Vì sao Hezbollah dốc toàn lực cứu chính quyền Tổng thống Assad?

08:00 | 28/05/2013

5,635 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Lãnh đạo tổ Hồi giáo Hezbollah, hoạt động chính trong khu vực phía nam Liban, vừa khẳng định sẽ dốc toàn lực để cứu chính quyền của Tổng thống Syria, Bashar al-Assad. Vì sao Hezbollah hy sinh danh tiếng để tham gia cuộc chiến Syria?

 

Hassan Nasrallah, lãnh đạo tổ chức Hezbollah

Hassan Nasrallah, lãnh đạo tổ chức Hezbollah, nói rằng tổ chức này, tuy được thành lập để bảo vệ Liban và chống lại Israel nhưng đang đi vào “một giai đoạn hoàn toàn mới” và phải gửi các tay súng của mình ra ngoại quốc để bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Nhà lãnh đạo Hassan Nasrallah nói rằng “Ðây là cuộc chiến của chúng ta và chúng ta đã sẵn sàng”.

Lời tuyên bố của ông Nasrallah đánh dấu sự gia tăng lớn lao trong nỗ lực can thiệp quân sự của tổ chức Hezbollah, vốn bị chính phủ Mỹ đưa vào danh sách khủng bố, ở Syria.

Ðiều này cũng có thể tạo thêm áp lực lên chính phủ Obama để phải có biện pháp đối phó, cũng như ở châu Âu, nơi có thêm các quốc gia muốn đưa Hezbollah vào danh sách các nhóm khủng bố như Mỹ đã làm.

Các quan sát viên Trung Ðông cho rằng ông Nasrallah có vẻ đã tính toán là các quốc gia Tây phương, bị bất ngờ trước việc các nhóm Hồi giáo quá khích đang ngày càng có nhiều ảnh hưởng trong lực lượng nổi dậy Syria, sẽ không nhảy vào vòng chiến để hỗ trợ lực lượng này.

Chính phủ Mỹ trong thời gian qua chỉ kêu gọi “có giải pháp chính trị” trong khi để cho Arập Xêút và Qatar vũ trang cho phía chống ông Assad.

Các chuyên gia cho rằng phong trào Hezbollah của Liban đã tự lao vào cuộc chiến tranh ở Syria theo chỉ thị của "người thầy" Iran bất chấp nguy cơ danh tiếng của họ trong thế giới Arập bị tổn hại nặng nề.

Phòng trào Hồi giáo vũ trang của người Shi'ite này đã giành được sự ủng hộ rộng khắp bên ngoài lãnh thổ Liban vì đã đứng lên chiến đấu chống lại Israel trên chiến trường. Tuy nhiên, các nhà phân tích nói với hãng tin AFP rằng việc phong trào Hezbollah cùng chiến đấu bên cạnh quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad để chống lại phe nổi dậy tại quốc gia này đã hủy hoại danh tiếng của Hezbollah trong khu vực.

Ziad Majed, Giáo sư khoa học chính trị chuyên nghiên cứu về Trung Đông tại Đại học Mỹ ở Pari, nói: "Việc Hezbollah tham gia cuộc chiến tại Syria bắt nguồn từ quyết định của Iran ủng hộ chế độ Syria cho tới tận phút cuối cùng thông qua các chủ thể khác trong khu vực, bắt đầu là Hezbollah". Cách đây một tuần, Hezbollah cử gần 1.700 tay súng tới thị trấn Qusayr (miền Trung Syria) để hỗ trợ chính phủ Syria tấn công thành trì của phe nổi dậy.

Lãnh đạo của Hezbollah từng biện minh cho việc phong trào này dính líu tới cuộc chiến tại Syria bằng cách nói rằng họ đang bảo vệ những ngôi làng của người Shi'ite và các địa điểm thiêng liêng tại quốc gia này. Tuy nhiên, cuộc tấn công nhằm vào thị trấn Qusayr gồm chủ yếu là người Sunni đã buộc Hezbollah phải thay đổi lập luận của họ. Ngày 25/5, trong bài phát biểu nhân lễ kỷ niệm 13 năm Israel rút quân khỏi Liban, ông Nasrallah nói: "Syria là lực lượng hậu phương đứng đằng sau phong trào kháng chiến (cuộc chiến của Hezbollah chống lại Israel), và cuộc kháng chiến này không thể trụ vững nếu chúng ta khoang tay đứng nhìn lực lượng hậu phương của mình bị tấn công. Chúng ta sẽ trở thành những kẻ ngu ngốc nếu không hành động".

Ghassan al-Azzi, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Liban, nói rằng Iran đã yêu cầu Hezbollah công khai can dự vào cuộc xung đột tại Syria bởi kết quả của hành động này có thể quyết định tương lai của liên minh Iran-Syria, và thậm chí là của cả khu vực. Ông nói thêm: "Hezbollah đã làm điều đó, cho dù làm như vậy gây ảnh hưởng tới danh tiếng của phong trào này tại Liban cũng như trong thế giới Arập".

Tuy nhiên, còn những lý do khác khiến Hezbollah can thiệp quân sự vào Syria. Waddah Sharara - Giáo sư xã hội học tại Đại học Liban đồng thời là tác giả của một cuốn sách viết về Hezbollah - nói với hãng tin AFP: "Sự sụp đổ của ông Assad sẽ gây ra những hậu quả chí tử đối với Hezbollah, không chỉ ảnh hưởng tới việc tự do vận chuyển vũ khí, nhân lực và tiền bạc cho phong trào này, mà còn bởi điều đó sẽ khiến Hezbollah mất đi sự ủng hộ mạnh mẽ của chính phủ Syria, cái mà lực lượng này đã nhận được trong suốt 3 thập kỷ qua".

Tuy nhiên, giáo sư Majed cho rằng việc can dự vào Syria còn nêu bật niềm kiêu hãnh của Hezbollah - lực lượng luôn muốn được nhìn nhận là "nhân tố then chốt trong khu vực chứ không phải chỉ ở Liban". Ông nói: "Điều đó nhằm thể hiện rằng phong trào này có khả năng can thiệp vào các chiến dịch bên ngoài lãnh thổ Liban". Trong bài phát biểu ngày 25/5, ông Nasrallah nói: "Tôi luôn luôn cam kết rằng chúng tôi sẽ giành được thắng lợi, và bây giờ tôi sẽ cam kết điều đó một lần nữa". Tuy nhiên, hiện chưa rõ cái giá của chiến thắng này sẽ là gì.

Các chuyên gia đều nhất trí rằng việc Hezbollah triển khai quân tới Syria đã hủy hoại hình ảnh của phong trào này, và nghiêm trọng hơn, nó làm căng thẳng giữa những người Hồi giáo Sunni và Shi'ite bên trong lãnh thổ Liban trở nên tồi tệ hơn. Giáo sư Azzi nói: "Danh tiếng của Hezbollah không chỉ bị suy giảm trong thế giới Arập mà có khi còn bị suy giảm ngay tại Liban. Đã qua rồi những ngày các cuộc bầu cử gọi tên ông Nasrallah là nhà lãnh đạo chính trị được người dân yêu mến nhất trong thế giới Arập vì ông đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống lại Israel".

Ông Majed nói rằng cho đến năm 2011, Hezbollah vẫn nhận thức rất rõ hình ảnh của họ trong thế giới Arập, nhưng kể từ khi phong trào này phát hiện ra rằng chính phủ Syria có thể sụp đổ, họ đã thông qua một quan điểm mới. Ông nói: "Hezbollah chỉ quan tâm tới hình ảnh của họ trong nền tảng xã hội của lực lượng này, và trong ngắn hạn, hình ảnh của họ chưa bị suy yếu. Tuy nhiên, chúng ta vẫn không biết mối nguy hại mà Hezbollah đang gây ra cho Liban khi phong trào này kích động thêm căng thẳng giữa những người Sunni và Shi'ite".

Cựu Thủ tướng Saad Hariri (người Sunni) đã chỉ trích bài phát biểu của ông Nasrallah khi nói: "Ông Nasrallah đã 'vượt trội' hơn những người khác trong việc kích động xung đột sắc tộc. Thời kỳ lợi dụng vấn đề Palestine, cuộc kháng chiến và sự đoàn kết dân tộc đã qua rồi. Người dân Liban, cũng như người dân Arập và Hồi giáo, đều biết rõ điều này".

Th.Long (Tổng hợp)

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc