Vinaconex lấy đâu ra 4.000 tỷ để làm đường ống dẫn nước Sông Đà 2?

07:09 | 19/07/2014

1,615 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phải bỏ ra tổng số vốn đầu tư 4.000 tỉ đồng để triển khai Dự án xây dựng đường ống dẫn nước từ Nhà máy nước Sông Đà về Hà Nội giai đoạn 2, dư luận và giới chuyên môn đang hoài nghi về năng lực tài chính của Vinaconex. PetroTimes có cuộc trao đổi với kỹ sư Nguyễn Sỹ Trung (Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải). Ông Trung là kỹ sư trưởng Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc

Vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chấp thuận giao Tổng Công ty Vinaconex tiếp tục xây dựng tuyến đường ống dẫn nước từ Nhà máy nước Sông Đà (Hòa Bình) về Hà Nội giai đoạn 2. Đồng thời yêu cầu Vinaconex phải khởi công trước tháng 9/2014 và hoàn thành đúng tiến độ đã cam kết, bảo đảm cung cấp nước sạch ổn định cho nhân dân trong mùa hè năm 2015.

Theo ông Vũ Quý Hà - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vinaconex, Dự án đường ống nước từ sông Đà về Hà Nội giai đoạn 2 được đầu tư với số vốn 4.000 tỉ đồng. Ngoài ra, Vinaconex cũng triển khai đường ống nước khẩn cấp với chiều dài 28 km, nguồn vốn gần 1.000 tỉ đồng.

Hình ảnh đường ống dẫn nước DN1500 xảy ra sự cố. 

 

PV: Thưa ông, vừa qua thành phố Hà Nội chỉ định Tổng Công ty Vinaconex triển khai Dự án xây dựng đường ống dẫn nước từ Nhà máy nước Sông Đà (Hòa Bình) về Hà Nội giai đoạn 2. Là kỹ sư gắn bó lâu năm trong ngành xây dựng, ông có nhận xét gì về tính khả thi của dự án ?

KS Nguyễn Sỹ Trung: Việc triển khai xây dựng thêm một đường ống dẫn nước là đúng đắn, nhằm đáp ứng nhu cầu về nước sạch của người dân. Tuy nhiên, để Tổng Công ty Vinaconex làm chủ đầu thì dư luận hoài nghi về năng lực tài chính.

Chắc hẳn mọi người đều biết, Vinaconex là đơn vị xây dựng. Mấy năm qua, kinh tế đất nước gặp khó khăn, thị trường bất động sản đóng băng, xây dựng gặp vô vàn khó khăn. Và Tổng Công ty Vinaconex không nằm ngoài vòng xoáy này. Số tiền 4 nghìn tỉ không phải là nhỏ nên dư luận và ngay chính tôi đều có quyền hoài nghi về chủ đầu tư này.

PV: Đường ống dẫn nước DN1500 từ Nhà máy nước Sông Đà (Hòa Bình) về Hà Nội, tính đến thời điểm hiện tại đã xảy ra 9 lần vỡ đường ống. Qua những lần xảy ra sự cố, dư luận có thể thấy rất rõ năng lực của Vinaconex đến đâu. Theo ông, việc chỉ định Vinaconex tiếp tục xây dựng đường ống dẫn nước sông Đà giai đoạn 2 có hợp lý không ?

KS Nguyễn Sỹ Trung: Tôi nghĩ, với sự thất bại ở đường ống dẫn nước DN1500, Vinaconex sẽ đúc rút được rất nhiều kinh nghiệm và tránh được vết bánh xe đổ. Và một điều chắc chắn rằng, Vinaconex sẽ không bao giờ dám sử dụng loại đường ống cũ để thi công đường ống giai đoạn 2.

Kỹ sư Nguyễn Sỹ Trung.

PV: Thành phố Hà Nội yêu cầu Vinaconex phải khởi công trước tháng 9/2014 và hoàn thành đúng tiến độ đã cam kết, bảo đảm cung cấp nước sạch ổn định cho nhân dân trong mùa hè năm 2015. Thời gian thi công là rất ngắn so với 2 năm xây dựng đường ống dẫn nước DN1500. Theo ông, đường ống dẫn nước sông Đà giai đoạn 2 có cán đích đúng tiến độ không?

KS Nguyễn Sỹ Trung: Với thời gian như vậy, tôi nghĩ Tổng Công ty Vinaconex sẽ làm được, nếu khâu tài chính không có vấn đề gì. Vinaconex kinh nghiệm thiết kế, kỹ thuật, thi công đều có cả. Nếu tài chính đáp ứng thì chẳng có gì phải bàn. Tuy nhiên, với số tiền lớn như vậy, Vinaconex sẽ huy động từ nguồn nào là điều phải bàn.

PV: Sau khi đường ống dẫn nước sông Đà giai đoạn 2 đi vào hoạt động, đường ống DN1500 phải giải quyết như thế nào ?

KS Nguyễn Sỹ Trung: Đường ống dẫn nước DN1500 từ Nhà máy nước Sông Đà (Hòa Bình) về Hà Nội được đầu tư 1.500 tỉ đồng. Đây là một khoản tiền không hề nhỏ tại thời điểm đầu tư. Thôi thì cứ khai thác và hỏng đâu thì sửa ở đó. Nếu sự cố xảy ra nhiều quá thì bỏ thôi…

PV: Thưa ông, rất nhiều lần phía Vinaconex đổ lỗi cho tuyến Đại lộ Thăng Long tác động lên đường ống dẫn nước DN1500 nên mới xảy ra sự cố vỡ đường ống. Ông có nhận xét gì về vấn đề này ?

KS Nguyễn Sỹ Trung: Đổ lỗi cho tuyến Đại lộ Thăng Long là không chính xác. Tuyến đường này có chiều dài gần 30km, chạy qua nhiều vùng địa chất khác nhau. Đặc biệt, có 5,4km chạy qua nền đất yếu, nằm rải rác tại 29 điểm với độ sâu trung bình từ 5-30m, dài 20-200m. Khi làm đường, chúng tôi đã phải xử lý nền đất yếu rất tốn kém và mất thời gian bằng công nghệ cọc cát, giếng cát, thay đất… khi nền ổn định mới xây dựng công trình.

Đến bây giờ có thể khẳng định, tuyến đường rất ổn định. Trong khi đó, đường ống nước sông Đà được đặt cách vai đường Láng - Hòa Lạc 12,5m, độ sâu từ 4-6m so với mặt đất tự nhiên, không nằm trong phạm vi xử lý nền đường. Tôi khẳng định đường ống không nằm trong nền đường cao tốc, do đó cũng không thể nói nền đường Đại lộ Thăng Long gây sụt lún ảnh hưởng vỡ đường ống.

Hơn nữa, độ rung từ mặt đường cao tốc do ô tô đi lại gây ảnh hưởng đến đường ống về mặt định lượng gần như bằng không. Khi hai dự án cùng thực hiện (đường Láng - Hòa Lạc và đường ống nước sạch sông Đà), không dưới 5 lần tại các cuộc họp tôi đã cảnh báo khá gay gắt chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, thi công dự án nước sạch sông Đà về địa chất yếu. Tuy nhiên, họ không nghe mà vẫn tiến hành đặt đường ống mà không xử lý nền yếu.

Các điểm xảy ra sự cố vỡ đường ống dẫn nước đều trùng khớp với các điểm có nền đất yếu mà chúng tôi từng cảnh báo chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, thi công dự án nước sạch sông Đà. Tôi khẳng định, đường ống dẫn nước này còn xảy ra sự cố.

PV: Ông có thể nói rõ nguyên nhân dẫn đến các sự cố vỡ đường ống xảy ra trong thời gian qua?

KS Nguyễn Sỹ Trung: Nguyên nhân sâu xa là do người thiết kế và nhà thầu thi công chưa xử lý móng của tuyến ống, để nó chạy trên nền đất yếu. Vật liệu của ống lại là composite, là vật liệu mới được áp dụng gần như đầu tiên ở Việt Nam, không chịu được lực tác động trực tiếp là lực uốn và biến dạng. Bởi vậy khi móng của đường ống không đều, tuyến ống sẽ vỡ.

Đường ống liên tục bị vỡ là do sự cẩu thả và vô trách nhiệm trong việc thi công. Nhà thầu làm cho xong, còn chủ đầu tư, đơn vị nghiệm thu nhắm mắt cho qua. Không thể đặt đường ống một cách vô tư, cẩu thả trên tất cả các địa hình mặc dù đã được cảnh báo từ trước. Chỉ tính riêng trên toàn bộ Đại lộ Thăng Long, có tới 5,4km là đất yếu, nếu không thể xử lý đường ống toàn tuyến chí ít cũng phải ưu tiên xử lý đường ống đoạn chạy qua nền đất yếu này.

PV: Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi!

Thiên Minh - Minh Tiến