TS Nguyễn Trung Thắng: Nhờn luật bảo vệ môi trường

08:19 | 10/10/2012

1,723 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Sự phát triển kinh tế ồ ạt, không chú trọng bảo vệ môi trường dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng và những hệ lụy của nó còn ảnh hưởng lên nhiều thế hệ. Thực trạng đó đang là vấn đề nóng ở Việt Nam.

Trong khi việc học tập, rút kinh nghiệm từ những nền kinh tế đi trước nhằm đảm bảo sự tăng trưởng xanh vẫn còn chậm chạp, thụ động. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là điều kiện tốt cho những nỗ lực tuyên truyền, cam kết và hành động đảm bảo cho một nền kinh tế phát triển trên cơ sở tôn trọng, thân thiện với môi trường. PV Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Trung Thắng - Phó viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường về vấn đề này.

PV: Hai hoạt động của con người, một là sinh hoạt cuộc sống thường ngày, hai là hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ đang ảnh hưởng tới môi trường như thế nào, thưa ông?

TS Nguyễn Trung Thắng: Hiện nay ở nước ta, cả hai hoạt động đó đều đang gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. Trước hết, quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nước ta đang tiêu tốn rất nhiều tài nguyên, sử dụng tài nguyên không hiệu quả. Từ đó dẫn đến việc thải ra nhiều chất thải, bao gồm chất thải rắn, khí thải, nước thải. Các loại chất thải này đến lượt nó lại không được xử lý phù hợp mà xả trực tiếp ra môi trường dẫn đến gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. Hiện nay vẫn còn hơn 40% các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa có hệ thống xử lý nước thải. Việc xử lý chất thải rắn, khí thải và chất thải nguy hại từ các cơ sở công nghiệp chưa được thực hiện một cách triệt để.

TS Nguyễn Trung Thắng (ảnh: Hữu Tùng)

Đối với sinh hoạt, với dân số ngày càng tăng, với quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ và mức sống được cải thiện, lượng chất thải đang ngày càng gia tăng cả về số lượng, chủng loại và mức độ nguy hại. Trong khi đó, việc quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường lại không theo kịp. Hiện nay, phần lớn các đô thị nước ta chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, riêng ở Hà Nội mới chỉ có khoảng 5% nước thải được xử lý. Ở nông thôn, mới chỉ có khoảng 40-50% rác thải được thu gom, với hơn 60% số xã chưa tổ chức thu gom rác thải. Số lượng phương tiện giao thông đang gia tăng nhanh, hiện có khoảng 34 triệu xe máy, gần 2 triệu ôtô gây ra nhiều khí thải. Sự gia tăng chất thải đã làm trầm trọng thêm mức độ ô nhiễm môi trường vốn không được giải quyết từ nhiều năm qua.

PV: Xin ông cho biết, nguyên nhân của việc sử dụng không hiệu quả nguồn tài nguyên, gây ô nhiễm là gì?

TS Nguyễn Trung Thắng: Thứ nhất là do công nghệ lạc hậu. Chúng ta chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, nhưng theo thống kê có đến 85% cơ sở công nghiệp nước ta có trình độ công nghệ lạc hậu, chỉ 10% trình độ trung bình và 5% là công nghệ tiên tiến so với thế giới. Công nghệ lạc hậu tất nhiên không thể sử dụng hiệu quả tài nguyên, đồng thời sẽ tạo ra nhiều chất thải. Thứ hai là ý thức nhận thức trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc xử lý chất thải, bảo vệ môi trường còn chưa cao. Thậm chí còn có những doanh nghiệp cố tình trốn tránh trách nhiệm xử lý chất thải để hưởng lợi bất chính (phần chi phí lẽ ra họ phải trả cho môi trường). Nguyên nhân thứ ba là do việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) ở nước ta thời gian qua chưa thực sự nghiêm minh, việc thanh tra, kiểm tra còn bất cập, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe… 

PV: Vì sao các giải pháp khắc phục tình trạng đó không đi vào cuộc sống mà chỉ tồn tại ở dạng báo cáo, văn bản, thưa ông?

TS Nguyễn Trung Thắng: Từ chiến lược, chính sách cho đến thực tiễn cuộc sống bao giờ cũng có một khoảng cách. Trong việc tổ chức thực hiện để đưa được các chiến lược, chính sách đó vào cuộc sống, các cấp chính quyền của các địa phương đóng vai trò hết sức quan trọng. Thực tế cho thấy, chúng ta đã có một hệ thống chính sách pháp luật tương đối đầy đủ về BVMT, cụ thể như các quy định về đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư; xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường đối với các dự án đang hoạt động; phục hồi môi trường đối với các dự án khai thác khoáng sản, v.v… Những điều đó các quy định pháp luật của chúng ta đều đã có, nhưng trên thực tế việc đưa vào triển khai thực hiện lại không được như mong đợi.

PV: Nhưng động thái của các cơ quan quản lý cho thấy, họ chưa thực sự chủ động trong việc giải quyết bài toán ô nhiễm. Theo ông, phải làm gì và bắt đầu từ đâu?

TS Nguyễn Trung Thắng: Để giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường cần thực hiện 3 nhiệm vụ: Thứ nhất là ngăn ngừa ô nhiễm từ các dự án đầu tư mới; Thứ hai là phải kiểm soát ô nhiễm từ các cơ sở đang hoạt động; Thứ ba là phải cải tạo, phục hồi môi trường ở những khu vực đã bị ô nhiễm, suy thoái.

Để ngăn ngừa ô nhiễm từ các dự án chuẩn bị đầu tư, hoạt động đánh giá tác động môi trường (ĐTM) phải được thực hiện thật nghiêm túc. Về quy trình, để được cấp phép đầu tư, dự án phải có báo cáo ĐTM được phê duyệt. Sau đó, cho dù đã được cấp phép đầu tư, thì trong khi xây dựng dự án, cơ quan quản lý môi trường phải đến xác minh xem các hạng mục BVMT của dự án có đảm bảo tuân thủ theo báo cáo ĐTM không và nếu tuân thủ, lúc đó dự án mới được phép vận hành (hoạt động này gọi là hậu kiểm ĐTM). Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, việc hậu kiểm ĐTM thời gian qua chỉ mới được thực hiện đối với khoảng dưới 20% dự án, nghĩa là trong nhiều trường hợp báo cáo ĐTM chỉ là thủ tục để được cấp phép đầu tư còn khi thực hiện thì lại không bảo đảm theo như yêu cầu.

Đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động, nếu chưa có báo cáo ĐTM thì phải lập đề án BVMT, phải bảo đảm xử lý các loại chất thải rắn, nước thải, khí thải đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi xả ra môi trường. Ở đây, các cấp chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý. Trường hợp có vi phạm thì phải xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí xử lý hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế, do nhiều nguyên nhân, việc thực thi pháp luật cũng chưa được như mong đợi. Ngoài ra, chúng ta cũng đã xác định được 429 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hơn 2.000 làng nghề, trong đó có hàng trăm làng nghề đang bị ô nhiễm nặng nề, song việc giải quyết không hề đơn giản.

Đối với việc cải tạo, phục hồi các cơ sở, khu vực bị ô nhiễm, suy thoái, chúng ta hiện có khoảng 25ha đất bị nhiễm chất độc da cam diôxin ở các sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát; khoảng 335 điểm ô nhiễm hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu, đặc biệt ở các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh… Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012-2015 để góp phần giải quyết các vấn đề này. Chương trình có tổng kinh phí hơn 5.800 tỉ đồng với mục tiêu xử lý 47 làng nghề đang bị ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng; 100 khu vực bị ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu gây ra; và 100% các dự án thu gom, xử lý nước thải từ các đô thị loại II trở lên, xả trực tiếp ra 3 lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, sông Cầu và hệ thống sông Đồng Nai.

Bãi rác lộ thiên tại Hoài Đức, Hà Nội

PV: Những hoạt động nông nghiệp gây tổn hại lớn đến môi trường ra sao, thưa ông?

TS Nguyễn Trung Thắng: Tổn hại đối với môi trường đến từ các hoạt động của ngành này, đó là: chăn nuôi và trồng trọt; lâm nghiệp và thủy sản. Trong lĩnh vực trồng trọt, chúng ta sử dụng phân bón và hóa chất bảo vệ thực vật nhiều. Hàng năm, ước tính tổng lượng phân bón vô cơ sử dụng trong canh tác nông nghiệp vào khoảng 2,5-3,0 triệu tấn, trong đó có đến 50-70% không được cây trồng sử dụng mà thải ra môi trường. Đối với thuốc bảo vệ thực vật, có một tình trạng là các vỏ bao bì người dân sử dụng xong vứt bừa bãi, tuy có nơi đã tổ chức thu gom nhưng quy định việc xử lý là chưa rõ ràng. Trong lĩnh vực chăn nuôi, chúng ta có nhiều làng nghề chăn nuôi như chăn nuôi lợn, gà rất lớn. Hướng của bà con chủ yếu vẫn là cố gắng khuyến khích xây dựng biogas để tận dụng chất thải và nhiên liệu cho sinh hoạt, tuy nhiên nước thải sau đó cũng là một vấn đề. Chưa kể, nhiều nơi, một số hộ chăn nuôi với quy mô nhỏ không làm biogas mà thải thẳng ra mương rạch của làng. Cụ thể như làng Cát Quế, Đan Phượng, Hà Tây trước đây vài năm bị ô nhiễm rất nặng do chất thải từ việc chăn nuôi lợn, không biết bây giờ đã xử lí được chưa. Chủ trương của ngành nông nghiệp nước ta là hướng tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn, giảm quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, nhất là giảm thiểu ô nhiễm và tăng lợi nhuận về kinh tế, nhưng thực tế thì đang rất khó khăn...

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, nhờ các nỗ lực, tỷ lệ che phủ rừng đã tăng qua các năm đến năm 2010 ước đạt 40% diện tích đất cả nước. Tuy nhiên, chất lượng rừng tiếp tục suy giảm, rừng nguyên sinh vẫn đang tiếp tục bị tàn phá do nhiều mục đích khác nhau. Mục tiêu trong Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến 2020 vừa được phê duyệt là tiếp tục tăng độ che phủ rừng lên 45% vào năm 2020 và cố gắng giữ được diện tích rừng nguyên sinh không bị mất đi, hiện còn khoảng 0,57 triệu ha. Đây là một thách thức của ngành lâm nghiệp.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng, chúng ta cũng có một điểm sáng là cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được ban hành và áp dụng thời gian qua, có thể nói đó là một thành công. Theo cơ chế này, các nhà máy thủy điện, các công ty cung cấp nước sạch, các công ty du lịch… sẽ phải trả tiền cho người dân ở đầu nguồn để họ giữ rừng, qua đó giữ được nguồn nước. Thay vì người dân vào để phá rừng thì nhờ cơ chế này người ta biết gìn giữ chúng hơn. Hy vọng, với những cơ chế như vậy rừng đầu nguồn của chúng ta sẽ được gìn giữ tốt hơn.

Về lĩnh vực thủy sản có hai điều cần quan tâm, đó là khai thác không bền vững và nuôi trồng, chế biến gây ô nhiễm. Khai thác không bền vững là các hình thức đánh bắt gần bờ, khai thác hủy diệt không đúng mùa vụ, ví dụ đi bắt vào mùa cá đẻ hay dùng mắt lưới quá nhỏ. Vấn đề thứ hai là nuôi trồng thủy sản thải ra một khối lượng nước thải rất lớn không qua xử lý. Ở Ninh Thuận, có những khu vực nuôi tôm dọc bờ biển trước đây nay bị bỏ hoang do nước thải ở đó không xử lý được, đất bị ô nhiễm không nuôi tôm được nữa, thậm chí quay lại trồng trọt thì lúa cũng không sống nổi và trở thành hoang hóa. Ngoài ra, phá rừng ngập mặn để phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản cũng là vấn đề lớn, gây tác hại rất nghiêm trọng tới hệ sinh thái. Và việc chế biến thủy sản, ví dụ như ở đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau… nhiều nhà máy không có hệ thống xử lý nước thải gây ô nhiễm môi trường.

PV: Nghe phân tích của ông thì hiện tại tất cả các hoạt động sống của chúng ta từng giây, từng phút đều góp phần tăng nặng ô nhiễm môi trường. Vậy nước ta đứng thứ bao nhiêu trong khu vực châu Á về mức độ ô nhiễm?

TS Nguyễn Trung Thắng: Lịch sử thế giới cho thấy, quá trình công nghiệp hóa thường gắn liền với ô nhiễm, suy thoái môi trường. Nhìn lại quá trình phát triển của một số nước như Anh, Pháp, Mỹ… họ bắt đầu công nghiệp hóa từ thế kỷ XIX và cũng phải mất đến 200 năm để phục hồi lại môi trường. Những nước công nghiệp hóa muộn hơn sau này như Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng phải mất đến 60-70 năm để khôi phục lại môi trường. Ở Nhật Bản, ô nhiễm môi trường đã gây ra những căn bệnh như minamata do bị nhiễm chất độc thủy ngân vào cơ thể người gây tác hại rất lớn. Nước ta mới tiến hành đẩy mạnh công nghiệp hóa được hơn 25 năm, tình trạng ô nhiễm cũng là một tất yếu của cuộc sống mà giờ đây chúng ta phải khắc phục dần dần.

Nước thải công nghiệp với hóa chất nguy hại đổ thẳng ra kênh

PV: Việc đầu tiên phải làm có lẽ là cần có những định hướng chiến lược đới với việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên thiên. Vậy theo ông, làm thế nào để sử dụng tài nguyên không lãng phí?

TS Nguyễn Trung Thắng: Cần có những định hướng chiến lược ở tầm vĩ mô, đối với loại tài nguyên gì, khoáng sản gì nên dự trữ, có thể chưa nên vội vàng khai thác sử dụng, đối với những loại cần khai thác để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước thì phải khai thác một cách hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả. Trên thế giới đã có hiện tượng “lời nguyền tài nguyên” để chỉ những quốc gia nào lệ thuộc quá vào tài nguyên sẽ bị kém phát triển, ví dụ như Nigeria...

Khi nền kinh tế chỉ phụ thuộc vào việc mang tài nguyên đi xuất khẩu nhưng lợi nhuận thu được lại không được phân bổ đồng đều, không chú trọng việc phát triển công nghệ, đầu tư vào giáo dục, không có tác động lan tỏa đến các ngành, lĩnh vực khác thì hiệu quả cực kỳ thấp. Nhà nước phải có chính sách để lợi nhuận thu được từ tài nguyên phải làm sao để thúc đẩy phát triển được nguồn nhân lực, phát triển những ngành công nghiệp xanh, sạch, phát triển và cải tiến công nghệ. Tài nguyên cũng có lúc sẽ bị cạn kiệt và lúc đó muốn phát triển phải dựa vào nguồn nhân lực, vào khoa học công nghệ. Một nước giàu tài nguyên như Australia họ cũng lấy việc khai thác tài nguyên khoáng sản làm chủ đạo, nhưng họ đánh thuế rất cao và sử dụng nguồn lợi đó vào đầu tư cho hệ thống giáo dục, cho khoa học công nghệ. Sau một thời gian, ngành giáo dục của họ đã trở thành ngành thu hút nước ngoài vào đào tạo để họ kiếm lợi. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, khi xem tài sản của các quốc gia đang ở đâu, thì nhận thấy rằng, đối với các nước phát triển, phần lớn tài sản là vô hình (là chính sách, pháp luật, văn hóa, khoa học công nghệ, giáo dục..) và tài sản hữu hình (tài nguyên, môi trường…) chỉ là phần nhỏ, trong khi các nước đang phát triển thì ngược lại. Vì vậy, Nhà nước cần chú trọng phát triển các của cải/tài sản vô hình này.

