Khoa học - công nghệ và cơ giới hóa:

Yếu tố quyết định tương lai ngành than

11:02 | 26/03/2013

1,619 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đặc thù của ngành công nghiệp khai thác là tác động trực tiếp đến tự nhiên, vì vậy khoa học công nghệ, cơ giới hóa được Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) xác định là yếu tố hàng đầu, vừa nhằm đảm bảo sản lượng vừa phát triển bền vững theo yêu cầu của Chính phủ.

Với trọng trách là một trong ba trụ cột (cùng dầu khí và điện lực) bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế, ngành than gặp sức ép rất lớn khi vấp phải hàng loạt khó khăn, thách thức, kể cả trong trường hợp chỉ ở mức độ… “tròn vai”. Theo đề án phát triển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, ngành than phải đạt sản lượng khai thác 63-68 triệu tấn than sạch (tương đương 70-75 triệu tấn than nguyên khai). Trong đó, sản lượng than khai thác hầm lò tăng dần từ 20,4 triệu tấn hiện nay lên 40,6 triệu tấn năm 2015 (tăng trung bình 14,7%/năm giai đoạn 2010-2015) và chiếm hơn 80% tổng sản lượng toàn ngành vào năm 2025.

Từ thực tế năng lực khai thác hiện nay, có thể nhận thấy, tối thiểu ngành than phải xây dựng bằng được 10 mỏ mới công suất từ 2-2,5 triệu tấn/năm, đồng thời mở rộng, tăng năng suất 61 mỏ cũ đang cho khai thác. Nếu tỷ suất đầu tư cho 1 triệu tấn than lên tới 200 triệu USD và thời gian mở 1 mỏ mới “ngốn” 5-7 năm, thì tính nhanh, con số đầu tư cuối cùng cũng lên tới hàng tỉ USD. Quả là quá sức cho Vinacomin, trong bối cảnh giá thành khai thác tăng cao, giá than bán cho điện rất thấp, sản lượng và giá bán than xuất khẩu giảm! Nếu không có giải pháp ứng phó kịp thời thì tới năm 2020, Vinacomin sẽ không đủ than phục vụ các ngành kinh tế, nhất là hàng chục nhà máy nhiệt điện chạy than với tổng công suất lên tới 36.000MW trong quy hoạch điện VII.

Trong nhiều góp ý với lãnh đạo Vinacomin, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) đều đặt việc khai thác than hầm lò lên hàng đầu, bởi tất yếu các mỏ than lộ thiên đang bị thu hẹp với tốc độ đáng kể. KHCN và cơ giới hóa trong khai thác than hầm lò là con đường duy nhất để nâng cao năng suất, nâng cao độ an toàn, đồng thời giảm tổn thất tài nguyên trong khai thác than. Theo thống kê của Viện KHCN Mỏ - Vinacomin, tổng trữ lượng các vỉa than có khả năng cơ giới hóa trong khai thác tương đối lớn, riêng ở khu vực bể than Đông Bắc là gần 750 triệu tấn, chiếm khoảng 13% so với tổng trữ lượng tài nguyên đã xác minh ở bể than này (5,572 tỉ tấn).

Cách đây trên dưới một thập niên, khoa học - công nghệ - kỹ thuật và cơ giới hóa từng đưa ngành than lên một tầm cao mới khi áp dụng hàng loạt phương pháp cũng như công nghệ nhằm cải thiện nhiều chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật. Tiêu biểu như việc đưa máy xúc thủy lực vào vận hành trong công tác đào sâu, máy khoan thủy lực có tính cơ động cao, năng suất cao, có khả năng khoan các lỗ theo chiều hướng khác nhau… Tuy vậy, trong khai thác than thời điểm hiện tại, khúc mắc lớn nhất lại là vấn đề công nghệ và một lần nữa đặt ra thách thức. Tất cả đã quá quen với khai thác thủ công, nhiều công đoạn và tốn sức người.

Thống kê đáng tin cậy cho thấy, một số mỏ than lộ thiên như Núi Béo sẽ ngừng khai thác vào năm 2020; Cọc Sáu, Ðèo Nai, Cao Sơn kết thúc khai thác than lộ thiên vào năm 2025, chủ yếu chỉ còn khai thác than hầm lò với độ sâu lớn hơn, chi phí khai thác cao gấp 3-4 lần. Việc nghiên cứu khai thác bể than Đồng bằng sông Hồng không đơn giản, bởi tất cả mới chỉ dừng lại ở mức độ... có thông tin. Mặt khác, đây là khu vực có điều kiện địa chất phức tạp, lại nằm dưới vùng đồng bằng trù phú, có nhiều thành phố, làng mạc, khu công nghiệp, dân cư đông đúc...

Trong giai đoạn trước mắt, để nâng cao năng lực khai thác cũng như đào lò, lãnh đạo Vinacomin xác định phải tiếp tục triển khai cơ giới hóa toàn diện. Ngay trong năm nay, Vinacomin sẽ rà soát mọi phương diện sản xuất của các đơn vị để đưa ra giải pháp áp dụng công nghệ phù hợp. Những vị trí có thể áp dụng được cơ giới hóa nhất thiết phải áp dụng; bù lại các đơn vị cũng cần có sự chủ động, quyết tâm thực hiện đẩy bằng được cơ giới hóa lên một bước mới.

Trong nhiều báo cáo, ngành than đã chỉ ra bất cập lớn nhất hiện nay là việc cơ giới hóa đồng bộ của ngành than còn thấp (mới đạt 2,8%), dẫn tới năng suất lao động cải thiện không đáng kể. Hậu quả nhãn tiền chính là giá thành sản xuất than bị đẩy lên khá cao (năm 2012 khoảng 1,2-1,3 triệu đồng/tấn), trong khi giá bán than cho điện (khách hàng lớn nhất của than) mới chỉ bằng 65-70% giá thành, giá bán xuất khẩu cũng giảm 24-36% tùy loại. Hằng năm, Vinacomin phải bù lỗ hàng nghìn tỉ đồng do bất cập về giá cũng như khoa học công nghệ lạc hậu.

Khai thác hầm lò đòi hỏi sự hỗ trợ của công nghệ và cơ giới hóa

Điều trăn trở hiện nay cho khoa học - công nghệ, cơ giới hóa vẫn là bài toán kinh tế. Vinacomin rất cần sự tác động sâu hơn nữa của các thành phần kinh tế trong và ngoài ngành để huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư cho các dự án khai thác và đào lò; đồng thời có sự hàn gắn chặt chẽ của Tập đoàn, của các đơn vị tư vấn nghiên cứu với các công ty khai thác hầm lò trong quá trình đầu tư và phát triển áp dụng cơ giới hóa khai thác.

Ðể giải quyết vấn đề này, trước mắt Chính phủ cần có chính sách hợp lý về giá cùng các giải pháp thích hợp để hỗ trợ vốn cho ngành than đầu tư xây dựng 28 mỏ mới, mở rộng 61 mỏ cũ theo yêu cầu. Một phần kinh phí được tiết kiệm từ các loại phí chênh lệch sẽ được sử dụng tái đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ. Yêu cầu cấp thiết nhất của Vinacomin là đổi mới công nghệ khai thác theo hướng áp dụng các loại hình công nghệ cơ giới hóa sản xuất, đáp ứng tiêu chí cơ bản của mỏ hiện đại (công suất khai thác lớn, an toàn, trình độ công nghệ và thiết bị tiên tiến, giảm thiểu lao động thủ công, giám sát, thông tin liên lạc, điều hành sản xuất tập trung, tự động hóa...); triển khai các nghiên cứu, phân tích, đề xuất, lựa chọn các giải pháp kỹ thuật và công nghệ phù hợp…

Thực tiễn áp dụng tại một số mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh cho thấy, khả năng tăng sản lượng khai thác và tốc độ đào lò khi áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa cao hơn nhiều so với khoan nổ mìn thủ công (tăng 1,5-1,8 lần). Bên cạnh đó, việc áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa trong lò chợ cho phép công nhân làm việc trong điều kiện tốt hơn, ít nặng nhọc hơn do các khâu chính trong quy trình công nghệ như tách phá than và chống giữ được thực hiện bằng thiết bị khoa học công nghệ, cơ giới hóa, từ đó giảm số lượng công nhân làm việc trực tiếp tại các gương lò chợ.

Như vậy, nếu thực sự áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa một cách hiệu quả, ngành than sẽ làm được hai việc: sản lượng than khai thác tăng, tốc độ đào lò xây dựng cơ bản đáp ứng yêu cầu, sức ép về số lượng lao động giảm, thu nhập của người lao động có thể tăng theo dự tính và hệ số an toàn lao động cũng từ đó tăng cao hơn nhiều.

Tùng - Kiên