"Xã lâm tặc" trả nợ... cho rừng
Là vùng đất bán sơn địa bao quanh là những đồ núi đất đỏ bazan khô cằn, sỏi đá… khoảng vài chục năm trở về trước, đây là nơi có số lượng người dân làm lâm tặc phá rừng thuộc dạng đứng đầu tỉnh Quảng Bình. Khi chúng tôi trở lại nơi đây, một cảnh tượng khác lạ đập vào mắt cả một vùng đồi núi rộng lớn đã được phủ xanh ngắt bởi các loại cây như tràm, keo… Điều thú vị là chủ nhân của những đồi núi phủ đầy cây xanh này lại là những con người xưa kia từng là những lâm tặc phá rừng có tiếng.
Một quả đồi ở xã Thái Thủy (huyện Lệ Thủy) được phủ xanh bởi bàn tay của những người dân nơi đây.
Vùng đất xưa kia nổi tiếng với nghề lâm tặc
Xã Thái Thủy, với diện tích tự nhiên 5.580 ha, phần lớn là đất đồi núi khô cằn không thích hợp cho việc trồng lúa. Có 1.192 hộ với 5.500 khẩu, do đất đai không phù hợp với việc trồng lúa nên đời sống của người dân nơi đây vô cùng khó khăn, là một trong bốn xã đặc biệt khó khăn thuộc diện hỗ trợ chương trình 135 của chính phủ.
Anh Trần Văn Trạng trò chuyện với phóng viên.
Theo ông Phạm Văn Hồng - Phó chủ tịch UBND xã Thái Thủy: “Do thiếu đất canh tác, đời sống nhân dân khó khăn, lại giáp với dãy Trường Sơn nên vì miếng cơm manh áo hồi xưa người dân trong toàn xã đều lên rừng đốn gỗ về bán lo cho cuộc sống gia đình mình. Biết là sai với chủ trương của nhà nước, nhưng không có cách mưa sinh nào khác ngoài việc dựa vô rừng nên người dân cũng cố tình làm ngơ trước những việc mình làm…”.
Ông Hồng còn cho biết, cách đây vài chục năm mỗi gia đình trong xã đều có ít nhất một con trâu mộng (trâu to lớn phục vụ cho việc kéo gỗ từ rừng về nhà), gỗ tập trung trong nhà dân nhiều vô kể toàn là gỗ quý hiếm như lim, gõ… những cánh rừng nguyên sinh liên tiếp bị đốn hạ, tan hoang tiêu điều. Vậy mà đời sống của người dân vẫn không được cải thiện là bao, chỉ làm giàu cho một số đầu nậu gỗ từ các vùng khác đến thu mua, đúng là “ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”, có nhiều người vào rừng bị ngã nước, sốt rét ác tính đành nằm lại với rừng xanh lạnh lẽo, cái khó cứ chồng lên đời sống của nhân dân nơi đây.
Cổng làng thôn Minh Tiến, một trong những thôn có phong trào trồng rừng dẫn đầu xã Thái Thủy.
Phá rừng trở thành “vua trồng rừng”
Đứng trước thực trạng đáng buồn này, chính quyền các cấp của tỉnh Quảng Bình đã ngày đêm suy nghĩ phương cách nhằm giải quyết vấn đề nhức nhối do nạn phá rừng gây ra, đồng thời sự tìm giải thoát cho cái cảnh sống nghèo khổ cho người dân nơi đây.
Ông Nguyễn Quang Năm - Chủ tịch huyện Lệ Thủy trao đổi với chúng tôi: “Đứng trước vấn nạn phá rừng, đời sống người dân vô cùng khó khăn. Chúng tôi trăn trở ngày đêm, tìm mọi biện pháp nhằm xóa bỏ hắn vấn nạn đau đầu này. May mắn đã đến đó là dự án trồng rừng Việt – Đức đã đến với vùng quê này. Từ dự án này, vấn nạn phá rừng được giải quyết triệt để, đời sống nhân dân ngày càng dần ổn định, khấm khá”.
Được biết, dự án trồng rừng Việt – Đức với mô hình ban đầu là cung cấp trang thiết bị, cây giống; còn người dân nơi đây tự ra sức khai phá những vùng đồi hoang biến nó thành đất canh tác trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như cây Keo, Tràm. Sau thời gian 5 năm thu hoạch, mọi nguyên liệu trên được dự án mua lại trả tiền cho người dân sau khi trừ đi chi phí mà dự án chi ra ban đầu. Đồng thời, qua kiểm tra thực địa của từng hộ gia đình để quyết định đầu tư cho kế hoach trồng tiếp theo…
Anh Trần Văn Trạng (SN 1972) ở thôn Minh Tiến, một lâm tặc nổi tiếng của xã, hồi trước từng là người cầm đầu một nhóm khoảng 15 – 20 người đem theo nhu yếu phẩm vào rừng ở lại cả tháng trời để khai thác gỗ. Nay nổi lên là một điển hình trồng rừng và thoát nghèo đi lên làm giàu từ nghề này, được mệnh danh là “vua trồng rừng” với diện tích trồng lên đến 30 ha.
Anh nói: “Làm nghề rừng mấy chục năm, nhưng có để lại được đồng nào mô chú. Cái nghèo vẫn cứ bám riết lấy mình, may nhờ có dự án này nên tui và gia đình mới thoát nghèo, hồi đầu mới từ bỏ nghề đi rừng và lên đồi phát hoang trồng rừng ai ai trong xã cũng bảo tui là thằng điên”.
Ngoài ra anh cho biết, với 30 ha rừng đang trồng nếu thời tiết thuận lợi, thì sau 5 năm trừ đi tất cả chi phí như thuê nhân công, phân bón thì gia đình anh thu về ít nhất là 1 tỷ đồng lợi nhuận.
Ông Nguyễn Quang Năm, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy.
Theo ông Lê Văn Dũng, Phó bí thư thường trực xã Thái Thủy: Cả xã có diện tích đất tự nhiên 5.580 ha, trong đó có 3.700 ha rừng trồng. Ngoài trồng rừng, các hộ dân nơi đây con được hướng dẫn trồng cây Nén, một sào Nén thu hoạch đem về thu nhập cho bà con khoảng 15 – 20 triệu đồng. Nhờ vậy đời sống của nhân dân được nâng lên rỏ rệt, xã đã hoàn thành chương trình phổ cập THCS, tình hình ANTT được đảm bảo, 20 năm nay chưa có một vụ trọng án xảy ra…
Toàn xã, nhà nào ít cũng có vài ba hecta rừng trồng, điển hình như nhà ông Lê Văn Thế (thôn Minh Tiến), ông Võ Công Xướng (thôn Nam Thái) có trên 50 ha rừng trồng (cả ông Thế, Xướng cũng một thời vác rìu lên rừng đốn gỗ). Họ còn biết kết hợp giữa trồng rừng và chăn thả đàn trâu, bò nhằm tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.
Trên đường về, đi ven theo những con đường làng thấy những quả đồi xưa kia hoang hóa nay được phủ lên một màu xanh bạt ngàn cây lá, bất chợt trong chúng tôi bỗng dâng lên một suy nghĩ mừng vui khó tả, thế là với chính sách đúng đắn của Đảng và nhà nước vấn nạn phá rừng được giải quyết triệt để, đời sống người ngày càng được nâng lên. Chợt trong tôi có một suy nghĩ khó giải thích nỗi, phải chăng người dân nơi đây đang từng ngày tiến hành trồng rừng như một cách thức “trả nợ cho rừng” bởi những năm tháng trước kia chính họ là những tác nhân làm những cánh rừng già Trường Sơn chảy máu, tan hoang…?
Trần Hùng
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Thủ tướng: "Ai làm tốt thì giao việc"
-
Thủ tướng: 3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm
-
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị P4G Việt Nam 2025