Việt Nam chuyển dịch năng lượng để phát triển bền vững

16:00 | 14/10/2021

5,005 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chuyển dịch năng lượng không chỉ là vấn đề của nội bộ ngành năng lượng, mà quan trọng là chuyển đổi nền kinh tế từ mô hình thâm dụng nhiều năng lượng sang mô hình sử dụng năng lượng một cách hiệu quả.

Ngày 13/10, Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Chuyển dịch năng lượng của Việt Nam hướng đến phát triển bền vững”. Mục tiêu của diễn đàn nhằm đưa ra các giải pháp phát triển đồng bộ, hợp lý, đa dạng hóa các loại hình năng lượng, đồng thời đưa ra các giải pháp hữu ích về sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năng lượng Việt Nam.

Việt Nam chuyển dịch năng lượng để phát triển bền vững
Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển phát biểu dẫn đề tại diễn đàn.

Tham dự diễn đàn có Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng, chuyển đổi năng lượng, đại diện lãnh đạo Vụ Dầu khí Than, các Tập đoàn năng lượng Việt Nam .

Hiện nay, các nguồn năng lượng tái tạo đã hỗ trợ tích cực cung cấp các nguồn điện cho miền Bắc khi khu vực này thiếu nguồn, phụ tải tăng cao (như thời gian tháng 5-6/2021), góp phần đảm bảo cung ứng điện cho cả giai đoạn 2021 – 2025, giảm phát thải khí nhà kính và các phát thải ô nhiễm khác như SOx, Nox, bụi, nhiệt.

Tại diễn đàn các nhà quản lý, chuyên gia đã thảo luận để từ đó tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và chính sách để tạo thuận lợi cho phát triển năng lượng quốc gia theo tinh thần của Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo báo cáo tại diễn đàn, trong vài thập kỷ vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng với việc chuyển từ một nền kinh tế nông nghiệp sử dụng năng lượng chủ yếu dựa trên các loại nhiên liệu sinh khối truyền thống sang một nền kinh tế sử dụng các dạng năng lượng tổng hợp và hiện đại.

Tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) đầu người đã tăng từ 114 USD vào năm 1990 đến 2.587 USD vào năm 2018 như là một dấu mốc quan trọng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia thu nhập trung bình.

Do đó, trước bối cảnh nhu cầu về năng lượng tăng lên nhanh chóng, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp cải thiện và nâng cấp hạ tầng ngành năng lượng trong đó phải kể đến Nghị quyết 55.

Thông tin tại Diễn đang, ông Nguyễn Đức Hiển cho biết theo tinh thần Nghị Quyết 55, sắp tới Quốc hội sẽ sửa Luật Dầu khí và hoàn thiện các luật chuyên ngành về điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các luật khác liên quan đến ngành năng lượng để làm cơ sở thực hiện hiệu quả hơn cơ chế thị trường.

Đồng thời nghiên cứu, thực hiện luật hóa việc điều hành giá điện và một số ưu đãi cho các dự án được khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực năng lượng; hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động kiểm soát và điều phối điện lực; nghiên cứu, xây dựng và ban hành luật về năng lượng tái tạo.

Chính phủ cũng đã xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và các chiến lược phân ngành năng lượng, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia phù hợp với tinh thần của Nghị Quyết 55.

Theo ông Hiển, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị được đánh giá cao và toàn diện, được các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp và xã hội đánh giá cao. Vấn đề hiện nay là cần sớm thúc đẩy để thể chế hóa và cụ thể hóa Nghị quyết thành các chiến lược và chính sách cụ thể.

Việt Nam chuyển dịch năng lượng để phát triển bền vững
Diễn đàn “Chuyển dịch năng lượng của Việt Nam hướng đến phát triển bền vững”năm 2021.

Để thực hiện thành công Nghị Quyết 55, ông Hiển nêu ra 4 vấn đề trọng tâm. Trong đó gồm: Nhận diện và dự báo xu thế chuyển dịch năng lượng trên thế giới và làm rõ những vấn đề đặt ra đối với chuyển dịch năng lượng của Việt Nam. Đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế đến chuyển dịch năng lượng; Đánh giá và làm rõ tác động của chuyển dịch năng lượng đối với ngành công nghiệp dầu khí, công nghiệp than và các phân ngành khác của Việt Nam.

Đề xuất định hướng các cơ chế, chính sách để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, bảo đảm thực hiện thành công các mục tiêu nêu tại Nghị quyết 55. Trong đó, tập trung vào các nội dung phát triển năng lượng tái tạo; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chính sách giảm sâu phát thải CO2; chính sách phi các-bon hóa gắn với phát triển năng lượng điện trong giao thông vận tải; cơ sở hạ tầng; môi trường và thị trường điện cạnh tranh.

Cuối cùng là đề xuất và kiến nghị các giải pháp, chính sách đối với ngành dầu khí để có thể xây dựng và phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trở thành Tập đoàn kinh tế - năng lượng – công nghiệp tham gia mạnh mẽ vào quá trình chuyển dich năng lượng.

Các chuyên gia tại tọa đàm nhấn mạnh: Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển xanh và bền vững. Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức; nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, mức nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn.

Trong năm 2019 và 2020, sản lượng điện phát từ nguồn năng lượng tái tạo đạt tương ứng 5,242 tỷ kWh và 10,994 tỷ kWh đã góp phần giảm đáng kể điện chạy dầu giá thành cao. Cụ thể, năm 2019, giảm 2,17 tỷ kWh (tương ứng tiết kiệm khoảng 10.850 tỷ đồng); năm 2020 giảm 4,2 tỷ kWh (tương ứng tiết kiệm 21.000 tỷ đồng)…

Tùng Dương

G20 cần nghiêm túc với vấn đề năng lượng tái tạo G20 cần nghiêm túc với vấn đề năng lượng tái tạo
Chuyển dịch năng lượng cần tính đến bài toán chuyển dịch kinh tế Chuyển dịch năng lượng cần tính đến bài toán chuyển dịch kinh tế
Thúc đẩy chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á Thúc đẩy chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á