Về "vụ án ma túy kinh điển" Xiêng Phênh - Vũ Xuân Trường (Kỳ 1)

13:00 | 30/11/2018

117,555 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - (PetroTimes) -  Mặc dù đã khép lại từ cách đây hơn 20 năm nhưng vụ án Xiêng Phênh - Vũ Xuân Trường vẫn được xem là một trong những chuyên án kinh điển trong lịch sử đấu tranh chống tội phạm ma túy của lực lượng công an.

Được sự chỉ đạo trực tiếp từng ngày từng giờ của lãnh đạo Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Sau gần một năm đấu tranh quyết liệt và mưu trí, công an thành phố Hà Nội mà chủ công là Đội điều tra trọng án - Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang thuộc Phòng Cảnh sát điều tra, cùng các đơn vị khác của Bộ Nội vụ, đã bóc gỡ và lôi ra ánh sáng đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia.

Đây là một chuyên án đầy khó khăn phức tạp vì một số đối tượng là cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội biên phòng biến chất đang giữ các trọng trách của một số đơn vị nghiệp vụ phòng chống ma túy. Nhưng với quyết tâm rất cao, cơ quan điều tra đã dũng cảm mưu trí tìm ra những con sâu mọt trong lực lượng công an.

PetroTimes sẽ chuyển đến bạn đọc phóng sự của nhà báo Nguyễn Như Phong đã được đăng trên chuyên đề An ninh thế giới với những tư liệu chính xác nhất, đầy đủ nhất toàn bộ hoạt động của tổ chức buôn bán vận chuyển ma túy quốc tế này và quá trình điều tra khám phá của lực lượng Công an Việt Nam.

Kỳ 1: NHỮNG LIÊN MINH MA QUỶ

Có lẽ ở tỉnh Lai Châu, Đào Xuân Xe, tuy chỉ là một anh lái xe của Đoàn 3 vận tải quá cảnh nhưng lại là người nổi tiếng hơn ai hết. Trong giới buôn bán, hắn là người dám buôn to, có kinh nghiệm đặc biệt trong buôn bán thuốc phiện. Xe là người giao thiệp rộng rãi, khá chu đáo với bạn bè, nói năng khiêm nhường và luôn tỏ ra là người biết lắng nghe. Chính vì thế, cán bộ, ngành của tỉnh lai Châu không ai không được nghe đến Xe. Dân buôn “cơm đen” nể sợ Xe vì hắn có “thâm niên” cao, quen biết nhiều, giàu có. Suốt một thời gian dài, Xe “độc lập tác chiến” - mua trực tiếp, bán trực tiếp, không qua khâu trung gian. Nhưng vào đầu năm 1989, Xe đã tìm cho mình một trợ thủ đắc lực - Vũ Xuân Trường, Trung úy Cảnh sát Hình sự - Kinh tế của Công an huyện Điện Biên.

Vào những năm cuối thập niên 80, khi nền kinh tế được mở cửa, Vũ Xuân Trường hăng hái xin được đứng ra làm kinh tế cho đơn vị. Cách làm kinh tế là đi buôn: sang Lào mua quần bò, áo phông, dép tông chở về xuôi và lại mua sợi đem bán. Trong quá trình làm “kinh tế”, do sự buông lỏng quản lý của đơn vị, Trường nhanh chóng biến chất và cũng từ đó, mà ý tưởng làm giàu lúc nào cũng ngùn ngụt bốc lên trong người y. Đi buôn bán, có tiền trong tay, Trường trở thành người có “thế lực” và có quan hệ rộng mở.

Xe và Trường gặp nhau trong vài chuyến hàng buôn chung và nhanh chóng gắn bó trong các phi vụ buôn “cơm đen”. Để dệt nên một đường dây làm ăn lâu dài và chắc chắn, Đào Xuân Xe thuyết phục Trường về Hà Nội, năm 1991. Xe ở tại Điện Biên gom thuốc phiện (và sau này là hêrôin) chuyển về Hà Nội cho Trường bán. Từ Hà Nội, Trường chuyển USD, sợi, hạt PVC lên Điện Biên cho Xe…

Sang năm 1992, đường dây đã xong, thế là Xe và Trường ào ạt đưa thuốc phiện về Hà Nội. Có những chuyến chúng tổ chức đưa tới 100kg thuốc phiện. Cung cấp hàng cho Xe là Xiêng Khăm Chăn, Xiêng Phêng, Xiêng Nhông, Xiêng Văn Đi, Xiêng Mít. Đám con buôn người Lào này cũng rất thạo trò ma giáo trong làm ăn. Một mặt chúng luôn tỏ ra trung thành với Xe, Trường, nhưng mặt khác, chúng cũng lặng lẽ tổ chức những đường dây khác.

lat lai ho so vu an ma tuy kinh dien xieng phenh vu xuan truong ky 1

Năm 1997, Xiêng Phênh ra trước vành móng ngựa trong vai trò nhân chứng.

Tới đầu năm 1993, tiền của vào như nước, Trường mở một liên minh khác - đó là cuộc sống già nhân ngãi non vợ chồng với Tạ Thị Hiển. Xuất thân từ một cô gái vùng An Lạc - Đồng Tiến, huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên, Hiển không biết nghề gì ngoài nghề đi buôn lông gà, lông vịt. Ra Hà Nội, thị chuyển nghề đi buôn hàng Lào từ trên Điện Biên về Hà Nội.

Trong một chuyến xe ngược đường Tây Bắc, Hiển, Trường gặp nhau và từ đó, Hiển trở thành người tiêu thụ hêrôin cho đường dây Trường - Xe. Trường và Hiển mua chung một ngôi nhà ở 225 phố Vọng và sống dấm dúi với nhau. Nguyễn Thị Lụa, vợ của Trường, nhiều lần nổi cơn ghen, nhưng đều bị Trường cho ăn đòn, thậm chí còn đe giết nếu xía vào chuyện làm ăn của hắn và Hiển.

Có tiền, Trường và thị Hiển lao vào ăn chơi, cờ bạc, đề đóm… Theo lời khai của một số bị can như Đào Xuân Xe, Lại Thị Ngấn, Vũ Thường Kiệt (em trai Trường), Nguyễn Trọng Thắng… thì chỉ riêng năm 1994, Trường nướng vào đề hàng tỉ đồng. Có lần Trường theo một con đầu 7 đuôi 7 hết 1 tỉ đồng và lần khác Trường cùng Hiển đánh “chung thân” con 64, đánh lô 4 triệu vị chi là 80 triệu cho một ngày. Nhưng liên tục 63 ngày, con 64 không về. Tiền kiếm được từ buôn bán ma túy không đủ cho chúng chơi bời, cờ bạc, trả lãi vay nóng và thế là Trường không thanh toán sòng phẳng các thương vụ.

Liên minh Trường - Xe tan vỡ cũng vì chuyện đó. Không muốn làm to chuyện với Trường nên Xe phải nai lưng “kéo cày” trả nợ cho Trường bằng cách vừa đi buôn ma túy vừa làm chủ đề ở Điện Biên. Theo lệnh ông anh, Vũ Thường Kiệt lên Điện Biên với nhiệm vụ là đi phụ xe cho Xe, đồng thời làm thư ký ghi đề. Ngoài ra còn có nhiệm vụ giám sát các hoạt động của Xe để báo cho Trường.

Xe thừa biết điều ấy, nên hắn tương kế tựu kế, thông qua Kiệt để cho Trường ăn tin giả. Sau khi liên minh tan vỡ và mâu thuẫn hai bên trở nên gay gắt, Xe phải bán ngôi nhà ở 65 đường Giải Phóng cho Vũ Phong Mã, Trưởng phòng Hậu cần của Công an Lai Châu vì nhà này cách nhà Trường chỉ có dăm chục mét. Ở gần nhau chỉ thêm ngứa mắt và khó làm ăn.

Với mục đích tiêu diệt Xe để độc quyền trong thị trường ma túy và dằn mặt những kẻ khác và cũng là để gây uy tín với các cơ quan phòng chống ma túy, Trường đã nhiều lần đề nghị phục bắt các chuyến hàng của Xe nhưng chưa có lần nào thành công. Trong vụ bắt Xiêng Phêng ngày 18-1-1995, chính Trường là người cùng đồng bọn là Vũ Hưu Chỉnh bài binh bố trận và nhận mặt Xiêng Phêng. Trường cũng hy vọng sau “chiến công” này, hắn sẽ được trọng dụng. Vì thế, bọn giang hồ buôn ma túy căm ghét Trường đến xương tủy nhưng lại rất sợ hắn.

Sống chung, buôn bán chung cho đến đầu năm 1996 thì Hiển nằng nặc đòi ly dị chồng để “làm lại cuộc đời” với Vũ Xuân Trường. Hoảng sợ trước người đàn bà lúc nào cũng hừng hực như quả núi lửa và lo chồng mụ ta tố cáo, Trường lẳng lặng đánh bài “ù té quyền”. Từ đó hắn đem hêrôin về nhà mình. Khi phát hiện ra là Cảnh sát Điều tra Công an Hà Nội chuẩn bị bắt Lại Thị Ngấn, Tạ Thị Hiển, Đỗ Thị Vui, Đào Xuân Xe… Trường tìm cách cứu bồ bằng kế dựng hồ sơ giả, biến Hiển thành cơ sở của mình. Hắn soạn những bản báo cáo và mang đến cho Hiển chép lại, nhưng cảnh sát điều tra đã bắt hắn đúng lúc hắn đem đến cho Đỗ Thị Vui là chị dâu Hiển. Những bản báo cáo giả đó đã lột trần bộ mặt hắn.

Trong vụ án này, Vũ Xuân Trường, Đào Xuân Xe đã thiết lập được một màng lưới vận chuyển, tiêu thụ khá rộng.

Hàng (hêrôin, thuốc phiện) nếu mua trên đất Lào thì khi qua cửa khẩu Tây Trang đã có Bùi Danh Ca. Đồn phó Đồn Biên phòng Tây Trang và Trần Ngọc Dương, Nguyễn Trọng Thắng là cán bộ dưới quyền Cha Lo đảm bảo an toàn. Giá cả được tính theo cặp hêrôin là 100 cho đến 200USD. Khi qua cửa khẩu chỉ cần thông báo số lượng là trả tiền. Hàng về tập kết ở Điện Biên rồi chuyển về Hà Nội khi thì bằng xe ôtô IFA của Công ty Xuất nhập khẩu Nam Hà - U Đôm Xay, lúc thì bằng xe do Vũ Phong Mã điều động, có lần lại do Vũ Xuân Trường dùng xe từ Hà Nội lên và đích thân chở về…

Hàng về tới Hà Nội, Trường giao cho Tạ Thị Hiển, Đỗ Thị Vui, Lại Thị Ngấn… tiêu thụ. Và để phục vụ cho những nhân vật chính này là hàng chục kẻ khác. Có người lúc đầu bị Trường lừa như Đỗ Tuấn Anh, lái xe của đặc nhiệm, nhưng sau vì trót nhận nhiều tiền của Trường nên đã trở thành kẻ cộng sự đắc lực…

Những liên minh ma quỷ này chỉ gắn bó với nhau khi có tiền và làm ăn thuận lợi. Bản thân chúng cũng tự tìm cách làm ăn riêng lẻ khi có cơ hội. Vì thế bọn Xiêng Nhông, Xiêng Văn Đi, Xiêng Khăm Chăn… nhiều lần mang hàng về Hà Nội giao cho Vui, hoặc Hiển, hoặc Xe mà Trường không hay biết và ngược lại.

Để tránh sự kiểm soát của Trường những chuyến hàng lẻ đó, chúng thường tránh đi đường Tây Trang - Điện Biên - Hà Nội mà qua các cửa khẩu như Na Mèo (Thanh Hóa), Pa Háng (Sơn La).

Khi bị bắt, chúng tìm cách chối tội và đổ lỗi cho nhau, thậm chí nói xấu và mạt sát nhau không ghê miệng.

Trong quá trình đấu tranh, bọn chúng đã phải nhận 10 vụ buôn bán ma túy. Con số này chắc chắn xa sự thật rất nhiều, nhưng chỉ qua 10 vụ này, ta sẽ thấy tội của chúng là như thế nào.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc