Vợ chồng điệp viên phá âm mưu ám sát của phát xít Đức

07:17 | 28/11/2019

3,206 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vợ chồng Vartanian đã kịp thời phát hiện nhóm sĩ quan Đức được cử đến Iran để ám sát ba lãnh đạo phe Đồng minh năm 1943.

Cơ quan Tình báo Hải ngoại Nga (SVR) hôm 26/11 cho biết cựu nữ điệp viên Goar Vartanian qua đời một ngày trước đó ở tuổi 93 và sẽ được an táng tại nghĩa trang Troyekurovskoe ở Moskva.

SVR ca ngợi bà cùng người chồng Gevork Vartanian là cặp "điệp viên huyền thoại" của Liên Xô với chiến tích nổi bật nhất là đập tan chiến dịch "Long Jump" (Bước nhảy Dài), một âm mưu của Đức Quốc xã nhằm ám sát các lãnh đạo đồng minh trong cuộc họp đầu tiên của họ ở Tehran vào tháng 11/1943.

Theo các sử gia, Bước nhảy Dài có lẽ là kế hoạch táo bạo nhất của phát xít Đức và có thể để lại hậu quả nghiêm trọng nhất trong Thế chiến II nếu không bị vợ chồng Vartanian cùng các điệp viên Liên Xô ngăn chặn kịp thời.

Tháng 10/1943, tình báo quân sự Đức giải được mật mã của hải quân Mỹ và phát hiện ra rằng một hội nghị quan trọng của ba lãnh đạo chủ chốt của phe Đồng minh gồm Nguyên soái Liên Xô Joseph Stalin, Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt sẽ được tổ chức ở Tehran, thủ đô Iran vào tháng 11 năm đó.

Ba lãnh đạo của phe Đồng minh khi đó muốn nhóm họp để đưa ra chiến lược cuối cùng cho cuộc chiến chống phát xít Đức và phe Trục. Stanlin cũng muốn biết Anh và Mỹ sẽ mở một mặt trận thứ hai ở Tây Âu như thế nào. Cuộc họp dự kiến được tổ chức tại đại sứ quán Liên Xô ở Tehran từ ngày 28/11 đến 1/12/1943.

Dựa trên các tin tình báo có được, trùm phát xít Đức Adolf Hitler phê chuẩn Chiến dịch Rösselsprung, hay Bước nhảy Dài, với mục tiêu ám sát hoặc bắt cóc ba nhà lãnh đạo trụ cột của phe Đồng minh (còn được gọi là nhóm Big Three).

Otto Skorzeny, trung tá lực lượng SS khét tiếng của Đức, người từng tiến hành chiến dịch giải cứu nhà độc tài Italy Benito Mussolini hồi tháng 9/1943, đã được chọn là chỉ huy chiến dịch Bước nhảy Dài. Điệp viên Elyesa Bazna (bí danh Cicero) đang hoạt động ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ cũng được huy động tham gia chiến dịch.

Tuy nhiên, tình báo Liên Xô đã nắm được âm mưu ám sát táo bạo này nhờ sĩ quan tình báo Nikolai Kuznetsov, người đã xâm nhập vào hàng ngũ Đức Quốc xã ở Ukraine dưới vỏ bọc là trung úy Paul Siebert. Kuznetsov đã tìm cách làm thân với Ulrich von Ortel, một sĩ quan chỉ huy trong lực lượng SS.

Kuznetsov liên tục chuốc rượu Ortel, khiến hắn kể về kế hoạch ám sát nhóm lãnh đạo Big Three ở Tehran, nơi "chúng tôi sẽ tiêu diệt Stalin và Churchill và thay đổi cục diện trận chiến!"

"Chúng tôi sẽ bắt cóc Roosevelt để giúp Quốc trưởng đánh bại Mỹ. Chúng tôi sẽ bay theo nhiều tốp. Người của chúng tôi đang được huấn luyện ở một ngôi trường đặc biệt tại Copenhagen", Ortel ba hoa trong lúc say xỉn, thậm chí còn hứa sẽ giới thiệu Kuznetsov cho trung tá Skorzeny.

Vợ chồng điệp viên phá âm mưu ám sát của phát xít Đức
Lãnh đạo Liên Xô Stalin (trái), Tổng thống Mỹ Roosevelt (giữa) và Thủ tướng Anh Churchill nhóm họp ở Tehran hồi cuối tháng 11/1943. Ảnh: WarfareHistoryNetwork.

Đến lúc này, tình báo Liên Xô phải dựa vào các điệp viên đang hoạt động ở Iran, trong đó có vợ chồng Vartanian cùng 5 thành viên khác trong nhóm phản gián ở quốc gia này.

Gevork Vartanian sinh năm 1924, trong một gia đình Iran gốc Armenia tại thành phố Rostov-on-Don, miền nam nước Nga hiện nay. Cha ông là một điệp viên của Liên Xô và được cử về Iran vào năm 1930, nơi ông sinh sống cùng gia đình và hoạt động tình báo dưới vỏ bọc là một thương gia giàu có. Khi chưa đầy 16 tuổi, Gevork đã nối nghiệp cha mình, trở thành một điệp viên của Liên Xô với bí danh Amir, với nhiệm vụ chính là săn tìm gián điệp Anh và Đức.

Còn bà Goar sinh năm 1926 tại Gyumri, một phần của Liên Xô cũ và theo gia đình đến Iran vào đầu những năm 1930. Bà gia nhập nhóm chống phát xít khi mới 16 tuổi và hợp tác với Gevork Vartanian để phát hiện các đặc vụ Đức. Hai người sau đó nên duyên vợ chồng, khi Gevork 19 tuổi, còn Goar 17 tuổi.

Nhóm điệp viên của Gevork và Goar đã phát hiện khoảng 400 gián điệp Đức ở Iran trong giai đoạn 1940-1941. Gevork thậm chí còn đăng ký một chương trình huấn luyện gián điệp của tình báo Anh ở Tehran, rồi sau đó báo lại mọi thông tin cho cơ quan tình báo Liên Xô. Kết quả là các điệp viên nói tiếng Nga ở Anh được gửi đến Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai đều bị bắt, hoặc được tuyển dụng làm điệp viên hai mang cho Liên Xô.

Sau khi nhận được thông tin từ Kuznetsov về chiến dịch Bước nhảy Dài, tình báo Liên Xô yêu cầu nhóm của Vartanian đề cao cảnh giác, và chính vợ chồng điệp viên này là những người đầu tiên phát hiện nhóm tiền trạm của Đức trong chiến dịch.

"Chúng tôi là đơn vị đầu tiên xác định được vị trí nhóm ám sát thứ nhất của phát xít Đức, gồm 6 sĩ quan liên lạc nhảy dù xuống gần thị trấn Qum, cách Tehran 60 km. Chúng tôi đã bám theo họ đến Tehran, nơi phe phát xít đã chuẩn bị một căn biệt thự cho nhóm này trú ẩn. Họ di chuyển bằng lạc đà và được trang bị vũ khí", Gevorg Vartanian sau này kể lại.

Gevorg kể lại rằng khi 6 điệp viên phát xít đến gần Tehran, một chiếc xe tải đã xuất hiện và chở các trang thiết bị của họ, gồm bộ đàm, vũ khí và chất nổ. Họ di chuyển đến một nơi trú ẩn an toàn ở Tehran, thiết lập các trang thiết bị liên lạc, thay thường phục và nhuộm tóc để cải trang.

"Khi chúng tôi theo dõi nhóm ám sát, chúng tôi biết rằng họ liên lạc với Berlin bằng điện đài, nên chúng tôi đã chặn thu các lần liên lạc của họ. Sau khi phá được mật mã, chúng tôi biết được rằng Đức Quốc xã đang chuẩn bị đưa nhóm thứ hai đến để thực hiện kế hoạch ám sát hoặc bắt cóc nhóm Big Three", ông cho biết.

Nhóm thứ hai được cho là do Skorzeny trực tiếp chỉ huy. Trung tá Skorzeny lúc đó đã đến Tehran để thăm dò tình hình và đội của Gevorg đã theo dõi mọi hoạt động của y từ khi đó.

Khi Roosevelt cùng phái đoàn Mỹ đến Tehran, phía Liên Xô đã tiết lộ với họ về kế hoạch ám sát của Đức Quốc xã. Nhằm giảm thiểu nguy hiểm cho Roosevelt khi di chuyển từ đại sứ quán Mỹ đến nơi nhóm họp tại Tehran, Tổng thống Mỹ cùng phái đoàn được phép ở nhà khách trong đại sứ quán Liên Xô.

Trong thời gian đó, nhóm của vợ chồng Vartanian đã bắt và khống chế toàn bộ 6 điệp viên trong nhóm tiền trạm của Đức, buộc họ phải tiếp tục liên lạc về sở chỉ huy dưới sự giám sát của tình báo Liên Xô.

"Việc bắt Skorzeny rất hấp dẫn, song nhóm Big Three đã đến Tehran nên chúng tôi không thể chấp nhận rủi ro. Chúng tôi cố tình cho liên lạc viên của phát xít Đức một cơ hội để thông báo rằng nhiệm vụ đã thất bại, và họ đã quyết định không đưa nhóm thứ hai đến Tehran nữa", Gevorg kể.

Việc nhóm của vợ chồng Vartanian đã xác định chính xác vị trí nhảy dù của đội tiền trạm và những hoạt động sau đó của họ đã chặn đứng một trong những âm mưu ám sát lớn nhất Thế chiến II. Câu chuyện tình của vợ chồng này sau đó trở thành nguồn cảm hứng xây dựng nhân vật Andrei và Marie trong bộ phim hành động trinh thám "Tehran 43" của Liên Xô.

Vợ chồng điệp viên phá âm mưu ám sát của phát xít Đức
Vợ chồng điệp viên kỳ cựu Gevorg (trái) và Goar hồi năm 2010. Ảnh: TASS.

Vợ chồng Vartanian chuyển đến Liên Xô năm 1951 và tiếp tục hoạt động tình báo trong một thời gian dài. Danh tính của Gevorg, người được phong danh hiệu "Anh hùng Liên Xô", chỉ được công bố một cách chính thức vào năm 2000. "Chúng tôi đã rất may mắn là không gặp một kẻ phản bội nào", ông từng nói với RIA Novosti. "Với những điệp viên ngầm như chúng tôi, phản bội là tội ác xấu xa nhất".

Gevorg qua đời năm 2012 ở tuổi 87. "Gevork thường nói rằng ít nhất hai trên năm tia sáng trong Ngôi sao Anh hùng của mình thuộc về người vợ Goar yêu dấu", phát ngôn viên SVR nói.

Tháng 6/2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin đến thăm SVR và ca ngợi các đặc vụ bí mật, trong đó có vợ chồng Vartanian. "Họ là những người khiêm tốn, họ không thích được gọi là anh hùng", Putin nói.

Theo VNE