Vui, buồn Lý Sơn

09:05 | 23/10/2017

5,373 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước năm 2014, trong đám cưới ở huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), người dân hay đùa với nhau rằng, “chơi tới bến đi, đến khi nào mất điện thì nghỉ”. Ở thời điểm đó cứ đến 22 giờ là ngưng máy phát, toàn huyện đảo chìm vào bóng tối. Tháng 9-2014, Lý Sơn có điện lưới quốc gia, cuộc sống bớt tăm tối hơn và phát triển hơn, nhưng dường như Lý Sơn đang dần biến thành một hòn đảo ngồn ngộn bê tông nằm giữa biển khơi.

Ở Lý Sơn có đảo Lớn và đảo Bé. Đảo Lớn đông người, nhà cửa san sát; còn đảo Bé (hay còn gọi là xã đảo An Bình) chỉ rộng chưa đầy 1km2, với gần 100 hộ dân sinh sống. Bùi Văn Huệ là một công dân trên đảo Bé. Tôi gặp anh lần đầu vào năm 2012. Thời điểm này, Huệ đã 10 năm bị liệt sau một biến cố dưới biển sâu.

Năm đó, Huệ lặn hải sâm ở độ sâu 40m, rồi bị tai nạn, tuy giữ được mạng sống nhưng bị liệt cả 2 chân. Huệ may mắn hơn nhiều ngư dân đã gửi thân xác ở lại biển khơi. Chỉ sau một đêm, anh bỗng trở thành tàn tật và là gánh nặng cho gia đình. Từ đó, Huệ ngồi nhà đan lưới, nuôi một ít cua dẹt để cải thiện đời sống. Chăm chỉ là vậy nhưng chẳng đủ ăn. Cái đói, cái nghèo cứ bủa vây lấy gia đình Huệ. Những lúc rảnh rỗi, Huệ lại ngồi xe lăn rồi buộc 2 con chó vào để chúng kéo Huệ về phía biển, nỗi nhớ biển không làm Huệ nguôi đi cái khốn khó của đời mình.

vui buon ly son
Nhà nghỉ, khách sạn mọc lên ồ ạt, không tuân theo một quy hoạch nào ở Lý Sơn

Vừa qua, sau chuyến ra công tác ở Lý Sơn, tôi gặp lại Huệ thì đã khác xa, một gương mặt vui vẻ và tươi mới dù anh đã già đi khá nhiều. Huệ lúc này chạy xe ba bánh có ghế ngồi chở khách, giống như xe tuktuk ở Thái Lan. Khách du lịch đến với đảo Lớn nhiều, nên nơi này cũng có phần chật chội và họ tìm đến đảo Bé, nơi có phần hoang sơ, bớt ngột ngạt hơn. Một ngày đón khách, chở họ đi tham quan đảo Bé, Huệ có thu nhập chừng 300.000 đồng. Huệ bảo, số tiền đó trước đây có mơ anh cũng không nghĩ một người liệt hai chân như anh có thể làm ra trong một ngày.

Cuộc đời của Huệ như bước sang một trang khác, tươi sáng hơn sau mười mấy năm trời cuộc sống chỉ gắn với chiếc xe lăn và những con chó kéo. Bùi Văn Huệ chỉ là một trong số rất nhiều người ở huyện đảo này tìm thấy con đường sống cho gia đình mình, sau khi có điện lưới về. Ngày 28-4-2014 là một thời điểm trọng đại của người Lý Sơn, khi điện lưới quốc gia đã chính thức đến nơi đây qua đường cáp ngầm dài hơn 26km, đánh dấu một trang phát triển mới trong lịch sử huyện đảo này.

Sau 3 năm có điện, Lý Sơn đang thay đổi chóng mặt. Khách du lịch đến đông chưa từng thấy. Theo thống kê của tỉnh Quảng Ngãi, năm 2016, lượng khách du lịch đến Lý Sơn ước khoảng 150.000 người. Trong khi năm 2014, lượng du khách chỉ đạt 36.000 người.

Sau ba năm có điện, Lý Sơn đang thay đổi chóng mặt. Khách du lịch đến đông chưa từng thấy. Theo thống kê của tỉnh Quảng Ngãi, năm 2016, lượng khách du lịch đến Lý Sơn ước khoảng 150.000 người. Trong khi năm 2014, lượng du khách chỉ đạt 36.000 người. Toàn huyện đảo bây giờ có 6 khách sạn, 34 nhà nghỉ, 64 gia đình làm dịch vụ homestay. Tổng số phòng nghỉ là 600 phòng, đủ đáp ứng cho nhu cầu lưu trú của 2.000 du khách/ngày. Ở phía cầu cảng là hàng loạt nhà nghỉ, khách sạn mọc lên san sát. Trên các trục đường chính, thỉnh thoảng vẫn thấy các cơ sở lưu trú đang được xây dựng. Điều này chứng tỏ, cơn lốc xây dựng mới các nhà nghỉ, khách sạn ở Lý Sơn vẫn chưa dừng lại. Ở trên các con đường chính, xe cộ đi lại tấp nập không khác gì một huyện trù phú nào ở đất liền. Xe ôtô chở khách du lịch, xe máy của người dân chạy tấp nập trên những con đường chính của đảo. Trong khi trước đó, năm 2009, lần đầu tôi đến huyện này, cả đảo chỉ có 2 chiếc ôtô, 1 chiếc của Huyện ủy và UBND, 1 chiếc 16 chỗ chuyên rước dâu đám cưới.

vui buon ly son
Anh Bùi Văn Huệ trên chiếc xe chở khách du lịch

Trong một hội thảo về phát triển du lịch Lý Sơn được tổ chức vào cuối năm 2014, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã chỉ ra rằng, Lý Sơn bị mất đi 3 thứ cốt lõi. Thứ nhất là mất đi toàn bộ rạn san hô gần bờ do người dân lấy cát trồng hành, tỏi. Thứ hai là mất rừng, Lý Sơn chỉ còn khoảng 20% diện tích rừng; trong khi 100 năm trước là hơn 70%. Thứ ba là những đặc sản danh tiếng của Lý Sơn đã không còn nhiều hoặc còn nhưng phẩm chất không còn được như trước. Đó chỉ là ba trong rất nhiều vấn đề mà Lý Sơn đang phải đối mặt sau khi có điện lưới và huyện đảo phát triển chóng mặt.

Về mặt môi trường, Lý Sơn cũng đã có dấu hiệu ô nhiễm trầm trọng. Nhiều gia đình trên đảo hiện nay vẫn chưa có nhà vệ sinh, dọc các con đường rác thải rất nhiều, tập trung nhiều nhất ở con đường chạy vòng quanh đảo. Trong những ngày lưu lại đảo, tôi gặp một số du khách cả trong và ngoài nước. Đa phần họ đều nói rằng Lý Sơn đẹp, rất đẹp nhưng lộn xộn và nhiều rác quá. Trước đây, khi lượng khách du lịch ít, mỗi ngày Lý Sơn có thêm khoảng 10 tấn rác. Theo tập quán sinh sống, phần lớn số này được người dân đổ thẳng xuống biển. Và từng đống rác được sóng cuốn ra khơi, các dòng hải lưu tập trung chúng vào một chỗ, rồi từng con sóng lại cuốn chúng vào bờ. Sau này, khi lượng rác thải tăng đột biến khi đông khách du lịch, người dân không còn đổ thẳng rác xuống biển nữa, mà thu gom tại những điểm nhất định. Nhưng khi mà diện tích đảo chỉ vỏn vẹn 10km2, đến đất cho người ở còn chật chội, thì chỗ đâu mà xử lý và chôn lấp rác thải?

Ông Nguyễn Viết Vy, Bí thư Huyện ủy Lý sơn cho biết, để tiến tới giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, Lý Sơn đã lên kế hoạch thực hiện thí điểm không dùng túi nilon tại đảo Bé, tức là xã An Bình. Trên cơ sở đó, sẽ nhân rộng ra toàn đảo. Nhưng để xử lý được dứt điểm môi trường ở trên đảo, cần phải có những giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Trên thực tế, ở đảo hiện vẫn có một nhà máy xử lý rác với công suất 12 tấn/ngày, nhưng khó có thể đánh giá được là nhà máy này đang hoạt động hiệu quả khi mà một hòn đảo đẹp hoang sơ như Lý Sơn, đang ngập trong rác.

Lý Sơn được định hướng phát triển là khu chức năng đặc thù với nhiều tiềm năng phát triển về du lịch, nông nghiệp, thủy sản, được định hướng quy hoạch phát triển thành đô thị biển đảo trong tương lai...

Tập quán của dân đảo cũng rất là lạ, họ chôn người chết ở trong vườn, hoặc gần nhà để tiện săn sóc. Du khách đến với đảo, rất ngạc nhiên là hàng ngàn ngôi mộ quanh nhà, chen trong ruộng tỏi. Vì vậy, ở hòn đảo chật hẹp này, nói người sống và người chết sống chung, chen lẫn với nhau cũng không sai. Cần phải biết rằng, Lý Sơn là đảo có mật độ dân số đông nhất Việt Nam. Diện tích đảo chỉ có gần 10km2 nhưng có đến 22.000 người dân sinh sống trên đó, nghĩa là 2.200 người/km2. Diện tích chỉ có vậy, trong khi dân số ngày càng tăng nên đất đai trên đảo ngày càng chật hẹp. Vì vậy, quy hoạch một nghĩa trang tập trung là một yếu tố sống còn trên đảo. Hiện nay, chính quyền đã triển khai xây dựng nghĩa trang tập trung ở triền đồi giáp ranh giữa 2 xã An Hải và An Vĩnh. Nhưng để làm được việc này, cũng lắm nhiêu khê. Bí thư Huyện Lý Sơn Nguyễn Viết Vy kể rằng, để thuyết phục được người dân trên đảo đồng ý cho làm việc này, ông đã phải tổ chức họp dân nhiều lần trong nhiều tháng. Sau cùng, khi những người cao tuổi lên tiếng, bà con mới nghe theo.

Nhắc đến Lý Sơn, người ta thường nói đến củ tỏi. Đây là sản vật nức tiếng của huyện đảo. Tỏi Lý Sơn tép nhỏ, cay nhưng không gắt và thơm nồng, một hương vị rất riêng. Nhiều người bảo có được vị ngon như vậy, ngoài đặc trưng về giống còn là do cách canh tác độc đáo. Người Lý Sơn hút cát san hô ở cách bờ chừng vài cây số để trồng tỏi. Cứ một lớp đất núi lửa, một lớp cát được trải xuống rồi mới trồng hành, trồng tỏi. Sau ba vụ hành tỏi, tức là 1 năm lại phải thay lớp cát mới và biển lại tiếp tục bị rút ruột. Hệ thống nước ngầm trên đảo bị nhiễm mặn nặng vì cả trăm năm nay, người dân Lý Sơn cứ cào cát gần bờ lên như vậy. Nước đã bị nhiễm mặn, còn bị cạn kiệt do khai thác một cách quá mức. Bản thân huyện đảo này không có sông, suối nên nước chỉ phụ thuộc vào hệ thống mạch ngầm. Nhưng vì người dân khoan giếng quá nhiều để trồng hành, tỏi nên nguồn nước ngầm không tái tạo kịp.

Từng có một thời sau khi có điện, ở Lý Sơn diễn ra cảnh người người khoan giếng, nhà nhà khoan giếng. Có những gia đình diện tích đất chưa đến 500m2 nhưng có đến 10 cái giếng khoan trên đó. Thời điểm đó, không có một biện pháp hay quy hoạch nào cả. Và cứ đến mùa hạn, là cả hòn đảo này trở nên khô cháy. Vì vậy, nói Lý Sơn đang dần biến thành một hòn đảo khô khan và xám xịt vì thiếu cây xanh cũng chẳng sai. Nói chung, để cứu Lý Sơn chính quyền và người dân địa phương còn rất nhiều việc phải làm.

vui buon ly son
Toàn cảnh Lý Sơn nhìn từ trên cao

Bây giờ, khi bước xuống cầu cảng đảo Lớn từ tàu cao tốc, du khách sẽ thấy một đời sống nhộn nhịp không kém bất cứ một huyện lỵ nào trên đất liền. Nhà cửa san sát, tiếng người ồn ào hòa lẫn tiếng còi xe inh ỏi. Việc để người dân phát triển hạ tầng một cách tự phát đã khiến dáng hình Lý Sơn trở lên méo mó. Người ta tưởng tượng về một Lý Sơn trong tương lai nhìn như một lô cốt bê tông khổng lồ giữa biển khơi. Để ngăn chặn tình trạng này, mới đây tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Quy hoạch phát triển huyện Lý Sơn tỷ lệ 1/2.000 nhằm kiểm soát việc đô thị hóa và phát triển bền vững hòn đảo này.

Bất kỳ một vùng đất nào muốn phát triển thì đều phải có điện lưới quốc gia. Lý Sơn là một vùng đất nhiều nội lực, nhưng được đánh thức muộn. Cũng có thể vì lý do đó, khi điện lưới quốc gia về Lý Sơn, đó là điều kiện cần để vùng đất này bung tỏa hết nội lực đã tích lũy được để phát triển. Và đang phát triển một cách quá nóng và thiếu định hướng, kiểm soát. Tất nhiên, điện không có lỗi. Điện lưới quốc gia là động lực để phát triển, còn việc phát triển quá nóng và để lại nhiều hệ lụy thì là do con người.

Lý Sơn là một huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Đây là một hòn đảo có lịch sử lâu đời, có giá trị lớn cả về địa chất, địa mạo lẫn văn hóa, lịch sử. Dấu vết về nền văn hóa Sa Huỳnh cũng được tìm thấy trên đảo. Trong nhiều tài liệu lịch sử cổ như bộ sách 4 tập Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá (thế kỷ XVII), trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn (thế kỷ XVIII)… đều ghi chép về đảo Lý Sơn từ rất sớm và cả những chi tiết về quần đảo gắn liền với lịch sử và con người Lý Sơn, đó là Bãi Cát Vàng - tức quần đảo Hoàng Sa. Đây là nơi được coi là quê hương của Hải đội Hoàng Sa.

Quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2.000 huyện Lý Sơn với 1.530ha gồm ba xã An Hải, An Vĩnh và An Bình. Quy hoạch này xác định Lý Sơn là huyện đảo tiền tiêu, có vị trí cực kỳ quan trọng trong chiến lược quốc phòng, an ninh, bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.

Theo đồ án quy hoạch, đảo Lớn gồm An Vĩnh và An Hải (huyện Lý Sơn) phải được bảo tồn và phát triển hài hòa, tôn trọng cảnh quan, địa chất, môi trường và hệ sinh thái, hình dạng và cấu trúc không gian, giữ nguyên giá trị hình ảnh đặc trưng. Riêng xã An Bình (đảo Bé), huyện Lý Sơn cần được bảo tồn, gìn giữ sự hoang sơ, nguyên vẹn, phát triển du lịch cộng đồng.

Tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu hạn chế tối đa việc đào đắp làm ảnh hưởng đến công trình lân cận, địa hình tự nhiên và diện mạo của đảo. Các công trình lấn biển, xây kè chống sạt lở, làm đường giao thông không gây ảnh hưởng cảnh quan du lịch biển đảo... Lý Sơn cần tổ chức không gian dịch vụ du lịch cộng đồng kết hợp với bãi tắm tại khu vực phía bắc và phía tây của đảo; khai thác địa hình, đồi núi cảnh quan tự nhiên, tổ chức không gian cắm trại, dã ngoại, đi xe đạp địa hình, ngắm cảnh, ngủ lều trại hòa mình với thiên nhiên.

Thanh Hiếu

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps