Xét tuyển giáo viên ở Hà Nội: Vẫn còn bất cập

09:49 | 17/10/2011

607 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hà Nội đã tiến hành tuyển dụng giáo viên bổ sung cho các trường trong năm học mới này theo đúng chỉ đạo của UBND TP theo hình thức xét tuyển. Tuy nhiên, thực trạng sau khi xét tuyển cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét lại.

Đã xuất hiện trường hợp giáo viên trường nội thành nhưng lại nói đặc giọng địa phương.

Giáo viên nói ngọng

UBND TP Hà Nội đã có quyết định phê duyệt chỉ tiêu tuyển dụng viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS công lập năm học 2011. Tổng chỉ tiêu tuyển dụng là 7.502 người, gồm 6.887 giáo viên và 615 nhân viên. Cấp học mầm non chiếm phần lớn với 5.835 chỉ tiêu, kế tiếp là cấp tiểu học với 710 chỉ tiêu và cấp THCS chỉ ở mức thấp với 342 chỉ tiêu.

Theo thống kê sơ bộ, Sóc Sơn là đơn vị có chỉ tiêu tuyển dụng lớn nhất với 428 người, Ba Vì 376 người, Chương Mỹ 345 người, Gia Lâm 329 người… Đến thời điểm này, công tác tuyển dụng của các địa phương đã hoàn tất nhưng thực tế cho thấy, việc tuyển dụng bằng phương pháp xét tuyển vẫn còn để “lọt” nhiều vấn đề.

Lãnh đạo các Phòng GDĐT cho biết, cái “được” của xét tuyển là độ an toàn cao, ít có tiêu cực, ít tốn kém vì chỉ xét trên hồ sơ và học bạ của giáo viên. Thế nhưng, phương pháp này lại để lộ những cái “mất” khá cơ bản. Đó là không đánh giá được năng lực thật sự hay những khiếm khuyết của giáo viên.

Ông Đặng Việt Hà, Trưởng phòng GDĐT quận Long Biên cho biết, sau khi xét tuyển xong, đã có trường phản ánh về trình độ và kỹ năng sư phạm của một vài giáo viên mới rất kém. Vì thành phố không quy định, hạn chế vùng tuyển nên các giáo viên có quyền đăng ký dự tuyển vào một chỉ tiêu chuyên môn tại bất cứ trường nào có chỉ tiêu tuyển dụng. Chính vì thế, đã xuất hiện trường hợp giáo viên trường nội thành nhưng lại nói đặc giọng địa phương.

Các quận, huyện khác phản ánh, đã xuất hiện nhiều giáo viên sư phạm tốt nghiệp bằng khá, giỏi nhưng nói ngọng, viết sai chính tả hoặc giảng bài bằng giọng địa phương khiến học sinh không hiểu cô giáo nói gì. Điều này ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến học sinh, đặc biệt ở bậc mầm non và tiểu học, lứa tuổi các em bắt đầu làm quen với ngôn ngữ, học vần, luyện âm, tập đọc, chính tả…

Quận Hoàn Kiếm, đơn vị duy nhất yêu cầu phải kết hợp xét tuyển và kiểm tra khả năng sư phạm đã chỉ ra những thực tế: Có những giáo viên tốt nghiệp loại giỏi nhưng không có kỹ năng sư phạm, không biết phải giảng bài từ đâu và giảng như thế nào.

Cần áp dụng cả xét tuyển và thực hành

Sở GDĐT Hà Nội cho biết, dù là xét tuyển hay thi tuyển thì phương pháp nào cũng có mặt ưu điểm và hạn chế riêng. Xét tuyển tránh được tiêu cực nhưng lại không phản ánh được năng lực, khả năng thực tế của giáo viên. Thi tuyển thì dễ nảy sinh tiêu cực, xin – cho, nâng điểm hoặc chấm điểm không khách quan, thiên vị “người nhà”…

Sau khi giao quyền tự quyết phương án tuyển sinh cho các địa phương, Sở GDĐT đã chính thức đề nghị và được Bộ GDĐT chấp thuận cho thí điểm tổ chức tuyển dụng viên chức giáo viên theo hình thức xét tuyển có cộng điểm thực hành và đặc thù địa phương. Trong đó, phần thực hành gồm soạn giáo án và giảng dạy một tiết trên lớp; phần đặc thù địa phương được dự kiến là những yêu cầu riêng về trình độ, năng lực. Theo kế hoạch, phương án này sẽ được áp dụng ngay cho kỳ tuyển dụng giáo viên các trường THPT, Trung tâm GDTX, trường TCCN vào cuối năm nay.

Đối với những trường hợp đã được xét tuyển rồi mới phát hiện những sai sót như nghiệp vụ yếu, nói ngọng…, nhà trường có quyền đề nghị các cấp có thẩm quyền không xem xét, quyết định bổ nhiệm vào ngạch viên chức. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là liệu các trường có dám “mạnh tay” với những giáo viên này hay không?

Theo LĐO

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc