Vì sao lấy ngân sách bồi thường ông Chấn?

07:07 | 13/06/2015

916 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Xung quanh việc bồi thường oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn với số tiền 7,2 tỉ đồng, dư luận đặt ra câu hỏi: Khoản tiền bồi thường “khủng” này lấy ra từ đâu và tại sao những người làm sai lệch hồ sơ vụ việc dẫn đến oan sai phải chịu trách nhiệm.Trước câu hỏi này, rất nhiều chuyên gia pháp lý, đại diện các cơ quan liên quan, cũng như các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ quan điểm “con dại cái mang - tiền bồi thường nếu trích từ ngân sách Nhà nước thì người gánh chịu là nhân dân”.  

Báo Năng lượng Mới đã trao đổi với các chuyên gia, đại diện một số cơ quan chức năng cũng như đại biểu Quốc hội về vấn đề này.

Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính): Hai phương án nguồn tiền

Đến nay Tòa án Nhân dân Tối cao đã thương lượng xong số tiền bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn là 7,2 tỉ đồng. Theo quy định, Bộ Tài chính sẽ mở két chi ngay số tiền bồi thường này cho ông Chấn ngay sau khi nhận được văn bản của Tòa án Nhân dân Tối cao.

Theo quy định của Luật Bồi thường Nhà nước, về xử lý vụ việc liên quan đến bồi thường oan sai, sẽ có hai khoản là trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và thu hồi của người làm sai. Đối với trách nhiệm của Nhà nước, ngân sách sẽ bồi thường toàn bộ khoản tiền 7,2 tỉ đồng cho ông Chấn.

Còn thu hồi của người làm sai, thì căn cứ vào quyết định xử lý bồi thường, cơ quan chức năng sẽ xác định trách nhiệm của người làm sai.

Cụ thể, trường hợp người thi hành công vụ của Tòa án Phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội có lỗi cố ý gây ra thiệt hại, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường căn cứ vào mức độ thiệt hại gây ra.

Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của người đó để quyết định họ sẽ phải hoàn trả một khoản tiền nhất định, nhưng tối đa không quá 36 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả.

Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Đình Quyền: “Con dại cái mang…”

Hiện nay, ở các nước tiền bồi thường oan sai đều lấy từ ngân sách, nên Việt Nam cũng chi ngân sách Nhà nước để bồi thường. Vì công chức làm sai lấy đâu ra một khoản tiền lớn để bồi thường.

Vì sao lấy ngân sách  bồi thường ông Chấn?

Vấn đề này thuộc về luật học, pháp nhân Nhà nước mà để xảy ra oan sai, vấn đề này ngày xưa các cụ đã nói là “con dại cái mang” - Tức là pháp nhân Nhà nước phải đứng ra bồi thường thiệt hại đó là nguyên lý.

Việc xác định lỗi cố ý hay vô ý để xảy ra oan sai trong trường hợp này là rất khó vì người ta luôn đổ cho năng lực. Ở nhiều nước pháp luật quy định là nếu chứng minh rằng công chức mẫn cán và vô tình để xảy ra sai thì nhà nước vẫn bồi thường. Đặc biệt là công chức tư pháp được loại trừ hoàn toàn khỏi trách nhiệm bồi thường về vật chất, để không bị sức ép gì khi thực hiện công vụ. Điều này liên quan đến công tác cán bộ, công tác bổ nhiệm, tuyển dụng, xử lý, kiểm tra thanh tra cán bộ.

Nếu chúng ta còn làm kiểu lỏng lẻo trong công tác cán bộ, giữa hiệp thương, giữa quy hoạch, tuyển dụng, và vẫn để lọt những người không xứng đáng vào bộ máy Nhà nước thì tất cả những công tác yếu kém đó Nhà nước phải chịu. Cuối cùng người dân phải chịu.

Do có nguyên nhân về cơ chế, rõ ràng chúng ta giao cho chính những người làm oan đi bồi thường thì mặc dù có chấn chỉnh nọ kia, nhưng việc cố chấp của các cơ quan quyền lực khi làm sai thì người ta dây dưa, trì hoãn, gây khó khăn. Bên cạnh đó, có nguyên nhân về mô hình thủ tục và đã đến lúc thay đổi, tức giao cho cơ quan khách quan công khai và minh bạch hơn.

Giả dụ giao Bộ Tư pháp, là cơ quan không tiến hành tố tụng nhưng là cơ quan thay mặt Nhà nước như vậy sẽ khách quan, minh bạch và nhanh hơn. Vì đằng nào Tòa án, Viện Kiểm sát hay Thi hành án đứng ra bồi thường thì đều là ngân sách Nhà nước thì nên giao cho một cơ quan khách quan hơn thực hiện bồi thường oan sai.

Luật sư Trần Văn Đức (Giám đốc Công ty Luật Trường Sa): Đừng để hòa cả làng…

Việc ông Chấn được đền bù 7,2 tỉ, Nhà nước đứng ra đền bù thiệt hại vì chưa xác định được những người có trách nhiệm phải bồi thường, sau này Nhà nước sẽ phải truy thu nếu phát hiện ai chịu trách nhiệm.

Vì sao lấy ngân sách  bồi thường ông Chấn?

Đúng ra, Nhà nước phải yêu cầu những người làm sai đền bù ngay chứ không được lấy tiền ngân sách để bồi thường. Quy định pháp luật đã nêu rõ điều này, tôi không hiểu vì sao lại dùng tiền của Nhà nước, đây là tiền đóng thuế của dân, không thể sử dụng tiền của nhân dân để chi đền bù mà phải có quy trình. Tôi lo ngại rằng sau khi bồi thường vẫn không công bố, không minh bạch dẫn đến việc những người làm sai sẽ chây ì, cuối cùng họ về hưu là hòa cả làng. Cho nên phải công khai.

Trong vụ việc này, cơ quan tiến hành tố tụng cuối cùng - Tòa án Nhân dân Tối cao phải chịu trách nhiệm. Khi tòa án cấp dưới xử sai, họ mới kêu oan lên tòa án cấp cao. Khi có người kêu oan, đáng nhẽ họ phải xem xét nghiêm túc những bằng chứng, cơ sở mà luật sư đưa ra, nhưng ở đây họ đã không chú trọng nên mới xảy ra oan sai.

Theo trình tự, tòa sơ thẩm là ở cơ quan cấp quận, huyện thì trình tự phúc thẩm là ở cấp tỉnh, nhưng ở đây trình tự sơ thẩm là cấp tỉnh nên trình tự phúc thẩm là Tòa án Nhân dân Tối cao.

Các văn bản quy phạm pháp luật nêu rõ: Người gây ra oan sai là người phải bồi thường, nhưng trên thực tế chưa có chế tài chặt chẽ cho người làm oan sai nên phải lấy tiền của Nhà nước ra để bồi thường. Thế nhưng khi thu lại số tiền đó thì người ta lại về hưu hay chuyển công tác thế là không có cơ quan nào đứng ra truy thu để trả về cho nhân dân. Tất cả đổ vào đầu dân hết, tiền đó là tiền thuế của nhân dân đóng góp nên không thể xâm phạm được.

Trong hệ thống tổ chức Nhà nước đều có cơ quan giám sát, nhưng quan trọng là khi giám sát người thực hiện minh bạch đến đâu. Qua vụ việc bồi thường cho ông Chấn mới thấy, vẫn còn những quy định chưa đầy đủ, chưa toàn diện, chưa phù hợp với thực tế cuộc sống và cần sớm thay đổi.

Luật sư Vi Văn Diện (Giám đốc Công ty luật Thiên Minh): “Nguy cơ mất trắng 7,2 tỉ đồng…”

Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước quy định, người thi hành công vụ mắc lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách Nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, người thi hành công vụ ngoài việc phải hoàn trả khoản tiền quy định thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn phải bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Những điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán đã mắc sai phạm, sai sót trong vụ án ông Chấn sẽ phải hoàn trả cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, sau khi ông Chấn được minh oan, một số điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán bị khởi tố, điều tra.

Vì sao lấy ngân sách  bồi thường ông Chấn?

Như vậy, nghĩa vụ hoàn trả ngân sách phải chờ đến khi xét xử xong mới xem xét. Nếu là lỗi cố ý gây ra thiệt hại thì mới hoàn, còn nếu là lỗi vô ý thì không phải hoàn trả. Mặc dù luật quy định như vậy, nhưng theo kết quả giám sát của Quốc hội trong lĩnh vực hình sự cho thấy qua 3 năm vẫn chưa có trường hợp nào phải bồi hoàn lại cho Nhà nước. Nếu điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán được Tòa tuyên không phạm tội hoặc có tội nhưng phạm tội do lỗi vô ý, họ sẽ không phải chịu trách nhiệm hoàn trả. Như vậy, có thể nói, số tiền 7,2 tỉ đồng mà Nhà nước “tạm ứng” bồi thường cho ông Chấn có nguy cơ... mất trắng.

Bản thân các cơ quan thi hành pháp luật hội đủ các điều kiện cần và đủ để chứng minh, kết tội cá nhân, tổ chức khác nên ít xảy ra việc chính Nhà nước là người bị hại trong hoạt động bồi thường thế nên Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chỉ quy định theo hướng một chiều cũng là có căn nguyên.

Từ vụ việc của ông Chấn, có thể thấy các văn bản pháp lý liên quan đến bồi thường oan sai hiện nay còn chưa hợp lý:

Thứ nhất: Các văn bản pháp lý quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước còn nhiều lỗ hổng và thiếu khách quan khi quy định cơ quan nào làm sai thì cơ quan đó phải trực tiếp thực hiện bồi thường. Như vậy, có thực sự công bằng khi cơ quan làm sai lại tự mình đánh giá mình để xác định lỗi, điều đó sẽ dẫn đến sự thiệt thòi cho người bị hại.

Thứ hai: Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cần bổ sung quy định trách nhiệm bồi thường cho Nhà nước trong trường hợp bên bị thiệt hại là ngân sách.

Thứ ba: Quy trình, thủ tục hướng dẫn việc đòi bồi thường và nhận bồi thường còn quá rườm rà và người thi hành công vụ còn tắc trách trong hoạt động nghề nghiệp.

Thứ tư: Cũng cần xác định các thiệt hại về tinh thần cho người bị hại, chứ không phải chỉ có thiệt hại vật chất. Có như vậy mới tạo ra sự phù hợp, đồng bộ của các luật và văn bản hướng dẫn thi hành.

Thứ năm: Hiện nay có nhiều văn bản pháp lý liên quan đến trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã hết hiệu lực và vẫn chưa có văn bản thay thế.

Như vậy, qua các ý kiến trên cho thấy, việc đền bù ông Chấn chứa đựng rất nhiều điều đáng bàn về thực thi pháp luật ở nước ta chứ không đơn giản bồi thường 7,2 tỉ đồng là xong!

Thiên Minh - Nguyễn Hinh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc