Mộ kết và những câu chuyện huyền bí: Sự giàu có của một dòng họ

06:30 | 05/04/2014

15,064 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ khi có mộ phát, con cháu người ăn mày ăn lên làm ra, chẳng mấy trở thành người giàu có nổi tiếng khắp vùng. Sự giàu có trên có phải nhờ được lộc trời từ ngôi mộ phát?

>> Mộ kết và những câu chuyện huyền bí: Ngôi mộ của kẻ ăn mày

Giàu như cụ Chánh Đúc

Theo lời kể của một số người dân làng thôn Chuôn Trung, Chuyên Mỹ, thời điểm ông nội cụ Chánh Đúc chết, ngôi mộ được ăn lộc trời, trở thành mộ kết, từ một gia đình nghèo khó, gia đình cụ Chánh Đúc có của ăn, của để. Đặc biệt đến thời cụ Chánh Đúc, sự giàu có ấy nổi tiếng khắp Tổng.

Đưa tay chỉ về phía cánh đồng trước mặt, bà Thanh (65 tuổi, xã Tân Dân, Phú Xuyên, Hà Nội) bảo: “Cả cánh đồng thẳng cánh còn bay này trước kia là của cụ Chánh Đúc hết đấy. Cụ ấy giàu lắm”. Rồi bà Thanh bảo: Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, nhà ở của cụ Chánh Đúc vô cùng rộng lớn, tráng lệ và nguy nga. Trong nhà cụ có hàng chục người ở để trông nom, dọn dẹp, lau chùi nhà cửa. Bữa ăn của cụ toàn “sơn hào, hải vị được” mua từ khắp nơi về. Mỗi khi cụ thức giấc, có người đến tận giường bưng cốc cho cụ nhổ nước bọt, người bưng thau nước ấm, người cầm khăn mặt… Mỗi lần đi xa, cụ cho hàng chục người theo hầu, hộ giá… Có thể nói, cụ là “ông vua nhỏ” ở vùng cụ cai quản (Cụ làm chánh Tổng).

Vùng đất cụ Chánh Đúc từng xây dựng khu nghỉ dưỡng để đón các quan lớn nay là trường tiểu học Chuyên Mỹ

Dẫn tôi ra trường tiểu học của xã Chuyên Mỹ, ông Lâm Hữu Đào bảo: “Cả khu này ngày xưa là nơi vui chơi, giải trí, ăn uống của cụ Chánh Đúc. Đây cũng là nơi cụ Chánh Đúc đón các quan lớn trên huyện về. Những cái cây cổ thụ kia là dấu tích về nơi nghỉ dưỡng của cụ Chánh Đúc đấy. Những cái cây này được cụ ấy trồng mà”.

Theo lời kể của ông Đào, xưa kia nơi đây là một cái hồ hình bán nguyệt lớn. Ở giữa hồ là một mặt phẳng, trải được mấy cái chiếu để cụ Chánh Đúc cùng mọi người ra đó chơi cờ, luận bàn công việc. Trên bờ là những căn phòng dành để ăn uống, nghi ngơi… Có thể nói, khu vui chơi, nghỉ dưỡng thời xưa của cụ Chánh Đúc được ví ngang ngửa với những khu resort hiện đại ngày nay. Bởi số lượng các quan từ nơi kéo về ăn chơi, nghỉ dưỡng rất đông. Hầu như ngày nào cụ Chánh Đúc cũng đón đoàn khách hàng chục người đến ăn, nghỉ, chơi không mất tiền… Ngoài ra, cụ Chánh Đúc cũng hay mang tiền dâng vào đình, vào chùa hoặc cho tiền sửa sang các nơi công cộng…

Ở miền Nam người ta ví người nào giàu có thường nói “giàu như công tử Bạc Liêu” thì ở đây người ta cũng ví sự giàu có của những người sau này với cụ Chánh Đúc. Cụ giàu có, biết hưởng thụ là vậy nhưng lại là một người vô cùng thương người. Cụ thường cho thuê ruộng với giá rất rẻ, nếu không may năm đó mất mùa, cụ sẵn sàng cho nợ đến sang năm trả hoặc trả dần dần. Không bao giờ cụ thúc ép người nghèo. Hay mỗi khi xảy ra hạn hán, mất mùa, dân nghèo đói khổ, cụ lại sai người nấu cháo, phát chẩn hoặc cho vay mượn thóc gạo… Chính vì thế, cụ được nhân dân khắp vùng yêu mến.

Đời cụ Chánh Đúc giàu, đời con cháu của cụ cũng giàu. Theo lời chia sẻ của ông Lộc, sau khi chiến tranh loạn lạc xảy ra, cụ mất, con cháu cụ di tản vào Nam, thi thoảng mới về nhưng ai cũng thành đạt và khá giả. Một số người cháu của cụ còn sang nước ngoài sinh sống. Có thể nói dù ở đâu, con cháu của cụ Chánh Đúc vẫn rất giàu có, sung sướng, đến nay đã là đời thứ 4, thứ 5 rồi.

Lý giải về sự giàu có của cụ Chánh Đúc, ông Lộc bảo: “Tôi không biết sự giàu có ấy có phải bắt nguồn từ ngôi một phát của ông nội cụ Chánh Đúc không. Chỉ biết rằng từ đời cụ Chánh Đúc làm ăn luôn luôn gặp may mắn, phát đạt (ngày trước cụ Chánh Đúc làm cai thầu, nạo vét kênh mương, hồ và xây dựng…). Ngày nay, con cháu cụ cũng rất giàu sang, phú quý, ai cũng làm giám đốc này kia…”.

GS.TS Lê Chí Quế

Trao đổi với phóng viên về vấn đề mộ kết, Giáo sư Lê Chí Quế, chuyên gia đầu ngành về văn học dân gian chia sẻ: “Những câu chuyện kỳ bí liên quan đến mộ kết tôi đã được nghe nhiều nhưng chưa có dịp nghiên cứu sau về vấn đề này. Tuy nhiên, việc những ngôi mộ chôn sau một thời gian hoặc vừa chôn đất cứ đùn lên ngày càng to khác thường có thể là do tính chất vật lý của đất. Có thể đất chỗ đó có sự giãn nở khác thường hoặc do giun, mối đùn đất cao lên. Và trong mỗi ngôi mộ kết ấy thường có dây tơ hồng quấn quanh người chết. Cái này xuất phát từ suy nghĩ bên ngoài đẹp, bên trong cũng sẽ đẹp như vậy.

Còn xét về góc độ tín ngưỡng, hiện tượng mộ phát liên quan đến gốc tích phồn thực. Phồn là sự sinh sôi, phát triển, nở ra: người sinh đẻ, cây sối sinh sôi… Từ hiện tượng tự nhiên, người ta gắn với tín ngưỡng cho rằng sự sinh sôi nảy nở này gắn với những ước mơ về sự giàu sang, no ấm trong cuộc đời mỗi con người và nó kéo dài mãi mãi từ đời này sang đời khác. Nhiều người cho rằng mộ kết thì phải giữ nguyên, không được cải táng thì sự tốt đẹp mới kéo dài mãi. Ngược lại, nếu cải táng mộ kết, sự tốt đẹp biến thành điềm xấu, hủy diệt cả dòng họ… Tất cả xuất phát từ gốc tích tín ngưỡng phồn thực”.

 

Ngọc Diệp