Mỗi ngư dân bám biển Hoàng Sa là một biểu tượng anh hùng

10:30 | 17/03/2013

1,193 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Mới đây, truyền hình Trung Quốc ghi lại hình ảnh kiên cường bất khuất bám biển Hoàng Sa đến cùng của 2 tàu cá Việt Nam trước sự quấy nhiễu của Hải giám, Kiểm ngư Trung Quốc. Hình ảnh này tạo ra sự xúc động lớn không chỉ ở trong nước mà với cả đồng bào ta trên khắp thế giới. Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai- Giám đốc Trung tâm Văn hóa Minh Triết - Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam dành cho Petrotimes một cuộc trò chuyện.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai

Thưa ông, ông có cảm nhận gì về sự kiện 2 tàu ngư dân kiên cường bám trụ biển bất chấp sự quấy nhiễu đe dọa của hải giám, kiểm ngư Trung Quốc?

Tôi đọc báo và được biết hành động dũng cảm của 2 con tàu của ngư dân Việt Nam kiên cường bám trụ ngư trường quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tôi nghĩ cần biết ơn những hành động này của ngư dân. Họ không ngần ngại hiểm nguy để luôn luôn khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.

Như chúng ta đã biết, Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đã bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đoạt (Năm 1956 chiếm nhóm phía Đông quần đảo, năm 1974 chiếm nhóm phía Tây quần đảo từ tay chính quyền VNCH). Đây thực chất là hành động dùng vũ lực chiếm đoạt trái với luật pháp quốc tế, chà đạp lên luật pháp Quốc tế.

Đối chọi lại, ngư dân Việt Nam lại thực hiện khẳng định chủ quyền hòa bình. Họ làm ăn sinh sống trên ngư trường truyền thống cha ông để lại. Họ không có vũ khí, họ không tước đoạt của ai và hoàn toàn vì mục đích kiếm sống hòa bình.... Hành động của họ đáng được tôn vinh lắm chứ.

Trong khi đó, tôi được biết, mỗi người Trung Quốc được cử ra quấy nhiễu ngư dân của ta đều được chính phủ Trung Quốc trả một khoản tiền lớn mỗi ngày.

Như vậy, chúng ta phải bù đắp những gì thiếu hụt của ngư dân Việt Nam. Chúng tôi hoan nghênh tấm lưới nghĩa tình của Tổng liên đoàn Việt Nam. Đây là nghĩa cử cao đẹp của nhân dân Việt Nam đối với ngư dân. Nhân sự kiện này nên chăng, chúng ta không chỉ có ca tụng mà còn phải hỗ trợ thiết thực cho ngư dân bám biển....

Tôi nhớ có một ngư dân ở đảo Lý Sơn là anh Mai Thúc Liên, 3 lần bị tàu Trung Quốc cướp tàu, cướp lưới dẫn đến phá sản khánh kiệt nhưng vẫn kiên cường bám biển. Sau này anh đi đến các vùng ven biển vận động thành lập công ty cổ phần để tiếp tục ra khơi bám biển...

Một thông tin khác, tập thể ngư dân tàu Thành Công 07 đã tiếp cận tàu HQ-604, bị Trung Quốc bắn chìm trong trận chiến Gạc Ma 1988, đưa một số hài cốt liệt sĩ của ta về đất liền. Trong đó, một thành viên của con tàu này đã hy sinh tính mạng. Câu chuyện này khiến hình ảnh ngư dân Việt Nam đã tuyệt vời lại tuyệt vời hơn. Quan điểm của ông thế nào?

Hành động này xảy ra cách đây đã mấy năm (năm 2008), nhưng đọc lại, tôi vẫn thấy xúc động. Tập thể ngư dân tàu Thành Công 07, là tàu mò tìm sắt vụn và tài sản chìm trên biển, kiếm tìm lợi ích từ con tàu chìm. Nhưng không phải họ chỉ đi tìm lợi ích vật chất mà còn bỏ công bỏ sức, thậm chí tính mạng của mình để mò tìm tiếp cận tàu HQ-604 đã bị Trung Quốc bắn chìm trong trận chiến Trường sa cách đây 25 năm để mò tìm hài cốt còn lại của các liệt sĩ.

Tàu Thành Công 07 đã làm được một việc rất đẹp, rất đáng tôn vinh. Anh Vinh đã mò tìm hài cốt liệt sĩ và phải bỏ mạng trong con tàu này. Hành động này đáng phải tôn vinh, trong đó, anh Vinh phải được coi là hy sinh. Càng biết ơn anh Vinh và tập thể tàu Thành Công 07 bao nhiều càng chạnh lòng bấy nhiêu.

Hình ảnh tàu cá Việt Nam kiên cường bám biển Hoàng Sa trước sự quấy nhiễu của tàu Hải giám Trung Quốc.

 

Được biết ông đang chủ trì chương trình Minh triết làm chủ Biển Đông. Chương trình này sẽ có kế hoạch gì để tôn vinh, ủng hộ ngư dân Việt Nam?

Thực ra chương trình Minh triết làm chủ Biển Đông do Trung tâm Văn hóa Minh triết - Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam chủ trì bắt nguồn từ dự báo chiến lược của Nguyễn Bỉnh Khiêm: Vạn lý Đông minh quy bả ác/ Ức niên Nam cực điện long bình (Vạn dặm Biển Đông dang tay giữ/ Muôn năm cõi Việt vững thanh bình). Đây là dự báo của nhà tiên tri thiên tài từ 500 năm trước, cũng là lời nhắc nhủ con cháu phải biết gìn giữ biển đảo cha ông để lại. Gìn giữ ở đây không phải bằng vũ lực bất hợp pháp mà là gìn giữ hợp pháp, hợp đạo lý. Gìn giữ bằng phát triển kinh tế biển, gìn giữ bằng khoa học biển, bằng giáo dục nhận thức biển...

Trong đó, ngư dân là lực lượng làm kinh tế biển rất quan trọng. Ngư dân là lực lượng trực tiếp hàng ngày có mặt trên biển, khẳng định chủ quyền trên biển. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có chính sách đồng bộ, một sự quan tâm đồng bộ để ngư dân hành nghề tốt nhất trên biển của chúng ta.

Tôi nghĩ, bên cạnh những việc làm nghĩa cử cao đẹp như “góp đá xây Trường Sa”, "tấm lưới nghĩa tình", chúng ta cần có một chiến lược phát triển kinh tế biển và gìn giữ chủ quyền. Phải lo cho đời sống ngư dân trên bờ cũng như ngoài biển để họ vững tâm làm ăn. Đó là đạo lý minh triết làm chủ Biển Đông.

 

 

Trong video, truyền thông Trung Quốc đã thừa nhận việc tàu Hải giám quấy nhiễu, xua đuổi các tàu đánh cá của ngư dân người Việt hoạt động hợp pháp ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

 

Chương trình Minh triết làm chủ Biển Đông cũng đã có nhiều gợi ý tìm tòi từ nhiều trí thức, học giả. Nhiều trí thức gợi ý nên thành lập ngôi trường đào tạo phục vụ ngư dân. Không phải là trường lớp đào tạo theo chương trình để lấy bằng cấp mà là ngôi trường dạy cho ngư dân cái mà họ cần.

Chương trình sẽ mời gọi các lực lượng xã hội tham gia, các tầng lớp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước cùng góp sức đầu tư đào tạo ngư dân. Đào tạo những gì họ cần để bám biển, để có đời sống tốt hơn, tay nghề tốt hơn. Như đào tạo nghề máy, tài công, đào tạo về kỹ năng chống lại các “tàu lạ” quấy nhiễu... học một số ngoại ngữ, giáo dục về chủ quyền biển đảo để họ vững tay chèo... Đó là những gì Chương trình Minh triết làm chủ Biển Đông muốn làm...

Được biết, sắp tới, cuối tháng 4, chương trình Minh triết làm chủ Biển Đông dự định tổ chức Hội nghị vinh danh những người có công với hoạt động bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông. Vậy ông có định vinh danh những ngư dân dũng cảm, mưu trí không?

Có lẽ mỗi người ngư dân bám biển đã là một biểu tượng của anh hùng, hành động ấy vốn đã đáng tôn vinh. Tuy nhiên, chúng tôi cố gắng sẽ lựa chọn một số tấm gương tiêu biểu cho ngư dân để tôn vinh. Tôi nghĩ tập thể tàu Thành Công 07 cũng là tấm gương ngư dân đáng tôn vinh lắm chứ. Về lâu về dài tôi nghĩ các đoàn thể xã hội sẽ có nhiều hành động thiết thực hơn, không chỉ là tôn vinh ngư dân mà phải luôn đồng hành cũng họ, là hậu phương vững chắc cho họ yên tâm bám biển.

Xin cám ơn ông!

 

Hồng Chuyên (thực hiện)

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc