Cấm xuất cảnh hai bác sĩ Trung Quốc ở phòng khám Maria

16:52 | 16/07/2012

918 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
  Liên quan đến hai bác sĩ quốc tịch Trung Quốc có liên quan trực tiếp điều trị khiến bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Phong tử vong tại phòng khám Maria, cơ quan điều tra đã đề nghị ngành chức năng cấm xuất cảnh đối với hai bác sĩ người nước ngoài này...

>> Sở Y tế Hà Nội đình chỉ hoạt động Phòng khám Maria để phục vụ điều tra

>> Bệnh nhân tử vong tại phòng khám Maria: Hai bác sỹ người Trung Quốc biến mất!

>> Hà Nội: Nữ bệnh nhân tử vong tại phòng khám Maria

Hai bác sĩ người Trung Quốc biến mất

Ngày 16/7, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) đã làm việc với Sở Y tế Hà Nội về cái chết của bệnh nhân Phong tại phòng khám Maria đêm 14/7. Đại tá Bùi Văn Đại, Trưởng Công an quận Đống Đa cho biết: Hai bác sĩ Trung Quốc có liên quan trực tiếp tới ca điều trị này cũng được mời lên trụ sở cảnh sát nhưng không đến. Khi cảnh sát tới nơi ở của hai bác sĩ Trung Quốc thì không có mặt họ. Do vậy, cơ quan điều tra đã đề nghị ngành chức năng ra lệnh cấm xuất cảnh đối với 2 bác sĩ này.

Ngoài ra, cơ quan Công an quận Đống Đa, Hà Nội, đang củng cố hồ sơ và chờ giám định pháp y để có hướng giải quyết. Hiện Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đang phối hợp với Cơ quan công an và cũng đã làm việc với lãnh đạo phòng khám Maria nhưng chưa thể đưa ra kết luận về nguyên nhân gây tử vong. Hiện toàn bộ hồ sơ bệnh án của bệnh nhân Phong đã được niêm phong.

Sự việc xảy ra khiến nhiều người bức xúc

Theo bà Lưu Thị Liên – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, chị Thu Phong đến phòng khám Maria để khám và điều trị bệnh viêm lộ tuyến tử cung.

Còn ông Nguyễn Việt Cường – Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, sau khi vụ việc xảy ra đây là trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, nên cơ quan công an vào cuộc thụ lý điều tra. Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ vô thời hạn hoạt động của Phòng khám đa khoa Maria để phục vụ công tác điều tra, yêu cầu phòng khám thực hiện nghiêm túc yêu cầu của cơ quan điều tra trong quá trình làm rõ vụ việc.

Liên quan đến yếu tố đội ngũ y – bác sĩ nước ngoài đang hoạt động tại các bệnh viện, phòng khám tại Việt Nam, ông Cường cho hay: Trên địa bàn Thành phố Hà Nội có tới mấy nghìn cơ sở khám chữa bệnh, ở đâu vi phạm là theo ngành dọc mà kiểm tra, trước tiên là y tế xã phương, sau quận huyện, rồi mới tới Sở. Về nguyên tắc, tất cả các phòng khám đều phải có giấy phép mới được hoạt động, trong hồ sơ xin phép phải có đầy đủ thông tin phòng khám, đội ngũ bác sĩ, nhân viên… còn tất cả ngoài những cái không có trong hồ sơ là hoạt động sai phép.

Các cơ quan y tế quận, huyện giám sát nếu phát hiện có quyền xử lý. Hiện tại trên địa bàn Hà Nội có 13 cơ sở khám chữa bệnh có yếu tố nước ngoài được cấp phép, với 17 bác sĩ. Các cơ sở này được kiểm tra liên tục, đảm bảo mỗi cơ sở được kiểm tra ít nhất hai lần một năm. Các cơ sở đã có sai phạm, bị xử lý sẽ được quan tâm nhiều hơn, tần suất kiểm tra thường xuyên hơn.

Trong thời gian một tháng trở lại đây ngành Y tế Hà Nội cũng đã tổ chức làm việc với các phòng khám có sử dụng bác sĩ nước ngoài, yêu cầu chấn chỉnh hoạt động. Tất cả các phòng khám vi phạm đều đã bị xử lý theo quy định của pháp luật, sai tới đâu xử lý tới đó. Còn việc rút giấy phép hoạt động hay không còn phải căn cứ vào sai phạm và các quy định của pháp luật, đâu phải muốn rút là rút được.

Chau khi bệnh nhân Phong tử vong, 4 người trong ê kíp điều trị đã bỏ trốn.

Còn việc Phòng khám Maria thu tiền khám chữa bệnh với giá cắt cổ, ông Cường cho rằng, việc khám chữa bệnh là theo luật, người bệnh tới khám có quyền lựa chọn dịch vụ, người bệnh phải tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chính mình trước. Họ phải hỏi rõ thông tin trước khi làm, giá cả ra sao?; chữa trị thế nào…? để xem điều kiện kinh tế có phù hợp với việc khám, chữa bệnh ở đấy không. Nếu không chịu được thì đi chỗ khác khám, vì trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều bệnh viện, tại sao cứ vào đấy, đấy là quyền của bệnh nhân lựa chọn.

Nghi vấn giả mạo chữ ký…?

Theo cơ quan công an, lực lượng chức năng đã thu được 4 chai dịch mà nhân viên phòng khám đã truyền cho chị Phong, niêm phong, đưa về để tiến hành làm rõ. Trong ca làm thủ thuật cho chị Phong có 4 người, trong đó có 2 bác sĩ người Trung Quốc. Thế nhưng, sau khi sự việc xảy ra, cả 4 người đều bỏ đi khỏi phòng khám.

Chiều 15/7, Cơ quan Công an và pháp y quân đội tiến hành pháp y tử thi để xác định về nguyên nhân cái chết của nạn nhân. Căn cứ vào kết luận pháp y tử thi, cơ quan công an sẽ tiến hành điều tra, kết luận nguyên nhân vụ việc và trách nhiệm của những người có liên quan.

Ông Nhất khẳng định có người mạo chữ ký trong biên bản tử vong

Theo ông Nguyễn Văn Nhất, bố chồng chị Phong nhớ lại, khi nhận được điện thoại của ông Nhất vội vàng đi đến phòng khám Maria nhưng nhân viên ở đây không cho lên gặp con dâu mà yêu cầu ngồi đợi ở tầng một. Ngồi chờ gần tiếng đồng hồ, một nữ y tá làm hướng dẫn ở tầng 1 mới lên tầng 5 để vào phòng bệnh nhân Phong đang điều trị. Tại đây, một bác sĩ từ trong phòng đi ra hỏi người nhà bệnh nhân. Khi ông Nhất trả lời là người nhà bệnh nhân thì vị bác sĩ này ghi luôn tên ông Nhất vào tờ biên bản mà ông ta đã cầm sẵn trên tay.

“Tôi ngoái nhìn thấy đó là tờ biên bản xác nhận tử vong có ghi tên con dâu tôi thì dựng hết tóc gáy, liền hỏi bác sĩ tại sao như vậy. Khi đó, ông bác sĩ mới cho biết con dâu tôi đã chết. Tôi như người mất hồn, vội vàng chạy vào phòng bệnh, thấy thi thể con dâu đã lạnh buốt, cứng đờ, chắc chắn đã tử vong trước đó khá lâu…” – ông Nhất nhớ lại.

Cũng theo ông Nhất, đến chiều ngày 15/7, ông mới được xem lại tờ biên bản xác nhận tử vong lập ở phòng khám Maria lúc xảy ra sự việc. Một điều ngạc nhiên là, quá trình lập biên bản tử vong ông không hề ký tên và cũng chưa từng sờ vào biên bản này. Nhưng, khi cơ quan đưa cho ông xem biên bản, ông Nhất lại thấy chữ ký của mình trong biên bản. “chắc chắn có người giả mạo chữ ký của tôi…” – ông Nhất khẳng định.

T.M

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc