Yêu cầu thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng

16:18 | 06/12/2023

422 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Sáng 6/12, tại cuộc họp Thường kỳ Chính phủ tháng 11, Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng, cùng một số nhiệm vụ trọng tâm khác.
BIDV: Ngân hàng đầu tiên ký hợp đồng tín dụng tài trợ dự án nhà ở xã hội theo Chương trình 120 nghìn tỷ đồngBIDV: Ngân hàng đầu tiên ký hợp đồng tín dụng tài trợ dự án nhà ở xã hội theo Chương trình 120 nghìn tỷ đồng
Cần làm rõ ưu đãi về thuế và lãi suất khi làm nhà ở xã hộiCần làm rõ ưu đãi về thuế và lãi suất khi làm nhà ở xã hội
HoREA đề xuất mở rộng đối tượng mua nhà được vay gói 120.000 tỷ đồngHoREA đề xuất mở rộng đối tượng mua nhà được vay gói 120.000 tỷ đồng

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong 11 tháng qua, các mục tiêu đề ra cơ bản được thực hiện tốt. Trong đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục giữ được sự ổn định, lạm phát được kiểm soát, kinh tế tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực... Thu ngân sách Nhà nước đến nay đã đạt 95% dự toán, mặc dù vẫn giảm thuế kịp thời.

Yêu cầu thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng
Gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội cần phải thúc đẩy…(Ảnh minh họa)

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra việc tiếp cận tín dụng, thị trường bất động sản vẫn khó khăn, gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội cần phải thúc đẩy…

Theo Ngân hàng Nhà nước, nguyên nhân khiến gói 120 nghìn tỷ đồng chậm giải ngân do còn vướng nhiều rào cản. Trước hết là vướng mắc về thủ tục đầu tư rất kéo dài, từ 2 - 5 năm. Đặc biệt, bước về giao đất. Thủ tục đầu tư bị ách tắc, không đến giai đoạn thi công được, không đến giai đoạn thi công thì không đủ điều kiện vay vốn.

Số lượng dự án đáp ứng đủ điều kiện cho vay không nhiều. Trong 54 dự án thuộc danh mục được các địa phương báo cáo, có hơn một nửa (55%) không có nhu cầu vay vốn, 20% chưa đủ điều kiện vay vốn. Còn lại 15%, tương đương 8 dự án đang chờ các ngân hàng thương mại thẩm định.

Do đó, bên cạnh hoàn thiện thủ tục pháp lý cho các dự án hiện có, các chuyên gia cho rằng, cần mở rộng thêm số lượng các dự án, giúp các ngân hàng có thêm dư địa cho vay. Bởi hiện nay, biên lợi nhuận đầu tư các dự án nhà ở xã hội chỉ có 10%, khiến nhiều chủ đầu tư dự án cũng không quá mặn mà tham gia phát triển phân khúc nhà ở xã hội.

Ngoài ra, còn do nguồn cung nhà ở xã hội hạn chế, cùng với đó các địa phương còn chậm công bố các dự án đủ điều kiện vay vốn.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện nay mới có 20 địa phương công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng, với nhu cầu vay vốn là 25.884 tỷ đồng. Như vậy, còn tới 43 địa phương vẫn đang tổng hợp danh sách dự án có nhu cầu vay vốn theo chương trình này.

Trước đó, để tháo gỡ khó khăn trong quá trình vay vốn, Bộ Xây dựng cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật để triển khai hiệu quả gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục làm việc với một số địa phương trọng điểm kiểm tra, đôn đốc tạo nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và các dự án cải tạo chung cư cũ.

Huy Tùng