Kho bạc của IS

07:13 | 11/12/2015

6,503 lượt xem
|
Không thể duy trì hoạt động nếu không có tiền. Với bọn khủng bố máu lạnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, ngân sách của chúng đến từ nhiều nguồn. Năm 2014, một nghiên cứu của Reuters cho biết IS sở hữu nguồn tài sản trị giá 2 ngàn tỉ USD và có doanh thu hằng năm 2,9 tỉ USD! Dù bị bóp nghẹt tài chính bằng nhiều cách nhưng Mỹ và phương Tây vẫn chưa thể khóa được két sắt IS.  

Tài trợ từ các nước vùng Vịnh

Điều tra Newsweek cuối năm 2014 cho biết, IS kiếm được khoảng 40 triệu USD trong 2 năm từ các chính phủ hoặc tư nhân vùng Vịnh trong đó có Arập Xêút, Qatar và Kuwait - những nước công khai ủng hộ lật đổ chế độ Bashar Assad (Syria). Chỉ sau khi cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chỉ trích dữ dội, năm 2013, Arập Xêút mới thông qua đạo luật nghiêm cấm hỗ trợ tài chính cho các tổ chức khủng bố như Al-Qaeda, Al-Nusra và IS.

Tháng 8/2014, khi IS được giáo sĩ Hồi giáo cấp cao nhất của Arập Xêút, Abdul Aziz al-Sheikh, tuyên bố là “kẻ thù số một”, Arập Xêút bắt đầu hợp tác Mỹ không kích IS. Tuy nhiên, Qatar và Kuwait vẫn không ủng hộ chiến dịch quân sự.

kho bac cua is
IS sở hữu nguồn tài sản trị giá 2 ngàn tỉ USD

Tháng 5/2014, Viện Nghiên cứu Brookings công bố báo cáo ngắn với nội dung rằng, nguồn viện trợ nhân đạo tài chính cho Syria nên được kiểm soát vì có nhiều “tổ chức từ thiện” từ Kuwait nhân danh viện trợ nhân đạo đã tuồn tiền cho IS.

Tại Kuwait, gia đình al-Ajmi lừng lẫy cai quản vương quốc truyền thông, thuộc hệ Hồi giáo Sunni, trong đó có nhân vật Shafi al-Ajmi, từ lâu nổi tiếng tài trợ khủng bố. Tính đến cuối năm 2014, Kuwait là nguồn viện trợ cá nhân lớn nhất cho Syria.

Biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria là nơi chuyển vali tiền cho IS. Bộ Tài chính Mỹ cho biết, một trong những ông trùm tổ chức quyên góp “từ thiện” và chuyển tiền là Tariq bin al-Tahar al-Harzi ở Qatar. Ngoài ra, IS cũng hốt tiền từ các ngân hàng tại những thành phố chúng xâm chiếm. Chỉ riêng tại Tikrit (Iraq), IS đã vơ được 1,5 tỉ USD từ các ngân hàng thành phố này.

Bắt cóc và buôn lậu cổ vật

Hơn 1/3 trong 12.000 địa điểm khảo cổ tại Iraq hiện nằm dưới sự kiểm soát IS. Thông qua mạng lưới buôn lậu, chúng kiếm được hàng trăm triệu đôla từ những cổ vật có niên đại từ năm 9000 TCN và 1000 (SCN). Điều đáng nói là chúng chỉ hốt đi những cổ vật mà chúng bán được, phần còn lại của di chỉ khảo cổ, chúng phá sạch.

Một trong những cuộc tàn sát di tích khảo cổ nghiêm trọng nhất là Cung điện vua Ashurnasirpal II (thế kỷ thứ IXO TCN) tại Nimrud (Iraq). Khi phát hiện một phù điêu đá khổng lồ nặng khoảng 4 tấn, chúng không ngần ngại cưa bức phù điêu thành từng mảnh nhỏ hơn để dễ vận chuyển! Chúng bán cổ vật qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Syria. Cổ vật Lưỡng Hà luôn có giá trị. Tháng 4/2014, một bảng chữ tượng hình khắc trên khối hình ống làm bằng đất sét nung thời vua Nebuchadnezzar II (Babylon) có niên đại từ năm 604 TCN - 562 TCN đã được bán trong phiên đấu giá tại New York với 605.000USD.

Khi càn quét Bắc Iraq, IS kiểm soát kho lương thực khổng lồ khu vực này, nơi chiếm đến 40% sản lượng lúa mì Iraq. Không chỉ lương thực, chúng còn “tự nuôi sống” bằng bắt cóc tống tiền. 20.000-30.000USD là khoản tiền chuộc trung bình mà IS đòi khi bắt cóc thường dân địa phương. Tiền chuộc bắt cóc chiếm khoảng 20% “doanh thu” IS. Chỉ trong năm 2014, IS đã kiếm được 20 triệu USD từ nguồn tiền chuộc - theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ. Với nạn nhân nước ngoài, tiền chuộc có thể lên đến hàng triệu USD.

Nguồn thu không thể không kể nữa là “thuế”. IS đồng ý cho cảnh sát, binh lính địa phương lẫn các thành phần khác như giáo viên được phép “rửa tội” để có thể tiếp tục sống và làm việc tại vùng chúng chiếm đóng. Và “rửa tội” bằng “tiền tươi”! “Sự tha thứ” sẽ đến dưới hình thức thẻ chứng minh thư trị giá 2.500USD, chưa kể 200USD/năm để “làm mới”!

Tháng 7/2015, Daniel Glaser, trợ lý Bộ Tài chính Hoa Kỳ đặc trách nghiên cứu tài trợ khủng bố, cho biết (dẫn lại từ Foreign Policy 17/11/2015), 8 triệu người đang sống dưới sự cai trị IS đều phải đóng đủ loại “thuế” và đủ loại “phí”, từ phí đổ rác đến phí cầu đường. Cụ thể, 5% thuế thu từ các dịch vụ xã hội và tiền lương; phí 800USD/xe tải đi vào Iraq từ ngả Jordan và Syria; thuế cầu đường 200USD tại bắc Iraq; 50% thuế đối với giới “khai thác” di tích khảo cổ; và với những người không thuộc Hồi giáo, còn phải đóng phí “bảo vệ tôn giáo” gọi là jizya. Những nguồn thu này có thể lên đến 30 triệu USD/tháng - theo Reuters. Báo cáo Rand Corp 2015 tính rằng doanh thu tống tiền và thuế của IS đạt đến 600 triệu USD năm 2014.

Bán nội tạng người

Trong cuộc phỏng vấn của đài Sputnik, Said Mamuzini, đại diện của đảng Dân chủ Kurdistan Iraq, ở Mosul kể rằng, hồi tháng 7/2015, các chiến binh IS sau khi chiếm thành phố chính của Iraq là Mosul liền mở ngay ở đây cái gọi là “Trạm xá chuyên khoa” mang tên cựu lãnh đạo Iraq Saddam Hussein để mổ lấy nội tạng người đem bán. Bọn khủng bố lấy nội tạng của tất cả mọi người, bất kể phụ nữ, trẻ em hay người già địa phương những người đang sống trong cảnh nghèo đói cùng cực, bởi không có việc làm và không được phép đi ra ngoài thành phố. Đối với tù nhân, chúng dọa giết hoặc thỏa thuận đổi nội tạng lấy tự do.

Mỗi lần mua nội tạng, IS trả cho nạn nhân khoảng 4 triệu dinar (tương đương 3.500USD), nhưng chúng lại bán ra với giá cắt cổ.

Bằng cách này, IS có thêm nguồn thu khổng lồ vào vốn tài chính của chúng.

Dầu thô là nguồn quan trọng

Mỗi xe tải chở 42.000 lít dầu thô trị giá 6.000USD, bằng 1/5 giá dầu thị trường thế giới. Trước khi chiến dịch không kích quốc tế bắt đầu, mỗi ngày có hàng đoàn xe dầu như vậy chạy ngang dọc khắp khu vực thuộc kiểm soát IS. Với những giếng dầu này, IS có thể sản xuất 50.000 thùng/ngày tại Syria và 30.000 thùng tại Iraq. Nếu tính ở mức giá 40USD/thùng thì IS có thể kiếm được 3 triệu USD/ngày!

Toàn bộ khu vực mỏ dầu thuộc kiểm soát IS gồm khoảng 300 giếng chỉ riêng Iraq, trong đó có các khu công nghiệp dầu phát triển như Hamrin với ít nhất 41 giếng và Ajil với 76 giếng. Những nơi có ngành công nghiệp năng lượng như Sfaya, Qaiyara, Najma, Jawan, Qasab, Taza và Tây Tikrit cũng đã rơi vào tay IS. Tại Syria, IS chiếm đến 60% tổng sản lượng dầu nước này!

Nhờ biên giới Iraq giáp với Syria, Arập Xêút, Iran, Jordan, Kuwait và Thổ Nhĩ Kỳ, IS buôn lậu dầu dễ dàng. Hành lang phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, hành lang phía tây bắc Iraq và hành lang đông bắc Syria đều có những điểm chuyển dầu thuận lợi. Sự hỗn loạn phức tạp từ làn sóng di dân và tị nạn tại những quốc gia giáp giới Iraq và Syria vô hình trung giúp IS trà trộn và thực hiện các phi vụ buôn lậu cổ vật lẫn dầu. Theo báo Anh Express (15/10/2015), sau 1 năm bị dội bom, với hơn 10.600 phi vụ được thực hiện trong chiến dịch quân sự quốc tế với sự hợp tác hơn 60 quốc gia, IS vẫn sản xuất được 34.000-40.000 thùng dầu. Chỉ riêng năm 2015, chúng kiếm được 40 triệu USD từ dầu chỉ trong 1 tháng!

Như phân tích của Benjamin Bahney thuộc Rand Corp, Viện Nghiên cứu độc lập được Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ (Bloomberg 19/11/2015), Washington đã đánh chệch mục tiêu ngay từ đầu

Tháng 5/2015, Mỹ đưa đặc nhiệm vào Đông Syria và khử được “ông trùm dầu” Abu Sayyaf của IS, đồng thời oanh kích dữ dội vào các nhà máy lọc dầu thuộc kiểm soát IS. Tuy nhiên, nguồn thu dầu IS không đến từ các nhà máy lọc dầu. Chúng bán dầu thô. Chỉ đến gần đây, cụ thể là vào ngày 16/11/2015, 4 máy bay Mỹ mới được sử dụng để tiêu diệt 116 xe dầu (chiến dịch được thực hiện sau khi Mỹ rải truyền đơn kêu gọi tài xế xe bồn thoát thân trước khi bị tấn công). Từ ngày 21/10/2015, Mỹ cũng tấn công mạnh vào các giếng dầu. Những mỏ dầu được IS khai thác mạnh,  như Sijan, Azraq, Abu Hardan, Tanak và al-Omar đều bị dội bom.

Elizabeth Rosenberg, chuyên gia về cấm vận kinh tế thuộc Trung tâm An ninh Hoa Kỳ mới (Center for a New American Security) cho rằng, các biện pháp cấm vận kinh tế thông thường không thể khóa được két sắt IS bởi chúng không sử dụng hệ thống tài chính truyền thống. Fawaz Gerges, giáo sư quan hệ quốc tế thuộc Trường Kinh tế London, người đang viết một quyển sách về IS, chỉ trích việc Mỹ ra tay quá chậm trong việc can thiệp và để IS tự tung tự tác kiếm tiền xây dựng hệ thống tài chính riêng trong thời gian dài.

Một lần nữa, câu chuyện IS cũng cho thấy thêm một luồng nhận định phổ biến vài năm qua về chính sách đối ngoại của Mỹ: Barack Obama quá thận trọng và quá chậm tay.

M.Kim

Năng lượng Mới 481

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc