Chuyện thuế cà phê

14:56 | 30/08/2017

3,546 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một tín hiệu đáng mừng là 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hàng hóa của nước ta đạt kết quả khả quan. Tổng kim ngạch xuất khẩu đã lên tới 115,2 tỉ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, cơ cấu các lĩnh vực ngành hàng lại có thay đổi.

Sự bất ngờ lớn nhất là kim ngạch xuất khẩu rau quả dẫn đầu các mặt hàng với mức tăng 43,3%, thu về 2 tỉ USD. Trong khi đó, xuất khẩu điện thoại và linh kiện đã chững lại, chỉ tăng 15%.

Vấn đề cần quan tâm hiện nay là trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu thì chỉ có rau quả tăng mạnh, còn các mặt hàng truyền thống khác đang giảm đi so với những năm trước. Chẳng hạn hạt tiêu, số lượng xuất khẩu tăng hơn 21%, nhưng doanh thu giảm 18%, sắn và sản phẩm của sắn giảm 7,5%...

Năm 2016, cả nước xuất khẩu gần 1,8 triệu tấn cà phê, trị giá 3,36 tỉ USD, tăng 33,6% về khối lượng và tăng 25,6% về giá trị so với năm 2015. Xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 817 nghìn tấn và 1,86 tỉ USD, giảm 16,7% về khối lượng nhưng tăng 9,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2017 đạt 2.264USD/tấn, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2016.

Thị trường tiêu thụ cà phê vẫn đang duy trì và phát triển nên nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã và đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào chế biến cà phê xuất khẩu.

chuyen thue ca phe
Chế biến hạt điều xuất khẩu

Điều mà các doanh nghiệp kinh doanh cà phê đang băn khoăn là thuế giá trị gia tăng. Trước đây, cà phê qua chế biến phải chịu mức thuế 15-20%; sau đó giảm xuống 5-10%. Vấn đề là ở chỗ, xuất khẩu cà phê nhân qua sơ chế thì chịu mức thuế 0-5%, còn cà phê đã qua chế biến thì phải chịu mức thuế 10%.

Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính quy định: Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa qua chế biến hoặc chỉ làm sạch ướp đông, phơi sấy khô áp dụng mức thuế giá trị gia tăng là 5%. Còn các sản phẩm trồng trọt, qua chế biến (làm sạch, sấy khô, tách tạp chất, phân loại kích thước, trọng lượng, dùng máy để loại bỏ các hạt khuyết điểm, bắn màu, đánh bóng, đóng gói thành cà phê thành phẩm chất lượng cao) áp dụng mức thuế giá trị gia tăng là 10%.

Việc xác định mức thuế giá trị gia tăng là 5% hay 10% sẽ dẫn đến hiện tượng không đồng nhất. Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, thực tế hiện nay cho thấy, cùng mặt hàng cà phê nhân, có một số nơi áp dụng thuế giá trị gia tăng 5% , nhưng có nơi áp dụng mức thuế 10%...

Một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn ở tỉnh Đắk Lắk cho rằng, mức thuế giá trị gia tăng 5% hay 10% đều được khấu trừ, nhưng không khuyến khích các nhà thu mua chế biến cà phê chất lượng cao để bán cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Một số doanh nghiệp khác cho rằng, giá mua cà phê hiện nay rất cao, việc áp dụng mức thuế 10% cho cà phê chế biến là bất lợi lớn cho doanh nghiệp. Vì trong quá trình thực hiện, thời gian lập thủ tục để hoàn thuế giá trị gia tăng chậm, doanh nghiệp phải gánh thêm một khoản lãi vay do số tiền thuế giá trị gia tăng đầu vào chờ được hoàn tăng lên gấp đôi. Điều này không phù hợp với chủ trương khuyến khích xuất khẩu hàng chất lượng cao qua chế biến để tạo ra giá trị cao trong một sản phẩm xuất khẩu, trong khi đã có chính sách ưu tiên áp thuế xuất khẩu đối với mặt hàng cà phê là 0%.

Vì thế, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam đề xuất: Nên áp dụng thống nhất mức thuế giá trị gia tăng hợp lý là 5% đối với tất cả các mặt hàng cà phê nhân. Như thế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu vừa bảo đảm thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.

Hiện nay, cà phê Việt Nam vẫn còn xuất khẩu chủ yếu dưới dạng thô. Để có sản phẩm cà phê chất lượng cao, doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ mới, rất đắt tiền.

Đối với các sản phẩm xuất khẩu, lâu nay Nhà nước vẫn khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa qua chế biến, hạn chế tối đa xuất khẩu nguyên liệu thô. Bởi số lượng xuất khẩu như nhau nhưng một số nước thu về khoản tiền gần gấp đôi. Vì vậy, để khuyến khích nông sản xuất khẩu đã qua chế biến, nên tính lại mức thuế giá trị gia tăng. Có như vậy mới khắc phục được đà suy giảm của xuất khẩu nông sản hiện nay. Đồng thời, thực hiện đúng chủ trương của Nhà nước là tăng cường xuất khẩu hàng hóa sản phẩm đã qua chế biến, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô.

Trong tương lai gần, nước ta phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao. Đầu tư cho lĩnh vực này rất lớn, chỉ một số doanh nghiệp có điều kiện triển khai. Sản phẩm từ nông nghiệp công nghệ cao sẽ bảo đảm chất lượng xuất khẩu theo tiêu chuẩn của các nước quy định. Do đó, thuế giá trị gia tăng cần phù hợp và bình đẳng đối với các doanh nghiệp có nông sản xuất khẩu.

Có như vậy mới làm tăng giá trị xuất khẩu mà không phải doanh nghiệp nào cũng làm được. Vì thế, họ cần có sự bình đẳng trong việc định mức thuế giá trị gia tăng.

Linh Trang

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc