“Bút sa gà chết” và Đông Tảo hay Đông Cảo

13:51 | 09/02/2017

|
Bạn đọc: Xin ông cho biết, nguồn gốc của câu “Bút sa gà chết”? Người ta cứ nói gà Đông Tảo nhưng có nơi lại gọi là Đông Cảo. Vậy theo ông, địa danh nào là chính xác hơn cả? Người ta nói, Dậu là Gà và năm Dậu là năm con Gà, nhưng tại sao chữ Dậu trong năm Dậu và chữ Dậu là con Gà trong tiếng Hán lại viết khác nhau?  Phong Kim (Hà Nội)

Học giả An Chi: Câu “Bút sa gà chết” đã được Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1967) giảng là: “Đã hạ bút ký vào một văn bản thì phải chịu trách nhiệm về chữ ký của mình”. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức (Nhà sách Khai trí, Sài Gòn, 1970) giảng là: Giấy-tờ làm xong là việc đã định, không còn sửa-đổi lôi-thôi gì nữa”. Từ điển thành ngữ Việt Nam của Nguyễn Như Ý, Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thành (NXB Văn hóa, Hà Nội, 1993) giảng là: “Đã viết, đã ký rồi, đã quyết định rồi thì không thể nào thay đổi được nữa, phải gánh chịu tất cả hậu quả của nó”. Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên (2007) giảng: “Đã đặt bút viết ra hoặc ký rồi thì phải chịu, không sửa đổi được nữa”. Từ điển tục ngữ Việt của Nguyễn Đức Dương (NXB Tổng hợp TP HCM, 2010) giảng là: “Bút đã hạ xuống rồi thì gà tất phải chết. Hay dùng với ẩn ý: Đã hạ bút ký là hết còn cách nào để thay đổi/sửa đổi được nữa”.

but sa ga chet va dong tao hay dong cao

5 quyển từ điển trên đây không gắn xuất xứ của câu “Bút sa gà chết” với thực tế xã hội đã sản sinh ra nó (vì cũng không cần thiết với mục đích biên soạn). Nhưng Từ điển thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam của Việt Chương (NXB Đồng Nai, 1995) thì có. Quyển này giảng: “Đây là một hủ tục của thời xa xưa. Khi người dân đến cửa quan thì lúc nào cũng có khay trầu rượu và một con gà trống thì may ra mới mong được việc. Điều này đã giúp cho người trong cuộc có một ý nghĩa hài hước, cay đắng: Hễ ngòi bút của các quan ký xuống đơn từ là y như một con gà phải chết! Nghĩa bóng câu thành ngữ này cho rằng, khi đặt bút viết một câu gì thì ta phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những gì mình đã viết ra. Với lời nói suông thì còn có thể chối cãi được, nhưng chữ viết với nét mực rành rành thì ta còn chối cãi cách nào?”.

Một số nguồn và tác giả khác cũng có cách giảng tương tự. Lazi.vn, chẳng hạn, đã giải thích như sau:

“Khi người dân có việc phải ra làng xã xin chữ ký của lý trưởng, xã trưởng, thì phải có cái gì để biếu cho người đã ký giấy tờ cho mình, do ở vùng quê nên con gà thường là thứ đồ được dùng làm quà biếu, có thể là một con gà hay một cặp gà tùy theo sự quan trọng của giấy tờ xin ký. “Vậy nên khi đã được lý trưởng đặt chữ ký, tức là bút sa, thì gà sẽ phải mang biếu, con gà sẽ bị giết thịt, gà chết. Con gà bị giết là do hậu quả của việc ký tên của ông lý trưởng. Chỉ một chữ ký nhưng đã lấy đi sinh mạng của con gà”.

Trang này còn cho biết thêm hai thực trạng xã hội có thể được cho là đã sản sinh ra câu đang xét:

“- Hoặc có người nói rằng, khi thầy bùa được mời đến nhà để cúng vái thần linh, trước hết thầy bùa phải vẽ bùa (bút sa), sau đó gia chủ phải giết gà (gà chết) để cho thầy bùa cúng vái.

- Ngày xưa, người dân quê ít học cho nên muốn viết đơn từ gì thì mướn mấy nho sinh viết giùm (bút sa) và trả công bằng một con gà (gà chết). Thế thì thực ra cũng là đại đồng tiểu dị với những quyển từ điển trên đây mà thôi. Nhưng Lazi.vn còn nêu thêm hai “thực trạng” khác nữa (để tham khảo): “- Thời xưa, đầu bút được làm từ lông gà, nên phải giết gà thì mới có lông để làm bút viết.

“- Cũng có ý kiến cho rằng cho hai từ “sa” và “gà” trùng âm (“a”), nên được ghép với nhau để nói cho xuôi tai”.

Hai “thực trạng” này chẳng đáng tin chút nào. Khái niệm “bút” được nói đến ở đây là bút lông, mà Tàu gọi là “mao bút” [毛筆], nghĩa là bút làm bằng lông mao, từ lông thỏ, lông dê là chính, cho đến lông chuột, lông lợn, lông bò, lông sói, lông khỉ, lông hươu, thậm chí lông hổ. Còn bút làm bằng lông vũ (lông gà, lông vịt) thì lại là những thứ hãn hữu nên không thể nào lấy nó làm đại diện mà đưa vào câu “Bút sa, gà chết”. Đến như cho rằng vì hai từ “sa” và “gà” cùng vần a nên được ghép với nhau để nói cho xuôi tai thì đây quả là chuyện cực kỳ ngô nghê, thô thiển.

Vậy người xưa, trễ nhất là người của thế kỷ XIX, đã nói gì về câu “Bút sa, gà chết”? Trong Đại Nam quấc âm tự vị, Huình-Tịnh Paulus Của đã giảng: -“Viết sai đi một chữ thì có tội vạ. Dân có việc kiện thưa, làm đơn trạng, thường phải chịu tiền cho đại thơ, kêu là tiền gà” (xin xem ở chữ “Bút”). “Đại thơ” là “[người] viết thay”.

- “Hễ có viết mướn thì có ăn tiền, hễ có chữ phạm phép thì có tội vạ”. (xin xem ở chữ “Gà”).

Vậy, căn cứ vào lời giảng của Việt Chương, vào những chỗ khả dụng của Lazi.vn, rồi vào lời giảng rất xác đáng của Huình-Tịnh Paulus Của, ta có thể suy ra như sau: Thời xưa, con gà là lễ vật mà người dân thường dâng biếu cho quan để dễ được việc hoặc vật thù lao mà người không biết chữ dùng để trả công cho người viết thuê. Với thời gian, nhất là trong mối quan hệ giữa người thuê viết và người viết thuê, để cho tiện lợi, thay vì con gà bằng xương bằng thịt, người thuê sẽ trả cho người viết một món tiền ước tính (hoặc theo thỏa thuận) bằng giá thị trường của một con gà, gọi là tiền gà. Có lẽ câu “Bút sa, gà chết” bắt nguồn từ thực tế này chăng?

Về địa danh đứng làm định ngữ cho danh từ “gà” trong danh ngữ “gà Đông Tảo/Cảo” thì “Tảo” hay “Cảo” mới đúng là từ gốc? Tại Wiki Hỏi Đáp, ta được trả lời chắc nịch và ngắn gọn: “Tên chính xác là gà Đông Tảo vì nó được gọi theo tên gọi của làng Đông Tảo thuộc xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, Hưng Yên”. Nhưng trên YouTube, ta có thể xem clip “Gà Đông Cảo - xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên” do Bùi Văn Hòa đưa lên ngày 25-8-2011. Rồi trên Báomới.com ngày 7-2-2012, ta có thể đọc bài “Về làng Đông Tảo xem gà Đông Cảo” của Lê Tự, mở đầu là hai câu:

Nhãn lồng bổ ngập dao phay,

Con gà Đông Cảo kéo cày thay trâu.

V.v…

Vậy thì giữa “Tảo” và “Cảo”, đâu mới thực sự là từ gốc? Chính “Cảo” mới là cái từ gốc đã bị làm cho trẹo trọ mà thành “Tảo”. Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX (tức Các tổng trấn xã danh bị lãm) của Viện Nghiên cứu Hán Nôm do Dương Thị The - Phạm Thị Thoa dịch và biên soạn (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1981) đã ghi cho ta rành mạch như sau:

“Đông Cảo [東杲] là xã thuộc tổng Vĩnh Hưng, huyện Đông An, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam”.

Hiện nay, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên bao gồm huyện lỵ là thị trấn Khoái Châu và 24 xã, trong đó có xã Ðông Tảo. “Ðông Tảo” là cái tên mô-đéc méo mó của xã “Ðông Cảo” mà công trình trên đây của Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã ghi nhận. Ở đây, chữ “Cảo” [杲] đã bị cái nạn “tác đánh tộ, ngộ đánh quá” làm cho “méo âm” mà thành ra “Tảo”. Chẳng là tự dạng của chữ “cảo” [杲] và chữ “tảo” [早] na ná nhau nên người ta dễ nhầm. Đồng thời, trong hai chữ thì “tảo”

[早] thông dụng hơn “cảo” [杲] nên đây cũng là một điều kiện để cho nó chiếm chỗ của chữ “cảo”. Chứ trong tâm thức của nhiều người dân Hưng Yên cố cựu thì giống gà mà ta đang nói đến vẫn cứ là “gà Đông Cảo”.

Cuối cùng, chữ “Dậu” trong “năm Dậu” và chữ “Dậu” là gà chỉ là một mà chữ Hán là [酉]. Chỉ có chữ “kê” [鷄] là gà mới viết khác.

A.C

Số Xuân 2017