Vì sao hỏa hoạn gia tăng?
Những con số báo động
Theo thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), với các vụ cháy xảy ra trong 6 tháng đầu năm đã làm chết 51 người, bị thương 95 người, về tài sản thiệt hại là 1.172,6 tỉ đồng và 806,3ha rừng. Trong đó có 17 vụ cháy lớn, gây thiệt hại tài sản 951,8 tỉ đồng. Xảy ra 10 vụ nổ, làm chết 5 người, bị thương 9 người, thiệt hại về tài sản 430 triệu đồng. Như vậy, so với năm ngoái, số người chết tăng 20 người, tương đương 64,5% (51/31 người), bị thương giảm 86 người, tương đương 47,5% (95/181 người); thiệt hại về tài sản tăng 341,6 tỉ đồng, tương đương 41,1% (1.172,6/831 tỉ đồng).
![]() |
Cảnh sát PCCC chữa cháy ở xưởng bánh kẹo Hoài Đức bị cháy mới đây |
Tính thêm một số vụ cháy vừa rồi ở Đà Nẵng, Xuân Đỉnh - Bắc Từ Liêm, Hà Nội và Hoài Đức thì số người tử vong đã lên đến 61 người. Nhưng điều đáng nói hơn, hơn 2.000 vụ cháy thì một nửa là do sự cố thiết bị điện và có hơn 500 vụ không tìm ra nguyên nhân. Theo ông Bùi Quang Việt, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ cháy như vậy cơ bản vẫn là do ý thức, kiến thức, kỹ năng PCCC, thoát nạn yếu và đặc biệt điều kiện khách quan là nhà hình ống, chỉ có một lối thoát duy nhất cũng làm cho các vụ cháy trở nên nghiêm trọng hơn.
Nguyên nhân được báo trước
Các chuyên gia cho rằng, chính những bất cập trong quy hoạch, hệ thống PCCC đã làm gia tăng và tính chất nghiêm trọng của các vụ cháy. Như nhà ở không có lối thoát dự phòng, cũng không có giải pháp thiết kế xây dựng để ngăn cháy lan, chống tụ khói, khu vực ban công thường bố trí nhiều lớp cửa kiên cố, lắp đặt lồng sắt trong khi đó hầu hết các khu nhà cũng không được trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ, các dụng cụ để phá dỡ, thoát nạn khi có cháy, hoặc đơn giản như không có cả thiết bị cảnh báo cháy. Nhiều khu dân cư không được quy hoạch tổng thể, nằm trong ngõ sâu, hẹp nên không đảm bảo cho việc tiếp cận, triển khai lực lượng phương tiện cứu người, cứu tài sản và chữa cháy.
Đã vậy, trong thiết kế các khu nhà ở, nhà xưởng này, khoảng cách an toàn PCCC không bảo đảm như xây dựng các mái che giữa các nhà kho, nhà xưởng. Việc bố trí sắp xếp vật tư hàng hóa không đúng quy định. Xưởng sản xuất sử dụng làm kho chứa hàng hóa với trữ lượng lớn. Một số dây chuyền sản xuất cũ kỹ, lạc hậu, hệ thống điện không bảo đảm. Hệ thống PCCC có hiện tượng “lão hóa” không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật… “Chính vì những hạn chế, nên các khu nhà như vậy dễ phát sinh sự cố cháy, nổ trong quá trình sử dụng”, ông Việt nói.
Tuy nhiên, bên cạnh nguyên nhân xuất phát từ ý thức của người dân, bất cập trong PCCC, ông Việt cũng thừa nhận, triển khai các hoạt động PCCC ban đầu của lực lượng PCCC tại chỗ chưa hiệu quả, thông tin báo cháy chậm. Khi lực lượng Cảnh sát PCCC tiếp cận được hiện trường thì đám cháy đã phát triển trên quy mô rất lớn nên gây khó khăn cho hoạt động cứu chữa.
Để hạn chế các vụ hỏa hoạn và công tác PCCC hiệu quả, sắp tới Cục Cảnh sát PCCC và CNCH sẽ triển khai một số biện pháp cấp bách như: tham mưu cho UBND cấp tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các cấp, nhất là UBND cấp xã đề cao vai trò trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ quản lý Nhà nước về PCCC tại địa phương; xây dựng, ban hành Bộ Tiêu chí an toàn PCCC và CNCH đối với nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ trong các khu dân cư, làng nghề… phù hợp thực tế địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ cháy, nổ và tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng dân phòng để đội ngũ này có đủ năng lực xử lý kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Ngoài ra, một giải pháp không kém quan trọng là tổ chức rà soát, nắm chắc số hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ; hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh không thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC để đôn đốc, hướng dẫn chủ hộ khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót về PCCC.
Đồng thời với các biện pháp trên, cơ quan thông tin truyền thông nên phối hợp để tuyên truyền nâng cao ý thức về PCCC và kỹ năng PCCC trong sinh hoạt hằng ngày.
Để thoát nạn hỏa hoạn, theo khuyến cáo của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, mỗi gia đình có thể trang bị mặt nạ chống độc với giá khoảng 400 nghìn đồng/chiếc và học các kỹ năng thoát nạn rất đơn giản như bịt khăn ướt (miếng vải) vào mũi, miệng, quấn chăn ướt hoặc dội ướt quần áo… |
Anh Tú
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Thủ tướng: "Ai làm tốt thì giao việc"
-
Thủ tướng: 3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm
-
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị P4G Việt Nam 2025