Xử lý tấm pin mặt trời như thế nào khi hết hạn sử dụng?

17:59 | 04/08/2019

2,213 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Cùng với sự thúc đẩy phát triển điện mặt trời thì các cơ quan quản lý, doanh nghiệp cần tính đến phương án xử lý tấm pin mặt trời hết tuổi thọ sau vài năm đến vài chục năm tới. Bởi sau khi hết hạn, các tấm pin hư hỏng phải thải bỏ, sẽ là rủi ro rất lớn về môi trường.    
Nhiều chính sách hỗ trợ điện mặt trời áp mái
Giá lắp điện mặt trời mái nhà ngày càng giảm
Thúc đẩy phát triển 100.000 hệ thống điện mặt trời áp mái vào năm 2025

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đưa ra cảnh báo, những tấm pin mặt trời sau khi hết hạn và thải ra môi trường thì ô nhiễm rất lớn, hơn cả ni-lông. Việc đưa lượng lớn tấm pin ra môi trường sẽ diễn ra trong tương lai gần, nếu không tính nhanh phương án ứng phó thì trở tay không kịp.

Xử lý tấm pin mặt trời như thế nào khi hết hạn sử dụng?
Việc đưa lượng lớn tấm pin ra môi trường sẽ diễn ra trong tương lai gần, nếu không tính nhanh phương án ứng phó thì trở tay không kịp

Chia sẻ kinh nghiệm của châu Âu trong giải quyết vấn đề này, ông Koen Duchateau, Trưởng Bộ phận hợp tác phát triển, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cho biết, khi mới bắt đầu triển khai các dự án điện mặt trời, các quốc gia EU đã tính đến việc xử lý pin như thế nào. Bởi một khi đã hết sử dụng thì những tấm pin mặt trời sẽ trở thành chất thải và chất thải cần phải được xử lý.

Theo ông Koen Duchateau, Ủy ban châu Âu đã có chỉ thị về vấn đề xử lý chất thải điện, rác điện tử, trong đó có pin mặt trời bằng cách gắn việc thu gom, xử lý các rác điện tử với các nhà sản xuất. Trong đó quy định pháp lý rất rõ ràng về việc thu gom, tái sử dụng, tái chế, thậm chí thu lại các nguyên liệu từ rác điện tử để sử dụng cho các mục đích sản xuất khác nhằm đạt mục tiêu cuối cùng là giảm khối lượng rác điện tử thải ra môi trường.

Kể từ năm 2014, để tuân thủ chỉ thị chung của EU, tất cả các quốc gia thành viên của EU đã đưa ra quy định pháp luật riêng của đất nước mình về vấn đề thu gom, vận chuyển và xử lý với rác điện tử, trong đó có các tấm pin mặt trời.

Theo đó, các nhà sản xuất được yêu cầu khi các tấm pin mặt trời lắp đặt cho các hộ dân hết thời hạn sử dụng thì các nhà sản xuất phải thu gom, vận chuyển, xử lý. Quy định này ràng buộc và tăng trách nhiệm của các nhà sản xuất với vấn đề bảo vệ môi trường, gắn sự tham gia của nhà sản xuất vào cả vòng đời của hệ thống. Đối với các hộ gia đình, cuối vòng đời hệ thống họ không phải tốn chi phí để xử lý.

Ông Koen Duchateau cho biết thêm, EU có rất nhiều kinh nghiệm trong xử lý rác điện tử, trước đó chủ yếu là rác điện tử đến từ các đồ gia dụng. Cho nên khi bắt đầu phát triển điện mặt trời họ đã có kinh nghiệm và có bước chuẩn bị, hướng dẫn quy định về mặt xử lý rác đối với pin mặt trời đã qua sử dụng.

Theo ông Koen Duchateau, Việt Nam cũng đang đi theo hướng của EU, khi nói rất nhiều đến nền kinh tế tuần hoàn. Mục tiêu của nền kinh tế tuần hoàn là sử dụng và tái sử dụng các nguyên liệu và giảm thải ra môi trường. Cùng với công nghệ mới, việc chú trọng vấn đề thu gom, xử lý chất thải, rác thác, giảm xả thải ra môi trường giúp các quốc gia có được định hướng đúng với xử lý tấm pin điện mặt trời cũ.

“Điều này đòi hỏi chính sách của chính phủ phải rất rõ ràng, cộng với các cơ chế hạ tầng cụ thể. Như với điện thoại di động, người dân châu Âu khi trả tiền mua điện thoại đã trả tiền để xử lý rồi cho nên khi không dùng nữa thì không phải tự đem bỏ mà sẽ có chỗ để thu gom và nhà sản xuất ban đầu phải có trách nhiệm thu gom, xử lý, lấy lại các phần nguyên liệu để tái sử dụng, giảm rác thải bỏ ra”, ông Koen Duchateau chia sẻ.

Mai Phương

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps