Vụ trưởng Y tế nói về việc tăng giá 1.800 dịch vụ

15:00 | 26/10/2015

863 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những ngày gần đây, thông tin 1.800 dịch vụ y tế sẽ tăng giá trong thời gian tới đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận xã hội. Giá dịch vụ y tế sẽ tăng như thế nào, tác động thế nào đến công tác khám chữa bệnh… là những câu hỏi được nhiều người đặt ra. Để làm rõ vấn đề này, PetroTimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế).  

PV: Xin ông cho biết nội dung cơ bản của thông tin tăng giá này?

Ông Nguyễn Nam Liên: Thông tư liên tịch này thực hiện theo quy định của Luật sửa đổi, bổ xung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế nên liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính sẽ ban hành mức giá cụ thể chứ không ban hành khung để các đơn vị và bảo hiểm có thể thực hiện được ngay.

Cách làm này sẽ góp phần giảm bớt thủ tục hành chính, Bộ Y tế, Bộ Tài chính sẽ ban hành một mức giá chung áp dụng trên toàn quốc cho các đối tượng bảo hiểm y tế (hiện có khoảng 75% dân số có thẻ bảo hiểm y tế - PV).

gia dich vu y te ve gia tri thuc se tang
Ông Nguyễn Nam Liên

Riêng với những đối tượng không thuộc diện bảo hiểm y tế thì khi khám chữa bệnh vẫn áp dụng theo quy định hiện hành, tức là ở Trung ương thì mức giá sẽ do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, còn ở địa phương thì sẽ do địa phương quy định. Còn các tỉnh có vận dụng thông tư này để xây dựng mức giá dịch vụ không thì lại do các tỉnh.

Về cơ cấu mức giá theo từng dịch vụ thì theo dự kiến, giá dịch vụ y tế sẽ bao gồm cả chi phí tiền lương, trong đó có cả chi phí phụ cấp đặc thù (không tính phụ cấp đặc thù vùng, khu vực). Mức giá này sẽ gồm giá khám bệnh tùy theo hạng bệnh viện; giá ngày giường bệnh theo hạng bệnh viện và theo chuyên khoa; giá các dịch vụ kỹ thuật áp dụng chung cho tất cả các hạng bệnh viện.

PV: Cơ cấu biểu giá dịch vụ y tế như vậy sẽ tác động như thế nào đến hoạt động của bệnh viện, thưa ông?

Ông Nguyễn Nam Liên: Qua quá trình lấy ý kiến các đơn vị địa phương thì chúng tôi thấy rằng tuyến dưới rất ủng hộ cách làm này. Hiện nay, giá dịch vụ y tế ở tuyến dưới rất thấp nên rất nhiều bệnh viện tuyến dưới không thực hiện dịch vụ vì không có khoản bù vào. Bệnh viện Trung ương thì khác, họ làm còn để phát triển kỹ thuật là một và cũng vì có rất nhiều dịch vụ nên có thể bù được.

Mình có thể hiểu, bệnh viện giống như một nhà máy, sản xuất rất nhiều sản phẩm, có sản phẩm lỗ, có sản phẩm lãi nhưng tổng chung thì vẫn đảm bảo được hoạt động. Nhưng ở bệnh viện huyện thì chỉ có mấy dịch vụ rất đơn thuần, nếu lỗ thì sẽ không có khoản nào bù vào cả. Chính vì vậy, nếu chúng ta thực hiện được cơ cấu giá này, các bệnh viện tuyến dưới sẽ mở rộng các dịch vụ và người dân địa phương sẽ được hưởng lợi từ chính những dịch vụ đó.

Thậm chí rất nhiều người, nếu như phải nằm viện mà bệnh viện huyện có thể đáp ứng được thì họ sẵn sàng nằm ở huyện điều trị. Nhưng có khi vì lý do nào đó, họ phải lên bệnh viện tỉnh, bệnh viện Trung ương thì chưa chắc đã đi.

gia dich vu y te ve gia tri thuc se tang
Chờ khám bệnh tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh

Chúng tôi xin nhấn mạnh, việc điều chỉnh cơ cấu giá dịch vụ y tế không phải là tăng chi phí dịch vụ y tế mà chỉ là việc chuyển các hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Chẳng hạn một bệnh viện triển khai dịch vụ đẻ với tổng chi phí tất cả là 1 triệu đồng và hiện nay, nhà nước đang cấp 1 phần là tiền lương, ví dụ là 300 ngàn. Với 700 ngàn đồng còn lại, nếu chúng ta quy định giá chỉ là 500 ngàn đồng thì bảo hiểm sẽ chỉ thanh toán 500 ngàn thôi, 200 ngàn đồng còn lại, người dân phải nộp thêm hoặc bệnh viện bảo đi mua thêm cái này, cái kia để cho đủ vì bệnh viện không có tiền.

Cho nên, bây giờ, mức giá quy định đang là 500 ngàn mà được điều chỉnh lên 1 triệu thì không phải tổng chi phí thực hiện dịch vụ để tăng lên. Nó vẫn là 1 triệu đồng thôi nhưng Nhà nước sẽ không phải cấp 300 ngàn để trả tiền lương, số tiền này sẽ được Nhà nước dùng để hỗ trợ người dân mua thẻ bảo hiểm y tế.

Còn 200 ngàn là chi phí trực tiếp thì người dân sẽ phải nộp, không phải bỏ tiền đi mua thêm nữa. Những người có thẻ bảo hiểm y tế thì 200 ngàn này cũng được bảo hiểm y tế thanh toán.

Việc điều chỉnh cơ cấu giá dịch vụ y tế như vậy không phải là tăng chất lượng dịch vụ y tế mà là điều chỉnh giá dịch vụ y tế về giá trị thực vốn có của nó.

Tuy nhiên, nó sẽ là động lực khuyến khích các bệnh viện phát triển, mở rộng các dịch vụ y tế và như vậy, người dân có thẻ bảo hiểm y tế sẽ được hưởng lợi ngay tại nơi mình sinh sống. Đồng thời, nó cũng đảm bảo sự công khai, minh bạch trong hoạt động của các đơn vị khám, chữa bệnh.

PV: Lộ trình thực hiện sẽ như thế nào?

Ông Nguyễn Nam Liên: Hiện giá dịch vụ y tế mới tính đến chi phí thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý nước thải và duy tu, bảo dưỡng tài sản. Nhưng theo đúng lộ trình của Chính phủ thì đến năm 2016 giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp; đến năm 2018, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý; đến 2020, giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.

Theo dự kiến, khoảng tháng 11, Liên Bộ Y tế, Tài chính sẽ ban hành Thông tư và sẽ chỉ tính chi phí trực tiếp vào giá dịch vụ y tế, đến tháng 3-2016 sẽ tính cả chi phí tiền lương. Nhưng lộ trình này vẫn đang để mở và có thể áp dụng đồng thời việc tính chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp trong cùng một đợt vào tháng 3-2016.

PV: Việc điều chỉnh này sẽ tác động như thế nào đến người bệnh, thưa ông?

Ông Nguyễn Nam Liên: Chúng tôi xin khẳng định, người nghèo và các đối tượng hưởng chính sách xã hội được bảo hiểm y tế thanh toán 100% theo quy định của bảo hiểm y tế là có lợi nhất.

Người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân sinh sống tại các huyện đảo, xã đảo, người có công với cách mạng... các đối tượng này đã được ngân sách Nhà nước và các nguồn tài chính khác mua bảo hiểm y tế.

Đối với người cận nghèo thì khi đi khám, chữa bệnh sẽ chỉ được bảo hiểm y tế chi trả 95% và phải chi trả 5% còn lại. Khi tham gia bảo hiểm y tế thì họ cũng được ngân sách hỗ trợ tối thiểu 70%. Như vậy, về cơ bản, nhóm đối tượng này không chịu ảnh hưởng nhiều bởi việc điều chỉnh cơ cấu giá dịch vụ y tế.

Còn đối tượng ảnh hưởng lớn nhất là nhóm đối tượng bảo hiểm y tế phải đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh. Tuy nhiên, theo tính toán của chúng tôi thì mức độ ảnh hưởng không lớn vì nếu chưa tính đủ giá, người bệnh sẽ phải trả thêm một số khoản chi phí nhưng nay, tính đủ thì sẽ không phải trả thêm các khoản chi phí này.

Mặt khác, theo quy định, người tham gia bảo hiểm y tế từ 5 năm liên tục trả lên khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến, nếu số tiền đồng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Lê Hà

Năng lượng Mới 466

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.