Nhận định:

Vụ đầu độc Navalny sẽ ảnh hưởng như thế nào tới dự án Nord Stream 2?

13:58 | 08/09/2020

|
(PetroTimes) - Các nước phương Tây đang lợi dụng vụ Navalny để tăng sức ép lên Nga về mọi mặt. Đức, một đối tác chủ chốt, thậm chí còn đe dọa sẽ đóng băng dự án đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Đức Nord Stream 2.
0139-1-5071734
Nhà đối lập chính trị người Nga Alexei Navalny

Đức quay ngoắt thái độ với Nga

Ngày 7/9, Thủ tướng Đức Angela Merkel không loại khả năng dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) bị ảnh hưởng nếu Moscow không đưa ra câu trả lời về vụ Alexei Navalny, người phát ngôn phủ Thủ tướng Đức cho biết. Khi được hỏi nếu trong trường hợp có các biện pháp trừng phạt chống lại Nga liên quan đến vụ Navalny thì điều đó sẽ ảnh hưởng đến dự án đường ống dẫn khí đốt hay không, Steffen Seibert trả lời trong một cuộc họp báo thường kỳ: “Thủ tướng cho rằng sẽ sai lầm nếu loại trừ điều đó ngay từ đầu”.

Trong khi mới chỉ trước đó vài ngày, bà Merkel đã khẳng định trong một họp báo rằng, các tình huống xung quanh việc nghi ngờ ông Navalny bị đầu độc cần được điều tra đầy đủ và công khai, nhưng trường hợp Navalny “nên được tách ra khỏi cuộc thảo luận Nord Stream 2". "Tôi không nghĩ chúng ta cần thay đổi chính sách đối với Nga. Quan điểm ​​của chúng tôi là Nord Stream 2 nên được hoàn thành. Đây là một dự án được thúc đẩy bởi các thành viên thương mại ở Nga và châu Âu", bà còn quả quyết. Điều đáng nói là chỉ mới đây thôi, chính trường Đức dường như hoàn toàn đứng về phía Nga để ngăn chặn làn sóng đe dọa cấm vận Nord Stream 2 của Mỹ. Thậm chí Berlin còn hô hào châu Âu về phe mình chống lại Mỹ.

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 12/8 đã lên tiếng về việc Mỹ đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với dự án Nord Stream 2. Đại diện của Cao ủy châu Âu về Năng lượng Kadri Simson nói: "Việc áp dụng các biện pháp trừng phạt ngoài lãnh thổ vi phạm luật pháp quốc tế". Bà Kadri Simson lưu ý rằng về nguyên tắc, Liên minh châu Âu (EU) từ chối các biện pháp hạn chế do các nước thứ ba thực hiện đối với các công ty châu Âu nếu họ tiến hành kinh doanh hợp pháp. Trước đó, đại diện cấp cao của EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh Josep Borrell lên tiếng: “Tôi quan ngại sâu sắc về việc Mỹ ngày càng sử dụng các biện pháp trừng phạt hoặc đe dọa sử dụng chúng chống lại các công ty và lợi ích của châu Âu”.

Nhưng nay mọi thứ đã thay đổi 180 độ. Sau sự đổi ý của bà Merkel, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas cũng đưa ra nhận xét tương tự. Tuyên bố trên kênh truyền hình nhà nước ARD, Ngoại trưởng Đức cho rằng "sẽ sai lầm nếu tạo ra vùng cấm" đối với Nord Stream 2, cung cấp khí đốt Nga cho Đức và châu Âu. Ông Maas đã dành cho Moscow một vài ngày để "giúp làm rõ" những gì đã xảy ra trong vụ Navalny, theo nhật báo Bild. Nếu không "chúng tôi sẽ phải thảo luận với các đối tác châu Âu về một sự đáp trả", ông Maas cảnh báo. Đức hiện là chủ tịch luân phiên Hội đồng EU. Ông nói thêm rằng nếu trong những ngày tới phía Nga không làm sáng tỏ chuyện gì đã xảy ra thì chúng tôi sẽ thảo luận với các đối tác" trong EU về khả năng trừng phạt.

Ngoại trưởng Đức cho biết thêm là nếu phải đi tới quyết định trừng phạt Nga thì các biện pháp này sẽ đánh vào các mục tiêu được chọn lọc và không loại trừ tác hại đến dự án ống khí đốt Nga - Đức Nord Stream 2. Dự án này còn khoảng 150 km thì hoàn tất. Từ khi công ty AllSeas của Thụy Sĩ rút lui, tập đoàn Gazprom của Nga phải đảm trách một mình trong khó khăn. Tuy nhiên, ở Đức hiện vẫn còn nhiều ý kiến bảo vệ Nga. Ngày 7/9, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với MDR Aktuell, ông Gregor Gizi, nghị sĩ từ Đảng Cánh tả của Quốc hội Đức tuyên bố thủ phạm có thể đứng sau vụ đầu độc Alexei Navalny là những người phản đối việc xây dựng tuyến đường dẫn khí đốt Nord Stream 2.

Các nước tham gia Nord Stream 2 nói gì?

Ngoài Đức, Thụy Điển - quốc gia đã cấp giấy phép đặt đường ống dẫn khí Nord Stream 2 vào năm 2018, cũng lên tiếng yêu cầu cần có sự tôn trọng luật pháp quốc tế khi có nhiều lời kêu gọi được đưa ra nhằm ngăn cản dự án Nord Stream 2 vì vụ Alexei Navalny. Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cho biết trong một cuộc phỏng vấn đăng ngày 5/9 của tờ báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung: "Với tư cách là một nhà nước, chúng tôi đã thực hiện tất cả các quyết định liên quan đến việc cấp giấy phép xây dựng cho Nord Stream 2. Điều rất quan trọng đối với chúng tôi là luật pháp quốc tế được tôn trọng". Người đứng đầu chính phủ Thụy Điển cho rằng cần có một "cuộc điều tra độc lập và đáng tin cậy" về nguyên nhân dẫn đến việc Navalny phải nhập viện trước khi EU đưa ra quyết định có thể có những hậu quả trong quan hệ với Moscow. Theo ông, "Nga có trách nhiệm điều tra vụ việc và đưa những người chịu trách nhiệm ra trước công lý".

Trong khi đó, tại Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump có vẻ nghiêng về phía Nga. Trong cuộc họp báo hôm 4/9, chủ nhân Nhà Trắng tuyên bố là Mỹ "chưa có bằng chứng về vụ đầu độc". Tuyên bố này khác với lập trường đồng minh châu Âu và của Bộ Ngoại giao Mỹ. Bị phóng viên chất vấn, ông Donald Trump khuyên báo chí "đừng nhìn về phía Nga mà nên tập trung vào Trung Quốc", hãng Reuters tường thuật.

Ngày 3/9, một phát ngôn viên của Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) thông báo là vấn đề nhà đối lập Nga nghi bị đầu độc sẽ được thảo luận tại hội nghị của khối. Trong cuộc trả lời báo giới trưa cùng ngày, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg vẫn chưa cho biết cụ thể về nội dung cuộc họp cấp đại sứ này.

0137-maxresdefault-1
Liệu dự án Nord Stream 2 có bị đóng băng vì vụ Navalny?

Nga nói gì?

Ngày 4/9, bình luận trên kênh Rossiya 1 về thông tin phát đi từ Berlin vụ "đầu độc" bằng chất độc loại Novichok nhà chính trị đối lập người Nga Navalny, Maria Zakharova, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, cho biết đây là một phần của chiến dịch thông tin bôi nhọ Nga. Theo bà Zakharova, ở phương Tây, tình hình liên quan đến Alexei Navalny chỉ được các chính trị gia bình luận trong khi các bác sĩ và quan chức thực thi pháp luật vẫn im lặng. Bà Maria Zakharova chỉ ra rằng trong kết luận trên không hề có ý kiến từ các lực lượng thực thi pháp luật phương Tây và các bác sĩ. Bà tự hỏi những kết luận này đến từ cơ sở y tế nào. "Có phải các đại diện của cảnh sát đang nói về nó? Không. Cả giới bác sĩ và quan chức thực thi pháp luật không có bất cứ ý kiến nào về vấn đề này. Họ không chịu trách nhiệm về những gì nói ra và thảo luận, mà chỉ có các chính trị gia mới nói về vụ đầu độc này”, bà Zakharova nói. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, những phát biểu như này rất chung chung: “Đây là những tuyên bố mang tính chính trị. Bất kỳ tuyên bố chính trị dựa trên sự kiện phải dựa trên một cái gì đó. Nhưng tất cả đều chung chung. Đó là một chiến dịch tuyên truyền cổ điển”.

Ngày 20/8, blogger người Nga và là nhà hoạt động chính trị đối lập Alexei Navalny đã phải nhập viện ở Omsk, Siberia. Máy bay chở ông từ Tomsk tới Moscow đã phải hạ cánh khẩn cấp sau khi ông Navalny cảm thấy không khỏe. Sau những phân tích đầu tiên, các bác sĩ ở Omsk cho rằng Navalny bị rối loạn chuyển hóa gây hạ đường huyết nghiêm trọng. Họ không tìm thấy dấu vết của chất độc trong máu và nước tiểu của bệnh nhân.

Trong tình trạng hôn mê từ ngày 20/8, Navalny được máy bay y tế chở đến bệnh viện Charite ở Berlin theo yêu cầu của gia đình. Vào ngày 2/9, chính phủ Đức cho biết rằng Navalny bị đầu độc bằng một loại chất thuộc nhóm Novichok. Điện Kremlin lưu ý rằng Berlin đã không thông báo cho họ về những phát hiện của họ, trong khi Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng Moscow vẫn đang chờ phản hồi của Đức về yêu cầu cung cấp thông tin chính thức của Nga. Cơ quan công tố và cảnh sát Nga đã mở cuộc điều tra về việc Navalny nhập viện Omsk vào ngày 20/8.

Sau khi Navalny chuyển sang Đức, Đại sứ quán Nga tại Berlin và Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Nga, chỉ rõ rằng Moscow đang chờ sự hỗ trợ từ cơ quan công tố Đức, nhưng cơ quan này đã không cung cấp thông tin cho phía Nga. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nói với Thủ tướng Nga Mikhail Michoustine vào ngày 3/9 rằng các cơ quan mật vụ của nước ông đã nghe trộm được một cuộc điện đàm giữa Warsaw và Berlin cho thấy những tuyên bố của Berlin về vụ "đầu độc" Navalny là một sự giả mạo. Vào ngày 4/9, kênh truyền hình Belarus ONT đã công bố đoạn ghi âm cuộc trò chuyện mà ông Loukashenko đề cập. Trong đoạn ghi âm này, một người đàn ông, được giới thiệu là đại diện của Đức tên là Nick, được hỏi liệu việc đầu độc Navalny đã được xác nhận hay chưa. Người đối thoại của ông, một đại diện được cho là của Ba Lan, nói rằng cần phải phá vỡ ý định của Tổng thống Vladimir Putin trong việc "chúi mũi vào các vấn đề của Minsk bằng cách nhấn chìm ông ta trong các vấn đề của Nga”.

Điện Kremlin ngày 7/9 đã lên án những nỗ lực "vô lý" nhằm cáo buộc Nga về vụ đầu độc này. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng: "Bất kỳ nỗ lực nào liên kết Nga với vụ Navalny theo bất kỳ cách nào là không thể chấp nhận được".

Theo nhận định của AFP, không loại trừ khả năng vụ “đầu độc” nhà đối lập Navalny chỉ là cái cớ để Thủ tướng Merkel mặc cả với Tổng thống Putin về một số điểm khác, chẳng hạn như ngăn chặn thảm họa nhân đạo tại Syria, nhằm tránh gây ra một làn sóng người nhập cư khác ồ ạt đổ vào châu Âu.

Vụ Navalny: Đức đe đọa đóng băng Nord Stream 2Vụ Navalny: Đức đe đọa đóng băng Nord Stream 2
Thụy Điển đáp lại lời kêu gọi ngừng xây dựng Nord Stream 2Thụy Điển đáp lại lời kêu gọi ngừng xây dựng Nord Stream 2
Thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi ngăn chặn Nord Stream 2 vì vụ NavalnyThượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi ngăn chặn Nord Stream 2 vì vụ Navalny
Thủ tướng Đức Angela Merkel: Không thể kết hợp Nord Stream 2 với trường hợp NavalnyThủ tướng Đức Angela Merkel: Không thể kết hợp Nord Stream 2 với trường hợp Navalny
Khi nào Nord Stream 2 được hoàn thành?Khi nào Nord Stream 2 được hoàn thành?

H.Phan

AFP