòa cũng có thể phản ánh vi phạm của 24h lên Hội Nhà Báo Việt Nam để được bảo vệ quyền lợi.

Nhóm PV PetroTimes