Vì sao hàng giả, hàng nhái tung hoành cuối năm?

13:30 | 25/10/2015

942 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lực lượng chức năng vừa triệt xóa một cơ sở sản xuất nước xả vải, nước rửa bát giả có quy mô cực lớn tại Hà Nội. Tại nhiều địa phương khác, hàng trăm vụ sản xuất hàng giả bị phanh phui, từ việc làm giả nước mắm, khăn ướt đến mỹ phẩm, phân bón… Các đối tượng đang không từ thủ đoạn, làm giả, nhái từ “thượng vàng” đến “hạ cám”, bất chấp sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng. 

Hàng gì cũng bị giả

Theo thông tin mà chúng tôi tiếp nhận được, ngày 15-10, lực lượng chức năng TP Hà Nội đã phối hợp triệt xóa cơ sở sản xuất nước xả vải Thái Lan giả quy mô cực lớn trên địa bàn.

Xưởng sản xuất này của Công ty Cổ phần quốc tế Massco (địa chỉ tại S5/9 cụm công nghiệp làng nghề Triều Khúc).

Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện công nhân của công ty đang tiến hành sản xuất nước giặt xả vải nhãn hiệu Spy, nước rửa bát nhãn hiệu Safe, nước giặt xả vải Baby, nhưng đều gắn nhãn mác và mã vạch xuất xứ Thái Lan.

hang gia hang nhai tung hoanh cuoi nam
Lực lượng chức năng kiểm tra và phát hiện nhiều cơ sở làm giả, làm nhái sản phẩm

Trao đổi với phóng viên, một cán bộ của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) thông tin thêm: Qua quá trình theo dõi, lực lượng chức năng ghi nhận, xưởng sản xuất trên được bố trí kín cổng cao tường, chỉ mở cửa khi giao nhận hàng.

Để che mắt các lực lượng chức năng, công ty chỉ bán hàng cho đại lý cấp 1 và những khách hàng thân tín tại 20 tỉnh phía bắc, tiến hành giảm giá, chiết khấu cao tại các cửa hiệu kinh doanh hàng Thái.

Hiện, lực lượng chức năng hiện đã tạm giữ một số hàng hóa, phương tiện sản xuất để xác minh, điều tra. Tổng trị giá sản phẩm khoảng 250 triệu đồng, công cụ sản xuất 200 triệu đồng.

Trước đó, Phòng CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46, công an tỉnh Nghệ An) cũng triệt phá một đường dây pha chế, sản xuất nước mắm giả với số lượng lớn.

Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ 750 chai nước mắm giả nhãn hiệu các loại như Chin Su - Nam Ngư, Ông Tây, Đệ Nhị; 120 lít nước mắm đã pha chế làm giả, hàng nghìn vỏ chai, 150kg tem, vỏ thùng nước mắm giả nhãn hiệu nước mắm các loại cùng các công cụ sử dụng để in nhãn mác và các vật liệu, dụng cụ dùng pha chế, sản xuất nước mắm giả.

Nếu như trước đây, mặt hàng bị làm giả, làm nhái chủ yếu rơi vào những sản phẩm giá trị thì thời gian gần đây, “thượng vàng hạ cám” các sản phẩm đều có thể bị làm giả. Không chỉ hàng tiêu dùng mà những mặt hàng công nghiệp nặng, hóa chất, thuốc men… cũng bị “đội lốt”.

Mới đây nhất, Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã phối hợp cùng lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai tiến hành kiểm tra nhà máy sản xuất phân bón - Công ty Cổ phần sản xuất thương mại và dịch vụ Thuận Phong tại địa chỉ khu phố 7, phường Long Bình (TP Biên Hòa, Đồng Nai) phát hiện hơn 1 tấn phân bón, hóa chất mang thương hiệu “made in USA” làm giả chính hãng.

Chưa hết, một đường dây làm giả gần 20 tấn thực phẩm chức năng tại Hà Nội cũng bị các lực lượng chức năng triệt xóa…

Tác hại khôn lường

Dư luận hẳn chưa quên câu chuyện bi hài xảy ra hồi đầu năm, khi 6.000 công nhân đang làm việc tại một công ty ở Khu công nghiệp Sóng Thần 2 (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) quyết định trả lại quà tết vì phát hiện… hàng giả.

Chuyện rằng, khi đem gói quà tết do công đoàn công ty tặng ra sử dụng, các công nhân phát hiện gói hạt nêm trong hộp quà là hàng giả. Cực chẳng họ, họ đã mang số quà tết trên trả lại. Đây chỉ là một trong những dẫn chứng “cười ra nước mắt” cho hệ lụy của việc hàng giả tràn lan.

Ngoài ra, ảnh hưởng của mặt hàng “dởm” này với sức khỏe người tiêu dùng là không thể đo đếm được.

hang gia hang nhai tung hoanh cuoi nam
Chuyên gia Vũ Vĩnh Phú 

Thời điểm cuối năm thường là “mùa vụ” để các đối tượng sản xuất hàng giả, hàng nhái tung hoành. Bất cứ mặt hàng nào có lợi nhuận cao và bán chạy, chỉ một thời gian ngắn sẽ xuất hiện hàng giả của mặt hàng đó.

Thống kê của Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho thấy, hiện nay, trên thị trường có 31 ngành hàng bị làm giả, nhái như mỹ phẩm, điện tử, điện lạnh, gas, xăng dầu... Thậm chí, với mặt hàng mũ bảo hiểm, tỷ lệ 100 nón sản xuất có đến 70 nón kém chất lượng dù có tem hợp quy, hợp chuẩn.

Khảo sát một vòng quanh các cơ sở kinh doanh trên địa bàn Hà Nội, phóng viên nhận thấy, có lẽ chợ là nơi hàng giả, hàng nhái có độ “phủ sóng” rộng nhất. Từ quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm cho đến thuốc lá, hàng điện máy, dược phẩm, rượu… đều có sự hiện diện của hàng giả với mức giá rẻ đến giật mình.

Chẳng hạn, một hộp kem trị nám hiệu L. chính hãng nhập từ Mỹ có giá khoảng 550.000 đồng, nhưng hàng giả chỉ khoảng 220.000 đồng/hộp. Nhiều sản phẩm nhái in bao bì với những tên gọi gần giống tên thương hiệu nổi tiếng như: nước rửa chén Vỹ Hảo (gần giống tên Mỹ Hảo), bánh Choco Pai (nhái Choco Pie), Bibika (nhái Bibica), bột giặt Viko (nhái Viso)…

Có hiện tượng “bảo kê”?

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Dương Xuân Sinh - Phó chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, cuối năm là thời điểm hàng nhái, hàng lậu hoành hành do nhu cầu của người dân cao. Trước đó, 6 tháng đầu năm 2015, lực lượng chức năng các cấp đã phát hiện, bắt giữ 95.832 vụ việc vi phạm, khởi tố 699 vụ/819 đối tượng.

hang gia hang nhai tung hoanh cuoi nam
Ông Phạm Ngọc Hùng

Còn ông Phạm Ngọc Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam đặt vấn đề có hiện tượng “bảo kê” cho buôn bán, sản xuất hàng giả.

“Do các ngành chức năng ráo riết “đánh” vào những mặt hàng lớn nên các đối tượng đã chuyển sang sản xuất hàng giả ở những chủng loại tiêu dùng hàng ngày. Thế nhưng, số lượng tiêu thụ các mặt hàng này rất lớn, lãi suất cực cao.

Khi bị bắt giữ, do giá trị nhỏ nên các cơ sở kinh doanh chủ yếu bị xử phạt hành chính, thế nhưng, ảnh hưởng của nó đến sức khỏe người tiêu dùng là rất nặng nề. Không phủ nhận những thành quả của các lực lượng chức năng nhưng thực tế, trên thị trường hàng giả vẫn tràn lan, bày bán công khai.

Việc này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó chế tài chưa đủ mạnh, mức độ xử phạt chưa đủ sức răn đe; trong lực lượng thực thi còn có những cán bộ né tránh, thậm chí làm ngơ tiếp tay, “bảo kê” cho buôn bán và sản xuất hàng giả…”, ông Hùng nói.

Cũng bàn về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó ban Chỉ đạo 127 TP Hà Nội (Ban Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại TP Hà Nội) cho hay: Mỗi năm, các lực lượng chức năng bắt hàng nghìn vụ hàng giả nhưng đó chỉ là “phần nổi” của “tảng băng chìm”.

Thực tế, hàng giả vẫn nhan nhản trên thị trường, làm hại người tiêu dùng, thất thu ngân sách và làm tha hóa cán bộ. Chúng ta hiện mới chống hàng giả từ “ngọn”, nghĩa là không quản lý từ việc làm hàng giả mà chỉ đợi đến khi hàng giả tràn ngập thị trường rồi mới đi truy quét.

Để xử lý vấn nạn này, theo tôi phải chỉnh đốn kỷ cương, phạt nặng các trường hợp vi phạm, đồng thời phải làm trong sạch bộ máy chống hàng giả.

Theo các cơ quan chức năng, phương thức làm giả hiện nay ngày càng tinh vi. Các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả thường tổ chức sản xuất ở những nơi hẻo lánh, khu vực ngoại thành rồi chuyển đến các điểm tiêu thụ. Việc vận chuyển, tiêu thụ thường diễn ra vào đêm khuya. Tại các nơi lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, các đối tượng thường bày bán lén lút, hoặc chỉ bày mẫu chào hàng, còn lại cất giấu tại kho bí mật. Tại các nơi ít bị kiểm tra, chúng bày bán công khai, trà trộn với hàng thật để lừa người tiêu dùng.

Thảo Phượng

Năng lượng Mới số 468

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc