Bắc Giang: "Cường hào mới" ở huyện Hiệp Hòa

09:11 | 13/03/2014

35,311 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thu hồi đất chẳng phải để phục vụ cho mục đích an ninh, quốc phòng, giao thông, thủy lợi, thế mà Ủy ban Nhân dân huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang lại có những hành động vội vàng, quên mất quyền lợi người dân. Khi bị người mất đất phản ứng, không chấp nhận mức đền bù thì chính quyền huyện tìm cách để “ép” phải nhận...

Quên không họp dân lấy ý kiến

Những ngày qua, người dân huyện Hiệp Hòa không ngớt lời xôn xao bàn luận về cái gọi là “công quyền” trong công tác thu hồi đất và công tác đền bù của chính quyền nơi đây. Theo phản ánh của bác Nguyễn Văn Hòa, tháng 5/2013, Ủy ban Nhân dân huyện Hiệp Hòa ra quyết định số 650/QĐ-UBND về việc thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện dự án khu dân cư số 3, thị trấn Thắng. Với quyết định này, hơn 121 nghìn m2 đất nông nghiệp của hơn 200 hộ gia đình xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa sẽ bị thu hồi để phục vụ cho việc giãn dân.

Câu chuyện thu hồi đất để phục vụ công tác phát triển kinh tế - xã hội thì đâu mà chẳng có, nhưng câu chuyện ở huyện Hiệp Hòa thì hoàn toàn mới lạ và khác người. Ngay sau khi quyết định thu hồi đất được ban hành, thay vì tổ chức họp dân để thông báo và lấy ý kiến thì chính quyền huyện này tiếp tục ban hành thêm một quyết định mới mang tên: “Quyết định số 651/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ do thu hồi đất nông nghiệp phục vụ cho công tác xây dựng khu dân cư số 3”. Chính quyền nơi đây không thèm quan tâm người bị thu hồi đất muốn gì, nghĩ ra sao về dự án, mà áp luôn một mức giá bồi thường chung là 100 triệu động/360 m2 (tương đương một sào Bắc bộ - PV).

Khu dự án Khu dân cư số 3 thị trấn Thắng.

Chính những hành động vội vàng, coi thường người dân của huyện Hiệp Hòa khiến dư luận bất bình, không đồng tình ủng hộ với mức bồi thường. Nhiều người bị thu hồi đất cương quyết không chấp hành chính sách này và đề nghị phải có một cuộc họp để người dân phát biểu ý kiến, bàn phương án đền bù, chuyển nghề cho người bị thu hồi đất. Thế nhưng, mọi yêu cầu của người dân đều bị chính quyền sở tại phớt lờ. Mặc cho người dân có chấp nhận hay không, toàn bộ cánh đồng rộng hơn 121 nghìn m2 đã được bàn giao cho chủ đầu tư dự án khu dân cư số 3 là Công ty Cổ phần Bất động sản Detech land.

Ruộng đất của nông dân đang trong giai đoạn tranh chấp đền bù, nhưng Detech land lại thuê một đơn vị chuyên san lấp mặt bằng vào bới tung các thửa ruộng. Theo người dân, Detech land giở trò kinh doanh bằng nước bọt, họ không mất một đồng nào cho việc san lấp mặt bằng. Theo thỏa ước giữa đơn vị san lấp mặt bằng với Detech land, phương thức thanh toán giữa hai đơn vị này là các lô đất.

“Công ty Detech land cắt lô với diện tích 90 m2 và rao bán với giá 400 triệu đồng. Đơn vị thi công san lấp mặt bằng không được Detech land thanh toán bằng tiền mặt. Toàn bộ công san lấp được quy đổi bằng những lô đất" - bác Nguyễn Văn Hòa nói.

Thu hồi đất không tổ chức họp lấy ý kiến người dân, giá đền bù bất hợp lý… là những lý do khiến người dân không đồng tình với dự án khu dân cư này. Bởi lẽ, giá đền bù cho người dân chỉ vài trăm nghìn/m2, nhà đầu tư chỉ san ủi làm hạ tầng, sau đó bán đất với giá 4-5 triệu/m2. Người dân vừa mới bị thu hồi đất muốn mua lại một lô trên chính thửa ruộng của mình cũng phải trả với giá cắt cổ. Những biểu hiện của nhóm lợi ích giữa doanh nghiệp và chính quyền, trục lợi từ dự án khiến cho người dân phẫn nộ.

Cho nghỉ việc để về… vận động gia đình!?

Không dừng lại ở những hành động coi thường người dân, chính quyền huyện Hiệp Hòa còn có những hành động không dân chủ, ép buộc người dân làm theo những cái đi ngược với chính sách của Đảng, Nhà nước. Theo ông Nguyễn Văn Hợi, gia đình ông có hơn 5 sào ruộng nằm trong diện bị thu hồi để phục dự án khu dân cư số 3. Tháng 6/2013, bất ngờ ông nhận được giấy mời lên trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Đức Thắng (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) để nhận tiền, vì ruộng nhà ông bị thu hồi. Đến lúc này, gia đình người nông dân này mới hay về dự án và việc mình bị thu hồi đất nông nghiệp.

Bức xúc vì chính quyền thu hồi ruộng không một lần thông báo, chưa từng có một cuộc họp lấy ý kiến, giá đền bù không hợp lý nên gia đình ông Hợi quyết không chấp thuận nhận tiền bồi thường. Bị ông cự tuyệt tiền bồi thường, chính quyền nơi đây tìm đủ mọi cách để ép ông phải nhận. Một mặt chính quyền cho người vận động, mặt khác cho đơn vị san lấp xới tung những thửa ruộng của nhà ông.

“Thấy tôi nhất quyết không nhận tiền đền bù, chính quyền nơi đây tìm cách ép tôi bằng mọi cách. Tôi có một người con trai tên là Nguyễn Trọng Nghĩa, đang công tác tại Nhà máy phân đạm Bắc Giang. Vừa qua, trên huyện có gửi công văn đến nơi con trai tôi làm việc yêu cầu cơ quan cho nó nghỉ làm một thời gian để về nhà vận động gia đình nhận bồi thường thu hồi đất” - ông Hợi nói.

Cũng rơi vào hoàn cảnh éo le, nhiều tháng qua, anh Nguyễn Văn Quỳnh phải sống trong lo âu, dằn vặt giữa công việc của vợ mình và những thửa ruộng nuôi sống gia đình bao năm qua. Theo lời kể của anh Quỳnh, vợ anh là chị Vũ Thị Lan Hương hiện đang làm giáo viên tại Trường Tiểu học Hùng Sơn. Gia đình anh bị thu hồi 3 sào ruộng, do mức giá quá thấp nên anh quyết không nhận. Không thuyết phục được anh nhận tiền, chính quyền nơi đây quay sang ép vợ anh.

Huyện Hiệp Hòa nhiều lần gửi công văn về Trường Tiểu học Hùng Sơn yêu cầu nhà trường cho chị Lan Hương nghỉ công tác một thời gian để ở nhà vận động chồng nhận tiền bồi thường. Trong những ngày chị Lan Hương ở nhà, hai vợ chồng mặt nặng mày nhẹ với nhau. Hết kỳ nghỉ phép, chị Lan Hương đi làm trở lại mà mục đích của huyện Hiệp Hòa vẫn chưa đạt được nên Phòng Giáo dục Đào tạo huyện Hiệp Hòa “mời” chị Lan Hương và lãnh đạo Trường Tiểu học Hùng Sơn lên.. "uống nước".

Trụ sở Ủy ban Nhân dân huyện Hiệp Hòa, nơi phát đi những công văn yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp cho người nghỉ làm để vận động nhận tiền đền bù.

“Ngày 7/3, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện mời vợ tôi và Nhà trường lên làm việc. Họ vận động, thuyết phục vợ tôi về việc nhận tiền đền bù. Phòng Giáo dục thông báo với vợ tôi rằng, nếu không chấp hành chính sách thu hồi đất thì cả Trường Tiểu học Hùng Sơn sẽ bị cắt thi đua. Không dừng lại ở đó, họ còn cho người đánh tiếng rằng, sẽ luân chuyển công tác vợ tôi đi xa” - anh Quỳnh khẳng định.

Tương tự như nhà ông Hợi bị chính quyền ép nhận tiền bồi thường theo kiểu “côn đồ”, ông Nguyễn Văn Dũng phải đánh đổi mấy sào ruộng nuôi sống gia đình ông để người con rể được kết nạp Đảng. Theo những người dân xóm 3, thôn Trung Đông, xã Đức Thắng thì gia đình ông Dũng có hơn 3 sào ruộng. Cũng do bức xúc về cách thu hồi và mức đền bù nên ông Dũng quyết không nhận tiền bồi thường. Vừa qua, người con rể của ông sinh sống và công tác trên Hà Nội được cơ quan cho đi học cảm tình Đảng. Sau thời gian phấn đấu, người con rể này được xét kết nạp Đảng. Trong quá trình đi xác minh lý lịch phía gia đình nhà vợ, chính quyền xã Đức Thắng quyết không xác nhận với lý do: “Bố vợ không chấp hành chính sách tại địa phương (không nhận tiền đền bù)”. Một vài ngày sau, có người đến nhà đánh tiếng rằng, muốn được xác nhận lý lịch cho con rể vào Đảng thì gia đình ông phải nhận tiền bồi thường thu hồi đất. “Cá chuối đắm đuối vì con”, ông Dũng nhắm mắt nhận tiền để con được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

“Cả gia đình tôi sinh sống nhờ vào hơn 3 sào ruộng, giờ bị thu hồi hết biết làm gì để sinh nhai. Việc thì không có, nghề phụ thì không, ăn hết số tiền hơn 300 triệu đồng này thì ăn cái gì đây...” - ông Dũng than thở.

Tiếp xúc với người dân chúng tôi thấy rằng, có vẻ như tình hình chưa có sự biến chuyển. Trong khi quyền lợii của người dân có nguy cơ bị xâm phạm thì họ cần lắm những tiếng nói công bằng vốn là điều trông chờ trong rất nhiều ngày qua.

Nhóm PV