PV: Còn việc ngăn chặn ô nhiễm môi trường của nước ta thì sao, thưa ông?

TS Nguyễn Trung Thắng: Trong thời gian 10-15 năm tới là rất khó để có thể ngăn chặn được xu thế gia tăng ô nhiễm, mà chỉ có thể hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, vì chúng ta đang ở trình độ phát triển thấp mà lại muốn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Như đã nói ở trên, đối với các nước đi trước, ít nhất phải mất 50-60 năm kể từ khi bắt đầu công nghiệp hóa để quay trở lại đầu tư cho bảo vệ môi trường. Khi đất nước đạt được sự giàu có nhất định, người dân có mức thu nhập nhất định thì mới có đủ nguồn lực, nhận thức để thực hiện tốt, hiệu quả công tác bảo vệ môi trường.

Trong lý thuyết có đường cong Kuznets (Kuznets curve) biểu thị sự phụ thuộc giữa mức độ gia tăng ô nhiễm và GDP (với trục tung là mức độ ô nhiễm môi trường, trục hoành là GDP/người). Đường cong này có dạng một parabol úp ngược, nghĩa là khi GDP còn thấp thì mức độ ô nhiễm gia tăng cùng với GDP cho đến một “thời điểm” mà sau mức GDP đó thì mức độ ô nhiễm bắt đầu giảm. Một số chuyên gia cho rằng, “thời điểm” đó tùy thuộc vào điều kiện của mỗi nước, song tương ứng với GDP khoảng 6.000 USD/người và qua đỉnh này, mức độ ô nhiễm bắt đầu giảm xuống.

Chiến lược bảo vệ môi trường của nước ta đặt ra mục tiêu đến 2020 hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, nghĩa là làm giảm độ dốc của đường ô nhiễm và đến 2030 bắt đầu ngăn chặn được mức độ gia tăng ô nhiễm, nghĩa là đường ô nhiễm bắt đầu dừng lại, đi ngang và sau đó đi xuống. Rõ ràng rằng, đối với một nước bắt đầu đi lên công nghiệp hóa như nước ta, ô nhiễm môi trường là không tránh khỏi, tuy nhiên không có nghĩa là vì thế mà chúng ta chỉ khoanh tay ngồi nhìn, mà phải làm rất nhiều việc để phòng ngừa, kiểm soát, xử lý, phục hồi ô nhiễm. Có như thế mới hy vọng làm giảm được tốc độ gia tăng ô nhiễm xuống ở mức mong muốn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Xếp hạng đánh giá hoạt động BVMT (Environmental Performance Index - EPI) của Đại học Yale (Hoa Kỳ) năm 2012 thống kê, đối với 132 quốc gia trên toàn cầu, nước ta đứng ở cuối nhóm các nước trung bình, xếp thứ hạng 79 sau các nước trong khu vực như Thái Lan (34) Phillipines (42), Singapore (52), Campuchia (59). Cũng theo nghiên cứu này, về chỉ số ô nhiễm không khí, Việt Nam xếp thứ 123/132 và là 1 trong 10 nước có không khí bị ô nhiễm nhất.


Thái Linh (thực hiện)

(Năng lượng Mới số 162, ra thứ Ba ngày 9/10/2012)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc