Canh cánh bên lòng tình đồng đội

09:16 | 29/07/2012

760 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Ông là Nguyễn Văn Ngọ, hiện đang là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Dịch vụ kỹ thuật (DMC-RT), trực thuộc Tổng Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí (DMC).

Tạm gác ước mơ vào đại học, ông Ngọ hăng hái lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Sau hơn 2 tháng huấn luyện tại Hòa Bình và đợt nghỉ phép ngắn, ông cùng đồng đội vượt Trường Sơn vào chiến trường khu V. Cùng nhiều đồng đội cùng trang lứa, ông được biên chế vào Tiểu đoàn 15 công binh, khi đó đang làm nhiệm vụ giữ chốt tại núi Đức Liên, Ba Tơ, Quảng Ngãi. Bằng chất giọng trầm ấm, mộc mạc rất hiện thực, ông Ngọ dẫn dắt chúng tôi trở về những năm tháng hào hùng khi xưa.

Năm 1973, đơn vị ông nhận nhiệm vụ giữ chốt tại Sa Huỳnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi. Trước thời điểm Hiệp định có hiệu lực vài ngày, bên ta đánh chiếm Sa Huỳnh cắt đôi miền Nam. Tại đó, trong thời gian mấy tuần lễ diễn ra những trận đánh vo cùng ác liệt vì một bên cố giữ còn bên kia cố chiếm lại. Những ai đã từng tham gia trận đó điều không thể quên được những trận pháo bầy ác liệt. Cuối năm 1973, đơn vị ông được điều động ra Quảng Nam, lúc đầu tham gia chống địch lấn chiếm, sau đó tham gia Chiến dịch Nông Sơn – Trung Phước vào giữa năm 1974 và tiếp tục giữ chốt vào thời gian sau đó. Ông Ngọ cho rằng, cái làm những người lính chúng tôi khâm phục và cảm động nhất chính là đức hy sinh và tình đồng đội. Khi ra trận, những người lính đã sẵn sàng hy sinh thân mình và vì nhau mà hy sinh, mặc nhiên không ai so đo tính toán. 

Ông Nguyễn Văn Ngọ kiểm tra một quy trình xử lý axít tại mỏ Bạch Hổ

Vào ngày 4/10/1974, ông cùng đồng đội lên nhận chốt do đơn vị bạn mới đánh chiếm được vài ngày trước. Ông cùng 4 đồng đội khác lo đào hầm chống pháo suốt đêm cho tới khoảng 10 giờ hôm sau mới tạm nghỉ ăn trưa. Mọi người ngồi dựa lưng vào tường hầm vừa ăn cơm nắm vửa tranh thủ nghỉ. Sau bữa ăn, anh Kính, quê Hải Phòng là chính trị viên của đại đội leo ra khỏ hầm đi quan sát trận địa, ông Ngọ cũng leo lên khỏi hầm đi tìm nước. Ít phút sau đó, địch bất ngờ nã pháo dữ dội. Chỉ sau khoảng mươi phút, đỉnh đồi mới tối qua còn đan dày bởi những trúc và giang, lách qua còn khó, trở nên trống trơn, đen trụi và khét lẹt. Một quả đạn cối khoan đã làm sập hầm trú ẩn đang mới đào sâu được được khoảng quá đầu người. Quá bất ngờ nhưng ông vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra vị trí cần bới đất để hy vọng cứu sống đồng đội. Sau ít phút dùng hết sức lực đào bới, ông nắm được phần tóc của người đầu tiên. Đó chính là anh Kính. Vét lộ phần đầu đến cổ, cầm tóc lắc và quan sát thấy mắt anh vẫn còn chớp chớp, ông chuyển vị trí cào vét để mong cứu thêm 3 đồng chí nữa. Mặc dù còn đang bị chôn vùi đến cổ và hơi thở đã rất yếu anh Kính vẫn cố dặn về một đồng đội đang bị vùi lấp, khiến ông ám ảnh và không thể quên được. Anh nói: “Hãy cứu lấy thằng Hà, nó ở ngực anh”. Ông nhớ nhất có đồng chí Nguyễn Khắc Hải, nhà ở phố Quán Thánh, Hà Nội. Một người đồng đội có nét đẹp phúc hậu, một người lính y tá tận tụy, chu đáo chăm sóc, cứu chữa đồng đội. Kể đến đây, ông Ngọ trầm ngâm: “Cứ mỗi lần nghĩ đến đồng đội tôi lại ứa nước mắt”. Nhiều đêm, trong giấc mơ ông thấy các anh hiện về, các anh còn trẻ lắm, mũ tai bèo để trễ sau lưng, mình mang quân phục gọn gàng với cây súng trên vai, có anh trách ông sao lỡ để anh và đồng đội nằm lại ở những nơi hẻo lánh, lạnh lẽo. Điều ấy khiến ông luôn trằn trọc và khó ngủ. Đặc biệt vào cữ tháng 7 gần Ngày Thương binh - Liệt sĩ trong nhiều năm liền. Một cảm giác thôi thúc khó diễn tả, như linh cảm ông Ngọ quyết định đi tìm đồng đội.

Mang linh cảm về người đồng đội cũ ngã xuống năm xưa, ông liên hệ với Phòng Thương binh xã hội, quận Hoàn Kiếm để tìm gia đình liệt sĩ Nguyễn Khắc Hải. Khi tìm đến địa chỉ gia đình tại phố Quán Thánh, có sự trùng hợp kỳ lạ, sau khi giới thiệu là đồng đội cũ với thân nhân gia đình thì mẹ liệt sĩ Hải tưởng anh mới xem thông tin nhắn tìm đồng đội trên báo đài mà tìm đến. Thực ra là ông Ngọ chưa nghe thông tin đó, cảm giác hồi hộp, thôi thúc ấy cũng trùng vào ngày gia đình liệt sĩ Hải nhắn tin trên thông tin đại chúng. “Tôi lúc đó vừa mừng, vừa xúc động và thực sự tin vào linh cảm của mình. Hải thiêng lắm”. Sau lần đó, ông và gia đình anh Hải quay trở lại chiến trường cũ, bằng trí nhớ ông đã tìm đúng nơi yên nghỉ của người đồng đội trong niềm hạnh phúc đầy nước mắt sau bao năm trăn trở. Cũng trong đợt đi đó, ông lấy thêm được một số thông tin về mộ trí đã được quy tập của một số đồng đội khác để báo về cho gia đình họ.

Ông Ngọ vẫn thường tâm niệm rằng, những năm tháng chiến tranh đã vun đúc cho ông sự bản lĩnh, lời đồng đội trăng trối trước lúc ngã xuống chiến hào, như một mệnh lệnh. Thế hệ cựu binh như ông còn nguyện góp sức xây dựng đất nước ngày một thêm no ấm, làm ấm lòng các gia đình có người thân hy sinh trên chiến trường. Ông Ngọ trở về tiếp tục theo đuổi hoài bão đi học để cống hiến tâm sức cho đất nước, bù đắp tâm nguyện của những người đồng đội đã ngã xuống năm xưa. Vượt qua mưa bom bão đạn, rồi 20 năm cống hiến tâm sức cho sự nghiệp ngành Dầu khí, Tiến sĩ Ngọ cũng là tác giả chính trong nghiên cứu, đưa vào ứng dụng thực tế nhiều đề tài trong lĩnh vực xử lý cận đáy giếng, loại trừ lắng đọng muối, nâng cao sản lượng khai thác giếng dầu được các chuyên gia Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP) đánh giá cao. Thế nhưng, khi tôi nhắc đến những thành tích đó thì ông Ngọ cho rằng, để có được thành quả này, đó là công sức rất lớn của tập thể Vietsovpetro, một “vườn ươm lớn” đã tạo điều kiện thuận lợi và tin tưởng vào sự thành công của đề tài.

Người lính Nguyễn Văn Ngọ vẫn luôn tự hào là một trong số 3.000 hội viên cựu chiến binh của Tập đoàn phải luôn cố gắng, phấn đấu dù ở hoàn cảnh và vị trí công tác nào thì phẩm chất ấy luôn phát huy tác dụng. Để sống, làm việc, lao động với tinh thần, ý chí, nghị lực, lòng dũng cảm và lòng yêu nước của người lính năm xưa…

Ông Nguyễn Văn Ngọ

- Ngày sinh: 5/2/1954

- Quê quán: Phú Đa, Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội

- Nơi ở hiện nay: số 17, ngõ 37, phố Trần Quốc Hoàn, quận Cầu Giấy, Hà Nội

- Trình độ chuyên môn: Tiến sĩ, chuyên ngành Hóa công nghệ

- Trình độ chính trị: Cao cấp lý luận chính trị

Từng tham gia các chức vụ:

- Tham gia Kháng chiến chống Mỹ từ tháng 5/1972

- Từ tháng 3/1993 đến 1995: Chuyên viên Phòng Nghiên cứu Phát triển DMC

- Từ 1996 đến 199: Phó phòng Dịch vụ Kỹ thuật TCT DMC

- Từ 1998 đến 2010: Trưởng phòng Dịch vụ Kỹ thuật TCT DMC

- Từ 2011: Giám đốc Chi nhánh DMC-RT

Công việc và chức vụ hiện nay:

- Giám đốc DMC-RT

- Bí thư Chi bộ DMC-RT và Ban Kỹ thuật - An toàn - Môi trường

Khen thưởng:

- Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba

- Huy chương Kháng chiến hạng Nhì

- Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng


Mạnh Kiên

(Năng lượng Mới số 141, ra thứ Sáu ngày 27/7/2012)

 

DMCA.com Protection Status