Đông “quan” - khổ dân

07:00 | 23/02/2013

1,290 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - (Petrotimes) - “Quan đông” là do phân công phân nhiệm chồng chéo, giản đơn, cả nể. Giá như các nơi đều khoán việc, khoán kinh phí thì đâu nên nỗi đông “quan” khổ dân.

Phải đến cuối năm 2012, thông tin về xã Quảng Vinh (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) có tới 500 “quan” gây xôn xao dư luận mới được làm rõ. Thì ra con số “quan” của xã Quảng Vinh không lên đến 500. Tờ báo đưa tin này dính “tai nạn nghề nghiệp” do lỗi nghiệp vụ đã phải rút kinh nghiệm vì số “quan” của xã này chỉ có 40 người và “quan” thôn là 214 người với thực tế, “quan” xã có lương ngân sách còn “quan” thôn hưởng phụ cấp từ nguồn thu của dân.

Theo báo cáo giải trình, xã Quảng Vinh hiện có 40 cán bộ xã (bao gồm cán bộ chuyên trách, công chức là 22 người). Số còn lại gồm 18 người là cán bộ không chuyên trách. Đối với 15 thôn của xã, có 214 người, bao gồm bí thư chi bộ, trưởng thôn, công an viên, tổ an ninh thôn, dân quân tự vệ và những người đứng đầu các tổ chức đoàn thể.

Một nội dung khác mà báo chí phản ánh trước đó liên quan đến các khoản đóng góp của người dân, theo báo cáo giải trình của UBND xã Quảng Vinh, hiện nay ở xã này tiến hành thu 7 khoản, còn ở thôn cũng thu 6 khoản. Trong đó, một số khoản thu của xã như quỹ giao thông thủy lợi; quỹ an ninh quốc phòng; quỹ phòng chống thiên tai; phục vụ nông nghiệp… Còn ở thôn, gồm các khoản thu như bảo vệ thôn; thu ủng hộ theo các cuộc vận động từ trên xuống; thu bảo vệ trẻ em… Việc thực hiện thu các khoản đóng góp của dân ở trên là do HĐND họp và thông qua thành nghị quyết rồi giao cho UBND xã thực hiện.

Tuy nhiên, lãnh đạo huyện khẳng định, “huyện đã ban hành văn bản yêu cầu và nghiêm cấm các xã tuyệt đối không được ra nghị quyết thu bất kể một khoản nào đối với dân mà trái với quy định của Nhà nước”.

Xin nhớ rằng nước ta hiện có khoảng 10.000 xã. Nếu “ông” nào cũng phình bộ máy như Quảng Vinh và mỗi hạt thóc “cõng” mười mấy loại phí xã thì làm sao cải thiện được đời sống nông dân, tiêu chí hàng đầu của nông thôn mới.

Ngỡ tưởng câu chuyện đông “quan” một thời ầm ĩ đã nguôi ngoai vì các ngành, các địa phương bố trí cán bộ đúng quy định. Tuy nhiên, câu chuyện biên chế không giảm chỉ tăng lại được sới lên. Hiện tượng 9-10 thứ trưởng, 8-9 phó giám đốc làm rộ lên chuyện đông “quan” cấp huyện, cấp sở ở một số địa phương khi bàn việc tăng lương tối thiểu cho cán bộ, viên chức.

Đặc biệt gây sốc mới đây là thông tin từ Sở Nội vụ Nghệ An về nghịch lý lãnh đạo nhiều hơn nhân viên. Có trường hợp ở một phòng ban, chỉ có 1 nhân viên, nhưng có tới... 3 cán bộ lãnh đạo. Ngay Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An, với 31 biên chế nhưng đã có tới 19 lãnh đạo gồm 1 giám đốc, 4 phó giám đốc và các trưởng, phó phòng. Phòng Công chức viên chức của Sở hiện có 4 biên chế thì có tới 3 lãnh đạo gồm 1 trưởng phòng, 2 phó phòng và chỉ có 1 nhân viên để giao phụ trách các công việc cần thiết. Tại Phòng Tài chính kế toán của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hiện đang có 15 người thuộc diện biên chế, trong đó có 7 trưởng phó phòng. Sở này cũng có đến 6 phó giám đốc phụ trách các lĩnh vực như lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản, nông nghiệp, thú y, kiểm lâm...

Tại huyện Anh Sơn, Phòng Tài chính kế toán của UBND hiện nay có 4 biên chế thì tất cả đều là “quan” trưởng phòng và phó phòng. Được biết tỉnh Nghệ An đã quy định, mỗi phòng, ban thuộc sở, ngành, UBND cấp huyện chỉ được bố trí 1 trưởng phòng và 2 phó phòng, trường hợp cần quá số người, phải làm văn bản xin ý kiến của Sở Nội vụ. Tuy nhiên, thực trạng chồng chéo, bất hợp lý đang diễn ra tại các ban, ngành cấp huyện ở tỉnh Nghệ An lại được hiểu là do có chủ trương.

Bà Cao Thị Hiền - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An cho biết, sắp tới Sở Nội vụ sẽ đề nghị tỉnh và các sở liên quan sắp xếp lại cơ cấu cán bộ quản lý lãnh đạo để hợp lý hơn trong công tác quản lý cũng như trong thực thi nhiệm vụ của các sở, ban, ngành.

Nghị định số 13, 14/2008/NĐ-CP ngày 4/2/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và cấp huyện. Tuy nhiên, qua xem xét các sở, ban, ngành của tỉnh, trước đây có các phòng ban trực thuộc sở cùng làm việc trong trụ sở, biên chế chỉ có từ 5 đến 7 công chức. Nhưng do nâng cấp rất nhiều các phòng, ban thành các chi cục trực thuộc sở, nên bộ máy rất cồng kềnh, biên chế phải từ 20 công chức trở lên, ngoài ra phải xây dựng trụ sở riêng để hoạt động, rõ ràng rất tốn kém ngân sách Nhà nước.

Vậy là rõ, “quan đông” là do phân công phân nhiệm chồng chéo, giản đơn, cả nể. Giá như các nơi đều khoán việc, khoán kinh phí thì đâu nên nỗi đông “quan” khổ dân.

Tầm Văn