Chính sách đi trước một bước!

16:02 | 16/01/2018

754 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hết Phú Quốc rồi đến Vân Đồn, cơn sốt trên thị trường bất động sản luôn ở trong trạng thái co giật. Thậm chí đến mức cả hai chủ tịch tỉnh nơi có địa phương này là Kiên Giang và Quảng Ninh đều phải lên tiếng trước công luận cảnh báo về tình trạng sốt ảo cho người dân.

Kể từ khi Việt Nam có chủ trương hình thành các đặc khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang), rồi được đưa ra trình Quốc hội, nhiều người đã đặt hy vọng đây là những đầu tàu kinh tế trong tương lai. Ở đó, mọi nguồn lực sẽ được khai thác hiệu quả nhất, mọi rào cản sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất, môi trường kinh doanh sẽ tạo nên cơ hội nhiều nhất có thể đối với các nhà đầu tư…

Và tất nhiên, theo bản năng tất yếu của cơ chế thị trường, trâu chậm thường phải uống nước đục, sốt đất cũng là lẽ thường tình.

Việt Nam chưa có đặc khu kinh tế, mọi chính sách liên quan đến lĩnh vực này đều là mới mẻ. Nhưng không phải vì lý do ấy mà mò mẫm, bởi lẽ đã có nhiều tấm gương và bài học trên thế giới, mà gần nhất, tiêu biểu nhất, có thể học hỏi được nhiều nhất là đặc khu kinh tế Thâm Quyến của Trung Quốc.

Kể từ năm 1979, khi Trung Quốc cải cách kinh tế, mở cửa chào đón dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhà lãnh đạo khi đó là ông Đặng Tiểu Bình đã chọn Thâm Quyến - một ngôi làng nghèo xác xơ của vùng đồng bằng sông Châu Giang nằm ngay bên cạnh Hongkong - làm điểm xuất phát.

chinh sach di truoc mot buoc
Dự án hạ tầng đáng chú ý nhất là Cảng Hàng không Quốc tế mới trở thành đòn bẩy cho Phú Quốc

Kể từ đó đến nay, Thâm Quyến từ một xóm chài ven sông chỉ có khoảng 30.000 dân nay đã chuyển mình trở thành siêu đô thị có ngành công nghiệp và tài chính phát triển vượt bậc với hơn 12 triệu dân. Được miêu tả là một “phép màu”, Thâm Quyến - đặc khu kinh tế đầu tiên được thành lập ở Trung Quốc - chính là biểu tượng cho quá trình cải cách và hội nhập của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo nghiên cứu được thực hiện bởi Michael Parker, Trưởng bộ phận chiến lược Châu Á - Thái Bình Dương của Stanford C. Bernstein, đến năm 2018, quy mô kinh tế Thâm Quyến sẽ đạt 350 tỉ USD, vượt qua mức GDP dự báo 345 tỉ USD mà tổ chức này dành cho Hongkong. Xin nói thêm, quy mô nền kinh tế năm 2017 của Việt Nam theo giá hiện hành đạt 5.007,9 nghìn tỉ đồng, tương ứng hơn 220 tỉ USD.

Vấn đề đặt ra là học những gì ở Thâm Quyến để phù hợp với điều kiện hiện tại của Việt Nam. Tuy nói là đặc khu kinh tế nhưng sự ảnh hưởng của các lĩnh vực chính trị, văn hóa và xã hội không hề nhỏ và phải được cân nhắc kỹ lưỡng.

Nhưng cho dù kỹ lưỡng đến đâu thì cũng chỉ có hạn vì thực tiễn cuộc sống không chờ đợi có chính sách ra đời thì mới “cựa quậy”, mà thể hiện rõ nhất là cơn sốt trên thị trường bất động sản đang diễn ra tự phát ở Phú Quốc và Vân Đồn.

Một nhận xét rất đáng chú ý của TS Vũ Đình Ánh, Việt Nam có 3 món nợ rất cần phải khắc phục sớm. Thứ nhất là nợ xấu, thứ hai là nợ công, thứ ba là nợ chính sách. Ông nhắc nhở: “Trong bối cảnh biến động như thế này mà chính sách không vận động kịp, không theo kịp, vô hình trung sẽ kéo lùi sự phát triển lại vì tác động của chính sách, thể chế”.

Cách đây cũng không lâu lắm, mỗi khi nhắc đến vốn đầu tư thì một câu hỏi kiểu chơi chữ đi liền với đó là “từ đâu”, có nghĩa là lấy tiền ở đâu ra? Còn nay, các nhà phân tích đã chỉ ra rằng, cụm từ “từ đâu” kia có nghĩa là từ chính sách nào, bởi vì tiền vốn hiện nay không thiếu. Chẳng hạn như câu chuyện xây dựng sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam tại Vân Đồn. Cách đây 10 năm, khi có một nhà đầu tư Canada chấp nhận bỏ ra khoảng 40 triệu USD để xây sân bay Vân Đồn, với yêu cầu Vân Đồn phải có casino. Và lý giải cho điều này, đối tác ngoại cho biết xây sân bay Vân Đồn để khách du lịch “bay” đến casino chứ không đi ôtô hay đi tàu.

Nay, ngay sau khi có chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế Vân Đồn, một tập đoàn tư nhân của Việt Nam là Sun Group ngay lập tức nhảy vào cuộc và cam kết thời gian thực thi là 18 tháng.

Có một ví von thú vị, khi đề cập về vấn đề này, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nói: “Đặc khu kinh tế là cái tổ cho phượng hoàng đến đẻ trứng. Nếu ta làm tổ cho gà thì sẽ không thể nào có phượng hoàng đến đẻ trứng được”.

Có lẽ nên hiểu “tổ” ở đây là hệ thống pháp lý được kết nối bằng những chính sách hấp dẫn, êm ấm, an toàn… với tầm tư duy toàn cầu, chứ không thể “mẹ hát con khen hay” như xưa!

Trong buổi làm việc tại Kiên Giang, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Hội đồng Thẩm định của Ban Đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) dự kiến xây dựng 12 tiêu chí để thẩm định.

Trên cơ sở liên hệ pháp luật hiện có, thông lệ quốc tế và đánh giá tác động của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt của các bộ, ngành góp ý kiến bổ sung, sẽ tiến hành thẩm định, hoàn chỉnh từng đề án của 3 tỉnh, hoàn thành các bộ thủ tục thông qua các cấp và hội đồng thẩm định để trong tháng 2-2018 thông qua Chính phủ, trình Bộ Chính trị. Phấn đấu năm 2018 trình Quốc hội phê duyệt, đồng thời ban hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Nguyễn Long Vân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc