Tam dương khai thái

07:10 | 17/01/2015

|
Bạn đọc: Nhân dịp đón năm con Dê (Ất Mùi), xin phiền ông cho biết nghĩa của thành ngữ “tam dương khai thái”. Tôi nghe có người nói rằng, ở đây, “tam dương” có nghĩa là ba con dê và nếu có ba con dê thì “khai thái”, nghĩa là mở ra cái gì to lớn. Nghe thì cũng có vẻ có lý nhưng tôi cảm nhận hình như xuất xứ của câu “tam dương khai thái” có liên quan đến một quẻ trong Kinh Dịch thì phải. Vậy xin ông giải đáp cho! N.P (Hà Nội)

Năng lượng Mới số 391

Học giả An Chi: Bạn đã cảm nhận rất đúng. Xuất xứ của câu “tam dương khai thái” có liên quan đến một quẻ trong Kinh Dịch.

“Thực ra, “dương” ở đây không phải chữ [羊] là dê. Nói vui một chút, ba con dê hợp lại chỉ tạo nên sự hôi tanh mà thôi. Thật vậy, ba chữ “dương” [羊] làm thành chữ “thiên” [羴] , nay thường viết thành [羶], có nghĩa là mùi hôi tanh của giống dê, cừu. Một số từ điển Hán Việt như của Đào Duy Anh, Đỗ Văn Đáp, Nguyễn Quốc Hùng v.v…, đã phiên chữ này thành “chiên” nhưng âm chính thống của nó lại là “thiên” (“thi yên thiết”), đúng như đã phiên trong Hán Việt tự điển của Thiều Chửu. Với cách phiên âm và phát âm trại đi trên đây, người ta cũng còn gọi con cừu là con chiên. Và do ẩn dụ mà con chiên cũng dùng để chỉ tín đồ của Công giáo mà người chăn dắt ở cấp độ thông thường là linh mục (“mục” [牧] là chăn dắt hoặc người chăn).

Thực ra, câu “tam dương khai thái” không liên quan đến con dê mà liên quan đến khái niệm “dương” trong “âm dương”. Nó bắt nguồn từ nội dung của Kinh Dịch và liên quan đến hình của những quẻ kép (trùng quái) tương ứng với 12 tháng trong năm cũng như đến tên của quẻ Thái là quẻ tương ứng với tháng Giêng. Xin xem bảng dưới đây:

Hình các quẻ kép ứng với 12 tháng.

Số thứ tự ở đây cũng là số thứ tự của từng tháng trong năm. Nhìn vào hình, có thể thấy quẻ nào cũng gồm có sáu vạch ngang, gọi là hào. Vạch liền (—) là hào dương còn vạch đứt (– –) là hào âm. Tháng Mười thuộc quẻ Khôn là một quẻ thuần âm vì gồm toàn là các hào âm. Tháng Mười một thuộc quẻ Phục, đã có một hào âm ở dưới cùng bị đẩy lùi, nhường chỗ cho một hào dương xuất hiện. Hiện tượng này gọi là “nhất dương sinh” (một hào dương phát sinh), “nhất dương lai phục” (một hào dương trở lại) hoặc “tân dương” (hào dương mới). Tháng Mười hai thuộc quẻ Lâm gồm có hai hào dương nên còn được gọi là tháng nhị dương. Tháng Giêng thuộc quẻ Thái gồm có ba hào dương nên còn được gọi là tháng tam dương. Đây cũng chính là hai tiếng “tam dương” trong câu “tam dương khai thái”. Tam dương là hình quẻ còn Thái là tên quẻ. Vậy câu “Tam dương khai thái” là một hình thức chơi chữ tế nhị và sâu sắc mà hàm nghĩa là “Tháng Giêng (tam dương) mở đầu (khai) cho sự hanh thông (thái) trong cả năm”.

Thực chất của vấn đề thì dứt khoát là như thế nhưng chẳng những bên ta mà bên Tàu nhiều người cũng đã đồng hóa chữ “dương” [陽] trong “âm dương” này với chữ “dương” [羊] là dê. Hệ quả của nó là ngày nay, ngay ở bên Tàu, ba con dê hầu như đã trở thành một nhóm (bộ ba) trong văn hóa tâm linh của họ, rồi có vẻ như cũng lây cả sang ta nữa! Vì vậy nên cái gốc “tam dương khai thái” [三陽開泰] với chữ “dương” trong “âm dương” bây giờ đã được tạo hình thành ba con dê trong hội họa và điêu khắc, như trong bức tranh mà tác giả là Kha Diệu Đông [柯耀東], người Đài Loan, sáng tác năm 2003. Cái xu hướng này bây giờ chẳng những không thể dứt bỏ được mà càng ngày càng phát triển. Trước thực tế này, nghĩa là trước sự đã rồi, ông Tô Bồi Thành [蘇培成], giáo sư hệ Trung văn Đại học Bắc Kinh đã làm một việc thực chất là có tính chiết trung. Ông cũng giải thích rằng thành ngữ “tam dương khai thái” vốn xuất xứ từ quẻ Thái trong Kinh Dịch nhưng chữ “dương” trong “âm dương” đã bị chữ “dương” là dê thay thế. Ông dẫn giải rằng thời xưa chữ “dương” [羊] và chữ “tường” [祥] trong “cát tường” thông nhau. Bằng chứng là trên nhiều cổ vật thì “cát tường” [吉祥] đươc viết thành “cát dương” [吉羊]. Đồng thời, thời xưa thì bên Tàu vẫn xem dê là linh thú và điềm lành. Vì vậy nên “tam dương khai thái” [三陽開泰] với chữ “dương” [陽] trong “âm dương” hay “tam dương khai thái” [三羊開泰] với chữ “dương” [羊] là dê đều mang ý nghĩa cát tường.

A.C