Mất thôn, mất làng vì "cát tặc"

07:23 | 19/08/2017

4,795 lượt xem
|
Cứ một vài tháng, lại nghe một vài vụ sạt lở, cuốn trôi hàng chục ngôi nhà xuống sông, xuống biển... Ngoài những nguyên nhân thuộc về tự nhiên thì phần lớn là do khai thác cát lậu. Và cũng từ đó, mỗi năm hàng chục nghìn héc-ta đất cùng biết bao tài sản biến thành mây khói.

“Cát tặc” chạy từ tỉnh này qua tỉnh khác

Sông Yên, đoạn chảy qua thôn Lạc Thành Tây, xã Điện Hồng, Điện Bàn, Quảng Nam. Bờ sông bị nước ăn sâu vào bờ, trước đây chỗ này là bãi bồi trù phú, là đất sản xuất của người dân, còn bây giờ chỉ còn trong trí nhớ. Trong năm 2016, nước sông ăn sâu vào bờ cả 20m. Hôm đó trời không mưa, nước không lớn nhưng bờ sông cứ xói lở từng mảng lớn, làm trơ cả những gốc tre trên bờ. Thời điểm tháng 7-2017, nhiều ngôi nhà tại đây chỉ còn cách bờ sông hơn 10m, có thể chìm theo sóng nước bất cứ lúc nào. Người dân địa phương cho biết bờ sông sạt lở như vậy, nguyên nhân chính là do nạn khai thác cát trái phép gây nên.

mat thon mat lang vi cat tac
CSGT đường thủy Quảng Nam kiểm tra một bãi tập trung cát tại huyện Điện Bàn

Đoạn sông Yên này là khu vực giáp ranh giữa xã Điện Tiến, Điện Hồng thuộc huyện Điện Bàn và xã Đại Hiệp của huyện Đại Lộc. Vậy nên, khi người dân và chính quyền địa phương tổ chức đuổi bắt thì những người hút cát lại chạy sang địa phận huyện khác, thậm chí có những lần chạy về TP Đà Nẵng. Khi lực lượng chức năng đuổi bắt đến hết địa phận mình quản lý, đành dừng lại, nhìn những tàu cát mất dạng trong đêm.

Mới đây, cuối tháng 7-2017, các trinh sát của Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) đường thủy thuộc Phòng CSGT tỉnh Quảng Nam đã phục kích bắt quả tang một số tàu đang hút trộm cát trên sông Yên, đoạn giáp ranh giữa Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Khi phát hiện hai tàu đang hút trộm cát, tàu của Đội CSGT đường thủy Quảng Nam lập tức áp sát. Tức thì nhiều ánh đèn pin từ trên bờ rọi xuống liên tục cảnh báo cho những tàu hút trộm cát kia chạy trốn. Tàu của CSGT đường thủy đuổi theo thì hai tàu hút cát kia tăng tốc chạy về phía Đà Nẵng. Khi về đến địa phận Đà Nẵng, tàu của CSGT đường thủy Quảng Nam không thể đuổi theo, vì đã hết địa phận mình quản lý. Thế là những tàu hút cát kia chạy thoát. Nói về vấn đề này, Đại úy Phan Minh Mẫn, Đội trưởng Đội CSGT đường thủy thở dài, những đối tượng khai thác cát ở vùng giáp ranh này rất tinh vi, xảo quyệt; cái khó là địa bàn giáp ranh, nên nếu không có sự phối hợp của các địa phương, sẽ rất khó bắt được họ.

Theo số liệu từ Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Quảng Nam, trong 6 tháng qua, đã phát hiện và xử lý 56 vụ khai thác cát trái phép, lập biên bản xử phạt 60 đối tượng với số tiền hơn 1,7 tỉ đồng, thu giữ 8 phương tiện vận chuyển cát lậu.

Tại tỉnh Quảng Nam, trữ lượng cát sỏi chủ yếu tập trung ở lưu vực các con sông lớn như Vu Gia, Thu Bồn, sông Yên. Tại khu vực hạ du của các con sông, theo quy định, địa điểm cấp mỏ cát lòng sông phải cách bờ tối thiểu 100m nhưng thực tế tại nhiều địa phương, con số này chỉ là tượng trưng. Một điều đáng lo ngại là đến nay, UBND tỉnh Quảng Nam đã cấp 82 giấy phép khai thác cát sỏi, đất san lấp là vật liệu xây dựng thông thường. Đây là một con số khá nhiều, là nguyên nhân trực tiếp gây ra hiện tượng sạt lở, xói mòn đất đai tại các con sông.

Làm giả quyết định, chữ ký của chủ tịch UBND tỉnh để bán cát

Khai thác cát lậu đã vậy, việc vận chuyển, mua bán cát còn được tiến hành tinh vi hơn. Ngoài nhu cầu cát xây dựng nhà ở trong dân cư, đường đi của cát lậu còn là đến những đại dự án quy mô. The Sunrice Bay (Khu đô thị Đa Phước, Hải Châu, Đà Nẵng) là một dự án lấn biển quy mô lớn. Rất nhiều hợp đồng cung cấp cát giữa chủ đầu tư dự án này được ký với các công ty.

Tất nhiên, dự án này chỉ được phép thi công khi các nguồn cát kia là hợp pháp. Công ty cung cấp cát chính cho dự án này là Công ty CP Trung Nam và Công ty Trung Nam ký hợp đồng lại với các công ty nhỏ hơn. Một trong những công ty đó là Công ty Xây dựng Tây Trường Sơn. Kế toán của công ty này đã làm giả quyết định, chữ ký của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam để hợp thức hóa nguồn cát lậu mà Công ty Tây Trường Sơn cung cấp cho Công ty Trung Nam.

mat thon mat lang vi cat tac
CSGT đường thủy Quảng Nam làm việc với chủ tàu cát vi phạm

Đối tượng làm giả quyết định là Ngô Thị Thanh Vân (sinh năm 1985, trú quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng). Vân là kế toán Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tây Trường Sơn.

Theo thông tin ban đầu của Cơ quan Điều tra cung cấp, ngày 20-9-2016, Công ty Tây Trường Sơn và Công ty CP Trung Nam ký Hợp đồng số 27/2016 về việc mua bán cát san nền với khối lượng 1 triệu m3, đơn giá là 45.000 đồng/m3.

Việt Nam đứng trước những nguy cơ mất đất sản xuất, mất nhà cửa, ruộng vườn vì xói mòn, xâm thực. Dự báo đến năm 2100, 38% diện tích đất Đồng bằng sông Cửu Long sẽ nằm lại dưới lòng biển, vì vậy, bảo vệ tài nguyên cát chính là bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Từ tháng 9-2016 đến tháng 12-2016, Công ty Tây Trường Sơn đã bán cho Công ty Trung Nam khối lượng 20.199m3 cát; xuất 3 hóa đơn giá trị gia tăng với tổng giá trị ghi trên hóa đơn hơn 1,6 tỉ đồng. Đến ngày 20-1-2017, hai công ty đã xác nhận khối lượng, thanh lý hợp đồng và Công ty Trung Nam đã thanh toán số tiền hơn 1,6 tỉ đồng. Toàn bộ khối lượng cát này Công ty Trung Nam sử dụng để san lấp nền công trình khu đô thị mới quốc tế Đa Phước.

Ngày 24-3-2017, Công ty Trung Nam yêu cầu bà Vân cung cấp hồ sơ nguồn gốc cát. Do khối lượng cát bán cho Công ty Trung Nam không có hồ sơ nguồn gốc nên bà Vân đã lấy Quyết định số 1193/QĐ-UBND ngày 6-4-2015 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc gia hạn giấy phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường và thuê đất tại khu vực mỏ đá Khe Rọm, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang cấp cho một công ty khác và chỉnh sửa, thay đổi nội dung thành Quyết định 1193/QĐ-UBND ngày 6-4-2015 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc gia hạn giấy phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường và thuê đất tại khu vực xã A Tiêng, huyện Tây Giang cấp cho Công ty Tây Trường Sơn.

Sau đó, bà Vân đã gửi quyết định này cho phía Công ty Trung Nam. Ngày 27-3-2017, Thanh tra Sở Xây dựng TP Đà Nẵng kiểm tra công trình Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước, yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công và giải trình về nguồn gốc vật liệu san lấp nền của công trình. Cùng ngày, Công ty TNHH The Sunrise Bay có công văn giải trình về nguồn gốc vật liệu san lấp nền gửi Thanh tra Sở Xây dựng Đà Nẵng, các cơ quan liên quan và gửi kèm theo Quyết định số 1193/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam.

Đến ngày 28-4, khi các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh việc giả mạo Quyết định 1193 này thì bà Vân đã xóa tài khoản email của mình. Làm việc với Cơ quan Điều tra, Vân khai toàn bộ hồ sơ, tài liệu của Công ty Tây Trường Sơn đã bị Vân tiêu hủy. Việc làm giả quyết định nêu trên là tự Vân làm, Công ty Trung Nam và những người có liên quan khác hoàn toàn không biết.

Hiện nay, toàn bộ hồ sơ của vụ việc đã chuyển cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Quảng Nam để tiếp tục điều tra, làm rõ. Về việc này, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cũng đã chỉ đạo điều tra, làm rõ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Cát là tài nguyên đáng giá

Trong một cuộc hội thảo, theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu các doanh nghiệp được cấp quyền khai thác cát phải đóng các loại thuế, phí bảo vệ môi trường, cát khai thác được phải bán với giá 75.000 đồng/m3 mới có lãi. Trong khi đó, các tàu cuốc hút cát trộm do không phải đóng các loại thuế, phí nên chỉ bán giá 45.000 đồng/m3 là đã có lãi. Chính vì lợi nhuận khủng đem lại từ hoạt động khai thác cát đã khiến cát tặc liều lĩnh hút cát trộm trên các dòng sông. Đặc biệt tại những khu vực giáp ranh giữa tỉnh này và tỉnh kia, khiến lực lượng chức năng gặp khó khăn khi xử lý.

mat thon mat lang vi cat tac
Nhiều phương tiện máy móc thu giữ được của các tàu khai thác cát lậu

Trả lời báo chí, ông Lại Hồng Thanh - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho rằng, do công tác quản lý của chính quyền địa phương các cấp còn lỏng lẻo nên tình trạng khai thác cát lậu diễn ra phức tạp. Các tỉnh giáp ranh chung dòng sông chưa có cơ chế phối hợp chặt chẽ, để ngăn chặn hoạt động khai thác cát trái phép. Địa phương bao che, còn chế tài xử lý người đứng đầu vi phạm chưa kiên quyết, thậm chí còn tạo điều kiện bến bãi cho các tàu khai thác trái phép tập kết cát. Bên cạnh đó, phương tiện của lực lượng công an còn thiếu, dẫn đến khó khăn trong việc truy quét tội phạm. Vì thế, khó truy cứu trách nhiệm hình sự với các đối tượng và cũng chưa có thông tư hướng dẫn như thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Theo báo cáo từ chương trình môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP), dù không thể tính toán chính xác lượng đất cát khai thác trái phép nhưng loại tài nguyên này chiếm 85% lượng khai thác toàn cầu mỗi năm. Khối lượng này tương đương hơn 40 tỉ tấn và trở thành loại tài nguyên được khai thác nhiều nhất thế giới. Tại một số quốc gia như Singapore, đất cát còn là tài nguyên chiến lược cần được dự trữ để lấp biển mở rộng đất liền. Từ những năm 60 thế kỷ XX tới nay, Singapore đã mở rộng diện tích thêm 24% nhờ phương pháp này và phần lớn cát được nhập từ các nước láng giềng như Campuchia, Indonesia, Malaysia, Việt Nam hay Thái Lan. Trong vòng 20 năm qua Singapore đã nhập khoảng 517 triệu tấn cát.

Trong khi các quốc gia khác mua cát về để kiến tạo lãnh thổ, thì có hàng trăm làng mạc với nhiều nghìn hộ dân ở Việt Nam đứng trước những nguy cơ mất đất sản xuất, mất nhà cửa, ruộng vườn vì xói mòn, xâm thực. Ở Quảng Nam, bãi biển Cửa Đại đã bị lở sâu vào đất liền hàng trăm mét, mới bồi lấp được chút ít khi chính quyền đổ vài chục tỉ đồng vào việc chống xâm thực. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm bị mất 5km2 đất vì sạt lở. Dự báo đến năm 2100, 38% diện tích đất Đồng bằng sông Cửu Long sẽ nằm lại dưới lòng biển. Vì vậy, cát không chỉ là tài nguyên đơn thuần, mà cát còn là lãnh thổ, là chủ quyền của đất nước.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng:

Cát sỏi có vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng, san lấp mặt bằng, làm nền cho các công trình hạ tầng, giao thông.

Trong những năm qua, công tác khai thác đạt nhiều kết quả quan trọng, đã lập được những quy hoạch về thăm dò, khai thác cát, sỏi và cấp phép, quản lý việc khai theo đúng quy định pháp luật.

Tuy nhiên, nhu cầu xây dựng ngày càng lớn, dẫn theo nhu cầu cát, sỏi ngày càng lớn. Trong khi đó, nguồn tài nguyên này ngày càng cạn kiệt, việc khai thác cát, sỏi có nhiều vi phạm.

Công tác quản lý Nhà nước còn nhiều bất cập dẫn đến nhiều hậu quả như: sạt lở bờ sông, bờ biển, ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân...”.

Từ năm 2016 đến nay, đã có hơn 10 doanh nghiệp được Bộ Xây dựng cấp phép xuất khẩu cát nhiễm mặn sang Singapore. Tính đến tháng 5-2017, cả nước có 824 mỏ cát, sỏi được cấp phép. Đến hết năm 2016, có 90 dự án nạo vét, khơi thông luồng hàng hải, đường thủy nội địa có tận thu sản phẩm cát được Bộ GTVT cấp phép.

Các cơ quan có thẩm quyền đã cấp hơn 500 giấy phép bến bãi kinh doanh, tập kết, trung chuyển cát, bên cạnh đó có hàng trăm bến bãi hoạt động tự phát.

Thanh Hiếu