“Vòng kim cô” cho nợ công

07:00 | 27/06/2014

979 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước thực trạng thu chi ngân sách năm 2013, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội điều chỉnh tỷ lệ bội chi từ mức 4,8% GDP dự toán tăng lên mức 5,3% GDP thực hiện, tương ứng tăng thêm 33,5 nghìn tỉ đồng so với dự toán. Tại sao bội chi ngân sách vẫn tiếp diễn mà cả Chính phủ và Quốc hội đều phải quan tâm tìm cách tháo gỡ?

Năng lượng Mới số 333

Một trong những nguyên nhân hàng đầu là do sự đầu tư tràn lan, thiếu trọng điểm, gây thất thoát, lãng phí. Hơn thế nữa, đến nay nước ta vẫn chưa có Luật Đầu tư công.

Từ vài chục năm nay, hiện tượng các địa phương, các ngành đua nhau chạy dự án để được đầu tư xây dựng các công trình đã phát sinh những hiện tượng tiêu cực. Mỗi khóa lãnh đạo mới được thay thế thì cũng sẽ có hàng loạt dự án cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới được vẽ ra. Người đứng đầu cơ quan, hoặc địa phương mới được bổ nhiệm không muốn ngồi trong trụ sở cũ, đi xe cũ của người tiền nhiệm. Thế là việc xây dựng trụ sở mới, sắm xe ôtô mới được đặt ra đầu tiên. Và muốn đạt được mục tiêu ấy thì phải chạy chọt, xin dự án, xin kinh phí từ ngân sách Nhà nước. “Con gà tức nhau tiếng gáy”, cơ quan này, địa phương kia còn ganh đua nhau xây trụ sở to đẹp, hoành tráng hơn; mua sắm xe ôtô sang trọng hơn.

Huyện đường quá hoành tráng

Điều đáng phê phán là ở chỗ, các vị được bổ nhiệm lên nắm quyền hành phải có nhiệm vụ chăm lo phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho dân. Nếu các vị hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả ấy thì dù có đầu tư thỏa đáng để giúp các vị có điều kiện thuận lợi làm việc tốt hơn chắc không ai nói làm gì. Nhưng thực tế cho thấy, các vị quá lo cho cái vỏ bọc oai phong bề ngoài của mình và của công sở bằng hàng trăm tỉ đồng mà không mang lại hiệu quả gì thiết thực. Thậm chí, có kíp lãnh đạo mới lên còn làm sụt giảm nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội vốn trước đó đang có đà tăng trưởng.

Trước đây, trụ sở làm việc của các cơ quan công quyền giản dị, cửa luôn luôn rộng mở, tạo khung cảnh thân thiện gần dân hơn. Người dân đến công sở để giải quyết công việc gì thấy tự tin và thuận lợi. Nhưng càng ngày các công sở được xây dựng uy nghi, lộng lẫy, phòng ốc khép kín cửa đóng im ỉm thì càng xa dân bởi người dân ngại đến. Tìm gặp được các công bộc cũng càng khó hơn.

Quá trình xây dựng công sở, ngoài khoản ngân sách đã ký duyệt ban đầu còn có kinh phí phát sinh, còn thất thoát và kéo dài thời gian thi công nên càng đội ngân sách và lãng phí.

Đến nay, với kết quả thu cân đối ngân sách Trung ương năm 2013 đã được cải thiện so với báo cáo Quốc hội, nhu cầu bù đắp hụt thu ngân sách về nguyên tắc cũng giảm tương ứng, qua đó giảm bội chi ngân sách. Song, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép điều hành bội chi năm 2013 ở mức 190,25 nghìn tỉ đồng (giảm 5,25 nghìn tỉ đồng so với mức Quốc hội cho phép), tương đương 5,3% GDP thực hiện thực tế, bằng 5,15% GDP ước thực hiện khi báo cáo Quốc hội. Bởi điều kiện kinh tế vĩ mô hiện đang ổn định, lạm phát thấp, trong khi nhu cầu tăng chi đầu tư công, xử lý các chính sách an sinh xã hội và chi trả nợ là rất lớn.

Quốc hội chỉ cho phép điều chỉnh tăng mức bội chi ngân sách Nhà nước “căn cứ số hụt thu thực tế của ngân sách Trung ương năm 2013”. Do đó, chỉ đồng ý tăng bội chi tương ứng với phần hụt thu ngân sách Trung ương là 21.560 tỉ đồng, thấp hơn so với mức Chính phủ trình. Cơ quan thẩm tra cũng nhấn mạnh, trong điều kiện hụt thu ngân sách Trung ương, việc Chính phủ đề nghị tăng chi lớn so với dự toán là không hợp lý. Nhiều khoản chi vượt dự toán được giao cũng được chỉ rõ là chi đầu tư phát triển tăng 22,4%, chi thường xuyên tăng 2,7%.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thừa nhận: “Thất thoát tại những công trình xây dựng đang rất lớn, đặc biệt là các dự án dùng vốn ngân sách. Để hạn chế điều này, Luật đầu tư công hướng tới bắt buộc thành lập các ban quản lý dự án chuyên ngành”. Để khắc phục, dự thảo Luật đầu tư công đã bổ sung quy định hình thức ban quản lý chuyên nghiệp, ban quản lý khu vực đối với các công trình đầu tư công.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM đưa ra một con số đáng chú ý: Chỉ riêng hoang phí nền móng đã lên đến 70-80%, chưa kể thời gian thi công bị kéo dài thêm 3-9 tháng. Nguyên nhân do luật quy định chi phí cho thiết kế, tư vấn, giám sát, quản lý “ăn” phần trăm trên tổng vốn đầu tư công trình. Vốn đầu tư càng lớn, chi phí họ được hưởng càng nhiều. Do đó, đơn vị thiết kế lo “vẽ” dự án càng kiên cố, càng hoành tráng càng tốt.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh đã chỉ ra rằng, cần phải làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản lý công trình và đơn vị tư vấn, những bên đang bị coi là làm thất thoát vốn Nhà nước nhiều nhất. Trước đây, mỗi công trình thiết kế đều gắn với danh dự của người kỹ sư, song khi kinh tế khó khăn, nhiều đơn vị “thấy chủ đầu tư bảo gì thì làm nấy”.

Có những công trình chủ đầu tư và công ty tư vấn bắt tay nhau, nâng đơn giá lên gấp 2-3 lần so với giá trị thực tế. Do vậy, dự thảo Luật Đầu tư công sẽ phải làm rõ trách nhiệm của đơn vị tư vấn, cùng với chủ đầu tư và ban quản lý để răn đe, truy cứu trách nhiệm và phòng ngừa sai phạm. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đề cập đến đến vai trò giám sát của cộng đồng, người dân cũng có quyền giám sát để phát hiện những sai phạm về chấp hành quy hoạch xây dựng gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản Nhà nước.

Không chỉ vậy, Luật Đầu tư công ra đời cũng giúp Việt Nam thực hiện được cam kết với các đối tác phát triển đang cung cấp vốn ODA. Ngân hàng Thế giới đã từng cấp cho Việt Nam một khoản vốn để cải cách thể chế với yêu cầu phải có ngay Luật Đầu tư công, song mãi chúng ta chưa làm được

Chúng ta có rất nhiều Luật, song quan trọng nhất là Luật Đầu tư công thì lại chưa có. Tuy nhiên, mãi đến kỳ họp này Quốc hội mới thông qua đạo luật này với 88,35% đại biểu bấm nút đồng ý Luật Đầu tư công nhưng vẫn còn chờ thông tư hướng dẫn

Có thống kê ra được số lượng và số tiền chi cho những công trình công cộng chưa có nhu cầu cấp bách thì mới thấy được sự thất thoát và lãng phí cao đến mức nào. Trong điều kiện kinh tế đất nước khó khăn, còn bao lĩnh vực đời sống xã hội đang cần được đầu tư nhưng vẫn dài cổ chờ đợi. Vì vậy, các cơ quan, ban ngành, địa phương nếu có ý thức chăm lo đến quyền lợi đa số người dân thì mới biết chăm lo đầu tư vào lĩnh vực nào trước. Đó là cái tâm của người làm lãnh đạo. Tiếc thay, nhu cầu chơi sang, thích oai của các công bộc đã vượt lên tất cả. Những dự án chưa có nhu cầu cấp bách, không có lợi cho cộng đồng vẫn được phê duyệt và triển khai tràn lan.

Ngân sách hằng năm của đất nước không phải không đủ lo cho việc nâng cao đời sống nhân dân. Vấn đề là ở sự đầu tư công bằng, đúng lúc, đúng chỗ. Do thiếu công bằng nên mới nảy sinh mâu thuẫn. Do đó, chúng ta mong Luật Đầu tư công sớm được thực hiện để phần nào khắc phục được thực trạng tiêu cực nói trên.

Bùi Đức

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc