Xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế:

Ý tưởng lớn - đích đến còn xa

16:05 | 18/08/2019

516 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Mới đây, UBND TP HCM đã tổ chức Hội thảo “Xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế”. Hội thảo nhận được nhiều ý kiến đóng góp, kinh nghiệm và giải pháp đưa TP HCM vươn tầm thành một trung tâm tài chính quốc tế của các nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia kinh tế. Phóng viên Báo Năng lượng Mới lược ghi một số ý kiến đáng chú ý.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân: Trước tiên phải trở thành trung tâm tài chính quốc gia

y tuong lon dich den con xa

TP HCM đang có một vị thế kinh tế nổi trội trong cả nước, là nơi hội tụ của các định chế tài chính lớn, nhất là các ngân hàng thương mại. Mật độ tập trung của các định chế tài chính trên địa bàn TP HCM cao nhất so với các địa bàn khác trên cả nước. Năm 2019, thành phố có khoảng 2.138 tổ chức tín dụng, trong đó có gần 2.000 chi nhánh ngân hàng thương mại. Thị trường chứng khoán tại TP HCM luôn khẳng định vị trí và tầm quan trọng vượt trội, chiếm hơn 90% giá trị thị trường cổ phiếu cả nước.

Với các lợi thế hiện có, định hướng xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP HCM là cần thiết, khách quan, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước và của thành phố.

Tuy nhiên để xây dựng TP HCM trở thành trung tâm tài chính còn nhiều thách thức về cơ chế, môi trường kinh doanh, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, sự phát triển dịch vụ tài chính… Do đó, để trở thành đầu tàu chuyển tải vốn phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước thì lĩnh vực tài chính của TP HCM cần phải phát triển hơn nữa cả về lượng lẫn về chất.

Trước tiên, TP HCM cần phải trở thành trung tâm tài chính quốc gia, phục vụ tốt cho nhân dân cả nước. Làm tốt nhiệm vụ bước một, từ đó mới có lộ trình tiến lên bước hai là trở thành trung tâm tài chính của khu vực và sau đó mới đến bước ba là trung tâm tài chính quốc tế.

Năm 2019, TP HCM có khoảng 2.138 tổ chức tín dụng, trong đó có gần 2.000 chi nhánh ngân hàng thương mại. Thị trường chứng khoán tại TP HCM luôn khẳng định vị trí và tầm quan trọng vượt trội, chiếm hơn 90% giá trị thị trường cổ phiếu cả nước.

Để chuẩn bị cho việc phát triển TP HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế, thành phố cần đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh đô thị thông minh, nghiên cứu và ứng dụng từng bước trí tuệ nhân tạo; đẩy mạnh việc hoàn thiện hạ tầng giao thông, quản trị giao thông thông minh; hiện đại hóa quy hoạch đô thị; đẩy mạnh các chương trình khởi nghiệp sáng tạo, trong đó quan tâm tới khởi nghiệp sáng tạo về công nghệ tài chính…

GS.TS KH Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, Chủ tịch Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (VAPEC): Cần nhà đầu tư tài chính chiến lược quốc tế tham gia

y tuong lon dich den con xa

Các trung tâm tài chính quốc tế cho đến nay chủ yếu được xây dựng ở một số nền kinh tế phát triển. Chưa có một nước đang phát triển nào có trung tâm tài chính quốc tế, nếu có như Dubai thuộc Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất, thì các ông chủ của các trung tâm này đều là các tập đoàn tài chính quốc tế.

Đề án xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính quốc tế đã đề cập đến 5 nhân tố cần thiết như: Con người, môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, phát triển ngành, danh tiếng. Năm nhân tố này chính là đặc trưng của trung tâm tài chính quốc tế, chứ không phải là nhân tố hình thành. Nhân tố quyết định sự hình thành của trung tâm tài chính quốc tế là có các nhà đầu tư tài chính chiến lược quốc tế tham gia. Trung tâm tài chính quốc tế TP HCM chỉ có thể được xây dựng nếu các tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới tham gia như là những nhà đầu tư chiến lược.

GS.TS Sử Đình Thành - Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh châu Á: Những yếu kém là thử thách không nhỏ

y tuong lon dich den con xa

Xét về các yếu tố hội tụ của một trung tâm tài chính, TP HCM về cơ bản đã đáp ứng được so với các thành phố khác trong cả nước. Do vậy, phát triển TP HCM thành trung tâm tài chính của cả nước và khu vực là một lựa chọn đúng. Có thể khẳng định rằng, hiện nay TP HCM đang là trung tâm tài chính lớn của Việt Nam, tuy nhiên, để trở thành trung tâm tài chính quốc tế thì còn nhiều thách thức phải vượt qua.

Có thể kể đến như cơ chế, mô hình quản lý của chính quyền thành phố hiện nay còn có khoảng cách khá xa so với mô hình quản lý của một chính quyền đô thị. Quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền thành phố trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng còn nhiều giới hạn. Do vậy, vai trò của chính quyền thành phố trong việc hỗ trợ và kích thích phát triển thị trường tài chính khá mờ nhạt.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng của thành phố quá yếu kém. Hạ tầng giao thông chưa xứng tầm của một thành phố công nghiệp lớn nhất cả nước. Sân bay, hải cảng chưa đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực.

y tuong lon dich den con xa
Thị trường chứng khoán tại TP HCM luôn khẳng định vị trí vượt trội

Cấu trúc và năng lực kinh doanh của các định chế tài chính trên địa bàn còn yếu kém so với chuẩn khu vực và quốc tế. Các định chế ngân hàng còn hạn chế về quy mô, các dịch vụ tài chính - ngân hàng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thành phố. Trong khi đó, các định chế phi ngân hàng số lượng còn ít, loại hình hoạt động đơn điệu, chưa thật sự là kênh cung cấp vốn trung, dài hạn trong nền kinh tế nói chung và TP HCM nói riêng. Hiện tại, TP HCM còn thiếu vắng các nhà đầu tư chuyên nghiệp như các quỹ đầu tư, các công ty ủy thác, các nhà môi giới tiền tệ…

Nhân tố quyết định sự hình thành của trung tâm tài chính quốc tế là có các nhà đầu tư tài chính chiến lược quốc tế tham gia. Trung tâm tài chính quốc tế TP HCM chỉ có thể được xây dựng nếu các tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới tham gia như là những nhà đầu tư chiến lược.

Những yếu kém đó là thử thách không nhỏ cho TP HCM trong quá trình hội nhập và mở cửa thị trường tài chính ở Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, so với trung tâm tài chính của các nước trong khu vực thì trung tâm tài chính TP HCM còn có một khoảng cách khá xa.

Có thể thấy rằng, việc hình thành một trung tâm tài chính, tạo ra nhân tố tích cực để điều chỉnh cấu trúc kinh tế, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển thành phố theo hướng hiện đại là sự lựa chọn đúng trong bối cảnh hội nhập toàn cầu ngày nay. Xét về các điều kiện như: Vị trí địa lý, tự nhiên thì TP HCM có lợi thế nhất định. Nhưng xét về các yếu tố kinh tế, các yếu tố thể chế thì khả năng cạnh tranh của TP HCM với các trung tâm tài chính khác trong khu vực rất thấp. Trong các yếu tố này, quy mô nền kinh tế không thể cải thiện một sớm một chiều, nhưng có những yếu tố về mặt thể chế có thể cải thiện được ngay.

Do đó, để có thể đạt được mục tiêu của mình, TP HCM nói riêng cần quan tâm cải thiện những yếu tố thuộc khả năng chủ quan. Có như vậy mới có thể nhanh chóng đưa TP HCM bắt kịp, cạnh tranh với các trung tâm tài chính trong khu vực.

TS Trần Du Lịch - Thành viên Tổ tư vấn về kinh tế của Chính phủ: Đề án phải mang tầm Chính phủ

y tuong lon dich den con xa

Có thể nói, từ chủ trương của Bộ Chính trị cũng như nhận thức chủ quan của lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ đều hướng đến mục tiêu làm thế nào để TP HCM thực sự là một trung tâm tài chính quốc gia, hướng tới trở thành một trung tâm tài chính của khu vực (ASEAN). Định hướng này phù hợp với vị trí, vai trò và thế mạnh của TP HCM được chứng minh qua thực tiễn phát triển, từ khi đất nước tiến hành sự nghiệp đổi mới và mở cửa hội nhập.

Tuy nhiên, cho đến nay, mọi ý tưởng xây dựng TP HCM thành một trung tâm tài chính vẫn còn đang dang dở, thậm chí vai trò còn giảm dần, xét về quy mô thị trường tài chính đối với cả nước, ví dụ: Tổng vốn huy động qua các định chế tài chính trên địa bàn TP HCM so với cả nước đã giảm từ khoảng 40% của những năm đầu thập niên 2000 xuống còn khoảng 24% năm 2018, xếp sau Hà Nội (34%).

Dường như ý tưởng xây dựng trung tâm tài chính TP HCM trong những năm gần đây ngày càng mờ nhạt về phương diện chính sách khi Chính phủ quyết định sáp nhập 2 sở giao dịch chứng khoán TP HCM và Hà Nội thành Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, đặt trụ sở tại Hà Nội. Do đó, đề án xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế cần làm rõ về tính khả thi. Phải chăng chủ trương này là sự nối tiếp công việc trước đây bị gián đoạn trong điều kiện mới hay nâng vị thế của TP HCM với một tầm nhìn mới trong bối cảnh quốc tế hiện nay?

y tuong lon dich den con xa
TP HCM được khẳng định là đầu tàu kinh tế quốc gia

Theo tôi, những điều kiện để xác lập vị thế của một trung tâm tài chính quốc gia, hướng tới của khu vực ASEAN là TP HCM phải ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của một “đầu tàu” phát triển của vùng và cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn TP HCM phải được duy trì với mức cao hơn khoảng 1,5 lần mức bình quân của cả nước như đã từng có được trước đây. Hoạt động kinh tế trên địa bàn TP HCM phải là nơi mang “tính thị trường” nhất so với cả nước.

Đồng thời, TP HCM phải nâng cao vai trò là “cửa ngõ” giao lưu kinh tế trong nước và giao thương quốc tế. TP HCM phải là địa phương thực hiện thành công nhất mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh về thể chế thuộc nhóm ASEAN 4 như mục tiêu Chính phủ đề ra.

Để phát triển TP HCM thành trung tâm tài chính quốc tế trước hết là vấn đề quốc gia, chứ không phải là vấn đề riêng của địa phương. Nếu căn cứ vào pháp luật điều chỉnh hoạt động của thị trường tài chính, chính quyền địa phương chỉ có vai trò hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển trên nền tảng thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế dù dưới hình thức và mô hình nào

Bên cạnh đó, 3 nhân tố cơ bản nâng cao năng lực cạnh tranh là thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng phải là những đặc điểm vượt trội của TP HCM. Thành phố đã từng là nơi “lập nghiệp” của doanh nhân cả nước, thì trong thời đại mới phải là nơi “khởi nghiệp” của khu vực.

Đặc biệt, TP HCM phải là nơi có thị trường tài chính tập trung có quy mô lớn, quy tụ nhiều nguồn cung sản phẩm tài chính; thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước phục vụ cho thương mại, đầu tư theo ý nghĩa của một trung tâm chuyển tải vốn cho nền kinh tế trong nước, có tác động nhất định đến thị trường khu vực và thế giới. TP HCM phải là nơi tập trung các định chế tài chính đặt trụ sở chính, những “con sếu đầu đàn” trên thị trường tài chính, nơi có hạ tầng “cứng” và hạ tầng “mềm” khả dĩ cho thị trường tài chính vận hành thông suốt…

Các yếu tố đó cho thấy, để TP HCM xác lập được vị trí, vai trò của một trung tâm tài chính quốc gia, hướng tới tầm vóc khu vực, còn nhiều bất cập.

Để phát triển TP HCM thành trung tâm tài chính quốc tế trước hết là vấn đề quốc gia, chứ không phải là vấn đề riêng của địa phương. Nếu căn cứ vào pháp luật điều chỉnh hoạt động của thị trường tài chính, thì chính quyền địa phương chỉ có vai trò hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển trên nền tảng thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế dù dưới hình thức và mô hình nào. Do đó, đề án này muốn thành công phải như là một quyết tâm chính trị của Trung ương, mang tầm đề án của Chính phủ.

GS.TS Nguyễn Thanh Tuyền - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM: Chạm đến “cái ngọn”, quên mất “cái gốc”

y tuong lon dich den con xa

Nền kinh tế phát triển là tiền đề để hình thành trung tâm tài chính (trung tâm tài chính quốc gia, quốc tế và toàn cầu). TP HCM được khẳng định là “đầu tàu” kinh tế quốc gia và với nhiều lợi thế, TP HCM hội đủ các chuẩn mực là trung tâm tài chính quốc gia và hướng tới trung tâm tài chính quốc tế. Tuy nhiên, con đường này không dễ dàng.

Để TP HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế cần có sự hiện diện của một nền kinh tế tiên tiến ngang tầm quốc tế hay khu vực. Trong điều kiện cạnh tranh kinh tế quốc tế quyết liệt, chỉ nói riêng ở Đông Nam Á, không quốc gia nào bỏ lỡ cơ hội để Việt Nam vượt trội trừ khi Việt Nam có những đột phá trong các chính sách kinh tế, tức là tiếp tục đổi mới một cách tích cực. Do vậy, việc xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính quốc tế nếu không đề cập đến nội dung hiện đại hóa nền kinh tế đất nước trong bước quá độ này thì chỉ mới chạm đến “cái ngọn” mà quên mất “cái gốc”.

Triển vọng về một trung tâm tài chính quốc tế cho TP HCM có thể trở thành hiện thực nếu được hậu thuẫn bởi một nền kinh tế thị trường phát triển và hội nhập. Do vậy, cơ cấu kinh tế TP HCM cần điều chỉnh theo hướng hiện đại hóa thích ứng. Theo đó, cần thực hiện các giải pháp có hiệu quả trong khai thác các nguồn lực tài chính cấu thành một trung tâm tài chính tương ứng, đi đôi với sử dụng linh hoạt và nhạy bén các công cụ điều tiết hữu quan.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, sự thành công của ý tưởng TP HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế không thể thiếu vắng chính sách kinh tế có hiệu quả tạo bước đột phá cho quá trình đó. Và cũng phải khẳng định rằng, kinh tế TP HCM hiện trạng là nền kinh tế của một quốc gia đang phát triển, chưa vượt qua “bẫy” thu nhập trung bình.

Tuy chưa phải là một nền kinh tế phát triển, nhưng với khát khao vươn xa, cộng với tính năng động, sáng tạo vốn có và nơi được gọi là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, nếu TP HCM được trao quyền hạn thích ứng trong điều hành kinh tế thì đích tới là trung tâm tài chính quốc tế có thể vươn tới.

Mai Phương