Vốn cho các dự án nguồn điện

09:37 | 21/12/2013

1,008 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vừa qua, tại Hội thảo “Vốn cho các dự án điện Việt Nam”, các tổ chức tín dụng đã đưa ra một số giải pháp đòi hỏi sự nỗ lực của 3 bên gồm Chính phủ, chủ đầu tư và các tổ chức tài chính... Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, dự kiến đến năm 2020, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện khoảng 929.700 tỉ đồng, tương đương 48,8 tỉ USD. Tuy nhiên, thời gian qua việc thu xếp vốn cho các doanh nghiệp ngành điện tại các tổ chức tín dụng gặp rất nhiều khó khăn.

Năng lượng Mới số 284

Bài 1: Thu xếp tài chính cần nỗ lực từ 3 phía

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang đứng đầu trong công tác thu xếp vốn cho các dự án nguồn điện. Tính đến 30/9/2013, dư nợ của các tổ chức tín dụng đối với EVN là 144.000 tỉ đồng. Đây là mức dư nợ lớn nhất của hệ thống ngân hàng dành cho một tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Chính vì vậy, để ưu tiên vốn cho các dự án nguồn điện, NHNN với chức năng “đầu tàu” trong công tác huy động tài chính đã đề xuất 3 giải pháp có tính vĩ mô rất quan trọng như: “Muốn thu xếp vốn, yêu cầu đầu tiên là Bộ Công Thương thực hiện rà soát, đánh giá lại quy hoạch điện, cân đối tiến độ đầu tư của các dự án đảm bảo an toàn với môi trường xã hội, đời sống nhân dân, phù hợp với năng lực tài chính và khả năng triển khai của doanh nghiệp. Tiếp đến cần tránh đầu tư dàn trải và dừng các dự án công trình điện không hiệu quả, đồng thời, thực hiện thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các dự án mà chủ đầu tư chậm tiến độ, không đủ năng lực để triển khai tiếp”.

Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương là một trong nhiều dự án chậm tiến độ so với dự kiến do thiếu vốn

Đại điện NHNN nhấn mạnh, việc lựa chọn chủ đầu tư phải được đánh giá một cách kỹ lưỡng, chỉ giao các dự án điện cho các chủ đầu tư thực sự có năng lực tài chính và kinh nghiệm đầu tư xây dựng quản lý trong lĩnh vực điện năng. Các chủ đầu tư cần nỗ lực hơn trong việc nâng cao năng lực tài chính, xây dựng phương án đầu tư phù hợp với năng lực công nghệ và nhân lực để tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng. NHNN cũng đề nghị các bộ, cơ quan có liên quan hỗ trợ đẩy nhanh thủ tục về đất đai, cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp bảo lãnh Chính phủ theo quy định để đảm bảo tiến độ các dự án điện, thu hút các ngân hàng thương mại cho vay đối với các dự án điện.

Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank), tiền thân là Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) lại đưa ra các đề xuất cụ thể đối với chủ đầu tư trong huy động vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế. Đại diện PVcomBank phân tích, đặc điểm chung của các dự án nhiệt điện thường có tổng mức đầu tư lớn, bắt buộc phải vay vốn từ các tổ chức tín dụng/ tổ chức tín dụng xuất khẩu nước ngoài. Trong quá trình triển khai, chúng tôi nhận thấy nguồn vốn phù hợp nhất đối với các dự án này là phương án vay tín dụng xuất khẩu (ECA) kèm theo vay thương mại hợp vốn.

Chúng ta đều biết, phần lớn các dự án nhiệt điện đòi hỏi máy móc, thiết bị phải nhập khẩu từ nước ngoài, chủ yếu là các nước G7 và Trung Quốc. Việc tranh thủ được nguồn vốn tín dụng xuất khẩu với chi phí thấp, thời hạn vay dài (phổ biến là 13 năm) rất có lợi cho chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án. Các dự án nhiệt điện lớn tại Việt Nam chủ yếu được tài trợ từ các nguồn tín dụng xuất khẩu Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức… Tuy nhiên, để có cơ hội nhận được tài trợ từ các nguồn này, bên vay phải tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc Equator theo quy định của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC - International Finance Corporation) về các vấn đề liên quan đến môi trường, xã hội và an toàn sức khỏe của dự án. Theo đó, bên vay cần phải xây dựng và thực hiện hệ thống quản lý nhằm giảm thiểu các tác động của dự án đối với môi trường và xã hội trong suốt đời dự án. Các ngân hàng sẽ không tài trợ cho dự án khi bên vay không cam kết tuân thủ các quy trình, quy định của IFC”.

Riêng Ngân hàng Đầu tư - Phát triển (BIDV) thì có những đề xuất rất cụ thể với Chính phủ: “Do tính chất phức tạp và quy mô đầu tư lớn của các dự án điện cấp bách, cấp quốc gia vượt quá khả năng thẩm định, đánh giá của các ngân hàng, trình Chính phủ có cơ chế đặc thù cho các ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước khi tham gia thu xếp vốn và dự án như: Bảo lãnh các khoản vay trong và ngoài nước, sử dụng trước nguồn vốn đầu tư của Ngân hàng BIDV, cho phép các ngân hàng cho vay vượt các hạn chế trong hoạt động cấp tín dụng (tỷ lệ 15-25%)… Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan thực hiện điều chỉnh giá điện công khai, mỗi lần điều chỉnh phải có sự tham gia giám sát, phản biện độc lập. Việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường là cần thiết, tạo sự minh bạch, đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư. 

Để các chủ đầu tư huy động đủ vốn tự có vào các dự án điện theo kế hoạch, đề nghị Chính phủ hỗ trợ các chủ đầu tư huy động các nguồn vốn đầu tư có lãi suất rẻ, thời gian vay vốn dài như vốn vay nước ngoài ODA, phát hành cổ phiếu, trái phiếu công trình, kêu gọi đầu tư trực tiếp từ các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp khác… đặc biệt là đối với các dự án lớn, cấp bách và có tính chất phức tạp”.

Có thể nhìn nhận rằng, động thái cùng ngồi lại với nhau của EVN, các tổ chức tài chính và chủ đầu tư các dự án nguồn điện để cùng đánh giá tình hình thu xếp vốn, đưa ra giải pháp cụ thể, đề xuất có tính thực tế để giải quyết bài toán vốn cho các dự án nguồn điện là rất cần thiết. Các đề xuất này sẽ được đề xuất lên Chính phủ xem xét giải quyết mới có thể đẩy mạnh tiến độ các dự án nguồn điện, đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.

Công Tùng