"Vãn" trong "than vãn" và "Ai tư vãn"

09:49 | 19/08/2013

|
Bạn đọc: Xin hỏi ông An Chi: Từ “vãn” trong “than vãn”, “ai tư vãn” có phải là khóc không? Từ này khác với từ “khốc” (khóc) như thế nào? BQH (Bình Phước)

Học giả An Chi: Trước nhất, xin nói về hai chữ “khốc” và “khóc”. “Khốc” là một yếu tố Hán Việt mà chữ Hán là [哭], có nghĩa là “khóc to thành tiếng”, khác với “khấp” [泣], nghĩa là khóc chảy nước mắt mà không thành tiếng. “Khóc” là một điệp thức của “khốc” - có thể được một số tác giả xem là một từ Hán Việt Việt hóa - nhưng trong khi “khốc” là một hình vị phụ thuộc thì “khóc” đã là một hình vị độc lập, cũng là một từ.

 Còn “vãn” trong “than vãn” và “vãn” trong “ai tư vãn” thì không phải là một. Trong “ai tư vãn” [哀思挽], một danh ngữ đặt theo cú pháp tiếng Hán, thì “vãn” là trung tâm, tức danh từ bị định ngữ mà định ngữ (bổ nghĩa) là “ai tư”. Ở đây, “vãn” có nghĩa là bài văn  hoặc lời nói bày tỏ lòng tiếc thương đối với người quá cố. Vậy thì dĩ nhiên là nó không có liên quan gì với “khốc” (là khóc thành tiếng) trong toàn bộ cái nghĩa của từ này cả vì tuy người ta có khóc thương người chết trong bài vãn nhưng đây chỉ là một phần của nội dung mà thôi. Với nghĩa gốc trên đây của nó, “vãn” đã được dùng theo hoán dụ để chỉ cái vật thể bằng giấy, bằng lụa, bằng nhung, v.v... trên đó có ghi lời ai điếu của người đi viếng tang. Nghĩa hoán dụ này đã biến “vãn” thành một đơn vị độc lập trong từ vựng của tiếng Việt miền Nam, như đã được ghi nhận trong Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của: “Vãn. Lời than tiếc, viết vào vải trắng mà đưa kẻ chết.” Màu trắng mà Huình-Tịnh Paulus Của nói đến chỉ là màu cổ truyền chứ bây giờ không thiếu gì những bức vãn bằng nhung đen thêu hoa văn, trên đó có những chữ như “Vãng sinh cực lạc”, chẳng hạn.

Nhưng “vãn” trong “than vãn” thì khác. Đây là một động từ,  đi đôi với động từ “than” thành từ tổ động từ đẳng lập “than vãn”. Xin nhớ rằng danh từ và động từ là hai từ loại đối lập với nhau cho nên ta dứt khoát không thể nhập từ “vãn” này làm một với từ “vãn” ở phần trên. Ở đây, nó chỉ có thể là một với “vãn” trong “chuyện vãn” và “ve vãn” mà thôi. Đây là một yếu tố Hán Việt, chữ Hán là [挽] (cũng viết thành [輓]), mà Đương đại Hán ngữ từ điển của nhóm Lý Quốc Viêm (Thượng Hải từ thư xuất bản xã, 2001) giảng là “ai điệu tử giả [哀悼死者] (xót thương người chết). Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh giảng là “điếu người chết”. Tại chữ [輓], Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giảng: “Vãn ca (là) tiếng họa lại của kẻ cầm phất đi kèm xe tang, vì thế nên đời sau gọi viếng người chết là vãn”. Đây là nói riêng về nghĩa của “vãn” trong “than vãn” còn chính từ tổ động từ “than vãn” thì chỉ là một biến thể ngữ âm “nhẹ nhàng” của hai chữ Hán “thán vãn” [嘆挽Â] mà thôi. Chữ “vãn” thì vẫn y chang còn “thán” lại biến thành “than” nhưng chuyện “sắc sắc không không” này (thanh 5 →  thanh 1 [không dấu]) trong lĩnh vực từ nguyên Hán Việt là chuyện bình thường. Ngay sát sườn thì nó có một trường hợp đồng dạng từ nguyên học là chữ “thán” [炭] trong “đồ thán” [涂炭] cũng đã biến thành “than” trong “lầm than” (“lầm” [= bùn] chính là nghĩa của chữ “đồ” [涂]). Và dĩ nhiên là ta còn có nhiều trường hợp khác: – cấm (khẩu) → câm (miệng); – (cân) đái → (cân) đai; – đối (một cặp) →  đôi (lứa); – đống [凍] → đông (lạnh); – háo [耗]→ hao (mòn); – (thống) kế → (thống) kê; – (ly) tán → (lìa) tan; v.v...

Nhưng tại sao “vãn” trong “than vãn” lại có thể là một với “vãn” trong “chuyện vãn” và “ve vãn”? Sự thể có thể được giải thích như sau. Ngoài hai từ tổ sau cùng này, quyển Tự vị Annam Latinh (1772-1773) của Pierre Pigneaux de Béhaine còn ghi nhận cho ta thêm một từ tổ động từ khác nữa là “ca vãn” và đối dịch là “canere” (ca, hát). Với các cấu trúc đẳng lập như thế, ta hoàn toàn có quyền suy luận rằng từ “vãn” đã từng hành chức như một động từ, dĩ nhiên với nghĩa đã thấy là bày tỏ lòng thương xót đối với người đã khuất. Động từ này có một từ đồng nghĩa là “kể”, vẫn còn tồn tại trong Nam cho đến nhiều năm gần đây và được Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức giảng là “vừa khóc vừa nhắc lại những nỗi-niềm thương - tiếc”. Bây giờ thì hiện tượng “kể” gần như đã đi vào cõi tuyệt tích chứ ai được sống cách đây từ nửa thế kỷ trở lên, khi nó không chỉ là một phản ứng mang tính cá nhân trước cái chết của người thân, mà còn gần như là một tục lệ, thì sẽ thấy “kể” có nhiều cung bậc sống động đầy kịch tính, khi trỗi lên, lúc lắng xuống, khi chậm, lúc nhanh v.v… khiến người ta có thể liên tưởng đến khái niệm “âm nhạc”. Đây chính là tiền đề ngầm cho sự xuất hiện của từ tổ đẳng lập “ca vãn” (“ca” và “vãn” cùng một trường nghĩa). Và khi người ta “kể” thì người ta hướng về người chết, coi như mình đang nói chuyện với người chết cho nên đây là tiền đề cho sự xuất hiện của từ tổ đẳng lập “chuyện vãn”. Cuối cùng thì sự “chuyện vãn” thân mật, có thật lòng hay không không biết, để chiếm lấy trái tim hay thân xác của một cô gái, đã đưa đến sự ra đời của tổ hợp đẳng lập “ve vãn”.

A.C