Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang

13:56 | 06/04/2018

1,440 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trung Quốc vừa thông báo đánh thuế với 3 tỉ USD hàng xuất khẩu của Mỹ để đáp trả biện pháp đe dọa tương tự mà Washington đưa ra trước đó. Câu hỏi đặt ra là vì sao Bắc Kinh chỉ trả đũa Mỹ với mức độ nhẹ như vậy?

Giữa tháng 3-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ áp thuế lên tới 60 tỉ USD giá trị hàng nhập khẩu của Trung Quốc và sẽ nhắm vào các ngành công nghệ và viễn thông. Reuters dẫn lời một nguồn tin trực tiếp nắm rõ quan điểm của chính quyền Wahington cho biết mức thuế này có thể sẽ được ban hành "trong tương lai gần" và dù mục tiêu là lĩnh vực công nghệ và tài sản trí tuệ, chúng có thể rộng hơn và danh sách cuối cùng có thể lên tới 100 sản phẩm. Nhà Trắng từ chối bình luận về quy mô hoặc thời điểm của bất kỳ hành động nào. Washington đang nhắm mục tiêu các công ty công nghệ cao của Trung Quốc để trừng phạt họ vì buộc các công ty của Mỹ phải tiết lộ các bí mật công nghệ để đổi lại họ được phép hoạt động trong nước.

cuoc chien thuong mai my trung ngay cang leo thang
Ngày 3-4, Mỹ công bố danh sách 1.300 sản phẩm của Trung Quốc phải chịu thuế 25%

Ngay sau đó, chính quyền Donald Trump còn tiếp tục bắn tiếng yêu cầu Trung Quốc cắt 100 tỉ USD thặng dư mậu dịch với Mỹ. Nhà Trắng từ chối cho biết thêm chi tiết chính quyền Trump muốn Trung Quốc đạt được mục tiêu này bằng cách nào (hoặc mua sản phẩm của Mỹ như đậu nành và máy bay) hay Mỹ muốn Trung Quốc có những thay đổi quan trọng trong chính sách công nghiệp, cắt trợ cấp cho những công ty quốc doanh hay giảm khả năng sản xuất thép và nhôm thêm nữa.

Sau 2 tuần dọa dẫm, ngày 2-4, Trung Quốc lần đầu tiên khai hỏa. Bộ Thương Mại nước này thông báo áp dụng biện pháp tăng thuế từ 15 đến 25% nhắm vào 128 sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ. Nhưng thay vì trả đũa tương xứng, đòn đánh trả của Bắc Kinh chỉ nhắm vào 3 tỉ USD, tương đương với 2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc. Theo các chuyên gia, có thể hiểu đợt phản công đầu tiên của Bắc Kinh đi theo hướng "vừa đánh, vừa ngóng" xem phía Mỹ phản ứng thế nào và dùng đòn trả đũa đúng liều, để chính quyền Trump phải suy nghĩ kỹ trước khi lao vào một cuộc chiến thương mại. Đồng thời về mặt đối nội, phản ứng nhanh chóng của Bắc Kinh nhằm chứng minh với người dân nước này rằng, Trung Quốc thực sự "không khoanh tay ngồi nhìn" hay chịu lép vế Mỹ.

Cũng có ý kiến cho rằng đơn giản hơn là Trung Quốc ý thức được rằng, hai nền kinh tế số 1 và số 2 thế giới lệ thuộc vào nhau đến mức độ nào. Đành rằng Bắc Kinh đủ sức trả đũa nhắm vào các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn của Mỹ, nhưng khi nhìn kỹ vào vấn đề thì không đơn giản. Theo nghiên cứu của ngân hàng Deutsche Bank, 45% máy tính của Texas Instrument bán ra là để phục vụ các khách hàng Trung Quốc. Số lượng xe hơi General Motors bán ra trên thị trường Trung Quốc cao gấp đôi so với ở Mỹ... Nhưng tất cả những sản phẩm nói trên đều được lắp ráp ngay trên đất Trung Quốc để phục vụ người dân Trung Quốc. Vì vậy, "phạt" những tập đoàn này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động Trung Quốc. Đó là điều mà Bắc Kinh không muốn xảy ra.

Còn theo tờ báo tài chính Anh, Financial Times, Bắc Kinh rất khéo léo trong chiến thuật vừa đánh, vừa xoa. Bên cạnh những tuyên bố cứng rắn, trong hậu trường, Bắc Kinh đã đồng ý mở cửa thị trường tài chính cho các tổ hợp nước ngoài và đã sẵn sàng cho nhập khẩu thêm các mặt hàng điện tử của Mỹ theo yêu cầu của Washington. Có điều Trung Quốc đợi thời điểm thuận tiện mới thông báo đầy đủ hơn các bước đi hòa hoãn này.

Về phía Washington, chiến lược của Nhà Trắng cũng đã được giới phân tích giải mã. Tổng thống Trump dùng đòn hù dọa, để cuối cùng buộc đối phương nhượng bộ, như là điều ông đã dễ dàng đạt được với Hàn Quốc. Theo giới phân tích, Mỹ đoán chừng là phía Trung Quốc sẽ nhượng bộ trong cuộc đọ sức về thương mại này.

Nhưng hiện tại cuộc chiến này đang leo thang. Ngày 3-4, Chính quyền Mỹ thông báo thuế suất 25% đối với khoảng 1.300 sản phẩm công nghiệp, vận tải và y tế để nhằm đáp lại các chính sách của Trung Quốc buộc doanh nghiệp Mỹ phải chuyển giao công nghệ và tài sản trí tuệ cho các công ty Trung Quốc. Bắc Kinh nói luật của họ không yêu cầu chuyển giao công nghệ, đồng thời đe dọa trả đũa cân xứng nhắm vào các mặt hàng như đậu nành, máy bay hay trang cụ nặng của Mỹ.

Một số chuyên gia cho rằng chiến tranh thương mại, nếu có, sẽ gây phương hại nhiều cho nền kinh tế Mỹ, nhưng còn đối với Trung Quốc, đây là chuyện sống còn. Nhưng một số khác không đồng tình như vậy vì theo họ chiến tranh thương mại mà Tổng thống Donald Trump đang lao vào sẽ vừa "tốn kém, không có hiệu quả và sẽ vừa mở ra một thời kỳ đầy bất trắc", để rồi Mỹ sẽ sa lầy.

D.H