Khi pháp luật không được thực thi...

07:56 | 29/10/2017

858 lượt xem
|
Trên thị trường hiện nay, việc mua bán rượu bia, thuốc lá… diễn ra khá dễ dàng, mặc dù đây là các sản phẩm kinh doanh có điều kiện, thậm chí bị cấm kinh doanh như thuốc lá ngoại.  

Vô tư mua bán…

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ năm 2013 (nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá; cấm bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi). luật qui định là vậy còn trên thực tế cả người mua cũng như người bán có thật sự nắm rõ và thực hiện nghiêm túc? Có mặt tại một cửa hàng tạp hóa ở đường La Thành (Hà Nội), chúng tôi bắt gặp một bé trai chừng 10 tuổi đang đứng chờ chủ cửa hàng lấy đồ để mang về nhà. Liếc nhanh qua túi đồ được truyền từ tay bà chủ cửa hàng tạp hóa đến tay cậu bé, cả tôi và người bạn đi cùng giật mình khi túi đồ chỉ vẻn vẹn vài bao thuốc lá và một chai rượu vodka 750ml. Qua cách nhận đồ và trả tiền cho chủ quán, tôi nhận thấy cậu bé là khách quen ở đây.

khi phap luat khong duoc thuc thi

Có thể thấy, việc mua bán thuốc lá đã được quy định rất cụ thể trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhưng trên thực tế cả người mua và người bán đều không thực thi. Chị Lan - chủ cửa hàng tạp hóa khác trên đường Doãn Kế Thiện (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, mỗi ngày cửa hàng chị bán trung bình khoảng 50 bao thuốc lá, trong số đó khoảng 10 bao bán cho trẻ em. Chị cho rằng, những đứa trẻ đó được bố nhờ đi mua thuốc lá và cũng có những cháu lớp 8, lớp 9 vì muốn thể hiện bản thân ở lứa tuổi mới lớn đã tập tành hút thuốc lá.

Cũng như bà chủ tạp hóa ở đường Đê La Thành, chị Lan cũng thừa nhận rằng, chị không biết đến quy định bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi có thể bị phạt tiền. “Từ trước tới nay chưa thấy ai nhắc nhở, kiểm soát hay bắt phạt việc mua bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi nên khi có khách đến mua tôi vẫn bán bình thường” - chủ cửa hàng tạp hóa trên đường Doãn Kế Thiện nói. Đây cũng là lý do vì sao cửa hàng của chị không treo biển “Không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi” theo quy định của pháp luật.

Việt Nam là 1 trong 15 quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới, trung bình cứ 2 nam giới trưởng thành thì có 1 người hút thuốc. Có tới 47 triệu người thường xuyên phải tiếp xúc thụ động với khói thuốc tại nhà.

Ở thành phố là vậy, ở các vùng quê, việc cấm bán rượu bia, thuốc lá cho người dưới 18 tuổi cũng chưa được thực hiện nghiêm túc. Giữa ngổn ngang những chai lọ đựng đầy mẻ rượu vừa cất, chị Đỗ Thị Hà (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) vừa rót rượu vào chai cho khách, vừa tranh thủ trò chuyện với chúng tôi. Chị cho biết: “Gia đình tôi đã nấu rượu mấy chục năm rồi, chủ yếu là bán cho người trong làng và tự cung cấp cho gia đình các dịp giỗ tết...”. Mặc dù bán rượu đã lâu, nhưng khi đề cập đến Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu, chị Hà khá bất ngờ, bởi chị chưa hề nghe đến nội dung các quy định này.

“Việc bán rượu cho trẻ nhỏ là chuyện bình thường. Trong thôn này, nếu nhà có việc, bố mẹ hoặc người thân sẽ sai con cháu đi mua hộ. Cái đó mình không kiểm soát được, họ mua thì mình bán thôi” - chị Hà nói. Không chỉ riêng chị Hà, rất nhiều hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ, các chủ cửa hàng tạp hóa, đại lý to, nhỏ ở nông thôn đều không biết hoặc không để ý đến quy định cấm bán rượu, thuốc lá cho người dưới 18 tuổi.

Cần mạnh tay xử lý

khi phap luat khong duoc thuc thi
Luật sư Nguyễn Hồng Thái

Luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp nêu quan điểm: Trước đây, Nghị định 94/2012/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu có quy định về hành vi cấm cụ thể: Thương nhân bán lẻ sản phẩm rượu không được bán sản phẩm rượu cho người dưới 18 tuổi… Tuy nhiên, có cung ắt có cầu, người mua là trẻ em dưới 18 tuổi nhưng việc mua bán này thường nghe theo người lớn sai khiến mua giúp hoặc bản thân trẻ chưa am hiểu các quy định của pháp luật.

Vì thế rất cần có sự kết hợp chặt chẽ với địa phương - nơi quản lý hoạt động kinh doanh bán lẻ rượu, các chất kích thích mạnh khác hoặc khoanh vùng nhỏ quản lý theo khu vực, với các cơ quan chức năng vào cuộc để có biện pháp xử lý những trường hợp vi phạm. Về phía người kinh doanh: Tự giác tìm hiểu các quy định pháp luật, tự bản thân người bán phải tuân thủ quy định pháp luật. Về phía gia đình, cần giáo dục con cái, tuyên truyền cho trẻ những quy định mới của pháp luật. Bản thân cha mẹ được tiếp thu, tìm hiểu thì sẽ quản lý giáo dục con cái được tốt, không giao cho con việc đi mua rượu bia, nói cho con biết được những tác hại xấu của việc sử dụng rượu bia, thuốc lá.

Trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Kết quả “Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (GATS)” năm 2016 cho thấy, việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá bước đầu đã có hiệu quả. Cụ thể, tỷ lệ sử dụng thuốc lá đã giảm xuống. Tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm 2,1% (từ 47,4% xuống 45,3%), tỷ lệ nữ giới hút thuốc giảm 0,3% (từ 1,4% xuống 1,1%). Tỷ lệ hút thuốc chung ở khu vực thành thị giảm 2,7% (từ 23,3% xuống 20,6%). Trong đó, tỷ lệ này ở nam giới giảm 5% (từ 47,7% xuống 42,7%).
Theo báo cáo tình hình phát triển công nghiệp, thương mại của Bộ Công Thương cho biết, sản lượng bia năm 2016 của Việt Nam là 3,788 tỉ lít. Theo dữ liệu này, trung bình mỗi người Việt uống 42 lít bia năm 2016, tăng khoảng 4 lít so với năm 2015. Lượng rượu bia trung bình sử dụng trên thế giới không tăng trong vòng một thập niên qua, trong khi ở Việt Nam lại tăng trưởng theo chiều “thẳng đứng”. Thống kê cho thấy, năm 2008 Việt Nam mới đứng thứ 8 châu Á về tiêu thụ bia, nhưng 8 năm sau đó (năm 2016) đã đứng thứ 3, sau Nhật Bản và Trung Quốc.

Thiên Minh - Đinh Hương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc